Chương 1: ĐIỀU KIỆN KINH TẾ, CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG VỀ DÂN CỦA NGUYỄN TRÃI
1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG VỀ DÂN CỦA NGUYỄN TRÃI
1.2.1. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống và tư tưởng thân dân trong lịch sử tư tưởng Việt Nam – một trong những tiền đề lý luận hình thành tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi
Để tìm hiểu về tư tưởng triết học Nguyễn Trãi phải nhìn từ những khía cạnh khác nhau, trong đó sự tiếp thu những tư tưởng, quan điểm của
các nhà yêu nước trong thời đại Lý – Trần, một thời đại hào hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước với những cuộc đấu tranh chống quân Mông – Nguyên bảo vệ nền độc lập tự chủ của chế độ phong kiến nước ta.
Trong thời kì này đã xuất hiện nhiều tấm gương oanh liệt, nhiều anh hùng kiệt xuất với tinh thần yêu nước nồng nàn và bất diệt. Những tư tưởng yêu nước, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm cũng được nở rộ trong thời kì này và tạo tiền đề cho các nhà tư tưởng sau này phát triển lên ở mức độ cao hơn và phù hợp hơn với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước. Nguyễn Trãi là một trong những nhà tư tưởng ảnh hưởng bởi các quan niệm, tư tưởng trong thời kì Lý – Trần, ông đã học được ở đây sức mạnh toàn dân, tinh thần yêu nước cao cả, việc học hỏi này cộng với tài trí của mình Nguyễn Trãi đã có những tư tưởng, quan niệm vượt bậc về dân, về nước và sức mạnh của nhân dân lao động. Từ đây đã hun đúc nên tấm lòng vì dân vì nước của Nguyễn Trãi và ông đã phát triển đến đỉnh cao nhất để lại cho đời sau những bài học giá trị và mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
“Văn hóa truyền thống của một dân tộc là tổng hợp các giá trị vật chất và tinh thần được sáng tạo nên qua thực tiễn lịch sử, tạo thành bản sắc, cốt cách của một dân tộc và được truyền từ đời này sang đời khác” [10, 50].
Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam là tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, được xây dựng trên bao xương máu của ông cha ta từ thời mở cõi. Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường không bao giờ khuất phục trước mọi sự xâm chiếm, đô hộ từ các thế lực bên ngoài . Trong lịch sử Việt Nam, vượt trội hơn hẳn đó chính là ý chí độc lập dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết dân tộc. Đây chính là điểm nổi bật của truyền thống văn hóa Việt Nam vì dân tộc ta hình thành quốc gia, dân tộc rất sớm và ngay từ những ngày đầu dựng nước nhân dân ta đã phải đứng lên để giữ gìn đất
nước của mình trước sự thèm khát chinh phục của các thế lực bên ngoài, đặc biệt chính là những con mắt luôn lăm le dòm ngó đến từ phương Bắc. Nước Đại Việt từ thời sơ khai đã chống lại các thế lực thù địch mạnh mẽ từ bên ngoài do đó đã hình thành nên tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm, tinh thần đoàn kết giữa người dân trong đất nước và một tinh thần tự chủ tự cường vô cùng mạnh mẽ. Tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, một tinh thần chống giặc ngoại xâm mạnh mẽ, một lòng yêu nước nồng nàn được hun đúc qua hàng trăm năm lịch sử, được xây dựng vững chắc bằng xương máu của cha ông ta.
