CHƯƠNG 1: ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT
1.3. Đánh giá chung về đạo đức Phật giáo
Xét về tổng thể, có thể thấy đạo đức Phật giáo là một hệ thống đạo đức xuất thế và có khuynh hướng vô thần. Thông qua hệ thống giáo lý của mình, Phật giáo đã giáo dục con người tinh thần từ, bi, hỉ, xả, vô ngã, vị tha, khuyến khích con người phát huy tối đa tính tự giác, tự tại của nội tâm cá nhân, tiến tới hoàn thiện bản thân mình. Điểm mạnh của Phật giáo là ở chỗ khẳng định con người có thể tự quyết định lấy cuộc đời của chính mình, mà không hề lệ thuộc vào bất kì một đấng siêu nhiên nào.
Giá trị nổi bật nhất của đạo đức Phật giáo chính là tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Trong giáo lý đạo Phật, con người luôn có vị trí quan trọng nhất, đây là điểm rất tiến bộ của đạo Phật so với các tôn giáo khác. Tính nhân văn cao cả của đạo đức Phật giáo được thể hiện ở lòng yêu thương con người và mục đích hướng tới hạnh phúc của con người. Những tư tưởng về thế giới quan, nhân sinh quan của Phật giáo mang một ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với con người. Nó hướng con người tới một lối sống trong sạch, lành mạnh, vị tha, khoan dung, khơi dậy tình đoàn kết, tương thân tương ái. Thực tế đã cho thấy, đạo đức Phật giáo phù hợp với những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam và nó đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức mới cho xã hội trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống đã được đặt ra. Tính hướng thiện của đạo Phật được xem là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo, đồng thời, những tư tưởng về bình
đẳng trong Phật giáo cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng hòa đồng liên kết giữa các dân tộc trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Những chuẩn mực đạo đức cơ bản mà đạo đức Phật giáo nêu ra trong Ngũ giới, Thập thiện đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì nếp sống đạo đức trong sáng, lành mạnh trong xã hội. Những chuẩn mực được đề cập đến không chỉ có ý nghĩa nuôi dưỡng lòng từ bi, nhân đạo ở mỗi cá nhân mà còn hướng tới việc xây dựng một xã hội đạo đức, ổn định. Một mặt, Ngũ giới có tác dụng ngăn ngừa những mầm mống nguy hại đến tư cách đạo đức con người, mặt khác lại khơi gợi những hành vi tốt phát triển. Có thể thấy, Ngũ giới bao hàm đầy đủ, toàn diện ba mặt “thể dục, trí dục, đức dục” trong việc hình thành nhân cách con người.
Luật Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi thì có tác dụng trực tiếp là lời khuyên con người làm thiện tránh ác, vì gieo nhân nào gặp quả nấy, thiện giả thiện báo, ác giả ác báo. Nó không chỉ có ý nghĩa nhất định trong việc cổ vũ con người hướng thiện mà còn là sự cảnh báo về những hành vi vi phạm đạo đức của con người. Thuyết Nhân quả của Phật giáo đã chỉ ra rằng: con người tự chịu trách nhiệm về hạnh phúc hay khổ đau bằng hành vi của chính mình chứ không phải do may rủi, định mệnh hay thần linh trừng phạt. Thuyết này khẳng định con người có thể làm chủ được cuộc sống của mình và đặt con người vào đúng vị trí, vai trò của nó trong xã hội. Nó nhấn mạnh vào trách nhiệm của từng cá nhân đối với các hành vi đạo đức, con người vì sợ quả báo, sợ bị đầy xuống địa ngục nên họ cố gắng làm thiện, tránh ác, tu nhân tích đức.
Điều này góp phần hoàn thiện đạo đức cho từng cá nhân cũng như có lợi cho việc xây dựng một nền đạo đức tốt đẹp trong xã hội. Bên cạnh đó, thuyết Luân hồi của nhà Phật còn giúp con người hiểu được rằng họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình kể cả sau khi chết vì chết theo quan niệm của đạo Phật mới chỉ là chấm dứt một kiếp sống mà thôi. Trên thực tế, quan niệm này sẽ có tác dụng hạn chế được lối sống buông thả, ích kỷ, đề cao cá nhân, dẫn đến tham lam, tàn bạo, bất chấp đạo lý để thỏa mãn dục vọng cá nhân.
