CHƯƠNG 3: NGỮ NGHĨA TRI NHẬN CỦA ĐỘNG TỪ TRI GIÁC TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH
3.1. Logic tri nhận của động từ tri giác tiếng Việt và tiếng Anh
Mỗi sự vật hiện tượng khi được con người tri giác rồi tri nhận đều theo những cách thức đặc trưng nào đó.
Tiếp theo là đến quá trình chuyển đổi thông tin tri nhận thành mã ngôn ngữ để phát thông tin đến đối tượng giao tiếp.
Sau đó, đối tượng đó sẽ tiếp nhận mã, giải mã để thấu hiểu thông tin từ đó mới có thể thực hiện chu trình ngược lại.
Quá trình giao tiếp đó phải có những qui tắc của nó. Để giao tiếp thành công, để các đối tượng giao tiếp hiểu nhau cần phải có hệ thống các qui tắc logic tri nhận.
Đối với nhóm ĐTTG đang nghiên cứu logic tri nhận của chúng có nhiều điểm vô cùng thú vị. Chúng ta sẽ xem xét các đặc điểm nổi bật sau đây.
3.1.1. Ý nghĩa phủ định
Ý nghĩa phủ định là một điểm khác biệt và hết sức thú vị của ĐTTG nếu xem xét ở mặt logic tri nhận. Nicholas và Daniel [44, 214-226] đã đưa ra các ví dụ sau đây:
Mary sees every frog jump. (1) Mary sees nobody dance. (2)
Every frog is seen by Mary to jump. (3)
There is nobody there, so, Mary can see nobody dance. (4)
There is nobody who Mary sees dance. (5)
There is somebody dance, however, Mary can’t see any. (6)
Với câu (1) thì mọi việc đã quá rõ ràng, vì thế câu (3) là câu chuyển đổi hoàn toàn chính xác của (1). Tuy nhiên đến câu (2) thì vấn đề sẽ phức tạp hơn. Với một phát ngôn bất chợt như (2) thì chúng ta sẽ có đến ba cách thông hiểu phát ngôn này như ở (4), (5) và (6). Chúng ta sẽ thấy trong trong tiếng Việt cũng vậy khi xét ví dụ sau.
Tôi chẳng thấy có gì đáng buồn cười trong chuyện này. (7) Từ câu (7) này chúng ta sẽ có các cách hiểu sau đây:
Tôi thấy trong chuyện này không có gì đáng buồn cười. (8)
Trong chuyện này có điểm đáng buồn cười nhưng tôi không thấy. (9) Những điểm mà tôi thấy trong chuyện này không đáng buồn cười. (10) Trong tiếng Việt và tiếng Anh việc các phát ngôn có chứa ĐTTG có đa nghĩa tri nhận như các ví dụ (2) và (7) là thường xuyên xảy ra. Khi được sử dụng với một mục đích giao tiếp nhất định thì các phát ngôn này phải được giải thích, minh họa thêm để làm rõ nghĩa bằng các yếu tố khác như ngữ cảnh, phát ngôn khác tiếp theo… nếu không thì sẽ khó xác định được ngữ nghĩa giao tiếp muốn truyền đạt của người phát ngôn. Chẳng hạn với ví dụ sau:
Vd 118:
Trân không thấy người đàn ông đi ra. [24, 194]
Tran did not see him going out. [76, 184]
Chỉ với phát ngôn như thế này thôi thì chúng ta sẽ không biết là người đàn ông đó không đi ra nên Trân không thấy, hay người đàn ông đó có đi ra nhưng Trân không thấy.
Các ví dụ trên đây cho thấy khả năng đa nghĩa của ĐTTG. Sở dĩ như vậy là do đối với nhóm động từ này có sự chi phối rất lớn của năng lực tri giác quyết định đến ý nghĩa tri nhận của chúng trong các phát ngôn.
3.1.2. Tính chân ngụy
Điểm tiếp theo cũng khá thú vị là logic tri nhận của ĐTTG thuộc về cả logic
hình thức và logic phi hình thức. Trong nhiều trường hợp tính chân ngụy của nó không đóng vai trò gì và chẳng đóng góp ý nghĩa gì để quyết định một phát ngôn là đúng hay sai.
Logic hình thức cho ta các quy luật để hình thành các khái niệm, các phán đoán và đặc biệt là các phương pháp suy lí để tiến hành các lập luận trên các phán đoán đó. Một đặc điểm cơ bản của logic hình thức là xem mỗi phán đoán có một giá trị chân lí xác định, tức là mỗi phán đoán hoặc đúng, hoặc sai. Và các quy luật suy lí cho ta cách lập luận để từ các giá trị chân lí của một số phán đoán cho trước suy ra giá trị chân lí của một phán đoán đang xét.
