Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THỰC THI CHÍNH SÁCH CHỐNG BUÔN LẬU
1.1. Một số khái niệm cơ bản
Theo từ điển Tiếng Việt: Buôn lậu có ý nghĩa là buôn bán những hàng hóa trốn thuế và hàng cấm. Đây là một khái niệm kế thừa những hiểu biết xưa, nay của cụm từ này và khá phù hợp với quan niệm phổ thông hiện nay.
Từ xa xưa, trong “Quốc triều Hình luật” của triều Lê (1428 - 1788), Bộ Luật Hình sự được xem là hoàn chỉnh nhất của thể chế phong kiến Việt Nam, tội danh buôn lậu không được quy định. Mặc dù vậy “Quốc triều Hình luật”
đã quy định “những trang trại ven bờ biển mà đón tiếp thuyền buôn, ngầm dỡ hộ hàng hóa lên bờ thì bị xử biếm (cách chức), phạt gấp 3 tang vật để sung công quỹ... “Những người bán ruộng, đất ở, bờ cõi, binh khí; các thứ chất nổ có thể chế hỏa tiễn, hỏa pháo cho người nước ngoài đều phải tội chém”, “bán mắm muối ra nước ngoài thì bị xử đi Châu Xa”. Các mặt hàng cấm xuất khẩu lúc đó được quy định gồm: Ruộng đất, thuốc nổ, vũ khí, sắt, đồng, vàng, da trâu, gỗ lim, vỏ quế, trân châu, ngà voi. Những hành vi cụ thể, tách biệt nói trên trong tiềm thức xã hội đều được gộp chung lại là hiện tượng buôn lậu chứ không có tội danh buôn lậu.
Trước năm 1985, thuật ngữ “tội buôn lậu” đã được đề cập trong một số văn bản pháp luật nước ta như Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân (ngày 20 tháng 7 tháng 1962); Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép (ngày 30 tháng 6 năm 1982). Song về cơ bản tội danh “buôn lậu” lúc đó chưa được hướng dẫn, nhận diện đầy đủ với các yếu tố cấu thành và dấu hiệu pháp lý đặc trưng. Từ năm 1985, Bộ luật Hình sự ra đời (ngày 27 tháng 6 năm 1985) đã chính thức
ghi nhận tội danh buôn lậu. Tại Điều 97 của Bộ luật Hình sự, tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được quy định: “Người nào buôn bán trái phép hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm...”. Tội danh buôn lậu từ đây đã được xác định với bốn yếu tố cấu thành tội phạm (các mặt khách thể, mặt khách quan, mặt chủ thể, mặt chủ quan) và những dấu hiệu pháp lý đặc trưng.
Từ năm 1986, đất nước chuyển sang phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, tình hình buôn lậu có xu hướng gia tăng. Đến năm 1999, trước yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa X, ngày 21 tháng 12 năm 1999, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, tại Điều 153 của Bộ luật, tội buôn lậu được quy định thành một tội độc lập (đã tách tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự).
Như vậy, tội danh buôn lậu được xác định như sau:
Buôn bán qua biên giới, trái với quy định về quản lý hải quan những hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc hàng hóa là các vật phẩm thuộc di tích, lịch sử văn hóa hay hàng cấm có số lượng lớn. Hành vi đó thường thể hiện dưới một số hình thức như: Không khai báo, khai báo gian dối; giả mạo giấy tờ dùng trong xuất, nhập khẩu; giấu hàng hóa tiền tệ; không đi qua các cửa khẩu hoặc trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của Hải quan, Thuế vụ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Công an.... Không có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ của các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Căn cứ vào Điều 153 Bộ luật hình sự có thể, rút ra khái niệm buôn lậu "Buôn lậu là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử văn hóa".
Buôn lậu là hành vi lén lút đưa hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới trốn tránh hoặc chống lại sự kiểm tra, kiểm soát của Hải quan, Biên phòng bằng cách không đi qua cửa khẩu, hoặc tuy có đi qua cửa khẩu nhưng dùng thủ đoạn bí mật bất hợp pháp như trà trộn hàng lậu trong các hàng hóa khác có làm thủ tục, cấu tạo chỗ bí mật để giấu hàng lậu...để che dấu hàng hóa, trốn tránh, chống lại sự kiểm tra của Hải quan, Biên phòng nhằm đạt được lợi ích cuối cùng là thu được lợi nhuận thặng dư siêu ngạch. Hành vi buôn lậu có khi chỉ có giá trị nhỏ, nhưng hầu hết phải do những tổ chức bất hợp pháp có đường dây bất hợp pháp qua biên giới, có khi xuyên quốc gia thực hiện.
Vấn đề đặt ra là ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, hai khái niệm buôn lậu và gian lận thương mại chưa được phân định rõ ràng. Nhiều nước coi buôn lậu cũng là hành vi gian lận thương mại. Tổ chức Hải quan Thế giới tại Hội nghị lần thứ 5 về chống gian lận thương mại đã xếp buôn lậu vào một trong những hình thức gian lận thương mại nhưng coi đó là loại hình gian lận thương mại đặc biệt nguy hiểm.
