CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ QUAN ĐIỂM, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO
2.1. Khái niệm nghèo đói và các tiêu chí xác định nghèo đói
2.1.2. Xác định chuẩn nghèo
2.1.2.1. Phương pháp xác định chuẩn nghèo
* Ý nghĩa của việc xác định chuẩn nghèo: Chuẩn nghèo (hay còn gọi là đường nghèo, ngưỡng nghèo hoặc tiêu chí nghèo) là một thước đo để xác định ai nghèo, ai không nghèo, điều đó cũng có nghĩa quan trọng cho việc:
- Xác định đối tượng cần trợ giúp phù hợp;
- Hoạch định chính sách và các giải pháp trợ giúp;
- Tổ chức thực hiện giúp đối tượng tiếp cận với các chính sách trợ giúp.
* Có hai phương pháp xác định chuẩn nghèo:
Phương pháp xác định chuẩn nghèo dựa vào nhu cầu chi tiêu: để đảm bảo các nhu cầu cơ bản của con người về ăn, ở, mặc, y tế, giáo dục, văn hoá, đi lại và giao tiếp xã hội.
- Bước một là xác định nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm (nhu cầu ăn uống để tồn tại). Để xác định được nhu cầu này người ta xác định rổ hàng hoá để bình quân hàng ngày một người có được 2100 Kcal, rổ hàng hoá khoảng 40 mặt hàng (rổ hàng hoá tính cho Việt Nam cũng 40 mặt hàng và xếp thành 16 nhóm hàng hoá: gạo các loại; lương thực khác quy gạo; thịt các loại; mỡ, dầu ăn; tôm cá; trứng gia cầm các loại; đậu phụ; đường, mật, sữa, bánh, kẹo, mứt; nước mắm; chè, cà phê;
rượu, bia; đồ uống khác; đỗ các loại; lạc, vừng; rau các loại; quả chín); từ rổ hàng hoá này người ta xác định được số tiền cần thiết chi tiêu cho lương thực, thực phẩm.
Tuy nhiên, giá cả của rổ hàng hoá ở thành thị, nông thôn và các vùng rất khác nhau, vì vậy người ta phải lấy giá trị trung bình của rổ hàng hoá này.
- Bước hai là xác định nhu cầu chi tiêu phi lương thực thực phẩm (7 nhu cầu cơ bản còn lại). Thông thường chi cho lương thực, thực phẩm chung của dân cư chiếm khoảng 60% tổng tiêu chí, còn 40% là nhu cầu phi lương thực thực phẩm.
Đối với nhóm giàu tỷ lệ tương ứng là 50% và 50%; đối với nhóm nghèo 70% chi tiêu cho nhu cầu lương thực, thực phẩm, còn 30% chi tiêu cho phi lương thực thực phẩm (ở, mặc, y tế, giáo dục, văn hoá, đi lại và giao tiếp xã hội).
- Bước ba là xác định tổng nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và phi lương thực thực phẩm.
Tổng chi tiêu = Chi tiêu cho LTTP + Chi tiêu cho phi LTTP
+ Giá trị bằng tiền của tổng chi tiêu được gọi là đường nghèo chung hay còn gọi là chuẩn nghèo cao. Giá trị bằng tiền của chi tiêu cho LTTP là đường nghèo lương thực thực phẩm hay còn gọi là chuẩn nghèo thấp.
Phương pháp xác định chuẩn nghèo dựa vào so sánh với thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình: Lấy chuẩn nghèo bằng 1/2 hay 1/3 thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình là phụ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nước, song biên độ dao động của chuẩn nghèo sẽ nằm trong 1/2 hay 1/3 mức thu nhập bình quân; nước phát triển (nước giàu) thu nhập cao, chi phí đắt đỏ có thể lấy mức 1/2 thu nhập bình quân đầu người, nước chậm phát triển có thể lấy mức 1/3 thu nhập bình quân đầu người; nước đang phát triển có thể lấy ở khoảng giữa của 1/2 và 1/3 mức thu nhập bình quân đầu người.
Như vậy, chuẩn nghèo biến đổi theo không gian và thời gian. Về không gian nó biến đổi theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, chẳng hạn, đô thị, nông thôn đồng bằng và nông thôn miền núi. Về thời gian, nó biến đổi theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn lịch sử.