Logic phi hình thức là một chuyên ngành xây dựng một logic để đánh giá, lý giải, phân tích và xây dựng những lập luận trong diễn ngôn đời thường cũng như diễn ngôn khoa học, từ nói năng trao đổi hàng ngày, cãi vã, tranh luận, quảng cáo, những bình luận báo chí, cho đến những diễn từ chính trị, những báo cáo khoa học… Logic phi hình thức bao gồm cả những suy luận theo lô gích truyền thống lẫn những suy luận phi hình thức. [9, 3]
Thật vậy, về mặt NNTN của ĐTTG thì trong nhiều trường hợp tính chân ngụy không đóng vai trò gì và cũng không đóng góp ý nghĩa gì để quyết định một phát ngôn là đúng hay sai.
Ví dụ như với phát ngôn sau:
Vd 119:
Trong ký ức tôi thấy tháp Eiffel chỉ mới xây dựng được một nửa thôi. (11)
Với phát ngôn này thì tính chân ngụy của việc “tháp Eiffel chỉ mới xây dựng được một nửa thôi” không có giá trị ảnh hưởng gì đến tính đúng sai của phát ngôn (11) cả.
Trên thực tế giao tiếp thì sẽ cần thêm nhiều thao tác khác để có thể hiểu và tương tác ngôn ngữ, giao tiếp với nhau thành công. Chằng hạn như với trường hợp sau:
Vd 120:
Hắn nhìn mãi mà không thấy có cây bút trên bàn. (12)
Với ví dụ này thì việc trên bàn thực sự có “cây bút” hay không chẳng ảnh hưởng gì đến tính chân ngụy của phát ngôn này. Và sẽ không thể hiểu trọn vẹn hết các nét nghĩa của phát ngôn này nếu không có sự liên kết thông tin, các thao tác phối cảnh khác chằng hạn như kết nối tiếp với một trong hai trường hợp sau đây:
Hắn đành qua phòng bên tìm. (13) Hắn thật là sơ xuất. (14)
Hai ví dụ vừa nêu cũng bổ sung thêm sự khằng định rằng yếu tố năng lực tri giác có sự chi phối không nhỏ đến NNTN của ĐTTG.
3.1.3. Các yếu tố khác
Để tri nhận một biểu thức ngôn ngữ có chứa ĐTTG chúng ta cũng cần phải xem xét các mối liên hệ đi từ CTTN đến đối tượng được tri nhận. Trong nhiều trường hợp CTTN có thể không trùng với chủ thể của hành động tri giác trong biểu thức ngôn ngữ.
Vd 121:
-Nhưng chị nhận ra ông nhìn chị với một vẻ chú ý đặc biệt, tuy kín đáo. [24, 58]
But she realized that he was looking at her with special interest, although discreet.
[76, 43]
Trong trường hợp này CTTN là chị / she nhưng chủ thể của hành động tri giác là ông / he.
-Trong khi sắp xếp ghế, tôi thấy Bình nhìn Mi. [24, 140]
When I was arranging the chairs, I noticed Binh looking at Mi. [76, 121]
Trong trường hợp này CTTN là tôi / I nhưng chủ thể của hành động tri giác là Bình.
-Hắn nhìn cũng được.
He looks OK.
Trong phát ngôn này có chủ ngữ là hắn / he, nhưng CTTN ở trường hợp này là một chủ thể nằm ngoài phát ngôn, được ngầm hiểu theo văn cảnh. Hắn / he trong phát ngôn này thực chất chính là đối tượng của hành động tri giác nhìn.
Bên cạnh đó CCTN của ĐTTG gồm có ba pha, ba giai đoạn khác nhau hay nói
cách khác là ba cấp độ khác nhau trong HĐTN. Phạm vi, mục đích sử dụng ĐTTG nhằm diễn tả sự vật hiện tượng cũng khác nhau. Quá trình tri nhận diễn ra đối với các nhóm động từ khác nhau sẽ không giống nhau. Do đó ý nghĩa tri nhận của các ĐTTG là hoàn toàn khác nhau giữa ba cấp độ này.
Vd 122:
Anh nhìn ra đường. (15) Anh nhìn thấy cái cây. (16) Cái cây nhìn thật là to. (17)
Như vậy qua những gì đã phân tích trên đây chúng ta có thể rút ra nhận xét như sau. Về mặt logic tri nhận thì ngữ nghĩa của ĐTTG không chỉ phụ thuộc vào các qui tắc tri nhận của logic hình thức mà phụ thuộc cả những qui tắc tri nhận của logic phi hình thức. Nó còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa CTTN và đối tượng tri nhận, vào giai đoạn tri giác – tri nhận. Đặc biệt là năng lực tri giác có khả năng chi phối mạnh mẽ đến NNTN của ĐTTG.