Quan niệm về thuyết Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo

Một phần của tài liệu Đạo đức phật giáo và vai trò của nó đối với việc giáo dục (Trang 35 - 41)

CHƯƠNG 1: ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT

1.2. Những nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo

1.2.3. Quan niệm về thuyết Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo

Nhân quả theo tiếng Phạn ngữ là Pratitya – Samút – Panda, có nghĩa là duyên khởi. Nhân được hiểu là nguyên nhân, là nguồn gốc sinh ra cái khác.

Quả là kết quả, là cái được tạo ra bởi một cái nhân. Duyên là chỉ những điều kiện, hay những vật có vai trò trợ giúp, tạo điều kiện để vật này sinh ra vật khác. Hay nói cách khác, duyên chính là tập hợp những điều kiện tương quan, liên hệ giữa nhân và quả, quả với nhân, tạo nên sự biến hóa vô thường.

Theo đạo Phật, thuyết Nhân quả là mối liên hệ mật thiết của vạn vật.

Mọi sự vật, hiện tượng sinh ra trong vũ trụ đều chịu sự tác động của luật nhân quả, đều có mối liên hệ với nhau, không có bất cứ sự vật nào có thể tồn tại một cách độc lập với sự vật khác. Luật Nhân quả không bị ràng buộc bởi thời gian, có nhân quả tạo thành trong kiếp này, có nhân quả phải đợi đến kiếp sau mới thành quả.

Luật Nhân quả được giải thích một cách chặt chẽ thông qua “Thập nhị nhân duyên”. Như đã nói ở trên, duyên chính là điều kiện cho nhân thành quả.

Thập nhị nhân duyên là mười hai điều kiện quan hệ với nhau để hình thành một chúng sinh hữu tình. Mười hai nhân duyên bao gồm: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử. Trong giáo lý Phật giáo, thuyết Thập nhị nhân duyên là một trong những thuyết quan trọng trong việc hình thành và phát triển thế giới quan của đạo Phật. Thuyết này giải thích tại sao con người lại cứ phải xoay chuyển trong vòng luân hồi sinh tử. Từ đó giúp con người định hướng trong suy nghĩ và hành động để điều khiển thân, tâm làm lành, tránh ác.

Mười hai nhân duyên của luân hồi là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác, trong một đời cũng như trong nhiều đời. Mười hai nhân duyên đó là vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử.

Ý nghĩa của 12 nhân duyên

1. Vô minh: Vô minh là không sáng suốt, là mê lầm, không nhận được bản tính duyên khởi chân thật. Do vô minh, nên không biết đúng và đủ về tất cả các sự vật, hiện tượng và các mối quan hệ xung quanh. Vô minh là nguồn gốc gây nên mọi tội lỗi, làm cho chúng ta đau khổ.

2. Hành: là hành động, vì có vô minh mới gây ra sự chuyển dịch thành hành động, hành là tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng, nó làm cho chúng sinh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp, rồi về sau chịu quả báo.

3. Thức: Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác.

4. Danh sắc: Các thức theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc. Sắc bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh. Danh bao gồm những cái

không có hình tướng, như cái sự hay biết, nói một cách khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào thì hiện ra thâm tâm và cảnh giới của nghiệp ấy.

5. Lục nhập: Khi sự sống được hình thành thì sáu giác quan (căn) được hình thành, đó là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý). Mỗi căn sẽ tương ứng với một trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi sáu giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh nạp thanh trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân căn lãnh nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần.

6. Xúc: Do những lãnh nạp như thế, mà các trần ảnh hưởng đến tâm hay biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc.

7. Thọ: Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ là khổ thọ, lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ.

8. Ái: Do các thọ đó mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết.

9. Thủ: Do tâm gắn bó với thân, với cảnh nên không thấy được sự thật như huyễn, như hóa, mà còn kết hợp được những ảnh tượng rời rạc đã nhận được nơi hiện tại thành những sự tướng có định, rồi từ đó chấp mọi sự vật đều có thật, sự chấp trước như thế, gọi là thủ.

10. Hữu: Do tâm chấp trước nên những sự vật như huyễn, như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu.

11. Sinh: Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tánh, nên nhận lầm thật có sinh sống.

12. Lão tử: Lão tử là già rồi chết. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết.

Trong mười hai nhân duyên thì nguyên nhân căn bản của luân hồi, tức là vô minh và nguyên nhân của tất cả sự chuyển biến trong luân hồi. Chỉ khi

nào diệt trừ được vô minh, thì mới giác ngộ, chỉ khi nào diệt trừ được hành, thì mới hết sinh diệt.

