Tình hình xuất bản, phê bình Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XX

Một phần của tài liệu Truyện kiều ở việt nam từ đầu thế kỷ xx đến năm 1945 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 27 - 35)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT TIẾP NHẬN VÀ TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU Ở VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

1.2 Bối cảnh xã hội những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945 và việc tiếp nhận Truyện Kiều ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX

1.2.2 Tình hình xuất bản, phê bình Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XX

Trong bài thơ Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng cảm khái mà viết rằng: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. Câu thơ súc tích trên đã thể hiện gần như trọn vẹn giá trị của một tác phẩm văn chương mang tầm thời đại. Quả thật, Truyện Kiều của Nguyễn Du chính là một trong những tác phẩm kinh điển nhất trong nền văn học dân tộc Việt Nam ta.

Truyện Kiều không chỉ được lưu hành trong giới văn nhân tài tử mà ngay cả những người dân bình thường áo vải, “ngu phu bỉ phụ” (chữ dùng trong Bài tựa Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng soạn năm 1830) cũng chuyền tay nhau để ngâm ngợi đầy thích thú. Được phổ biến rộng rãi là thế, tuy nhiên khi nói đến việc xuất bản của Truyện Kiều thì đây vẫn còn là một nghi vấn lớn. Bởi hơn hai thế kỷ qua, vẫn chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cho câu hỏi tác phẩm đã được khắc in bao nhiêu lần cũng như nó được khắc ván lần đầu vào lúc nào. Tuy nhiên, sau nhiều năm bỏ công nghiên cứu, sưu tầm, các bậc tiền nhân đã tìm được “ngót năm chục bản Kiều Nôm và Quốc ngữ của các nhà xuất bản khác nhau, không kể đến các bản chép tay” [23, tr.54]. Như thế, ta có thể dựa vào đây làm cơ sở cho việc nghiên cứu quá trình xuất bản của Truyện Kiều, cụ thể là trong giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945.

Bản Kiều chữ Nôm được giới nghiên cứu công nhận là khắc in công phu và có giá trị, giúp phổ biến văn bản Truyện Kiều phải kể đến là bản Quan văn đường Thành Thái Bính Ngọ năm 1906.Và quan trọng hơn cả là ở bản khắc in này người ta không tìm thấy dấu vết nào của bản Kinh, chứng tỏ rằng nó không chịu ảnh hưởng của bản Kinh và được xem là “bản tiêu biểu cho bản Phường” [23, tr.60]. Về hình thức của bản Quan văn đường Thành Thái Bính Ngọ: “Khổ 13x13, 3254 câu, 103 tờ. Bìa sách, mặt a ghi: Kim Vân Kiều tân tập – thời hiền thi tự - Quan văn đường

21

tàng bản, Thành Thái Bính Ngọ trọng hạ. Mặt b ghi bài thơ đề từ của Phạm Quý Thích. Từ tờ hai trở đi đánh số từ 1 đến 102 chép văn bản Truyện Kiều, hàng 8; mỗi trang chia làm ba tầng: tầng trên cùng chép toàn bộ Thanh Tâm Tài Nhân thi tập của Chu Mạnh Trinh, một số thơ của Chu Thấp Hy và một số người khác trong dịp thi vịnh Kiều năm Ất Tỵ (1905) ở Hưng Yên. Mấy chữ “Thời hiền thi tự” khắc ở sách là chỉ nhóm đó.” [23, tr.60]. Bản khắc in này được các nhà nghiên cứu đánh giá cao và không tiếc lời khen tặng về hình thức tinh tế, chữ khắc đẹp cũng như nội dung không có sai biệt nhiều so với những bản Kiều Quốc ngữ có giá trị như bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim hay bản Trương Vĩnh Ký. Đây quả thật là một bản khắc in không chỉ mang giá trị khoa học về mặt văn chương mà con đem đến nhiều tư liệu quý giá về mặt lịch sử xuất bản của các văn bản Truyện Kiều.

