Xét về mặt ngữ nghĩa, trong ngôn ngữ chúng ta có từ đơn nghĩa và từ đa nghĩa.
Từ đa nghĩa là từ có nhiều nét nghĩa biểu thị những đặc điểm, thuộc tính khác nhau của một đối tượng, hay biểu thị những đối tượng khác nhau của thực tại. Hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới đều có hiện tượng từ đa nghĩa. Đó là do số lượng từ vựng của một ngôn ngữ có hạn trong khi số lượng khái niệm của thế giới thực là vô số.
Trong tiếng Việt chúng ta có từ đi là một từ đa nghĩa. Nó có nghĩa thứ nhất chỉ sự dịch chuyển bằng hai chi dưới. (Vd: Tôi đi rất nhanh nhưng vẫn không đuổi kịp anh ấy.) Nghĩa khác của nó là chỉ một người đã chết. (Vd: Anh ấy ra đi mà không kịp nói lời trăng trối.) Các ý nghĩa khác nhau của một từ không tồn tại rời rạc, lẻ tẻ mà liên hệ, quy định lẫn nhau làm thành một kết cấu. Nghiên cứu kết cấu ý nghĩa của từ cần phải một mặt tách ra các ý nghĩa khác nhau của nó, mặt khác, phải làm sáng tỏ những mối liên hệ và sự quy định lẫn nhau giữa các nghĩa đó. Để xác định chính xác nghĩa của từ đa nghĩa chúng ta phải dựa vào ngữ cảnh của nó. [13, 88]
Có nhiều cách phân loại, nhưng thường gặp nhất là những lưỡng phân quan trọng như sau. [13, 88-91]
Thứ nhất, căn cứ vào sự khác nhau của những mối quan hệ với sự vật, có thể chia ra nghĩa trực tiếp và nghĩa chuyển tiếp (gián tiếp). Nghĩa trực tiếp là nghĩa phản ánh sự vật một cách trực tiếp không thông qua ý nghĩa nào khác của từ này.
Nghĩa chuyển tiếp là ý nghĩa phản ánh đối tượng gián tiếp thông qua ý nghĩa khác.
Nghĩa chuyển tiếp có thể giải thích được qua nghĩa trực tiếp, còn nghĩa trực tiếp không giải thích được. Ví dụ từ chân với nghĩa “là bộ phận để đi của động vật” là nghĩa trực tiếp còn các nét nghĩa khác của từ này là nghĩa gián tiếp.
Thứ hai, căn cứ vào sự khác nhau của mối quan hệ đối với nhận thức, có thể chia ra nghĩa thông thường và nghĩa thuật ngữ, nghĩa hình tượng (nghĩa bóng) và nghĩa không hình tượng (nghĩa đen). Nghĩa thông thường phản ánh những đặc điểm bên ngoài của sự vật, đủ để phân biệt những đối tượng cùng loại được khái quát trong ý nghĩa đó với những đối tượng khác. Nghĩa thuật ngữ phản ánh những thuộc tính bản chất của sự vật, hiện tượng. Ví dụ từ nước có nghĩa thông thường là “chất lỏng nói chung” và nghĩa thuật ngữ là “hợp chất của hiđrô và ôxi”. Cách phân chia nghĩa đen và nghĩa bóng là dựa trên sự đối lập của tính có hình tượng hay không có hình tượng. Nghĩa đen là nghĩa vốn có của từ, không có hình tượng. Nghĩa bóng là nghĩa chuyển tiếp và có tính hình tượng. Nghĩa chuyển tiếp nhưng không có tính hình tượng thì vẫn là nghĩa đen. Ví dụ từ ánh sáng với nghĩa “nguồn sáng phát ra từ một số vật thể làm cho ta thấy được các vật xung quanh” là nghĩa đen, còn ý nghĩa “đời sống văn minh, thoát khỏi cảnh tối tăm” là nghĩa bóng.
