CHƯƠNG 2 NGUYỄN HIẾN LÊ VỚI NGHIÊN CỨU, GIỚI THIỆU VĂN HÓA
2.1.1. Hiểu biết tâm lý và sức học của trẻ
Trong cuốn Săn sóc sự học của con em, 1954, Nguyễn Hiến Lê viết:
“Chính các bực17 phụ huynh học sinh cũng trọng sự học của con em hơn trước. Trong mấy năm nay, chúng ta thấy biết bao gia tài tưởng ngồi ăn suốt đời cha và đời con cũng không hết, nào ngờ đâu khói lửa chiến tranh chỉ mới tạt qua một lần, đã tan ra tro bụi! Như vậy thì để của cho con mà làm gì?
Có dư bao nhiêu, dùng hết vào sức học của trẻ bấy nhiêu... Nghĩ vậy nhiều vị nhịn ăn nhịn tiêu cho con em học.” [Nguyễn Hiến Lê 2007a: 6].
Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ, bắt đầu từ rất lâu trước đây, các bậc làm cha làm mẹ đã rất quan tâm đề cao việc học của con cái. Việc quan tâm này được thể hiện qua sự hiểu biết tâm lý cũng như sức học của trẻ.
17 Chúng tôi giữ lại nguyên văn cách viết của tác giả.
- Hiểu biết tâm lý của trẻ
Mỗi đứa trẻ khác nhau ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có sự biểu hiện tâm lý khác nhau phù hợp với những việc học tập khác nhau. Hiện nay, người ta chủ trương hướng tới việc tự thích nghi với trẻ, không để trẻ thích nghi với mình nữa. Nguyễn Hiến Lê nhấn mạnh: “tâm lý của trẻ rất khó hiểu” và nếu hiểu được tâm lý của trẻ, các bậc làm cha mẹ có thể biết được những khó khăn và thuận lợi để tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho trẻ, không cảm thấy bực mình, nóng giận, lo lắng trước những biểu hiện trái tính, trái nết ở mỗi tuổi của trẻ.
“Các y sỹ chia cá tính làm 4 hạng:
- Hạng đảm chất trong máu có nước mật, da thường nóng, khô vàng, ít thịt nhiều xương, tính tình nóng nảy, hiếu thắng. Rất ít trẻ ở trong hạng đó.
- Hạng huyết chất, nhiều máu, da hồng hào và nóng, ít đau ốm, ưa hoạt động; ham chơi mà cũng thích học, nhưng thường nông nổi, ít suy nghĩ.
- Hạng thần kinh chất, gầy, xanh xao, mắt sáng, ưa hoạt động nhưng dễ mệt. dễ đau, ngủ ít, ăn ít; hăng hái làm việc một lúc rồi phải nghỉ; tưởng tượng mạnh, có sáng kiến mà không bền chí.
- Hạng lâm ba chất18, mập, da hồng hào, mát, bắp thịt nhão, sợ lạnh, ngủ nhiều, làm biếng, ưa ngồi yên một chỗ, ít hoạt động.” [Nguyễn Hiến Lê 2007a: 21].
Như chúng tôi đã nói ở trên, theo những gì Nguyễn Hiến Lê đưa ra thì những đứa trẻ có cá tính riêng sẽ có một cách học, cách làm việc riêng vì thế nếu một đứa trẻ thuộc huyết chất thường nông nổi chúng ta không nên nhanh chóng trách chúng vô ý, bộp chộp.
18 Lâm ba = lymphe: là một chất trong huyết trắng.
Trong bối cảnh hiện nay, không ít những trường hợp cha mẹ áp đặt mọi điều cho con cái, hướng chúng theo ý mình mà không hiểu được tố chất của chúng, cũng như sở thích và nhu cầu của chúng. Điều cần đặt ra ở đây chính là làm cách nào để có thể hiểu biết về tâm lý của chúng?
Trong xã hội phong kiến, do ảnh hưởng của Trung Quốc quá mạnh mẽ, nhất là sự ảnh hưởng của Nho giáo khiến các mối quan hệ gia đình người Việt đều được thực hiện theo kiểu quan hệ trật tự tôn ti – trên bảo dưới phải nghe.