Trước khi bị các triều đại phong kiến phương bắc xâm lược, Việt Nam đã có một lịch sử dựng nước sớm hình thành nên một nền văn minh lâu đời và phát triển vô cùng rực rỡ, trở thành cội nguồn dân tộc và làm nên một bản sắc dân tộc Việt Nam hiện nay. Tinh thần nhân văn, dân tộc tự chủ trong các triều đại phong kiến trước đó cũng là giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần hun đúc hình thành các tư tưởng của Nguyễn Trãi. Đất nước ta với hàng ngàn năm lịch sử, trải qua nhiều triều đại phong kiến nối tiếp nhau. Hàng ngàn năm Bắc thuộc và nguy cơ xâm lược luôn rình rập với biết bao đau thương bởi họa xâm lược mà nhân dân ta từng nếm trải đã hình thành trong các triều đại Đai Việt tư tưởng tích cực về dân, để lại cho hậu thế những di sản tiến bộ. Những tư tưởng đó đã phát triển đến đỉnh cao và mang tính nhân văn sâu sắc. Mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển Nhà nước phong kiến độc lập trước thời Nguyễn Trãi (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV), “tư tưởng về dân” được phát triển trên cơ sở những giá trị nhân đạo trong truyền thống của dân tộc, với tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật và tư tưởng thân dân tiến bộ trong học thuyết của Nho giáo. Những tư tưởng đó du nhập vào Đại Việt, được phát triển trên nền tảng ý thức về chủ quyền dân tộc, tư tưởng đề cao dân, thương dân, khoan dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, tư
tưởng về cố kết dân tộc tạo thành sức mạnh đoàn kết toàn dân trong dựng nước và giữ nước. Sự hòa nhập và kết tinh này thể hiện đậm nét qua các triều đại phong kiến Lý, Trần, là cơ sở quan trọng để hình thành nên tư tưởng thân dân ở Nguyễn Trãi.
Thời đại Lý – Trần kéo dài gần năm thế kỷ, trải qua rất nhiều thời đại:
Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Trần trong đó hai triều đại Lý – Trần là hai triều đại lâu nhất, tiêu biểu nhất hình thành nền văn hóa Thăng Long.
Đặc trưng trong thời đại này mang ba nét cơ bản sau: Một là, thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng. Hai là, thời đại phục hưng của dân tộc và phát triển đất nước. Ba là, thời đại khoan giản, an lạc, nhân thứ , rộng mở và dân chủ. Nhờ phát triển kinh tế và phục hưng văn hóa mà thời đại này nhân dân ta đã có một đời sống vật chất tương đối đủ no, một đời sống tinh thần tương đối dễ chịu, trong không khí dân chủ và rộng mở. Tinh thần thời đại ấy đã tạo nên nền văn hóa Thăng Long có một không hai trong lịch sử dân tộc mà chủ thể trong thời đại này là những con người tự tin, hào hùng, dũng liệt, phóng khoáng, nhân ái, trong sáng, độ lượng. Có được những tinh thần như trên là nhờ lòng yêu nước, yêu con người, nhờ bản lĩnh kiên cường cùng với ý thức độc lập tự cường của dân tộc. Ngoài ra, còn có một yếu tố quan trọng để làm nên chất Đại Việt của văn hóa Thăng Long còn là nhờ ảnh hưởng tư tưởng từ bi, thấm đẫm tính nhân văn của nhà Phật. Chính giáo lý nhân từ của Phật giáo đã cảm hóa và ảnh hưởng đến xã hội, phong hóa, chính trị của thời đại và sau này Nguyễn Trãi đã tiếp thu và cải biến, nâng cao trở thành đỉnh điểm của văn hóa Đại Việt hồi đầu thế kỷ XV.
Tinh thần yêu nước và ý chí độc lập tự cường của dân tộc là truyền thống cũng như niềm hãnh diện vẻ vang của dân tộc Việt Nam được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện tinh thần sẵn sang hi sinh bản thân mình
vì sự nghiệp và công cuộc bảo vệ nền độc lập của dân tộc, của đất nước. Và tinh thần ấy trỗi dậy mạnh mẽ và quyết liệt mỗi khi đất nước bị xâm chiếm.
