Vài nét về thực trạng đạo đức của thanh niên Việt Nam hiện nay và những yêu cầu đặt ra đối với việc giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Đạo đức phật giáo và vai trò của nó đối với việc giáo dục (Trang 49 - 56)

CHƯƠNG 2: VAI TRÒ CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO THANH NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

2.1. Vài nét về thực trạng đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra

2.1.2. Vài nét về thực trạng đạo đức của thanh niên Việt Nam hiện nay và những yêu cầu đặt ra đối với việc giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay

Ở bất kì thời kì nào, thanh niên luôn là một lực lượng giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống lao động, sản xuất, là những người trực tiếp góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập thì vai trò của thanh niên là càng trở nên quan trọng hơn bảo giờ hết. Nhìn chung, thanh niên Việt Nam ngày nay vẫn giữ gìn đạo đức trong sáng, phát huy bản sắc dân tộc và tiếp thu nhanh chóng các giá trị văn hóa tiên

tiến của thế giới. Đa số thanh niên vẫn phát huy tốt các giá trị đạo đức truyền thống như làm đạo hiếu với cha mẹ, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân, biết kính trên nhường dưới…

Bên cạnh sự kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, những phẩm chất giá trị đạo đức mới cũng đang hình thành một cách rõ nét trong đại bộ phận thanh niên Việt Nam. Là thế hệ trẻ năng động, tích cực, thanh niên có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận những yêu cầu của xã hội hiện đại. Thanh niên Việt Nam ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Đa số bộ phận thanh niên đã tự nhận thức được đúng đắn những nhiệm vụ mà bản thân mình cần thực hiện để góp sức vào xây dựng thành công mục tiêu

“Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Từ đó, thanh niên đã xác định được nghĩa vụ của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội.

Đảng ta đã nhận định: “Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước là đã xây dựng được thế hệ thanh niên thời kỳ mới có đạo đức, có nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; không ngại khó khăn gian khổ, tình nguyện vì cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú, môi trường sống an toàn…”[2]

Để đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra, hầu hết thanh niên đã chủ động phát huy tinh thần tự giác, vận dụng hiệu quả năng lực và khả năng sáng tạo nhằm chiếm lĩnh những thành quả mới. Trong những năm gần đây, nước ta liên tục xuất hiện những tài năng trẻ, đó là những thanh niên có năng lực, năng động và khả năng sáng tạo, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để khẳng định bản thân, góp

phần đưa đất nước phát triển hơn. Bên cạnh đó, các chương trình về tìm kiếm tài năng, khởi nghiệp…được đông đảo thanh niên hưởng ứng tham gia. Đặc biệt, trong các hoạt động xã hội, hoạt động nhân đạo, thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt. Số lượng các hoạt động, phong trào ngày càng tăng, thu hút được nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia như: phong trào “Thanh niên tình nguyện thực hiện chương trình trọng điểm quốc gia”, “Thanh niên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc”, chiến dịch “Mùa hè xanh”, các hoạt động hiến máu nhân đạo, quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng,...Thông qua những hoạt động này, thanh niên hình thành được những chuẩn mực giá trị đạo đức cao đẹp, ý thức và thói quen công dân, trách nhiệm cộng đồng trong xã hội văn minh hiện đại, củng cố và xây dựng lòng nhân ái và tinh thần xung phong tình nguyện, ý thức chia sẻ, tinh thần tương thân tương ái.

Trong xu thế đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước hội nhập với thế giới, Việt Nam chịu sự tác động không nhỏ của các luồng văn hóa ngoại lai, trong đó có cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Những yếu tố này có ảnh hưởng không hề nhỏ đến nền đạo đức xã hội nói chung và đặc biệt là thế hệ thanh niên nói riêng. Bên cạnh bộ phận thanh niên chủ động, tích cực, biết lựa chọn tiếp thu các yếu tố văn hóa tích cực từ bên ngoài thì vẫn còn một số những thanh niên không có lập trường, đã bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực, dẫn đến suy thoái về mặt đạo đức, gây tác động xấu cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Đề cập đến những hạn chế của thanh niên hiện nay, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ rằng thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, bên cạnh những ưu điểm đang có những biểu hiện phức tạp và những chiều hướng phát triển đáng lo ngại.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường có tác động hai mặt lên ý thức đạo đức của tầng lớp thanh niên Việt Nam hiện nay. Một mặt nó thúc đẩy sự hình thành và phát triển các phẩm chất đạo đức mới như chủ động, năng động, sáng tạo, tự chủ, tự giác ở thanh niên. Mặt khác, nền kinh tế thị trường