2.1.2.2. Chuẩn nghèo của Việt Nam qua các giai đoạn
Ở Việt Nam nghèo đói được phân theo chuẩn nghèo quốc gia, nghĩa là dựa vào thu nhập bình quân khẩu/tháng.
* Giai đoạn 1993 – 1995:
Hộ đói: Bình quân thu nhập đầu người quy gạo/tháng dưới 13 kg đối với thành thị, dưới 8 kg đối với khu vực nông thôn.
Hộ nghèo: Bình quân thu nhập đầu người quy gạo/tháng dưới 20 kg đối với khu vực thành thị và dưới 15 kg đối với khu vực nông thôn.
* Giai đoạn 1995 – 1997:
Hộ đói: Là hộ có mức thu nhập bình quân một người trong hộ một tháng quy ra gạo dưới 13 kg, tính cho mọi vùng.
Hộ nghèo: Là hộ có thu nhập như sau:
- Vùng nông thôn miền núi, hải đảo: dưới 15 kg/người/tháng.
- Vùng nông thôn đồng bằng, trung du: dưới 20 kg/người/tháng.
- Vùng thành thị: dưới 25 kg/người/tháng.
* Giai đoạn 1997 – 2000 (Công văn số 1751/LĐTBXH):
Hộ đói: Là hộ có mức thu nhập bình quân một người trong hộ một tháng quy ra gạo dưới 13 kg, tương đương 45.000 đồng (giá năm 1997, tính cho mọi vùng).
Hộ nghèo: Là hộ có thu nhập tùy theo từng vùng ở các mức tương ứng như sau:
- Vùng nông thôn miền núi, hải đảo: dưới 15 kg/người/tháng (tương đương 55.000 đồng).
- Vùng nông thôn đồng bằng, trung du: dưới 20 kg/người/tháng (tương đương 70.000 đồng).
- Vùng thành thị: dưới 25 kg/người/tháng (tương đương 90.000 đồng).
* Giai đoạn 2001 – 2005 (Quyết định số 143/2000/QĐ-LĐTBXH):
- Vùng nông thôn miền núi, hải đảo: 80.000 đồng/người/tháng (960.000 đồng/người/năm).
- Vùng nông thôn đồng bằng: 100.000 đồng/người/tháng (1.200.000 đồng/người/năm).
- Vùng thành thị: 150.000 đồng/người/tháng (1.800.000 đồng/người/năm).
* Giai đoạn 2006 – 2010 (Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg):
- Vùng thành thị: 260.000 đồng/người/tháng (3.120.000 đồng/người/năm).
- Vùng nông thôn (cho cả miền núi và đồng bằng): 200.000 đồng/người/tháng (2.400.000 đồng/người/năm).
* Giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg): Ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 như sau:
- Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.
- Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.
- Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.
- Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.
Theo các quyết định trên ta thấy, chuẩn nghèo ở nước ta luôn có xu hướng tăng dần kể từ năm 1996 đến nay (từ năm 2011 đến năm 2015). Một mặt, chuẩn nghèo đó phản ánh sự tăng lên thu nhập bình quân đầu người, có thể giảm thiểu tỷ lệ nghèo đói ở một mức độ nào đó. Nhưng mặt khác lại cho thấy sự giảm đi của giá trị tiền tệ ở Việt Nam. Điều này có thể giải thích tại sao Việt Nam vẫn là một nước nghèo.
2.1.2.3. Chuẩn nghèo mở rộng
Các mức chuẩn mà Nhà nước đề ra chỉ là chuẩn áp dụng thống nhất cho cả nước, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo mà các tỉnh, thành phố có thể nâng chuẩn nghèo cao hơn so với chuẩn quốc gia nếu thoả 3 điều kiện:
- Thu nhập bình quân đầu người không thấp hơn chuẩn quốc gia.
- Tỷ lệ nghèo đói phải thấp hơn tỷ lệ nghèo đói của cả nước.
- Tự cân đối được nguồn lực để thực hiện các chế độ chính sách trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo.
Ví dụ: thành phố Hồ Chí Minh tăng cường mở rộng quy mô giảm nghèo, chống tái nghèo với mức chuẩn nghèo mới:
+ Giai đoạn 2001 - 2004: thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/năm trở xuống ở các quận nội thành và từ 2,5 triệu đồng/người/năm trở xuống ở các quận ven, huyện ngoại thành.
+ Giai đoạn 2004 - 2008: thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/năm trở xuống ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
+ Giai đoạn 2009 - 2015: thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.