Tinh thần đó được thể hiện mạnh mẽ bằng các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam qua các thời kì phương Bắc xâm lược Việt Nam. Đất nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc, Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường kế tiếp nhau xâm lược và đặt ách thống trị biến nước ta thành những châu, những quận của phương Bắc, thực hiện nhiều chính sách nhằm mục đích đồng hóa, quyết tâm xóa bỏ nền độc lập tự chủ của nước ta và biến nước ta thành một trong những thuộc địa của chúng. Nhưng với tinh thần tự cường bất khuất, thà hi sinh chứ không để mất nước, nhân dân Việt cổ chúng ta đã cùng nhau liên kết và chống lại sự xâm lược của các nước phương Bắc bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ dân tộc . Lý Thường Kiệt thắng Tống và đã để lại cho nhân thế bảng tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử Việt Nam :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẵng hành khang thủ bại hư.” [ 70, 321]
Trong thời đại nhà Trần với ba lần chiến thắng quân Mông Nguyên đã viết nên một khúc khải hoàn ca cho lịch sử dân tộc. Dưới thời đại này tinh thần độc lập dân tộc, quyết tâm thống nhất quốc gia trở thành một sứ mệnh dân tộc cho bất cứ người dân yêu nước nào của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Trần Nhân Tông đã kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam trong lịch sử, hòa quyện với những tư tưởng văn hóa lúc ấy để phục vụ cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Hội nghị tướng lĩnh ở Bình Than và Hội nghị Diên Hồng diễn ra đã cho chúng ta thấy được ý chí quyết chiến và quyết thắng của toàn dân tộc.
Trong thời kì này chúng ta không thể không nhắc đến Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với những áng văn thấm đẫm tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm “ Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa cũng nguyện xin làm”. [ 70, 424] hay Trần Bình Trọng đã có câu nói khẳng khái trước sự dụ dỗ và đe dọa của quân thù “Ta thà làm ma nước nam chứ không thèm làm vương đất Bắc.” [ 69, 54] đã giáng một cú tát thẳng thừng vào bè lũ tay sai bán nước và lũ giặc xâm lược.
Nguyễn Trãi đã tiếp thu và kế thừa tinh thần yêu nước, lòng dạ son sắt trước những mưu đồ mà quân xâm lược bày ra. Ông đã đưa tinh thần yêu nước của dân tộc lên một trang mới, khẳng định được tinh thần bất khuất, ý chí độc lập dân tộc khi viết nên những lời văn hào hùng đấy khí phách trong Bình Ngô Đại Cáo , bản tuyên ngôn thứ hai của dân tộc Việt Nam khẳng định quyền độc lập tự do dân chủ
“ Xét như nước Đại Việt ta Thật là một nước văn hiến Bờ cõi sông núi đã riêng.
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.” [66, 77]
Đoạn thơ trên đã khẳng định một điều, đất nước Đại Việt đã hình thành từ rất lâu đời, có nền văn hóa riêng của dân tộc, có ngôn ngữ và tiếng nói riêng của mình, phát triển song song với những triều đại của phương Bắc nên không thể nào biến Đại Việt trở thành một châu, quận phụ thuộc vào phương Bắc được. Đây chính là tiếng nói của người con Đại Việt yêu nước
thương dân và luôn luôn khắc khoải một mong ước duy nhất đó chính là làm thế nào để đất nước thái bình thịnh trị, không còn ngoại xâm, không còn những tiếng khóc oán than của những người dân cùng khổ, bị trị. Là hiện thân của tinh thần yêu nước, thương dân kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc. Sự kế thừa từ truyền thống gia đình, sự trải nghiệm cuộc sống cùng người dân, nhìn thấu mọi đau thương cùng cực của người dân Nguyễn Trãi đã dành cả cuộc đời mình chiến đấu, hi sinh cho đất nước ngày một ấm no và hạnh phúc. Ông đau xót trước những cảnh nước mất nhà tan, những cảnh chia ly loạn lạc của nhân dân “sống trên lò bạo ngược, dưới hố tai ương” [66,77]. Nguyễn Trãi có một tình cảm sâu đậm với nhân dân, ông nhận thức được sức mạnh to lớn của nhân dân trong quá trình dựng và giữ nước. Ông cho rằng sức mạnh của nhân dân như sức mạnh của nước, nước có thể đẩy thuyền đi nhưng nước cũng có thể làm lật thuyền.
Nguyễn Trãi đã vận dụng sức mạnh to lớn của dân, gắn kết thành một khối thống nhất để cùng đánh giặc cứu nước.