cũng đã tạo ra những tác động tiêu cực, gây ra những quan niệm và hành vi đạo đức lệch lạc ở một bộ phận thanh niên. Cụ thể, những nhu cầu về lợi ích kinh tế đã làm cho thanh niên chạy theo lối sống thực dụng, coi trọng chủ nghĩa cá nhân, chỉ quan tâm đến lợi ích về mặt vật chất mà coi nhẹ các giá trị về mặt tinh thần, chỉ đề cao lợi ích cá nhân mà coi nhẹ lợi ích của tập thể, cộng đồng. Chỉ vì chạy theo đồng tiền mà nhiều thanh niên đã tham gia vào các hoạt động phi pháp như buôn lậu, trốn thuế, lừa đảo, sản xuất hàng giả, hàng nhái,…Bên cạnh đó, thực trạng thanh niên sa ngã vào các tệ nạn xã hội đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại mà cả xã hội quan tâm. Số lượng thanh niên nghiện ma túy, nhiễm HIV hay tham gia hoạt động mại dâm đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của xã hội, làm suy thoái giống nòi và gây lãng phí lực lượng lao động.

Đối lập với những thanh niên sống có đạo đức, lý tưởng cao đẹp là không ít những thanh niên trẻ sống thiếu lí tưởng, thiếu ý thức trong việc chấp hành pháp luật, ít quan tâm đến tình hình đất nước, sống thực dụng và xa rời các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Một bộ phận thanh niên còn mơ hồ về lý tưởng cách mạng, không có mục đích sống rõ ràng, thiếu sự chủ động, ngại tham gia các hoạt động xã hội, ý chí phấn đấu chưa cao, thờ ơ với cái chung của đất nước, của tập thể. Họ chưa nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mặt khác, họ cũng chưa thấy rõ được âm mưu “ diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, luôn chủ quan, không đánh giá hết được những nguy cơ tiềm ẩn. Nhiều thanh niên có suy nghĩ không chín chắn, bồng bột, bị người khác xúi giục nên đã có những thái độ, hành vi chống đối, đi ngược lại với các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Một số thanh niên là sinh viên còn chưa có ý thức trau dồi tri thức, có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế, thiếu trung thực trong học tập và gian lận trong thi cử. Vẫn còn một bộ phận nhỏ chỉ đòi quyền hưởng thụ, không nghĩ đến nghĩa vụ và trách nhiệm cống hiến, chưa tích cực

học tập và rèn luyện, ý thức chuẩn bị cho ngày mai lập nghiệp chưa cao. Một số ít sinh viên ở một số trường còn biểu hiện lối sống thiếu trung thực, đua đòi, ăn diện, xa hoa, lãng phí.

Như vậy, thực trạng đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay tồn tại cả những mặt tích cực và tiêu cực. Trước tình hình đó, chúng ta cần phải xây dựng một nền đạo đức mới cho thanh niên Việt Nam. Nền đạo đức đó vừa phải có sự kế thừa và kết tinh những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, trong đó có đạo đức Phật giáo, mặt khác phải đáp ứng được những yêu cầu của đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo tôi, vấn đề giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay đang đặt ra một số yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, cần phải thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, xây dựng lý tưởng đạo đức cho một thế hệ thanh niên nhằm đáp ứng yêu cầu của đổi mới.

Hiện nay, vấn đề giáo dục đạo đức cho thanh niên vẫn chưa được chú trọng và quan tâm thường xuyên. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, nước ta cần có những thế hệ thanh niên có đạo đức, dám xả thân vì nghĩa lớn, có tài năng và lối sống lành mạnh. Thanh niên chính là người tạo ra sức mạnh của thời đại, cái tạo nên sức mạnh của thanh niên thì không có gì khác ngoài lý tưởng của họ. Việc tăng cường giáo dục đạo đức cho thanh niên sẽ giúp họ có thể nhận thức được những giá trị đạo đức cần thiết như tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, đức tính cần cù, vị tha, trung thực,…Thông qua những nhận thức đó, thanh niên sẽ hình thành những ý thức và hành vi đạo đức tích cực, hoàn thiện nhân cách cá nhân và điều chỉnh được các mối quan hệ xã hội.

Để có thể thực hiện và hoàn thành tốt công tác giáo dục đạo đức cho thanh niên Việt Nam hiện nay, chúng ta cần phải:

- Đề cao các giá trị, phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc trên cơ sở tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại.

- Phát huy chủ nghĩa nhân đạo, lòng bao dung, thương người vốn có trong tâm thức người Việt.

- Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động cho toàn xã hội thấy được vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của công tác giáo dục đạo đức thanh niên.