Trong gia đình mọi người ứng xử theo chuẩn mực chung: Cha có quyền lực hơn con, chồng có uy quyền hơn vợ, anh có quyền hơn em, con trai có quyền hơn con gái và nguyên tắc đảm bảo quyền tối cao của người gia trưởng. “Tính tôn ti, sản phẩm của nguyên tắc tổ chức nông thôn theo huyết thống, tự thân nó không phải là xấu, nhưng khi nó gắn liền với óc gia trưởng, tạo nên tâm lý quyền huynh thế phụ, áp đặt ý muốn của mình cho người khác, tạo nên những tư tưởng thứ bậc vô lý… trở thành một lực cản đáng sợ cho phát triển xã hội”
[Trần Ngọc Thêm 1999: 101]. Cách ứng xử theo kiểu tôn ti này, một mặt góp phần duy trì quan hệ bình ổn đối với xã hội, con cái biết kính trọng, quan tâm đến cha mẹ, ông bà, nhưng mặt khác bởi các tư tưởng như “trong thiên hạ không có cha mẹ nào không đúng”, hay “phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu - cha bảo con chết, con không chết là bất hiếu”… cùng với quyền lực độc đoán của người gia trưởng – cụ thể ở đây là người cha khiến cho các mỗi quan hệ càng trở nên cứng nhắc. Chính sự quyền uy quá khắt khe ấy hình thành nên việc cha mẹ không có sự gần gũi với con cái, con cái đối với cha mẹ chỉ có sự nghe lời, không được có ý kiến riêng, ít có sự biểu hiện tình cảm thân thiết. Vì những điều đấy mà dù cho cha mẹ có yêu thương con cái đến thế nào đi nữa vẫn sẽ gặp khó có thể hiểu được con. Bởi vậy, Nguyễn Hiến Lê cho rằng để hiểu được con mình thì các bậc cha mẹ cần phải làm bạn với con.
Để làm bạn với con theo ông phải dành thời gian chơi với con, thân mật với
con, thậm chí có thể cùng con làm những công việc đơn giản hằng ngày để thắt chặt tình cảm. Đất nước chúng ta ngay từ khi lập nước, luôn bị các thế lực thù địch nhòm ngó, xâm chiếm, thêm vào đó là những ảnh hưởng xấu từ thiên nhiên, đã khiến cho mỗi con người phải tồn tại gắn kết với cộng đồng.
Trong đó, mỗi gia đình – mỗi tế bào của xã hội càng có sự gắn kết yêu thương mạnh mẽ, tạo nên sự ảnh hưởng lớn tác động đến việc giáo dục con cái. Mỗi đứa trẻ được lớn lên trong sự theo sát, dạy dỗ của cha mẹ thậm chí là ông bà.
Tuy nhiên, nếu trong bối cảnh xã hội cổ truyền, cha mẹ ít khi có sự vắng nhà, săn bắn hay cày cấy cũng chỉ gần nhà, trường học chưa có, hoặc có rất ít thì con cái dễ dàng gần gũi với cha mẹ hơn, nghề nghiệp cũng như cách cư xử ở đời của trẻ đều do cha mẹ truyền dạy. Thì thực tế cho thấy, ngày nay, cha mẹ có rất ít thời gian dành cho con cái, họ dùng phần lớn thời gian của mình cho công việc tại các công ty, các tổ chức, thậm chí nếu có thời gian nhưng “sự thực, cha mẹ nào nghĩ tới cái việc, cứ tới giờ nào đó phải bỏ ra một lúc để làm bạn với con, chơi với chúng cũng thấy ngán quá chừng” [Nguyễn Hiến Lê 2012d: 109]. Đồng thời, khoảng cách giữa các thế hệ cũng khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ càng trở nên xa lạ, cha mẹ không có thời gian với con, con cái lại xù lông ra như những chú nhím để cha mẹ đừng lại gần mình19.
Ngoài làm bạn với con thì việc tìm hiểu sự phát triển nhu cầu, tinh thần của trẻ là điều hết sức cần thiết của mỗi bậc phụ huynh. Phải biết những quy luật phát triển đó để tránh sự nhầm lẫn trong quá trình dạy trẻ.