Các vương triều phong kiến đều rút ra những bài học quý giá về dựng nước , giữ nước và xây dựng một nền độc lập dân chủ, một xã hội ổn định đều phải dựa vào lòng dân. Để thành công trong việc quản lý đất nước thì phải hiểu lòng dân và phải thực hiện chính sách thân dân. Ở triều đại nhà Lý, những đại biểu tư tưởng của giai cấp phong kiến thời kì này có ý thức rất sâu sắc về vai trò và vị trí của “ý dân” và “ lòng dân”. Việc dời đô, thay đổi, kế vị và phát động chiến tranh là những việc hệ trọng của triều chính đều có một căn cứ, mục đích quan trọng là ý dân, là điều cần quan tâm trong xã hội lúc bấy giờ. Xuất phát từ những quan điểm đó, ngay từ đầu nhà Lý đã rất quan tâm đến đời sống của người dân, họ đặt lầu chuông trong thành Thăng Long để “dân chúng ai có việc kiện tụng thì đánh chuông lên” . Họ có những chính sách để phát triển đời sống của người dân. Điều này chứng
tỏ trong tư tưởng của Vua, quan thời kì này đã nhìn nhận nhân dân như một lực lượng xã hội quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập cũng như là bảo vệ nền quân chủ tập quyền của chính quyền phong kiến.
Đến thời Trần, một triều đại phong kiến lớn của Việt Nam đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc trị nước, an dân, mà nổi bật là chính trị “khoan dân” của Trần Quốc Tuấn. Khái niệm “dân” dưới triều Trần đã được mở rộng, không chỉ bao hàm giai cấp quý tộc, địa chủ, các chủ thương nghiệp mà còn bao hàm luôn cả những nông nô và nhân dân làng xã. Họ được nhìn nhận như một lực lượng xã hội cần thiết trong đời sống, tiến hành những cuộc đấu tranh giữ nước, đem lại hòa bình ổn định lâu dài cho đất nước. Tư tưởng về dân của Trần Quốc Tuấn được khái quát trong chính sách
“khoan dân” . Ông đã coi ý chí của dân chính là bức tường thành giữ nước, là điều hệ trọng trong việc cầm quyền. Những tư tưởng đó đã được phát huy trên thực tế, được coi là điều kiện hàng đầu trong việc giữ nước, thể hiện một nhận thức sáng suốt trong tư tưởng chính trị Việt Nam thời phong kiến.
Hội nghị Diên Hồng ở bến Bình Than đã một phần thể hiện tư tưởng dựa vào dân và xem trọng ý chí, nguyện vọng của người dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, là hình ảnh đẹp đẽ của sự đoàn kết vua tôi , sự tôn trọng và tin tưởng vào sức mạnh của toàn dân. Lịch sử Việt Nam là lịch sử gắn liền với việc giữ nước, lại luôn phải đứng dậy đương đầu với những thế lực mạnh mẽ luôn manh nha xâm chiếm nước ta thì nếu không dựa vào dân sẽ không thể nào chiến thắng được. Đó chính là một bài học về việc xây dựng một chế độ chính trị bền vững.
Như vậy, chúng ta có thể thấy được một điều rằng, để hình thành nên tư tưởng triết học sâu sắc của mình, Nguyễn Trãi đã tiếp thu và phát triển những giá trị văn hóa của dân tộc. Tiếp thu tinh thần yêu nước , vì nước vì
dân của ông ngoại ông là nhà Nho yêu nước Nguyễn Phi Khanh, của cha ông và của những người đi trước , hình thành nên một tinh thần yêu nước nồng nàn, một ý chí toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, một tấm lòng nhân đạo, yêu thương dân tộc da diết, thể hiện không chỉ tinh thầ kiên cường, quyết liệt chống giặc ngoại xâm mà còn thể hiện tinh thần hòa hiếu và chuộng hòa bình của nhân dân Đại Việt. Tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi đã hình thành từ những cội nguồn lịch sử ấy. Đó là truyền thống “yêu nước thương nòi” ,
“tương thân tương ái”, nhân văn , nhân đạo, nhân nghĩa và những tư tưởng như “trọng dân” , “ lấy dân làm gốc” từ những vương triều trước đó đã đặt nền móng, cơ sở cho nguồn gốc tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi.