Chương 2: NỘI DUNG TƯ TƯỞNG VỀ DÂN CỦA NGUYỄN TRÃI , GIÁ TRỊ VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG ĐÓ ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN
2.1. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG VỀ DÂN CỦA NGUYỄN TRÃI
2.2.2. Những bài học lịch sử rút ra từ tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân
Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, các giá trị truyền thống của dân tộc ta, trong đó có tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi đang chịu những thách thức không nhỏ trước sức mạnh của vật chất, của mặt trái của nền kinh tế thị trường. Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để bảo vệ được các giá trị đạo đức truyền thống đó, đồng thời phải phát huy được các giá trị đó trong hoàn cảnh mới, cũng như chúng ta phải biết tiếp thu được những giá trị mới của nhân loại để có thể bổ sung cho hệ giá trị truyền thống của tư tưởng dân tộc.
Kinh nghiệm xây dựng, phát triển các quốc gia trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng cho thấy, bất cứ sự cố gắng nào đạt đến sự tăng trưởng kinh tế mà không tính đến những đặc điểm của văn hóa dân tộc, sẽ dẫn đến sự phá hoại nghiêm trọng cơ cấu kinh tế và giá trị văn hóa dẫn đến sự suy yếu tiềm năng sáng tạo của quốc gia.
Bài học đầu tiên rút ra trong tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi là Nhà nước phải thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nguyễn Trãi xuất phát từ chính những kinh nghiệm, những hoạt động của bản thân để hình thành nên những quan điểm, tư tưởng của chính mình.
Các quan điểm của ông là những vấn đề phổ biến, gần gũi với cuộc sống, rồi dùng những quan điểm ấy áp dụng vào trong thực tiễn để giúp cho xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển hơn. Tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi được hình thành từ những hoạt động thực tiễn của ông trong đời sống, từ những năm tháng ông nếm mật nằm gai cùng nhân dân trong những năm tháng chống quân Minh xâm lược kết hợp với chủ nghĩa yêu nước của dân tộc được hình thành và lưu truyền trong hàng ngàn năm qua. Tư tưởng của
Nguyễn Trãi được xuất phát từ thực tiễn , gắn liền với thực tiễn nên tư tưởng về dân của ông không chỉ cống hiến riêng cho xã hội Việt Nam đương đại mà còn có những giá trị to lớn cho cả những thời đại sau này.
Trong tư tưởng của Nguyễn Trãi mọi quyết định của Nhà nước phải lấy nguyện vọng của nhân dân ra làm thước đo cho tính đúng, sai phải trái, đồng thời phải phát huy trí thuệ của dân khi ban hành những quy định, luật lệ.
Trong Chiếu bàn về phép tiền tệ có viết “các đại thần trăm quan và các sĩ phu trong ngoài, ai hiểu rõ thời vụ đều bàn bạc về thể lệ dùng tiền thế nào cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không đến nỗi lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời.” [66, 195]. Nhà Trần cũng đã từng tổ chức Hội Nghị Diên Hồng để lấy ý kiến của thuộc cấp, của những người dân trong quá trình kháng chiến chống quân xâm lược. Tuy nhiên quan niệm lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi không chỉ là quan niệm cần có trong thời chiến mà ngay khi đã xếp giáo, chùi gươm, khi người nông dân quay về với cuộc sống thường ngày, với con trâu cái cuốc thì vai trò của người dân trong đời sống cũng cần phải được xem trọng. Đây chính là quan niệm vượt thời đại và mang tính cách mạng của Nguyễn Trãi. Vào thời điểm khi mà hầu hết mọi triều đại cũng như vua chúa quan lại chỉ khư khư lo giữ cho bản thân mình, luôn áp đặt những mong muốn , nguyện vọng của mình lên những mong muốn và nguyện vọng của người dân thì tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi như vượt lên những tầm nhìn thiển cận mà tiến tới một tầm nhìn xa hơn, rộng hơn để xây dựng và giữ gìn đất nước ngày càng thịnh trị và thái bình. Sau này khi Vua Lê Thánh Tôn minh oan cho Nguyễn Trãi, ông đã xem xét và vận dụng tư tưởng này của Nguyễn Trãi vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta có thể thấy tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi vẫn có những ý nghĩa to lớn trong công cuộc giữ gìn và phát triển đất nước. Trong giai
đoạn hiện nay tư tưởng ấy đã tiến gần đến chủ nghĩa Mác – Lênin trong quan niệm về quần chúng nhân dân và vai trò của quần chúng nhân dân trong sự phát triển của lịch sử. Theo đó quần chúng nhân dân là những người sáng tạo ra lực lượng sản xuất cơ bản của mọi xã hội, là người tạo ra của cải vật chất góp phần làm xã hội ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tồn tại của con người. Quần chúng nhân dân còn là chủ thể sáng tạo ra những giá trị tinh thần trong cuộc sống, sáng tạo ra những giá trị văn hóa đại diện cho mỗi dân tộc, mỗi đất nước và quan trọng hơn nhất quần chúng nhân dân chính là lực lượng và động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.