1.3.2. Hạn chế của đạo đức Phật giáo
Bên cạnh những giá trị tích cực, đạo đức Phật giáo còn bộc lộ một số mặt hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức đạo đức của con người. Trong đó hạn chế lớn nhất cần phải nhắc đến đó là các quan điểm duy tâm thần bí mang tính chất hư ảo. Đạo đức Phật giáo là một tôn giáo vô thần với tính nhân đạo sâu sắc, song các yếu tố duy tâm thần bí vẫn còn rất nhiều. Điều này khiến cho đạo Phật trở nên thiếu thực tế, không gắn kết chặt chẽ với đời sống thực tại. Có thể nói, đạo đức Phật giáo là đạo đức phi hành động, phi giai cấp, phi lịch sử. Phật giáo coi xã hội chỉ là một tập hợp những cá nhân khác nhau về đạo đức, nhưng không loại trừ nhau về giai cấp. Phật giáo không quan niệm con người như sự tồn tại của các thành viên của một quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế hay chính trị mà chỉ đơn thuần là quan hệ đạo đức thiện - ác. Đạo đức Phật giáo tuy phát triển nhưng đó chỉ là đạo đức cá nhân, chứ chưa đạt tới đạo đức xã hội. Nó đã tách dục vọng của con người ra khỏi điều kiện thực tiễn của con người xã hội. Phật giáo khuyên con người sống nhân ái, vị tha, xóa bỏ hận thù nhằm phát triển trí tuệ. Song, tôn giáo này lại lảng tránh sự đấu tranh, lảng tránh một thực tại là sự đối lập về điều kiện sống của những người bị áp bức và những kẻ áp bức mà đưa ra cho con người một nơi trốn tránh về mặt tinh thần để xoa dịu mọi cơn đau, đó là Niết bàn.
Bởi vì quá nhấn mạnh đến việc hoàn thiện đạo đức nên Phật giáo đã bỏ quên những vai trò, giá trị của các hoạt động vật chất và những quan hệ hiện thực của con người. Bên cạnh ý nghĩa giáo dục, hướng con người tới một cuộc sống thanh cao, vượt qua những ham muốn vật chất tầm thường, Phật giáo lại có phần tiêu cực ở chỗ là đã thủ tiêu sức sống và hành động của con người, không khuyến khích con người nâng cao đời sống vật chất và phát triển khoa học kĩ thuật lại khuyên “thiểu dục, tri túc” (bớt ham muốn, biết đủ).
Điều này lại hoàn toàn ngược với những mục tiêu mà công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay đang đặt ra, đó là cần những con người năng động, dám nghĩ, dám làm, có ước mơ, hoài bão.
Thuyết Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi trong đạo đức Phật giáo cũng còn tồn tại những mặt tiêu cực. Nó tạo cho con người suy nghĩ là mình khổ bởi vì mình đang phải chịu nghiệp báo từ kiếp trước. Chính suy nghĩ này khiến con người hình thành lối sống cam chịu, nhẫn nhục. Điều này cũng đã bị giai cấp thống trị và bọn xâm lược lợi dụng để ru ngủ và làm suy giảm ý thức đấu tranh trong quần chúng nhân dân. Các lý thuyết về Nghiệp, Luân hồi, Niết bàn đã lôi kéo con người ra khỏi những hoạt động thực tiễn lâu dài, tách con người khỏi cuộc sống đời thường để thu mình vào cuộc sống tu tập.
Hệ thống tri thức và nghi lễ Phật giáo còn mang nhiều yếu tố huyền bí, nặng về tin tưởng ở quyền năng và phép nhiệm màu siêu nhiên. Đây chính là cơ sở dẫn con người đến chỗ mù quáng, tạo nên sự mê tín dị đoan trong xã hội. Đa số những người đi chùa hiện nay đều không có đủ tri thức về Phật giáo, hầu hết những người theo đạo Phật đều hi vọng và tin tưởng vào sự cứu giúp, trợ lực của các đấng linh thiêng. Điều này là đi ngược hoàn toàn với quan niệm vô thần của Phật giáo. Và cũng từ đây, bọn xấu sẽ có cơ hội lợi dụng niềm tin sai lầm của các tín đồ đạo Phật mà đưa vào các sinh hoạt tín ngưỡng thêm nhiều điều mê tín với mục đích thu lợi cá nhân. Điển hình là các hoạt động đốt nhiều vàng mã, thỉnh vong, giải nghiệp…
Tiểu kết chương 1
Với những phạm trù cơ bản: Thiện – Ác, Từ bi, Ngũ giới, thuyết Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi, Phật giáo đã xây dựng nên một hệ thống đạo đức hoàn chỉnh từ nhận thức, lý luận cho đến thực hành. Đạo đức Phật giáo có tác dụng khuyến thiện, trừ ác, giáo dục cho con người tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Đồng thời còn khuyến khích con người phát huy tối đa tính tự giác của nội tâm cá nhân, tiến đến hoàn thiện bản thân mình. Nhờ thông suốt các giáo lý Phật giáo, con người có thể tự quyết định cuộc đời của mình mà không phải lệ thuộc vào bất cứ ai hay một đấng siêu nhiên nào.
Đạo đức Phật giáo mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với các chuẩn đạo đức truyền thống cũng như những giá trị đạo đức hiện đại, vì thế mà nó được đại đa số người dân tin và thực hành theo, một trong số đó là tầng lớp thanh niên – những chủ nhân tương lai của đất nước. Với những giá trị tích cực của mình, đạo đức Phật giáo đã tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho giới trẻ, giúp họ có được hành trang vững vàng không chỉ về tri thức mà còn cả về ý thức đạo đức để phát triển nhân cách một cách toàn diện nhất.