Một bản khắc in Kiều Nôm cũng không kém phần quan trọng và cũng cần phải nhắc đến đó là bản Kiều Oánh Mậu Thành Thái Nhâm Dần năm 1902. Chữ khắc trong bản này được các nhà nghiên cứu đánh giá là sắc nét nhất trong những bản Kiều Nôm đã sưu tầm được từ trước đến nay. Bản Kiều Oánh Mậu Thành Thái Nhâm Dần về hình thức có những điểm đáng chú ý sau: “Khổ 15x24, 3256 câu, 90 tờ: 8 tờ đầu đánh số từ 1 đến 8 có các phần: - Bìa sách mặt a ghi: Đoạn trường tân thanh – Giá sơn Kiều Thị Oánh Mậu chú thích. Nam: Thế Tường Nguyên Phượng, Thế Hũ Vũ Quang, Thế Diễm Á Ngọc phụng kiểm, phụng độc – Hàn lâm kiểm thảo Ngô Thúc Dụ thư. Thành Thái Nhâm Dần trung thu vọng – Mặt b ghi đôi câu đối của Tự Đức, tên tác giả Truyện Kiều, tên người bình luận là Vũ Trinh và Nguyễn Lượng và tên người đề từ là Phạm Quý Thích. Từ tờ 2a trở đi, gồm có các bài: Tân khắc Đoạn trường tân thanh lệ ngôn thập tắc của Kiều Oánh Mậu, bài Tự của Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Du liệt truyện, thơ đề từ của Phạm Quý Thích. Tám mươi hai tờ còn lại đánh số từ 1 đến 82 chép văn bản Truyện Kiều 3256 câu, hàng 10; mỗi trang kia chia làm 3 tầng: tầng trên cùng là tầng chú thích, khảo dị, bình luận; tầng giữa và tầng cuối chép câu lục trên, câu bát dưới.” [23, tr.62].

Bên cạnh các bản Kiều Nôm được khắc in từ các nhà xuất bản, chúng ta cũng cần chú ý đến những sách chép tay của các tư gia bởi nó cũng là một nguồn văn liệu

22

quan trọng trong quá trình nghiên cứu. Và ở đây, cần chú ý đến bản Kiều Nôm chép tay (bản Tiên Điền) của gia đình cụ Nghè Mai, cháu họ xa đời của Nguyễn Du.

“Bản Tiên Điền được in khổ 14 x 15, 3.256 câu, chữ nhỏ hàng 20, viết rất công phu.

Tờ đầu gần như mất hẳn không đọc được chữ nào. Tờ thứ hai chép Nguyễn hầu liệt truyện, tiếp theo là bài thơ đề từ của Phạm Quý Thích. 41 tờ còn lại chép văn bản Truyện Kiều, chia làm ba tầng: tầng trên là phần chú thích, tầng giữa câu lục, tầng dưới câu bát” [23, tr.64].

Và theo các nhà nghiên cứu, bản Nôm chép tay này có thể chính là cơ sở cho sự ra đời bản Phạm Kim Chi bởi ở cả hai bản đều là 3.256 câu thơ. Những phần chú thích của bản Phạm Kim Chi đã phiên âm và dịch ra đều đầy đủ và không hề bỏ qua bất cứ chi tiết bài có trong bản Tiên Điền. Điều đáng chú ý hơn cả đó là xuyên suốt 563 chữ của bài Nguyễn Hầu liệt truyện, thì ở cả hai bản đều hoàn toàn giống nhau.

Bên cạnh đó, ưu điểm mà bản Phạm Kim Chi có được đó chính là “sự thận trọng trong cách phiên âm, trong khi dịch các bản chữ Hán và các câu chú thích. Dấu chấm, dấu phẩy ở đây cũng được sử dụng chắc chắn, chứng tỏ người biên soạn có một trình độ thưởng thức Kiều khá sâu sắc.” [23, tr.68]

Ở bản Phạm Kim Chi bìa sách có ghi: “Nguyễn Du – Kim túy tình từ - Texte et notes d‟après les documents originaux avec une biographie de l‟auteur transcrits en Quốc ngữ par Phạm Kim Chi. Edité par Nguyễn Thành Điểm – Préface de M.