“Trong năm đầu, tất cả nhu cầu của trẻ hướng về sự dưỡng sinh…
19 Nguyễn Hiến Lê cho rằng mỗi đứa trẻ qua 6, 7 tuổi sẽ thay đổi một cách lạ lùng, chúng muốn độc lập và rời khỏi cha mẹ.“Người ta đã làm một loạt trắc nghiệm tâm lý cho một nhóm trẻ 7 tuổi, và thấy rằng đứa nào đứa nấy cũng có cảm tưởng rằng luôn luôn bị cha mẹ hiếp đáp!...
chúng trách cha mẹ là áp chế chúng” [Nguyễn Hiến Lê 2012d: 186]. Điều này dẫn đến chúng càng ngày càng muốn xa cách cha mẹ mình.
Tới khi 3 tuổi, chúng ham chơi, tọc mạch, luôn luôn hỏi ta: “tại sao”,
“thế nào” và thích nghe truyện cổ tích, truyện thú vật.
Từ 7 tuổi trở đi, chúng ưa hoạt động và hội họp, chỉ hoàn toàn sung sướng khi quây quần với bạn trach tuổi và đùa giỡn”
Tới tuổi thiếu niên, tâm hồn chúng thay đổi hẳn, không hướng ra ngoài mà hướng vào trong. Lúc này là lúc chúng lầm lỳ, e lệ, mơ mộng, nhưng bắt đầu biết nghĩ đến tương lai và nuôi một lý tưởng.” [Nguyễn Hiến Lê 2007a:
16,17].
Rõ ràng nếu cha mẹ có thể biết được nhu cầu này sẽ càng dễ dàng hiểu được con mình, đồng thời tránh được việc trách mắng chúng không đúng. Từ đó, cũng không đưa ra những yêu cầu vô lý như bắt một đứa trẻ 3 tuổi đừng hỏi nhiều “Tại sao? Vì sao” hay một đứa trẻ 7 tuổi phải ngồi yên một chỗ.
“Khoa học tâm lý đã chứng minh nếu nuôi nâng và dạy dỗ tốt trong lứa tuổi từ lúc lọt lòng đến 5 tuổi, não của các em phát triển bình thường, các chức năng hoạt động tốt, trẻ có cơ sở thần kinh để phát triển khả năng giao lưu, khả năng thích nghi cao, sẵn sàng đáp ứng xử lý công việc, khả năng học tập tốt” [Phạm Minh Hạc 2003: 454].
- Hiểu biết sức học của trẻ
“Ông Ad. Ferrière, trong cuốn “Sửa đổi trường học” (Transformons L’école) chia từ 7 đến 18 tuổi làm bốn thời kỳ.
- Từ 7 đến 9 tuổi, các em để ý đến những vật hiện có ở chung quanh và chỉ hiểu những cái có ích lợi thiết thực.
- Từ 10 đến 12 tuổi, trẻ đã biết để ý đến những vật xa cách chúng trong không gian và thời gian, nên thích sử ký, địa lý, du ký, nhưng vẫn chỉ chú trọng đến phương diện thích thực.
- Từ 13 đến 15 tuổi, các em mới bắt đầu hiểu những cái trựu tượng giản dị. Tuổi đó, người ta có thể bắt đầu dạy văn phạm, vật lý học, hóa học và những cách phân loại.
- Từ 16 đến 18 tuổi, thiếu niên thích những trừu tượng, rắc rối hơn như sinh lý, tâm lý, triết lý, tôn giáo, chính trị, kinh tế...” [Nguyễn Hiến Lê 2007a:
18].