Luật Nhân quả có biểu hiện rất phức tạp. Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều quả nhưng cũng có quả do nhiều nguyên nhân gây ra. Có cái được gọi là nhân nhưng thực chất lại là duyên để tạo thành quả. Đồng thời, luật Nhân quả không bị ràng buộc vào thời gian, có nhân tạo thành quả ngay trong kiếp này, có nhân phải đợi đến kiếp sau, kiếp sau nữa mới thành quả. Sự chuyển hóa nhanh, chậm từ nhân sang quả còn phụ thuộc vào duyên.

Nhà Phật có nói: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến kết quả của nó”. Con người chúng ta làm việc đôi khi do bản năng, tính háo thắng hoặc thiếu suy nghĩ mà không lường trước những hậu quả của nó. Phần lớn những sự thất bại trong công việc đều do những yếu tố chủ quan trên mà ra. Vì vậy, áp dụng đạo lý nhân quả vào các công việc xã hội, chúng ta sẽ có được những thành công trong lao động. Người hiểu luật Nhân quả sẽ không cho phép mình suy nghĩ, nói năng và làm việc xấu. Nếu mọi người ai cũng được vậy thì đất nước sẽ văn minh, xã hội có văn hoá, gia đình sẽ hạnh phúc.

Vì thế, giáo dục con người biết suy nghĩ tốt, làm việc lành là một nhiệm vụ cao cả và thiết yếu. Những ai có niềm tin về nhân quả, thiện ác, dĩ nhiên khi suy nghĩ, nói năng hay hành động gì đều phải có thái độ thận trọng.

Gắn liền chặt chẽ và không tách rời thuyết Nhân quả chính là thuyết Ngiệp báo, Luân hồi. Hai thuyết này được coi là nền móng của đạo đức học Phật giáo. Nghiệp báo chính là hệ luận của Luân hồi và ngược lại Luân hồi là hệ luận của Nghiệp báo. Hai thuyết này luôn bổ sung và gắn bó mật thiết với nhau. Nếu như con người thấu hiểu và thấm nhuần những giáo lý này thì họ sẽ có một lối sống lành mạnh, luôn hướng tới điều thiện để tích công đức cho bản thân và những người thân trong gia đình.

Nghiệp (Karma) là hành động chịu ảnh hưởng của “Luật Nhân Quả”.

Mỗi một hành động làm ra gọi là nguyên nhân, đều có một hậu quả tương ứng và hậu quả sẽ trở thành nguyên nhân cho một hậu quả kế tiếp. Nghiệp có liên

hệ với luật duyên khởi. Chúng ta gây nhân nào thì gặt quả nấy, như tục ngữ có câu: Trồng cây nào thì gặt quả nấy. Nghiệp là luật công bằng cho tất cả mọi người, mọi loài trên đời, bản thân mình tạo ra cái gì thì sẽ hưởng lại cái đó. Ai làm điều tốt, giúp đỡ người khác thì sẽ được hưởng phước, trái lại nếu làm điều ác, gây tội lỗi thì sẽ phải chịu tội. Mặc dù Nghiệp báo là một định luật rất nghiêm ngặt nhưng nó cũng biến chuyển vô cùng linh hoạt. Một người nếu như ở kiếp trước tạo ra nhiều nghiệp ác, nhưng kiếp này lại làm được nhiều điều thiện thì nghiệp có thể đổi chiều.

Theo đạo Phật, không phải hành động nào cũng là đều là nghiệp. Nghiệp chỉ được tạo ra nếu có một sự chủ ý. Một hành động có chủ ý được tạo bởi thân, khẩu và ý; hành động này sẽ gây nên một hậu quả trong tương lai. Sự chủ đó có thể là thiện / tốt hoặc có thể là ác / xấu hoặc có thể là trung tính / không thiện và không ác.

Nghiệp không do Trời, Thượng đế hay bất cứ đấng siêu nhiên nào (như trong Thuyết đinh mệnh đề cập đến) tạo ra mà nghiệp chính là do chính mỗi cá nhân của một người tạo ra. Con người tự quyết định lấy chính cuộc sống của mình. Số phận con người do chính con người định đoạt thông qua việc cố gắng trau dồi những tư tưởng, lời nói và hành động tốt đẹp.