Phạm Văn Tươi, Đốc phủ sứ - Epitre de M. Nguyễn Mai “Tấn sĩ”. Sài Gòn, imprimerie Huỳnh Kim Danh, 1917. Trước phần văn bản có mấy bài: Lời báo dân của Phạm Kim Chi. Lời nói đầu của Phạm Văn Tươi. Bài tựa Kim Túy tình từ dẫn truyện của cụ Nghè Nguyễn Mai. Tiếp theo là bản dịch của Huỳnh Thúc Mậu. Tiểu sử của Nguyễn Du được đề là Nguyễn Hầu liệt truyện. Tiếp theo là bản dịch của Huỳnh Thúc Mậu.” [23, tr.67]

Trải qua một chặng đường, cho đến Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim mới thật sự là bản được phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đây cũng là bản được đánh giá là đẹp, số lượng phát hành rất lớn và là bản được dùng nhiều nhất trong nhà trường. Bản Kiều này được in với “khổ 13.5 x 15.5,

23

3.254 câu.Bìa sách ghi: Nguyễn Du – Truyện Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh) – Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo – Việt văn thư xã – Vĩnh hưng long thư quán Hà Nội, in lần thứ nhất (1925). Bản này, Vĩnh hưng long thư quán tái bản lần thứ 2 và có sửa chữa đôi chỗ vào năm 1927 và sau được nhà Tân Việt Sài Gòn tái bản lần thứ VIII” [23, tr.69]. Là bản in lần thứ nhất cho nên khác với những bản được tái bản về sau, bản này “chỉ có bài tựa do Trần Trọng Kim viết vào mùa hạ năm Ất Sửu (1925), và tiếp theo là in nguyên văn chữ Hán hai bài tựa của Tiên Phong Mộng liên đường chủ nhân và Phong Tuyết chủ nhân Thập thanh thị mà chưa có bản dịch kèm theo. Tiếp đó là bài thơ đề từ vịnh Kiều của Phạm Quý Thích” [23, tr.67]. Dựa trên cơ sở bản Kiều này sau đó cụ Bùi Kỷ đã chú thích hiệu đính lại, và được Nhà xuất bản Phổ thông xuất bản năm 1958.

Đến năm 1941, Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội cũng đã giới thiệu cuốn sách Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu với 3.254 câu, khổ 12 x 20. Cho đến năm 1952, bản này cũng đã được nhà xuất bản Hương Sơn tái bản lại. Cũng giống như bản của Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim, bản của Tản Đà cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt từ bản Kiều Oánh Mậu. Ngoài ra, bản này cũng chịu ảnh hưởng của bản Kinh ở nhiều chỗ khác.

Như vậy, qua quá trình xuất bản và giới thiệu Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể thấy sức sống bền bỉ, mãnh liệt của một kiệt tác dân tộc, từ khi nó ra đời cho đến khi được phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, không ít những bản Kiều được chú thích và hiệu đính đồng thời. Đó cũng chính là nền tảng, điều kiện thuận lợi giúp cho những người nghiên cứu, độc giả yêu thích Truyện Kiều có thể lựa chọn cho mình nguồn tài liệu khả tín để hiểu nội dung và ý nghĩa tác phẩm.

Phê bình Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XX

Việc tiếp nhận Truyện Kiều ở thế kỷ XIX được nhìn nhận, đánh giá dựa trên hai quan điểm ít nhiều mang tính nhân văn chủ nghĩa của các nhà nho tài tử, và quan điểm tâm lý của Nho giáo chính thống. Hai quan điểm đánh giá đôi khi rất trái ngược nhau.

24

Bước sang thế kỷ XX, với sự hỗ trợ đắc lực của báo chí và nhà xuất bản, nhất là báo chí, việc tiếp nhận Truyện Kiều trở nên năng động hơn, sôi nổi hơn. Nhờ có báo chí, những phản ứng về một kiểu đọc, kiểu bình luận Truyện Kiều cũng nhanh nhạy hơn, tạo nên không khí tranh luận sôi nổi, mở rộng. Thế hệ trí thức tân học thời kì này đã có những ứng dụng khoa học vào nghiên cứu Truyện Kiều, đặt những viên gạch đầu tiên cho những công trình nghiên cứu qui mô, theo nhiều phương pháp khác nhau nhờ có tiếp xúc từ rất sớm với các phương pháp phân tích, khảo cứu tác giả, tác phẩm văn học của Tây phương.