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm kịp thời cung cấp các thông tin chính thống về tình hình trong nước và thế giới cho thanh niên. Chú trọng truyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt việc tốt, đấu tranh chống diễn biến hòa bình…

- Ngăn chặn những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường như tệ nạn xã hội, tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi ích cá nhân…

- Cổ vũ thanh niên phấn đấu để xây dựng một lý tưởng sống cao đẹp, tôn trọng những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Thứ hai, cần phải tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục và rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên.

Gia đình là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của các thế hệ ông bà, tổ tiên, là môi trường đầu tiên tác động đến việc hình thành đạo đức của thanh niên. Trong mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ chính là những tấm gương về đạo đức, lối sống cho con cái noi theo. Tuy nhiên, hiện nay, vì sức ép “ cơm áo gạo tiền” khiến cho không ít các bậc phụ huynh mải mê làm việc, kiếm tiền, chỉ nghĩ đến làm giàu mà bỏ bê con cái, không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho con mà đẩy trách nhiệm này cho nhà trường và xã hội.

Chính điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều bạn học sinh, sinh viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, vi phạm pháp luật nhưng bố mẹ lại không hề hay biết, hoặc không biết cách để ngăn chặn, phòng ngừa. Để thanh niên có được một môi trường phát triển toàn diện nhất, mỗi gia đình cần phải giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp để con cháu học tập theo.

Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường trong việc giáo dục đạo đức thanh niên cũng cần phải được tăng cường. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ, dạy nghề mà còn phải là nơi để rèn đạo đức cho thanh niên. Vấn đề giáo dục lý tưởng, đạo lý làm người phải trở thành một trong những nội dung giáo dục hàng đầu được chú trọng. Nhà trường cần luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập các môn học về lý luận chính trị, đạo đức để giúp thanh niên có tri thức đúng đắn, toàn diện về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sống có văn hóa, có đạo đức, xây dựng được một lối sống trong sáng, lành mạnh, có lý tưởng và niềm tin vào con đường xây dựng và phát triển đất nước. Xây dựng trường học thực sự trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên; đồng thời cần kết hợp hài hòa giữa học chính khóa và ngoại khóa, qua đó góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội trong trường học phát huy vai trò, ảnh hưởng và tích cực tham gia quá trình giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên.

Về mặt xã hội, ngày nay, thanh niên đang sống trong thời kì kinh tế phát triển mạnh mẽ, thời đại thông tin bùng nổ và giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng. Trong môi trường đó, thanh niên đã và đang chịu tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội cần thiết phải tạo ra được những điều kiện thuận lợi để thanh niên tiếp thu những cái tốt, cái đẹp và loại bỏ những cái tiêu cực, hạn chế. Cần phải biểu dương, khen ngợi những tấm gương tốt trong lao động, rèn luyện đạo đức và phê phán những người có hành vi lệch lạc, sai trái.

Nói tóm lại, để thanh niên nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay nói chung có thể phát triển nhân cách một cách toàn diện nhất thì cần phải có sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Mối quan hệ này tạo thành một sợi dây liên kết chặt chẽ, tập hợp được các yếu tố thuận lợi nhất cho thanh niên trong quá trình học tập và rèn luyện.

Thứ ba, cần phát huy vai trò tự học tập, tự tu dưỡng và rèn luyện đạo đức của thanh niên.

Thanh niên là lớp người tràn đầy sự nhiệt tình, hăng hái và luôn sẵn sàng tiếp thu những cái mới lạ. Trước những tác động của điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, thanh niên có một môi trường thuận lợi để phát huy sự chủ động của bản thân trong quá trình hoàn thiện nhân cách.

Trước hết, mỗi thanh niên cần phải tự xác định cho mình một động cơ, nhu cầu chính đáng để phấn đấu, rèn luyện, học hỏi và vươn lên tự khẳng định bản thân. Gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là những môi trường quan trọng trong việc giúp thanh niên có được định hướng đúng đắn. Một khi đã có định hướng, thanh niên sẽ theo đó mà phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, bản thân thanh niên cần phải tự ý thức, tự xây dựng lý tưởng, hoài bão vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Trước những khó khăn, thử thách, họ phải không ngừng cố gắng thay đổi bản thân, nỗ lực để vượt qua, loại bỏ những yếu tố tiêu cực của xã hội, bài trừ những biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, tránh được những cám dỗ xấu xa.

Tự học tập, tự rèn luyện là con đường phát triển suốt đời của mỗi người. Việc phát huy vai trò chủ động, tự giác của thanh niên trong quá trình hoàn thiện bản thân là một biện pháp quan trọng giúp họ nhanh chóng trưởng thành và tiến bộ.

Một phần của tài liệu Đạo đức phật giáo và vai trò của nó đối với việc giáo dục (Trang 49 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)