Như vậy, việc học của trẻ cũng phải bắt nguồn tự sự phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên, người Việt Nam hiện nay có một căn bệnh chung chính là bệnh trọng hình thức, ưa thành tích. Việc trọng hình thức đến như vậy là do người Việt có tính cộng đồng, tính tập thể rất cao, từ đó ý thức về con người cá nhân bị thủ tiêu “Người Việt luôn hòa tan vào các mối quan hệ xã hội (với người này là em, người kia là cháu, với người khác nữa là anh/ chị...), giải quyết xung đột theo lối hòa cả làng. Điều này khác hẳn truyền thống phương Tây, nơi con người được rèn luyện ý thức cá nhân từ nhỏ” [Trần Ngọc Thêm 1999: 100]. Vì chuộng thành tích mà họ háo danh, sợ lép vế nên càng thích nhiều bằng khen, giấy khen, càng thích thành tích, giải thưởng. Ngay từ khi còn bé, các em nhỏ đã được giáo dục theo kiểu chạy theo thành tích, từ việc đạt được những phiếu bé ngoan, đến việc phải có giấy khen, chứng chỉ các loại để tránh tự ti, mặc cảm với bạn bè, tránh bị cha mẹ trách mắng. Từ đó vô hình chúng đã hình thành nên quan điểm bắt con em mình phải học chương trình này, chương trình kia, cho con bằng bạn bằng bè, và cũng cho chính mình bằng với “nhà người ta” thậm chí ngay cả khi con mình không muốn học, hay không có đủ sức để theo kịp chương trình học ấy. Ngay từ những năm 1951, khi viết sách về những vấn đề học tập của con em, Nguyễn Hiến Lê đã nhìn nhận rõ về thực trạng này: “Tôi biết, có vài phụ huynh nghĩ lầm, cho sự trẻ nhỏ mà ngồi lớp cao dù nó theo không nổi, luôn luôn ngồi hạng bét cũng là một danh dự cho gia đình” [Nguyễn Hiến Lê 2011a: 58]; “Chương
trình đã nặng mà phụ huynh lại ép con. Chúng không đủ sức cũng bắt chúng lên lớp, để được cái vinh dự rằng có con nhỏ tuổi mà học lớp cao. Như vậy rất có hại cho trẻ. [Nguyễn Hiến Lê 2007a: 92].
Hiện nay, tình trạng này càng trở nên phổ biến, nhiều bậc cha mẹ, vì thấy con học kém lại cho rằng con mình lười biếng, thường ép con ngồi ở bàn học từ sáng đến tối. Điều này không khiến cho trẻ giỏi lên mà chỉ khiến chúng thêm mệt mỏi, thêm bất mãn với cách làm của cha mẹ mình. Thậm chí, nhiều cha mẹ đã có những thái độ tiêu cực trong việc học của con như: giận dữ, chửi mắng và tội tệ hơn là đánh đập chúng. Điều này, vô tình bạo lực tâm lý trẻ, khiến chúng dễ lâm vào tình trạng nhút nhát, lầm lì, nói dối và cũng dễ có hành vi bạo lực.
Theo Nguyễn Hiến Lê điều này rất có hại “Không hiểu nổi chương trình chúng sẽ ghét học rồi trốn học, bỏ học. Thà cho chúng ngồi nhất, nhì lớp dưới còn hơn ngồi gần bét lớp trên” [Nguyễn Hiến Lê 2007a: 92].
Cho nên, ngoài việc hiểu được tâm lý của trẻ, các bậc cha mẹ cần phải hiểu được sức học của trẻ, để có những phương pháp, định hướng phù hợp cho trẻ. Ngoài ra, với bối cảnh văn hóa Việt Nam, cuộc sống mang tính cộng đồng, sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình rất cao, cho nên việc tìm hiểu con em mình về tâm lý và sinh lý sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các nước phương Tây có đời sống mang tính cá nhân nhiều hơn.
Nhìn chung, giáo dục gia đình không chỉ mang tính quyết định đối với sự phát triển tâm lý của trẻ mà còn giúp trẻ định hướng học tập tốt hơn.
- Kiểm soát việc học của trẻ
Vai trò của cha mẹ trong việc định hướng, giảng dạy cho con luôn luôn quan trọng không chỉ trong bối cảnh Việt Nam, mà còn đối với các nước khác trên thế giới. Khi giới thiệu các gương thành công, Nguyễn Hiến Lê cũng chỉ ra điều này, điển hình như tấm gương của đại tướng Montgomery. Năm mười
hai tuổi, nhìn thấy đoàn quân lính diễu hành qua đường phố đại tướng Montgomery dạt dào ý muốn lớn lên được cầm quân, hiểu biết được điều đó,
“Thân mẫu ông kể chuyện những danh nhân Anh như Gromvell, Clive, Drake và Nelson để tiêm cho ông tinh thần mạo hiểm” [Nguyễn Hiến Lê 2000: 27].