Tiếp nhận Truyện Kiều từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1945 có đặc trưng là cách phê bình đầy cảm xúc chủ quan dần dần chuyển qua sự phân tích, nghiên cứu khoa học. Trên tạp chí Nam phong ta vẫn có thể gặp những bài viết của các nhà cựu học chủ yếu bình giá nhân vật theo các chuẩn mực đạo đức Nho giáo, nghĩa là vẫn đọc Truyện Kiều theo lối cũ; nhưng ta cũng có thể đọc được những bài khảo cứu hiện đại về hệ thống vấn đề và quan điểm, những bài khảo cứu chưa từng có trong thế kỷ XIX. Chẳng hạn, Nguyễn Đôn Phục trên Nam phong năm 1922, dùng thể vấn đáp rất truyền thống để chủ yếu bình luận về từng nhân vật Truyện Kiều (mặc dù tên bài viết là Văn chương và nhân vật trong Truyện Thúy Kiều). Cách thức triển khai về cơ bản không khác với Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng ở thế kỷ XIX, nhằm mục đích tìm ý nghĩa giáo huấn của tác phẩm qua mỗi nhân vật. Cũng trên tạp chí Nam phong, năm 1924, Vũ Đình Long đã công bố loạt bài khảo cứu về Văn chương Truyện Kiều từ quan điểm nghệ thuật kể chuyện, điều mà chúng ta ngày nay gọi là nghệ thuật tự sự. Hệ thống các vấn đề được ông chia tách ra để lần lượt xem xét: phân tích cốt truyện và kết cấu, xét về văn chương, xét về cách kể chuyện (ông gọi là văn tự sự), ngôn ngữ đối thoại (văn vấn đáp), miêu tả nhân vật (văn tả người), miêu tả tâm lý (văn tả tình), văn tả cảnh, triết lý và luân lý Truyện Kiều. Thao tác làm việc như vậy đối với các nhà nho trước đây, quả thật là điều mới mẻ.

Những năm hai mươi của thế kỷ XX cũng chứng kiến sự tham dự tích cực của Truyện Kiều vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội. Nhân vật trong Truyện Kiều trước hết là Thúy Kiều, trở thành một thứ “thuốc thử” độc đáo để kiểm nghiệm

25

sự thay đổi của tư tưởng văn hóa trong giai đoạn giao thời. Năm 1929, trên báo Phụ nữ Tân văn (Sài Gòn) đã có một cuộc thảo luận ở qui mô vừa phải song rất đáng chú ý. Ban biên tập báo nêu câu hỏi: “Kiều nên khen hay nên chê?”. Có nhiều bài trả lời khác nhau, trong đó không ít ý kiến tỏ thái độ phê phán theo lập trường đạo đức Nho giáo rất cũ kỹ về trinh tiết. Song cũng có ý kiến bênh vực Kiều trên quan điểm nữ quyền khá hiện đại.

Trong giai đoạn này Phạm Quỳnh là người đặc biệt đề cao Truyện Kiều.

Những năm hai mươi, văn hóa Việt Nam đang ở bước chuyển từ văn hóa phương Đông truyền thống sang nền văn hóa hiện đại với ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa phương Tây, vấn đề “nền quốc học” đã được đưa ra bàn luận. Nền quốc học phải được xây dựng trên những tảng nền nào? Tiếng Việt có ý nghĩa gì đối với một nền quốc học? Thế là nhiều người, nhất là thế hệ trí thức Tân học nghĩ đến vai trò của Truyện Kiều, nghĩ đến tiếng Việt của Truyện Kiều. Năm 1924, Phạm Quỳnh là người đã khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” [39, tr.1803]. Một số chí sĩ như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng,... đã phê phán lời hô hào như vậy. Các cụ phê phán Phạm Quỳnh vì một số lý do khác, nhưng vì Phạm Quỳnh đã ca ngợi Truyện Kiều nên các cụ đã phê phán luôn Truyện Kiều, bác bỏ khả năng đưa Truyện Kiều vào hàng quốc học, do vậy đã có những nhận định khắt khe, bất công với kiệt tác này. Các cụ vẫn đứng trên lập trường đạo đức nghiêm khắc để xét đoán tác phẩm, cho rằng tuy văn chương hay nhưng không thể tránh khỏi “cái vẻ ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi”, văn chương Truyện Kiều “không phải là thứ văn chương chính đại”. Đối với các cụ, vấn đề Truyện Kiều trước hết là vấn đề văn hóa đạo đức, vấn đề quốc học với chủ trương nền quốc học phải gắn với Hán học, Khổng học chứ không thể đi với tác phẩm mua vui, giải trí như thế.

