CHƯƠNG 2: VAI TRÒ CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO THANH NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY
2.3. Một số khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của đạo đức Phật giáo đối với giáo dục đạo đức cho thanh niên Việt Nam hiện nay
2.3.4. Khuyến khích thanh niên tự giác tìm hiểu và tiếp thu các giá trị tốt đẹp của đạo đức Phật giáo
Thanh niên là tầng lớp trẻ, rất năng động và nhiệt tình. Họ luôn muốn tự khẳng định bản thân mình, chủ động tiếp thu những thành tựu và giá trị văn
hóa thời đại. Đạo đức Phật giáo cũng là một bộ phận quan trọng, có tác động không nhỏ đến việc hình thành nền đạo đức xã hội hiện nay. Chính vì vậy, thanh niên cần phải chủ động học hỏi và tiếp nhận các giá trị mà tôn giáo này mang lại.
Thực tế ngày nay, trong số những người đi chùa, rất nhiều người không có đủ tri thức về Phật giáo cho nên khó có thể giáo dục đạo Phật một cách tự giác, tích cực trong xã hội và gia đình. Hầu hết mọi người lên chùa thường quan tâm đến lễ vật và các ham muốn tầm thường. Do không được giáo dục đầy đủ, đúng đắn giáo lý nhà Phật, số đông thanh thiếu niên đã chạy đua theo thị hiếu của mọi người. Họ đến chùa cúng bái, thắp hương vái xin Phật, Bồ Tát phù hộ độ trì cho họ đạt được mong muốn của mình như chuyện học hành, tình cảm, sức khoẻ, vật chất... hoặc hơn nữa, họ coi đến chùa chỉ là hình thức đi chơi, giải trí với bạn bè kèm theo đó là sự thiếu nghiêm túc trong ăn mặc, đi đứng, nói năng. Như vậy, mục đích đến chùa của một bộ phận thanh niên đã đi ngược lại với điều mà giáo lý nhà Phật muốn hướng con người ta vào. Để có thể thay đổi được thực trạng này, trước hết cần phải dựa vào ý thức của chính bộ phận thanh niên này. Bản thân thanh niên cần phải chủ động tìm hiểu về Phật giáo để hiểu được đúng bản chất và mục đích mà tôn giáo này hướng đến là gì, sau đó sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp nhất.
Thanh niên cần phải tự giác tìm hiểu để nhận thức được các giá trị đạo đức Phật giáo và chủ động tìm cách tiếp thu. Một trong những cách hiệu quả nhất đó là thanh niên tự đăng kí tham gia các khóa tu tại các chùa. Những khóa tu không chỉ tạo ra môi trường lành mạnh để thanh niên giải quyết được những áp lực trong công việc, học tập mà còn là nơi giúp họ tiếp nhận những tri thức về đạo đức Phật giáo để từ đó có sự thay đổi trong suy nghĩ, hành động sao cho phù hợp với những chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Tiểu kết chương 2
Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, một mặt trái của nó vẫn còn tồn tại đó là sự suy thoái đạo đức trầm trọng của một bộ phận không nhỏ thanh niên, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của xã hội. Sự tiếp thu văn hóa một cách bừa bãi, không chọn lọc của thế hệ trẻ đã làm sai lệch, hủy hoại các giá trị đạo đức truyền thống, tạo ra một hồi chuông báo động cho toàn xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên nhằm khôi phục lại các giá trị đạo đức truyền thống và xây dựng những giá trị đạo đức phù hợp với văn hóa hiện đại, rất nhiều biện pháp đã được đưa ra, đặc biệt phải kể đến đó là việc phát huy những vai trò tích cực của đạo đức Phật giáo trong giáo dục đạo đức thanh niên. Với tư cách là một tôn giáo gần gũi, đồng hành lâu dài cùng dân tộc Việt Nam, Phật giáo có thể dễ dàng đi sâu vào tầng lớp thanh niên. Những giáo lý đạo đức của Phật giáo có đặc điểm là gắn với niềm tin tôn giáo nên thanh niên sẽ thực hiện những chuẩn mực đó một cách tự nguyện, tự giác.
Đạo đức Phật giáo góp phần hình thành niềm tin, lý tưởng đạo đức cho thanh niên, giúp thanh niên hoàn thiện đạo đức cá nhân, điều chỉnh hành vi của mình trong gia đình và trong các mối quan hệ xã hội theo hướng tích cực.
Phật giáo hướng thế hệ trẻ tới lối sống lành mạnh, biết cảm thông, chia sẻ, biết sống vì người khác, làm nhiều điều tốt cho xã hội. Đây chính là động lực to lớn thúc đẩy việc xây dựng một nền đạo đức mới phù hợp với bối cảnh đất nước hiện tại.