Tiếp theo, căn cứ vào sự khác nhau của mối quan hệ đối với các từ khác có thể chia ra nghĩa chính và nghĩa phụ, nghĩa tự do và nghĩa hạn chế. Nghĩa chính là nghĩa được thể hiện qua nhiều ngữ cảnh phong phú và đa dạng, là nghĩa thường dùng nhất, phổ biến nhất, không lệ thuộc vào một số ngữ cảnh nào đó như nghĩa phụ. Nghĩa tự do là nghĩa liên hệ trực tiếp với sự phản ánh các hiện tượng của thực tế khách quan. Mối quan hệ của các từ có nghĩa tự do với các từ khác không phải do quy luật nội tại của hệ thống từ vựng quy định mà do bản thân những mối liên hệ có thật giữa những sự vật hiện tượng của thực tế khách quan được các từ này biểu thị quy định. Nghĩa hạn chế là nghĩa được thực hiện trong các cụm từ cố định. Các từ trong những cụm từ cố định này kết hợp được với nhau không phải do nội dung logic của các từ mà do quy luật nội tại của hệ thống từ vựng. Ví dụ các từ trai và gái trong anh trai và chị gái đều có nghĩa hạn chế là “ruột thịt”.
Cuối cùng, căn cứ vào sự hình thành và phát triển của các nghĩa có thể chia ra nghĩa gốc và nghĩa phái sinh. Nghĩa gốc là nghĩa ban đầu, nghĩa phái sinh là nghĩa phát triển sau từ nghĩa gốc. Ví dụ, từ глаз hiện nay có nghĩa là “con mắt”, trước đó có nghĩa là “quả cầu”, “hòn bi”. Nghĩa đầu là nghĩa phái sinh, nghĩa sau là nghĩa gốc.
1.7.2. Cơ chế tạo đa nghĩa cho từ
Cơ chế tạo đa nghĩa cho từ có thể được hình thành theo những cách thức sau đây. [13, 84-88]
Thứ nhất là mở rộng ý nghĩa của từ. Mở rộng ý nghĩa là một quá trình phát triển đi từ cái riêng đến cái chung, từ cái cụ thể đến cái trừu tượng. Ví dụ tính từ đẹp ban đầu chỉ dùng ở lĩnh vực hình thức nhưng bây giờ dùng rộng rãi cả ở phạm vi tình cảm, tinh thần... như tình cảm đẹp, đẹp lòng, đẹp nết, đẹp lời...
Thứ hai là thu hẹp ý nghĩa. Thu hẹp ý nghĩa là quá trình ngược lại quá trình mở rộng ý nghĩa. Phạm vi ý nghĩa của các từ phát triển từ cái chung đến cái riêng, từ cái trừu tượng đến cái cụ thể. Ví dụ từ nước từ chỗ chỉ chất lỏng nói chung, rồi chất lỏng có thể uống được và cuối cùng là hợp chất của hiđrô và ôxi.
Thứ ba là ẩn dụ. Ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau về hình thức, thuộc tính, chức năng... giữa các sự vật hiện tượng được so sánh với nhau. Về bản chất ẩn dụ cũng là một loại so sánh nhưng là so sánh ngầm, ở đó chỉ còn lại một vế được so sánh, do đó nó có thể trở thành một biện pháp làm giàu từ vựng. Ví dụ từ nắm vốn biểu thị “động tác cụ thể của bàn tay”, nhưng có thể nói nắm ngoại ngữ, nắm tình hình, nắm bài...
Cuối cùng là hoán dụ. Hoán dụ là hiện tượng chuyển tên gọi từ sự vật hiện tượng này sang sự vật hiện tượng khác dựa trên mối quan hệ logic giữa các sự vật hoặc hiện tượng ấy. Ví dụ từ bureau của tiếng Pháp ban đầu có nghĩa là “vải len”, tiếp đó có nghĩa là “cái bàn phủ vải len”, “phòng có cái bàn như vậy”, rồi đến “cơ quan” và “người làm việc ở cơ quan”.