Nghiệp được chia thành 4 loại:

1. Nặng tội nghiệp : đây là nghiệp gây ra các tội ác nặng nề như giết người, hãm hại người khác một cách tàn nhẫn . . .

2. Tập quán nghiệp: đây là nghiệp gây ra do các thói quen tạo thành.

3. Tích lũy nghiệp: đây là các nghiệp được tích lũy, được chứa đựng từ các hành động trong cuộc sống hằng ngày.

4. Cận tử nghiệp: đây là nghiệp tạo ra lúc sắp chết, nghiệp ở giữa sự sống và sự chết, nghiệp di chuyển từ đời sống này qua đời sống khác.

Nhiều người có quan niệm sai lầm khi cho rằng nghiệp là định mệnh, là số phận đã được sắp đặt sẵn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên thì nghiệp không phải là định mệnh, không do Thượng đế tạo ra để ban thưởng hay trừng phạt con người. Nhìn vào thực tế cuộc sống hằng ngày, nhiều người nêu lên sự

nghịch lý, đó là: có những kẻ tàn ác, lười biếng mà vẫn giàu có, vẫn được sống bình an, sung sướng; còn có nhiều người ăn ở hiền lành, luôn tu nhân tích đức thì lại phải chịu cảnh nghèo túng, bất hạnh. Lý giải điều này, Phật giáo Đại thừa cho rằng Nghiệp hay luật nhân quả tạo ra nghiệp nhân và nghiệp quả, có thể chia ra làm 2 hình thức:

- Thứ nhất là nhân quả đồng thời: có nghĩa là nhân sinh ra quả ngay lập tức, hoặc có một khoảng cách thời gian ngắn mà người đời có thể thấy ngay được: “Quả báo nhãn tiền”

- Thứ hai là nhân quả khác thời: Nhân có thể tạo nên quả cần có một khoảng thời gian dài hơn. Hình thức này có thể chia làm 3 loại:

1. Hiện báo: tạo nghiệp nhân đời này thì lãnh quả báo ngay trong đời này.

2. Sinh báo: tạo nghiệp nhân đời này thì đến đời sau mới lãnh nghiệp quả.

3. Hậu báo: tạo nghiệp nhân trong đời này thì đến nhiều đời sau mới lãnh nghiệp quả.

Theo quan niệm Phật giáo, “nghiệp” là do chủ ý đạo đức nên nghiệp trong đời sống hiện tại có thể hướng đến điều thiện tức là con người có thể chuyển đổi nghiệp để thay đổi hoàn cảnh sống của mình. Giáo lý nhân quả của Phật giáo dạy con người xa lánh các “nghiệp ác” và làm các “nghiệp thiện”. Con người vừa là chủ nhân của nghiệp, lại vừa là “kẻ thừa kế” của nghiệp do chính mình đã tạo ra. Con người không chỉ chịu trách nhiệm về nghiệp do chính mình tạo ra cho mình mà còn chịu trách nhiệm về nghiệp mà mình tạo ra cho người khác.

Song song với thuyết Nghiệp báo là thuyết Luân hồi. Luân nghĩa là bánh xe, hồi là lăn tròn. Như vậy, luân hồi có nghĩa là một sự sống luôn luôn chuyển động và nối tiếp nhau như chiếc bánh xe quay từ quá khứ đến hiện tại và sau đó đến tương lai. Theo quan niệm Phật giáo, Luân hồi là Samsa, diễn tả một chuỗi Nghiệp báo hay một tràng Nhân – quả chuyển động và nối tiếp nhau. Con người khi chết đi coi như là đã trả xong nghiệp báo, người ở kiếp

sau sẽ không còn là người ở kiếp trước, nhưng nếu như không có người ở kiếp trước thì sẽ không thể có người kiếp sau.

Ai hiểu được thuyết luân hồi của Đức Phật thì cuộc sống sẽ trở nên bình thản và an nhiên, giàu có cũng không tự cao, tự đại, hay nghèo khổ cũng không than trách hay đổ lỗi cho ai. Biết rõ lý do luân hồi tự nhiên, con người sẽ không oán giận, thù ghét ai, luôn phấn đấu làm điều thiện để thay đổi số phận của mình ở kiếp sống tương lai.

Một phần của tài liệu Đạo đức phật giáo và vai trò của nó đối với việc giáo dục (Trang 35 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)