Nguyễn Hiến Lê rất chú trọng đến việc các bậc phụ huynh cần phải biết kiểm soát việc học của trẻ. Kiểm soát việc học ở đây không phải là áp đặt những khuôn khổ cố định trong việc học của con em, mà là việc để các bậc phụ huynh có thể định hướng, kiểm soát cho con mình những mục đích, động cơ, thái độ cũng như phương pháp học, phương pháp phân bố thời gian học ở nhà cũng như ở trường một cách hợp lý nhất, thông qua những việc như:
- Lập thời gian biểu cho việc học tập của trẻ
Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, thì việc nuôi dạy con trẻ cũng đòi hỏi nhiều phương pháp khác nhau, không nên áp dụng máy móc bất kỳ một tiêu chuẩn nào. Thay vào đó hãy dựa theo tính cách, sở trường, sở đoản của trẻ để đưa ra phương pháp phù hợp nhất. Việc lên kế hoạch cho trẻ, để trẻ có ý thức tự giác giờ nào việc nấy, phân bố giờ học hợp lý cho từng lứa tuổi của trẻ là điều hết sức cần thiết mà Nguyễn Hiến Lê nhấn mạnh trong những tác phẩm của mình.
“Các em lớp năm, tư chỉ nên bắt học ở nhà mỗi ngày độ nửa giờ, một giờ thôi. Lên lớp nhất, cuối năm các em phải thi ra, thì phải học ở nhà nhiều hơn, nhưng tôi tưởng mỗi ngày không nên quá hai giờ. Học sinh lớp đó trung bình 11 – 12 tuổi, học ở trường 5 giờ, ở nhà 2 giờ, cộng là 7 giờ một ngày, nhiều lắm rồi” [Nguyễn Hiến Lê 2007a: 33]. Người Việt Nam vốn có tính linh hoạt cao, tính linh hoạt phần nào khiến cho mỗi phụ huynh có thể điều chỉnh giờ học cho con em một cách hợp lý,“cho nên phải sửa đổi trong lúc áp dụng, tùy trình độ, hoàn cảnh của mỗi em” [Nguyễn Hiến Lê 2007a: 33]. Tuy nhiên, bởi tính linh hoạt này mà người Việt khó thực hiện một cách nghiêm ngặt những lịch trình đã đề ra, hay thậm chí không ít những trường hợp sợ con
phải sống trong một tổ chức phải thực hành có kỷ luật. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công việc học tập của con, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở con cái học tập. Hay cho con một thời gian biểu hợp lý, cùng con thực hiện theo thời gian biểu đó, chính là một cách quan tâm, một phương pháp hữu dụng trong vấn đề học của con, đồng thời rèn luyện cho con tinh thần, nghị lực, lòng say mê học tập chính là điều kiện quan trọng giúp trẻ có ý thức chăm học.
- Giảng dạy lại bài cho trẻ
Trong bối cảnh toàn cầu hóa việc học của các em càng trở nên dễ dàng với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị và công nghệ hiện đại như tivi, sách điện tử, intenet... Đồng thời, với nhịp sống nhanh, gấp, thời gian của cha mẹ dành cho con cái càng ít đi thời gian cha mẹ đi làm, cũng là thời gian con đi học, cha mẹ về con lại đi học thêm kể cả ngày nghỉ… Thời gian dành cho việc trò chuyện, dạy con học không phải lúc nào cũng có. Đặc biệt, trong bố i cảnh toàn cầu hóa, gia đình không còn là một tổ chức bền vững mang tính khép kín. Để có được các nguồn thu nhập mới nuôi sống gia đình, nhiều cha, mẹ phải rời xa tổ ấm tìm việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp, họ không có điều kiện gần gũi chăm sóc, giáo dục, theo sát vấn đề ho ̣c tâ ̣p của con cái.
Trong khi đó việc giáo dục con em giống như “mài sắt thành kim” cần thời gian, cần sự kiên trì, đầu tư công việc... Sự lơi lỏng, chủ quan tham công tiếc việc của một số cha mẹ thường gây nên những hậu quả không tốt cho cuộc sống của con. Vì thế có thể nói, vai trò của cha mẹ đặc biệt là người mẹ trong vấn đề dạy con học vẫn luôn quan trọng, thậm chí có thể cho rằng đó chính là yếu tố hàng đầu trong việc giúp một đứa trẻ trưởng thành và thành công. Việc dạy học cho con không chỉ giúp họ có thể hiểu rõ sức học của con, mà còn có thể gắn kết tình cảm, tạo sự gần gũi, thân thiết trong gia đình. Thế nhưng phải dạy gì và phải dạy như thế nào? Là điều Nguyễn Hiến Lê đặc biệt lưu tâm.