Nghiên cứu về Nguyễn Du và văn bản Truyện Kiều

Một phần của tài liệu Truyện kiều ở việt nam từ đầu thế kỷ xx đến năm 1945 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 35 - 40)

CHƯƠNG 2: TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU CỦA GIỚI NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH VĂN HỌC

2.1 Nghiên cứu về Nguyễn Du và văn bản Truyện Kiều

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Du là một trong những tác giả được nhiều người nghiên cứu nhất. Dường như, không một phương diện nào trong tiểu sử và sáng tác của ông còn là mảnh đất “ít người đào bới”. Từ những năm đầu thế kỷ XX, ta thấy các học giả đã dành một phần không nhỏ sự quan tâm đến cuộc đời của Nguyễn Du bên cạnh những trang viết về tác phẩm Truyện Kiều. Có thể kể đến những cái tên như Nguyễn Thiện Lâu, Nguyễn Đức Tánh, Hoa Bằng… khi nghiên cứu về tác giả Nguyễn Du họ đều nhìn dưới góc độ lịch sử - văn hóa.

Hoa Bằng viết về Thân thế và văn nghiệp của thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820) đăng trên tạp chí Tri tân nhân kỷ niệm 122 năm sau khi thi hào Nguyễn Du tạ thế. Trước khi lược thuật về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du, Hoa Bằng đã đề cao vai trò của Truyện Kiều đối với nền quốc văn của ta và khẳng định: “Tác giả Truyện Kiều, Nguyễn Du tiên sinh đã thành công trong cuộc thí nghiệm tiếng mẹ đẻ ấy”. “Ngày ấy đã in trên trang sử văn học Việt Nam những nét tối quan trọng, nhắc lại cho chúng ta một cái ghi nhớ sâu xa, một cái khêu gợi về tinh thần mến chuộng quốc văn, một cái quan niệm thiết tha mến chuộng tiếng mẹ đẻ và, hơn nữa, một cái hào hứng tỏ rằng tiếng Nam ta, cũng chẳng kém gì tiếng của các nước văn minh có thể diễn đạt được tư tưởng, tình tự và ý thức một cách đầy đủ thỏa đáng” [39, tr.87].

Giải thích cho việc Nguyễn Du tuy nặng lòng với nhà Lê nhưng vẫn ra làm quan cho triều Nguyễn khi Gia Long thống nhất đất nước, Hoa Bằng cho rằng Nguyễn Du đã “tự đặt mình vào địa vị một gái duyên phận dở dang, muốn “khép cửa phòng thu”, “mặc ai mưa Tần gió Sở” [39, tr.88].

Có thể thấy chỉ với 54 năm tại thế, Nguyễn Du đã tận mắt chứng kiến mấy phen “thay đổi sơn hà”. Đối với Nguyễn Du, biến cố chính trị lớn đầu tiên mà ông

29

chứng kiến và ảnh hưởng đến số phận của ông hẳn chưa phải là sự sụp đổ của vương triều nhà Lê mà là sự tiêu tan của cơ nghiệp chúa Trịnh. Trong khoảng gần 30 năm Nguyễn Nghiễm (cha của Nguyễn Du) đã là “người nhà”, “tâm phúc” bên chúa, không chỉ có cha Nguyễn Du mà mối “thân tình” với nhà chúa còn được củng cố bằng tình bạn khăng khít giữa Trịnh Sâm và Nguyễn Khản – con trai Nguyễn Nghiễm. Trong dòng tộc họ Nguyễn Tiên Điền chỉ có Nguyễn Quýnh (con trai thứ của Nguyễn Nghiễm với người thiếp Nguyễn Thị Xuyến) là người gần như là duy nhất của họ Nguyễn Tiên Điền lựa chọn sự trung thành đến chết với vua Lê. Những người khác, thậm chí có người đã sớm từ quan nhà Lê, theo Tây Sơn từ rất sớm, trước khi Nguyễn Huệ thống nhất Bắc-Nam.

Như vậy, từ góc nhìn văn hóa của dòng họ mà xét, không có bất cứ lý do gì buộc Nguyễn Du phải kiên trì tín nhiệm trung thành với vương triều nhà Lê. Nhưng lòng “trung” là đức tính quan trọng, là phẩm chất cao nhất của nhà Nho. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền đời đời ăn lộc triều đình nên “Tiên sinh cũng như người nhà nho có tiết tháo khác, thường ôm cái tư tưởng trung với cá thể một triều đại, chứ không chú trọng vào toàn cục một quốc gia. Đối với Tây Sơn bấy giờ, tiên sinh còn cho là nước cừu địch, hay quá nữa, là một ngụy triều nên không chịu ra giúp tân triều hay cuộc kiến thiết vì lấy cớ rằng là con nhà tướng, đời đời chịu ơn vua Lê” [39, tr.87].

Nói về thái độ và lối ứng xử của Nguyễn Du trên hoạn lộ, Hoa Bằng đã lược thuật lại con đường hoạn lộ của Nguyễn Du từ khi ông ra làm quan cho triều Gia Long. Nguyễn Du khởi đầu hoạn lộ của tân triều bằng chức Tri phủ Thường Tín (Hà Đông) vào năm 1802, sau đó ông lần lượt được bổ làm Đông Các Đại học sĩ, rồi làm Cai bạ Quảng Bình (1809), tới năm 1813 Nguyễn Du được thăng làm Cần chính điện học sĩ rồi đi sứ sang Tàu. Sau khi trở về được thăng làm Lễ bộ Hữu tham tri. Sau đó, năm 1820 được cử đi sứ Trung Quốc, ông chưa đi thì mất. Như thế có thể thấy rằng con đường hoạn lộ của Nguyễn Du rất thuận lợi. Không những vậy, triều đình nhà Nguyễn còn cho ông một sự sủng ái đặc biệt: “Khi Nguyễn Du mất, vua Thánh Tổ rất thương tiếc, ngài đã ban cho tang gia 20 lạng vàng , hai cây gấm Tàu, khi đám tang về, nhà vua lại còn ban cho 300 quan tiền nữa” [39, tr.88].

30

Nhưng thái độ của Nguyễn Du khi ra làm quan với nhà Nguyễn lại hết sức rụt rè, ông giữ mình, ít khi tham gia bàn luận triều chính đến nỗi vua Gia Long phải nhắc nhở: “Nhà nước dùng người chỉ cốt lựa lấy người hiền, chứ không hề phân biệt Nam – Bắc. Khanh và Ngô Vị đã được bề trên tri ngộ, làm đến á khanh, thì nên không cái gì đã biết mà không nói, trở sức làm đầy đủ chức vụ của mình. Vậy hóa nên lén lút, rụt rè chăm chỉ vâng dạ cho có chuyện” [39, tr.88]. Giải thích thái độ ấy của Nguyễn Du, Hoa Bằng cho rằng: “Trong khi giương buồm trên biển loạn, tiên sinh thường bị các quan trên làm khó dễ, nên tâm trí vẫn bực dọc không vui:

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” [39, tr.88].

Nghiên cứu về con người Nguyễn Du, Nguyễn Bách Khoa cho rằng chính mảnh đất xứ Nghệ có ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần và tình cảm của Nguyễn Du.

Ngược lại với quan điểm của Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Thiệu Lâu lại đưa ra quan điểm đối lập “nói rằng ảnh hưởng địa dư, địa lý, lịch sử tới dân sống trong miền và thứ nhất là tới một nhà văn rất mơ hồ, khó định theo phương pháp khoa học” [39, tr.57]. Nói tới mảnh đất xứ Nghệ, mảnh đất “tứ đắc” (bốn bề hiểm trở) đã từng đi vào câu ca:

Hồng Lĩnh sơn cao, Song ngư hải khoát.

Nhược trị minh thời, Nhân tài tú phát.

Nhắc tới xứ Nghệ, người ta sẽ nghĩ tới mảnh đất đã sản sinh ra biết bao nhiêu nhân tài làm rạng danh đất Việt như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Công Trứ,… và nhất là Nguyễn Du. Nguyễn Thiệu Lâu đã bác bỏ quan điểm rằng: “Tài không ở địa lý” mà ông chú trọng ảnh hưởng của dòng họ tới Nguyễn Du. Ngược dòng thời gian tìm về lịch sử dòng họ của Nguyễn Du, Nguyễn Thiệu Lâu khẳng định dòng họ Nguyễn Du vốn không phải có nguồn gốc từ xứ Nghệ mà dòng họ của tác giả cũng như các dòng họ khác ở xứ Bắc lúc bấy giờ đã chạy chốn vào xứ Nghệ xin được cư ẩn ở làng Tiên Điền khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê (đầu thế kỷ XVI).

31

Như vậy vấn đề khảo cứu về tiểu sử của Nguyễn Du giai đoạn này vẫn còn nhiều vấn đề để tranh cãi, các ý kiến đưa ra còn rất chủ quan và thiếu một phương pháp khoa học.

2.1.2 Văn bản Truyện Kiều

Khi xem xét đến vấn đề văn bản của Truyện Kiều, Dương Quảng Hàm đã đi tìm nguồn gốc Truyện Kiều của Nguyễn Du để xác định xem phần nào của tác phẩm thuộc về sáng tạo của Nguyễn Du, phần nào là Nguyễn Du mượn của người đi trước.

Cũng nói về nguồn gốc Truyện Kiều, Nguyễn Kỳ Nam trong bài tựa Vịnh Kiều đã viết: “Cuối truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nguyên vì nàng Vương Thúy Kiều gặp nghịch cảnh mà làm ra. Rồi có tay tài hoa danh sĩ, nghiệp đầy thông tuệ, lòng giàu văn chương, nhìn suốt quãng đời của nàng Kiều trước sau hàng 15 năm ấy, nặng lòng thương hại một đoạn u tình của nhân gian, bèn chia đều phân mục truyện ấy làm 20 hồi để đợi sau nghìn thu ai làm bạn chung mối ưa thích thì cùng thưởng giám. Truyện ấy là truyện một khách son phấn ở bên Tàu đã được ông Thánh Thán phê bình rồi khi truyền tụng đến nước Nam, lại được cụ Tiên Điền tài chế ra bằng một âm điệu và cách luật khác” [39, tr.90]. Sử dụng phương pháp so sánh, các học giả thời kỳ này bước đầu đã so sánh Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân với Truyện Kiều Nôm của Nguyễn Du để thấy được về đại cương thì hai tác phẩm này không có gì khác nhau nhưng để Truyện Kiều trở thành một tác phẩm phổ biến rộng rãi đối với nhân dân thì phải kể đến tài năng của Nguyễn Du trong việc Việt hóa Truyện Kiều: “Khi so sánh Kim Vân Kiều truyện và bản Truyện Kiều Nôm, người ta thấy chúng giống nhau cả từ đại cương đến chi tiết, nhưng có những điều ta phải phục là tác giả Nguyễn Du đã làm cho Việt hóa các vai trong truyện và cải thiện được những chỗ khuyết điểm của nguyên văn chữ Hán. Nói tóm lại, Nguyễn Du đã cải hóa được những món đã ăn, nên người đọc dễ nhận thấy những chỗ sáng tạo và đặc sắc của ngòi bút Tiên Điền” [39, tr.90].

Như vậy, các học giả thời kỳ này bên cạnh việc tiếp nhận những giá trị nội dung của Truyện Kiều thì một vấn đề nữa cũng dành được không ít sự quan tâm của

32

họ đó là đều đi lý giải những nguyên nhân ảnh hưởng tới cá tính của thiên tài Nguyễn Du. Họ tìm nguyên nhân từ những yếu tố khách quan như địa dư, địa lý, lịch sử. Tuy những lý giải này còn mang tính chủ quan nhưng bước đầu cho chúng ta hiểu thêm về con người Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tác phẩm đã thể hiện những suy nghĩ, cá tính của con người nhà thơ. Đặc biệt việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều đã giúp cho các nhà khảo cứu Truyện Kiều hiện nay tránh được những cách hiểu chưa đúng từ các bản sao khác nhau.

Một hướng tiếp cận Truyện Kiều nữa trên báo chí Nam bộ là đi tìm nguồn gốc văn bản của Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến vấn đề văn bản của Truyện Kiều.

Như Trực Thần, ông chú ý tới lịch sử hình thành và vấn đề văn bản của Truyện Kiều. Bàn về kết thúc Truyện Kiều, Trực Thần thuật lại những phiên bản khác nhau của câu chuyện này. Ông nhắc lại trường hợp của Phạm Quỳnh với bài viết cho rằng Đoạn trường tân thanh được truyền cảm hứng từ truyện ngắn Ngu sơ tân trí của Dư Hoài, trong đó truyện kết thúc ở chi tiết Kiều bị gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận và trầm mình ở sông Tiền Đường, còn kết thúc đoàn viên là sự sáng tạo của Nguyễn Du. Sau đó Đào Duy Anh bác lại ý kiến trên của Phạm Quỳnh, cho rằng tác phẩm được phóng tác từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du không có công sáng tạo ra cảnh đoàn viên. Sau khi dẫn ra hai ý kiến trên thì Trực Thần cho rằng dẫu có hay không Nguyễn Du là người sáng tạo ra cái kết ấy của Truyện Kiều thì trong Truyện Kiều phải có cái cảnh đoàn viên ấy vì Truyện Kiều chính là tâm sự của Nguyễn Du.

Tác giả BT trên Phụ nữ Tân văn (1929) giới thiệu quyển Phong tình lục của Thanh Tâm Tài Nhân và đặc biệt là Tuyết Nguyệt Mai của Trần Lãng có viết về lai lịch của Thuý Kiều và Từ Hải. Tác giả kể về cái kết Từ Hải nhảy xuống sông chết còn Thuý Kiều dùng gươm tự sát chứ không trầm mình ở sông Tiền Đường và về sau được vua nhà Minh sắc phong là “nghĩa liệt cung nhân”.

Đi nghiên cứu về nguồn gốc văn bản Truyện Kiều, ta thấy báo chí Nam Bộ cũng rất quan tâm tới Truyện Kiều mặc dù Truyện Kiều có thể không được độc giả

33

Nam Bộ đón nhận nồng nhiệt như ở miền Bắc nhưng điều đó không có nghĩa là Truyện Kiều không hấp dẫn những người làm văn, làm báo Nam Bộ. Báo chí Nam bộ quan tâm tới Truyện Kiều một phần là nhờ vào không khí các học giả miền Bắc đã khởi xướng nên, cụ thể là cuộc kỉ niệm Nguyễn Du năm 1924 của hội Khai Trí Tiến Đức và những tranh luận xung quanh bài ca ngợi Truyện Kiều của Phạm Quỳnh trên Nam phong. Với các ý kiến của mình trên báo chí quốc ngữ Nam bộ, các học giả Nam bộ cũng góp thêm tiếng nói vào cuộc tranh luận Truyện Kiều và các nhà văn, nhà báo Nam bộ có cơ hội bộc lộ quan điểm của mình về nhiều phương diện văn chương, xã hội và thời đại.

Một phần của tài liệu Truyện kiều ở việt nam từ đầu thế kỷ xx đến năm 1945 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)