Những cuộc cách mạng xã hội chỉ có thể thành công khi xuất phát từ quyền lợi của quần chúng nhân dân, lấy quyền lợi của nhân dân là mục đích của cuộc cách mạng và nhân dân chính là lực lượng chính trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Nguyễn Trãi cũng đã có những quan niệm gần gũi với chủ nghĩa Mác – Lênin khi ông quan niệm rằng chính nhân dân mới chính là người tạo ra của cải vật chất để phục vụ cho giai cấp vua quan và quý tộc trong đời sống, cũng xuất phát trong đời sống thường ngày của nhân dân mà những giá trị văn hóa đặc trưng mới được hình thành và quan trọng nhất chính nhân dân là lực lượng chính đứng lên để giành lấy độc lập dân tộc.
Chính vì vậy mà Nguyễn Trãi đã khẳng định “ Mến người có nhân là dân;
Chở thuyền và lật thuyền cũng là dân” [66, 203]. Nguyễn Trãi không dùng khái niệm dân để thể hiện trong tư tưởng của mình mà ông dùng từ manh lệ, manh là những người làm ruộng, lệ là những người lệ thuộc, manh lệ là những người dân cày, là những người nông nô, nô tỳ tức là quần chúng nhân dân lao động bị áp bức và bóc lột trong đời sống hiện tại. Muốn cho đất nước thái bình, muốn cho cuộc sống an lành thì cần phải đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, ai cũng có những điều kiện để phát triển bản thân mình một cách tốt nhất. Trong tư tưởng về dân của Nguyễn
Trãi chúng ta có thể thấy rằng ông luôn đặt vấn đề an dân, thân dân lên hàng đầu, xây dựng một chính quyền vì dân, lấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu trong đường lối chính trị của mình.
Mười năm Nguyễn Trãi lưu lạc với nhân dân và ba mươi năm Hồ Chí Minh bôn ba tìm đường cứu nước đã giúp cho hai vị anh hùng tìm ra cho dân tộc con đường cứu nước chống giặc ngoại xâm. Cả cuộc đời của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Nguyễn Trãi có ước nguyện “Dân giàu đủ khắp mọi phương”, Hồ Chí Minh lại có mong muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.” Hai con người lỗi lạc, hai thời đại khác nhau nhưng luôn có một mong mỏi, một tình yêu bao la dành cho quê hương, đất nước dành cho những người dân đen, con đỏ. Cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều nhìn thấy được sức mạnh của nhân dân và luôn đề cao phẩm chất cao quý của họ.