1.1.2. Chống buôn lậu
Khái niệm chống buôn lậu: Là các hoạt động của cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về các hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử văn hóa.
Đặc điểm của công tác chống buôn lậu có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, công tác chống buôn lậu là việc làm và phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu (CBL) luôn được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, đòi hỏi sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Nhiệm vụ đấu tranh CBL được giao cho các ngành, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, bao gồm
lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) của ngành Công Thương, các lực lượng chức năng của Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Hải quan, Cảnh sát biển cũng như chính quyền địa phương các cấp.
Thứ hai, công tác chống buôn lậu được thực hiện trên nhiều địa bàn khác nhau, như: Đường bộ, đường biển, đường hàng không. Buôn lậu ở nước ta đã xuất hiện từ nhiều năm nay và đặc biệt phát triển sau khi nước ta mở cửa thị trường, tăng cường hội nhập quốc tế với diễn biến ngày càng phức tạp trên tất cả các tuyến, bằng nhiều hình thức khác nhau.
Thứ ba, các hình thức buôn lậu đa dạng và luôn luôn tìm cách luồn qua khe hở của luật pháp: Lợi dụng việc mở cửa thị trường, trong khi luật pháp của nước ta chưa hoàn chỉnh, chưa thiết lập được đầy đủ hệ thống rào cản kỹ thuật trong thương mại, một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài,... khai thác các kẽ hở của hệ thống pháp luật, tìm cách “tuồn” những hàng thừa ế, không còn được phép lưu hành tại nước đó vào thị trường nước ta để tiêu thụ. Ngoài ra, những loại vi phạm khác, như đưa hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nguồn gốc xuất xứ được sản xuất từ nước ngoài; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc thẩm lậu từ nước ngoài vào nước ta bằng nhiều hình thức khác nhau cũng có xu hướng ngày càng nhiều hơn.
Vai trò của công tác CBL: Buôn lậu là hiện tượng thường gặp trong nền kinh tế thị trường. Vì động cơ lợi nhuận, có không ít các đối tượng sẵn sàng lợi dụng những “kẽ hở” của Nhà nước về cơ chế, chính sách, về quản lý để buôn lậu. Buôn lậu là một tác nhân phá hoại sản xuất, kinh doanh, làm nản lòng những người làm ăn chân chính. Bởi lẽ hàng hóa do buôn lậu, trốn thuế, hàng giả tiêu thụ với mức giá thấp hơn, cạnh tranh hơn. Kết quả là Nhà nước thì thất thu thuế, doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không tiêu thụ được hàng hóa do mình sản xuất ra và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Như
thế, buôn lậu làm méo mó các quan hệ thị trường, gây khó khăn cho sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Người tiêu dùng cũng chịu thiệt khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không có xuất sứ rõ ràng, trong đó, có những mặt hàng nguy hiểm, độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dùng. Như vậy, đấu tranh chống buôn lậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, một mặt, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho các chủ thể tham gia thị trường, mặt khác, điều tiết được sự phát triển cơ cấu kinh tế theo những định hướng ưu tiên của Nhà nước, hơn thế nữa, còn bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
1.1.3. Chính sách chống buôn lậu Khái niệm về chính sách chống buôn lậu:
Là hệ thống chính sách nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu. Mục tiêu của chính sách chống buôn lậu là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của buôn lậu với phát triển kinh tế - xã hội; làm giảm các hành vi vi phạm về trật tự quản lý kinh tế nói chung và làm giảm cơ bản các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; giúp cá nhân kinh doanh và người dân tự giác chấp hành pháp luật, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, nhằm từng bước tạo dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh;
kiểm tra, xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền pháp luật góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng chính sách chống buôn lậu là hệ thống chủ trương, phương hướng và biện pháp của Nhà nước tổ chức chống hoạt động buôn lậu.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách chống buôn lậu:
Nhà nước thông qua việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về công tác CBL để điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng như góp
phần tạo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để hướng dẫn, bảo đảm cho các hoạt động CBL. Thông qua đó, cũng xác định về vị trí, tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của các cơ quan làm nhiệm vụ chống buôn lậu. Đảm bảo được sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và toàn thể xã hội trong việc thực hiện đồng loạt các chiến lược, chính sách chung về CBL. Hệ thống các văn bản pháp luật về CBL như sau:
Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 9 năm 2015 của BCĐ 389 quốc gia về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ; Kế hoạch số 410/KH- BCĐ389 ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch số 1239/KH-BCĐ389 ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Quyết định số 1059/QĐ-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt Đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020;
Quyết định 334/QĐ-BCT ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Bộ Công thương về Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn đến năm 2020; Quyết định số 1802/QĐ-TTg ngày 21/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19
tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia CBL, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả.