Phê bình Truyện Kiều từ tư tưởng Phật giáo

Một phần của tài liệu Truyện kiều ở việt nam từ đầu thế kỷ xx đến năm 1945 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 40 - 45)

CHƯƠNG 2: TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU CỦA GIỚI NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH VĂN HỌC

2.2 Phê bình Truyện Kiều về phương diện tư tưởng: Phật giáo, Nho giáo (Phê bình cổ điển)

2.2.1 Phê bình Truyện Kiều từ tư tưởng Phật giáo

Phê bình Truyện Kiều trên tư tưởng của Phật giáo là khuynh hướng thu hút khá nhiều nhà nghiên cứu, học giả. Mỗi người đã đi theo khuynh hướng này với những cách khác nhau. Trong những năm đầu thế kỷ XX, học giả phê bình Truyện Kiều trên khuynh hướng Phật giáo sớm nhất phải kể đến Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh… những nghiên cứu của các học giả đã góp phần làm cho người đọc có nhận thức sâu hơn về tâm lý nhân vật, về những quan niệm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Hướng nghiên cứu này khá sinh động, nó đã gợi cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình và hướng nghiên cứu này còn tiếp tục tới ngày nay.

Khi nghiên cứu, phê bình Truyện Kiều dưới góc độ tư tưởng của Phật giáo, các học giả đã căn cứ vào cuộc đời của Nguyễn Du, cuộc đời của các nhân vật trong Truyện Kiều để làm cơ sở phê bình. Cuộc đời của Nguyễn Du trải qua nhiều bước thăng trầm và ông có điều kiện tiếp xúc với Phật giáo từ sớm. Ngoại trừ mười năm thơ ấu, Nguyễn Du sống yên ổn trong vòng tay của gia đình, nhưng khi những biến cố dồn dập xảy ra: mười tuổi mất cha, mười hai tuổi mẹ qua đời. Và cũng từ đó, nhà thơ nếm mùi thăng trầm khổ ải của cuộc đời. Triều đại đổi thay khiến cho số phận của nhà thơ càng mong manh hơn bao giờ hết. Suốt mười năm giang hồ gió bụi, lúc

34

nào nhà thơ cũng mang trong mình nỗi buồn đau rộng lớn: thương mình, thương cho những người thân, thương cả cho những đồng loại đau khổ, thậm chí đã có lúc nhà thơ muốn xuống tóc vào rừng ở ẩn như một người vô sự trước cuộc sống. Đó chính là bước dọn đường cho Nguyễn Du đến với Phật giáo. Hơn nữa, trong thời gian sống ở Tiên Điền, ở Huế, đã có thời gian ông được tiếp xúc với các cao tăng ở đây. Đặc biệt trong khoảng thời gian đi sứ sang Trung Quốc, ông đã được tiếp xúc với các phái thiền. Hơn nữa, trong cuộc đời mình, Nguyễn Du đã từng học thiền và đã từng thực tập thiền qua kinh Kim Cang. Nhà thơ đã tụng đọc kinh Kim Cang hàng ngàn lần để hiểu thấu chữ “vô” của đạo Phật. Có lẽ vì thế tư tưởng Phật giáo luôn có trong các sáng tác của ông, không chỉ có Truyện Kiều mà ta còn thấy nó hiện hữu hầu hết trong các sáng tác của Nguyễn Du như Văn chiêu hồn, Đề Nhị Thanh động, Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài

Xét về cuộc đời nhân vật trong Truyện Kiều, ta thấy nàng Kiều của Nguyễn Du cũng đã xuất gia, nàng không chỉ xuất gia một lần mà có tới ba lần đi tu. Lần thứ nhất, nàng ở Quan Âm các chép kinh cho nhà họ Hoạn, lần thứ hai khi nàng trốn khỏi nhà Hoạn Thư, bơ vơ nơi đất khách quê người không nơi nương tựa, nàng đã gửi thân vào Chiêu Ẩn am, và lần thứ ba là khi Giác Duyên cứu nàng ở sông Tiền Đường, đưa nàng về tá túc ở Thảo Lư am. Cuộc đời Kiều trải qua bao nhiêu sóng gió, nhiều lúc chính tư tưởng của nhà Phật đã soi đường cho Kiều. Những người Kiều gặp gỡ trong đời như sư Giác Duyên hay Tam Hợp đạo cô cũng có những ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời Kiều.

Bên cạnh việc nghiên cứu cuộc đời của nhân vật trong tương quan tiếp xúc với Phật giáo, các học giả thời kì này còn chỉ ra ngôn ngữ của Truyện Kiều có nhiều chỗ cũng sử dụng ngôn ngữ Phật giáo. Trong Truyện Kiều, ta không ít lần gặp những từ như “duyên”, “nghiệp”, “nhân”, “quả”,…

Người đầu tiên nghiên cứu việc tiếp nhận Truyện Kiều theo tư tưởng Phật giáo đó là Trần Trọng Kim. Trần Trọng Kim là một học giả uyên bác trong cả ngành sử học và văn học, ông đã để lại nhiều tài liệu giáo khoa nổi tiếng. Ngoài bộ Quốc văn giáo khoa thư, ông còn nổi tiếng với Việt Nam sử lượcNho giáo. Ông còn có

35

thêm công trình Phật Lục, Thiền học. Như vậy có thể thấy, không chỉ am tường về văn học, sử học, Trần Trọng Kim còn thông hiểu cả về Phật học và Thiền học.

Trong bài Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều in trong tập san Khai Trí Tiến Đức số 1 năm 1940, Trần Trọng Kim cho rằng Truyện Kiều đã: “Giải diễn các thuyết nhân quả của nhà Phật rất rõ ràng. Từ đầu chí cuối, cái lý thuyết ấy trùm hết cả các việc xảy ra trong một đời nàng Kiều.” [23, tr.273] Đạo Phật cho rằng ở trên thế gian này bất kì việc nào dù hay, dở, lớn, nhỏ đều là cái quả của một cái nhân cho nên trong phần mở đầu bài viết, Trần Trọng Kim đã giới thiệu về thuyết nhân quả theo cách hiểu của nhà Phật để làm cơ sở diễn giải cái thuyết nhân quả diễn ra trong Truyện Kiều và thấy rằng: “Cái thuyết nhân quả của Phật học là thế. Đem cái thuyết ấy mà so với một đời nàng Kiều thì không có chỗ nào là không đúng.” [23, tr.274]

Kiều là một cô gái tài sắc vẹn toàn, học hành thông minh và biết điều nhân nghĩa phải trái. Con người ấy đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc nhưng trái lại cuộc đời Kiều lại phải trải qua biết bao nhiêu đoạn trường. Tại sao lại như vậy? Trả lời cho câu hỏi này, Trần Trọng Kim cho rằng đó là do “cái nghiệp” của nàng: “Tại cô có cái nghiệp rất nặng, cho nên cái tên của cô đã đứng ở trong sổ đoạn trường rồi” [23, tr.274]. Do Kiều đã có “cái nghiệp” nặng nằm sẵn trong mình cho nên: “Tự lời nói cho chí tiếng đàn đánh ra, đều là cái giọng đau đớn sầu khổ” [23, tr.275]. Như vậy, cuộc đời Kiều là minh chứng cho cái thuyết nhân quả của Phật giáo. Trần Trọng Kim còn nói: “Cái thuyết nhân quả và cái nghiệp của nhà Phật gần giống như cái thuyết định mệnh (déterminisme) của triết học bên Tây. Nó chỉ khác ở chỗ cái định mệnh của nhà Phật là do tự mình định ra, chứ không phải tự ở sức ngoài sai khiến.

Thành thử cái thuyết nhân quả vẫn để cho mình có cái hoàn cảnh tự do. Mình phải theo cái nghiệp tự mình gây ra cho mình, chứ không phải cái nghiệp tự đâu gây ra mà bắt mình phải chịu.” [23, tr.276]

Nói về việc Nguyễn Du đã không để cho Kiều kết thúc cuộc đời của mình ở sông Tiền Đường mà đời Kiều được cứu vớt, được đoàn viên sau mười lăm năm lưu lạc đọa đày, theo Trần Trọng Kim thì: “Nếu đời cô Kiều đến đó là hết, thì „cái nghiệp‟ không rõ là cái nghiệp ấy hết lại có cái nghiệp khác, mà mỗi cái nghiệp là

36

do việc đã làm trước mà thành ra.” [23, tr.276] Do đó, vì Kiều làm tốt, vì những việc hiếu nghĩa và cái tâm trong sáng của cô nên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cô mới đổi được cái nghiệp mười lăm năm lưu lạc chốn giang hồ, thanh lâu thành một cái nghiệp sum họp một nhà, tái hợp với Kim Trọng và gia đình: “Cái nghiệp xấu của cô Kiều đến sông Tiền Đường là hết, mà từ đấy về sau là theo cái nghiệp khác. Cái nghiệp khác ấy của cô là tốt là vì cái lòng của cô tốt. Bởi thế, Tam Hợp đạo cô đã nói rằng:

“Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều, Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.

Lấy tình thâm, trả tình thâm, Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.

Hại một người, cứu muôn người, Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.

Thửa công đức ấy ai bằng, Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!

Khi nên trời cũng chiều người, Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau.”

[23, tr.277]

Phạm Quỳnh là người nghiên cứu về Truyện Kiều từ rất sớm. Ông đã có đóng góp cho công việc nghiên cứu Truyện Kiều vào “buổi đầu”. Bên cạnh những bài viết hết lời ca ngợi Nguyễn Du và Truyện Kiều có phần hơi thiếu cẩn trọng do mục đích chính trị, ông còn có bài viết khá sâu sắc về “tâm lý Thúy Kiều”. Phạm Quỳnh đã chỉ ra cả cuộc đời Kiều là những khúc sầu cho nên dẫu ở hoàn cảnh nào thì Kiều cũng buồn, cũng lo nghĩ. Cái lo nghĩ ấy của nàng thể hiện ngay khi nàng ngồi nói chuyện với tình nhân (Kim Trọng) hay sau này vui vầy cùng Thúc Sinh và cả những lúc tưởng chừng như không còn gì lo nghĩ khi ở bên Từ Hải đã vững một cơ đồ trong tay. Lý giải cho những đọa đày, phiền muộn của Thúy Kiều, Phạm Quỳnh tin rằng: “Bởi cái số phận đã định như thế, cái tiền duyên đã khiến như vậy, không sao mà cưỡng lại được, đành đem mình làm hi sinh cho vận mệnh thế là khuynh hướng

37

về Phật”. Cuộc đời Kiều trải qua nhiều biến cố, lưu lạc, nhưng nàng đã làm tròn đạo hiếu, cố giữ cho mình tiết sạch giá trong nhưng dường như Kiều có vùng vẫy thế nào cũng không thoát khỏi số mệnh. Và những lúc như thế, lý thuyết của đạo Phật là nơi cứu vãn cho nàng: “Nhưng khi nó làm ta khổ quá, không biết giải duyên cớ ra là sao, thời lấy cái lý thuyết của đạo Phật mà chứng, cho là bởi tiền oan nghiệp chướng gì.

Kiếp xưa đã vụng đường tu, Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi…

Lấy thân mà trả nợ đời cho xong…

[23, tr.176]

Qua bài viết của Phạm Quỳnh, ta thấy khi giải quyết vấn đề Nho giáo và Phật giáo trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã có những mâu thuẫn trong tư tưởng của mình. Nhưng khi lập luận về vấn đề này, Phạm Quỳnh đã nói không rõ ràng và có nhiều chỗ sai lệch, chưa nhìn đúng bản chất vấn đề mà Nguyễn Du đặt ra. Vì thế, ông đã bị nhiều nhà nghiên cứu phê phán.

Đến Đào Duy Anh trong Khảo luận về Kim Vân Kiều, sau khi khẳng định tư tưởng chủ yếu của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là “tài mệnh tương đố” – tư tưởng ấy là gốc ở thuyết thiên mệnh của Nho giáo. Ông giải thích nguyên nhân đưa đến nhiều thành tựu trong nghiên cứu Kiều, đó là ảnh hưởng Tây học về phương pháp nghiên cứu đến phong trào dịch thuật và khảo cứu Truyện Kiều đầu thế kỷ XX.

Nhưng sau đó, Đào Duy Anh cũng tìm về với nguyên lý của đạo Phật để giải thích tư tưởng Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Nhưng Nguyễn Du không phải là một nhà Nho thuần túy. Cái tính đa tình đa cảm, những kinh nghiệm đau đớn đã đem Nguyễn Du đến với Phật giáo. Ông thỏa mãn với cái luật “bỉ sắc tư phong”, vì nó mới là một nhận xét tưởng như đúng mà chưa cắt nghĩa rõ ràng về lý do. Người ta vẫn chưa hiểu tại sao lại có cái luật bù trừ như thế.” [2, tr.133] Ông không cho rằng người ta không có trách nhiệm gì về sự cân nhắc họa phúc của trời nên ông bèn lấy chữ “nghiệp” của nhà Phật mà phát huy cho chữ “mệnh” của nhà Nho. Theo luật

38

nhân quả của Phật giáo thì những điều người ta làm ở kiếp trước là nguyên nhân sinh ra kết quả ở kiếp này. Những việc làm trước sinh ra kết quả sau gọi là nghiệp.

Sau đó Đào Duy Anh đã giải thích những đau khổ của Kiều là do nghiệp của nàng gây nên: “Cái lý thuyết của nhà Phật về mệnh và nghiệp ấy của Nguyễn Du đã mượn lời của Đạm Tiên và sư Tam Hợp mà bày tỏ bất phân minh. Đạm Tiên nói:

Rỉ rằng: Nhân quả dở dang Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?

Số còn nặng nợ má đào

Người đà muốn chết trời nào có cho?

Sư Tam Hợp thì nói:

Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan, Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.

Lại mang lấy một chữ tình,

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

Vậy nên những chốn thong dong, Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.

Ma đưa lối, quỷ đem đường, Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

[2, tr.133]

Như vậy, việc nghiên cứu Truyện Kiều trên phương diện tư tưởng của đạo Phật đã góp phần là phong phú, sinh động thêm không khí học thuật, tranh luận về Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu Truyện kiều ở việt nam từ đầu thế kỷ xx đến năm 1945 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)