Trong các thập niên ba mươi và bốn mươi của thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu văn học được đào tạo theo truyền thống nghiên cứu Tây phương đã bắt đầu áp dụng các lý thuyết mới ở phương Tây vào nghiên cứu văn học Việt Nam nói chung, Truyện Kiều nói riêng. Các hướng tiếp cận như tiếp cận văn hóa, tiếp cận xã hội học, tiếp cận phân tâm học, tiếp cận hình thức đều có thể bắt gặp trong những trang

26

viết về kiệt tác này của nhiều nhà nghiên cứu khác nhau. Như Đào Duy Anh viết Khảo luận về Kim Vân Kiều, ông có thể đã vận dụng phương pháp văn hóa xã hội thực chứng. Đào Duy Anh trước khi phân tích Truyện Kiều, đã nghiên cứu các yếu tố văn hóa quanh về tiểu sử Nguyễn Du đặc điểm văn hóa của vùng đất quê hương, của dòng họ; đã khảo sát nhân tố thời thế có liên quan đến gia đình và bản thân tác giả, mô tả hành trạng và văn nghiệp nói chung của Nguyễn Du. Trước khi phân tích Truyện Kiều, ông cũng so sánh Kim Vân Kiều truyện với Đoạn trường tân thanh, sau đó, tìm hiểu kết cấu tác phẩm. Phần nghiên cứu về nghệ thuật văn chương cũng được triển khai hệ thống, kể cả phân tích từ ngữ, thể thơ lục bát, các lối văn tả người, tả cảnh, tả tâm lý, tình cảm. Đặc biệt trong chương “Tư tưởng của Nguyễn Du” và chương “Địa vị sách Đoạn trường tân thanh trong tư tưởng và văn chương Việt Nam”, Đào Duy Anh cũng đã đặt Đoạn trường tân thanh vào không khí văn hóa, văn học của thời đại, từ đó thấy được cả điểm chung và cái riêng. Theo Đào Duy Anh, Truyện Kiều không phải là “một sản vật ngẫu nhiên, phi thường” mà nó là nơi hội tụ, kết tinh tài năng của Nguyễn Du.

Trong những năm bốn mươi của thế kỷ XX, nhiều lý thuyết phê bình văn học thịnh hành ở phương Tây đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Có lẽ người tích cực nhất trong việc vận dụng các lý thuyết mới đó vào nghiên cứu Truyện Kiều là Nguyễn Bách Khoa. Nguyễn Bách Khoa đã áp dụng phân tâm học để đọc tâm lí nhân vật Truyện Kiều. Theo Nguyễn Bách Khoa, ý thức đạo đức nho giáo đã lái Nguyễn Du đến chỗ hành xử không hợp quy luật tâm lí khi miêu tả đời sống nội tâm của Kiều.

Nguyễn Bách Khoa cũng phê phán Nguyễn Du đã để cho Kiều từ chối tình yêu sắc dục của Kim Trọng trong cái đêm mà cả nhà đi ăn tiệc bên ngoại chưa về, coi đó là đạo đức giả mà theo chữ dùng của Nguyễn Bách Khoa là “lương tâm hương nguyện”.

Vận dụng phân tâm học để nghiên cứu văn học có thể bổ sung cho các hướng tiếp cận khác đối với văn bản. Nguyễn Bách Khoa lại là một trong số ít người đi tiên phong ở nước ta dùng thao tác của phân tâm học đọc văn. Nhưng cách đọc của Nguyễn Bách Khoa rõ ràng là còn đơn giản và máy móc.

Một phần của tài liệu Truyện kiều ở việt nam từ đầu thế kỷ xx đến năm 1945 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)