Có nhiều nét tương đồng giữa Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh trong tư tưởng cũng như trong cuộc đời hoạt động thực tiễn. Điều này càng làm rõ thêm ở Việt Nam “nhân tài, hào kiệt đời nào cũng có”. Từ tư tưởng thân dân trong truyền thống, Hồ Chí Minh tiến tới tư tưởng dân chủ trong hiện đại. Chính tâm là cần, kiệm, liêm chính, là đạo làm người của người cách mạng. Hồ Chí Minh còn phát triển tư tưởng vì dân của Nguyễn Trãi đưa vào trong triết lý đời sống, chiến lược cách mạng xuyên suốt trong mọi thời kì của đất nước “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” [ 35, 410 ] . Kế thừa có chọn lọc những tư tưởng thân dân trước đó, trong đó có tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò và địa vị của dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước:
“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công cuộc đổi mới, xân dựng là trách nhiệm của dân
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra” [35, 698]
Trong thực tiễn đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, chúng ta có thể thấy được rằng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng tốt chủ trương “lấy dân làm gốc” để lãnh đạo nhân dân. Công cuộc giải phóng đất nước là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng những giai cấp tầng lớp trong xã hội thoát khỏi áp bức, bóc lột, thực hiện độc lập dân tộc gắn liến với với chủ nghĩa xã hội. Trong thời chiến sức mạnh của toàn dân tộc tựa như con sóng mạnh mẽ cuốn phăng đi những áp bức, những xiếng xích của thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ. Trong thời bình nhân dân là lực lượng nòng cốt, chủ yếu trong việc xây dựng một xã hội ổn định, mang lại một cuộc sống đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ai cũng có quyền phát triển bản thân, ai cũng có quyền đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nhà nước ta là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Nhà nước đó đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó thì người dân cũng phải thực hiện những nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Hồ Chí Minh khẳng định dân là gốc của nước, khi gốc vững thì cây mới bến được. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến dân chủ, dân chủ vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng lúc chiến tranh và phát triển lúc thời bình. Hồ Chí Minh đã phát triển bài học”lấy dân làm gốc” ở Nguyễn Trãi lên một tầm cao mới về nhận thức. Bên cạnh những điều cơ bản của tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi là cốt ở yên dân, phạm trù “dân chủ” ở tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa triết lý đi vào đời sống, là chiến lược cách mạng xuyên suốt mọi thời kì của đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đời hoạt động thực tiễn của Nguyễn Trãi cũng như tư tưởng về dân của ông cho chúng ta thấy, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta muốn thành công thì cần phải có sự đóng góp hết sức to lớn của nhân dân.
Nhận thức của Đảng ta qua những năm lãnh đạo nhân dân kháng chiến ngày càng sâu sắc và đầy đủ, là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa giá trị tư tưởng của dân tộc, nhân loại, của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của đất nước.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ trong đó tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, mà họ là những người chủ. Điều đó không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật, mà còn được thể hiện sinh động trên các lĩnh vực, trong các hoạt động của đời sống xã hội.Tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi và thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy để thực hiện được mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, chúng ta cần phải phát huy được bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Chỉ khi dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện đầy đủ trong thực tế thì nhà nước mới thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân và sức mạnh của nhân dân mới được phát huy trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Bài học thứ hai rút ra từ tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi là để nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân những người trong bộ máy Nhà nước phải biết chịu trách nhiệm trước nhân dân về những việc làm của mình
Với Nguyễn Trãi việc được thăng quan tiến chức không chỉ thể hiện người đó được trọng dụng, được nhận bổng lộc của triều đình mà cái quan trọng cần quan tâm và chú ý đến chính là trách nhiệm của một người đứng đầu, của một người quản lý. Trong xã hội mà Nguyễn Trãi sinh sống, chức
vị càng cao thì cái người ta quan tâm chính là bổng lộc càng nhiều, còn ông thì lại khác chức vụ của ông càng cao thì bản thân ông phải càng có trách nhiệm hơn trong công việc của mình. Và trách nhiệm của ông đó chính là làm thế nào để cho nước được hòa bình, cho người dân được nhiều cơ hội để phát triển, chăm lo bản thân. Khi ông được giao trọng trách cai quản lính cả vùng Đông Bắc, ông vui vì được phục vụ dân, phục vụ cho giang sơn xã tắc, ông lo vì trách nhiệm lớn không biết có hoàn thành được hay không. Trong chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn thái tử ông viết “ Chức giữ Đông Đài, thực việc triều đình rất trọng, Việc kiêm Tam quán, ấy điều nho giả cực vinh. Huống hồ ban quốc tính để rạng tông môn, lại với công thần xếp cùng hàng liệt. Cảm mà chảy nước mắt, mừng mà sợ trong lòng.” [66, 206] . Trách nhiệm của người cầm quyền không chỉ dừng lại ở việc lo nghĩ trách nhiệm mà ông còn chỉ ra những việc để biến cái tư tưởng đó vào thực hiện điều hành đất nước. Ông lưu ý người cầm quyền có ba việc không chỉ cần phải làm mà còn phải làm tốt đó chính là dưỡng dân, giáo dân và an dân.
Dưỡng dân là coi trọng nhân dân làm cho nhân dân được no ấm, người cầm quyền phải nhận ra được một điều là mọi của cải trong xã hội đều do dân làm ra. Với tư cách là nhà cầm quyền họ phải cùng nhân dân đứng trên cùng một chiến tuyến chống lại thiên tai, dịch bệnh. Ông không chỉ kêu gọi vua và quan lại “yêu thương nuôi dưỡng dân đen để nơi làng xóm quê thôn không còn tiếng sầu than oán giận”, “lấy điều lo của dân sinh làm điều lo của thế kỷ” hay kêu gọi vua miễn giảm tô thuế “ruộng nào không đầy diện thì được miễn thuế hoàn toàn” mà trong “Dư địa chí” ông còn tỉ mỉ liệt kê những đặc điểm khác nhau về thổ nhưỡng, khí hậu cho từng vùng miền và khuyên vùng đó nên trồng cây gì, nuôi con gì. “ Ở vùng này , đất thì trắng, mềm hợp với bãi trồng dâu, ruộng thì vào hạng thượng trung. Huyện Tiên Phong có lụa. Huyện Bất bạt có dầu, rào chắn, gai, đay và đồ nhung liệu.
Huyện Mỹ Lương có ngà voi, sừng tê. Huyện tam nông có chè tai mèo, sáp vàng, sáp trắng.” [66, 221] . Như vậy, với ông người có quyền không chỉ biết kêu gọi, mà còn phải tự mình xông pha, phát huy kiến thức để phục vụ dân đó mới là thực hiện trọng trách của mình.
Trong quan điểm của rất nhiều người cầm quyền lúc bấy giờ, lễ nghĩa không biết đến thứ dân. Dân là ngu si và càng ngu si càng dễ trị. Chữ nghĩa chỉ có những người có chức sắc mới được học, được biết. Tuy nhiên, với Nguyễn Trãi sức mạnh của quốc gia dân tộc nằm ở sức mạnh của muôn dân, dân có mạnh thì khí nước mới thịnh. Nguyễn Trãi đã đặt việc coi trọng lòng dân là mục tiêu hàng đầu, trong Chiếu răn thái tử, ông viết “ Hòa thuận tôn thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân. Chớ thưởng bậy vì tư ân, chớ phạt bừa vì tư nộ.” [66, 202].
Người cầm quyền phải biết được bản thân mình cần gì và làm gì để xây dựng một xã hội ngày càng phát triển, không vì những cảm xúc của mình mà thưởng phạt không công minh. Ngoài ra, người lãnh đạo còn phải quan tâm đến việc giáo dục cho người dân, tạo cho người dân những điều kiện để phát triển bản thân mình, chính vì vậy mà người cầm quyền phải có những chính sách đảm bảo cho người dân có đủ những điều kiện phát triển. Muốn vậy nhà cầm quyền cần phải khai sáng cho dân phải dạy dỗ và giáo dục để dân “sáng”, mà dân sáng thì sẽ có nhiều người tài phục vụ đất nước. Đây là tư tưởng tiến bộ trong bối cảnh thời bấy giờ.
Ngoài trách nhiệm dưỡng dân và giáo dân, Nguyễn Trãi còn cho rằng, người cầm quyền phải có trách nhiệm an dân. An dân là bảo vệ nhân dân, không tiến hành chiến tranh cướp bóc, giết chóc. Để làm được việc đó người cầm quyền cần có cả trí lẫn dũng. Với ông “trung” không có nghĩa là trung với vua mà là trung với lợi ích, trung với dân, vì sự an nguy của dân, chứ không phải vì sự an nguy của một dòng họ, vì một người mà hi sinh muôn