Nội dung cuộc tranh luận về Truyện Kiều trên Phụ nữ Tân văn

Một phần của tài liệu Truyện kiều ở việt nam từ đầu thế kỷ xx đến năm 1945 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 87 - 92)

CHƯƠNG 3: TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU NHÌN TỪ CÁC CUỘC TRANH LUẬN VĂN HỌC

3.2 Cuộc tranh luận “Kiều nên khen hay nên chê” (Báo Phụ nữ Tân văn)

3.2.2 Nội dung cuộc tranh luận về Truyện Kiều trên Phụ nữ Tân văn

Để đấu tranh cho sự bình đẳng của người phụ nữ, tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được lấy ra để làm một đề tài bình luận hết sức sôi nổi. Năm 1929, ban biên tập báo Phụ nữ Tân văn đưa ra câu hỏi: “Kiều nên khen hay nên chê?” và mở một cuộc thi để các tác giả trong cả nước bày tỏ ý kiến của mình. Đã có rất nhiều bài viết được gửi về tòa soạn thể hiện quan điểm riêng của mình, trong đó có không ít những ý kiến trái ngược nhau. Trong tổng số 18 bài viết gửi về tòa soạn trả lời câu hỏi “Kiều nên khen hay nên chê?” thì có 15 bài bày tỏ ý kiến chê Kiều (chiếm 82%), trong đó chỉ có 3 bài khen Kiều (chiếm 18%).

Trả lời câu hỏi “Kiều nên khen hay nên chê?” Thạch Lan đã bày tỏ sự băn khoăn của mình, ông liền đặt ra cho mình một cái phương diện để đứng trên phương diện đó mà nhận xét Kiều: “Ôi! Khen hay chê, cái lẽ thật là khó định thay! Khen hay chê há có định luật được ư? Việc đó, người đời thì thiên hình vạn trạng, tùy phương diện mà khen hay chê cũng đổi. Giá thử ta cho Kiều là một nữ nhi tầm thường như Thúy Vân thì hẳn đáng khen về cái nghĩa bán mình rồi, còn bàn chi nữa? Song bài này tôi ứng xét Thúy Kiều là một người thượng lưu trong giới có tài sắc hoàn toàn, cũng như tôi công nhận ông Nguyễn Du, tức người lấy tâm sự Kiều mà tỏ sự mình, là một bậc chí sĩ” [19, tr.144]. Vì coi Kiều là một bậc “thượng lưu trong những giới tài sắc” cho nên Thạch Lan đã so sánh Kiều với các bậc chí sĩ anh hùng trong các truyện của La Mã, Hy Lạp mà chê Kiều chỉ biết “xử biến tòng quyền”, chỉ liều “nhắm mắt đưa chân” nên: “Khi gặp nhục nhã chỉ biết chiều lòng;

như hồi trốn với Sở Khanh bị bắt về, bị đòn già, thì lại năn nỉ “chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”: “Ôi! Cái lòng trinh bạch ấy, cái danh dự ấy sao mà bở lắm vậy!

Trinh bạch mà chừa, danh dự mà rời, thì còn chi nữa! Kiều thật là đáng chê vậy”

[19, tr.145]. Có thể thấy Thạch Lan còn đứng trên quan điểm của lễ giáo phong kiến để nhận xét về chữ “trinh” của nàng Kiều. Ông nhắc tới việc Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến rồi trở về với Kim Trọng, nhưng nàng vẫn coi mình là còn “trinh”: “Chữ trinh còn một chút này”, Thạch Lan đã lên án gay gắt điều đó. Với ông thì: “Chữ trinh cũng như danh dự, một là còn nguyên, hai là không có chi cả, chớ không có giữ nửa

81

chừng mà được đâu!” [19, tr.145]. Rồi ông kết luận: “Cô Kiều, tôi tiếc cho tài sắc của cô, mà tôi chê cái đạo lý của cô!” [19, tr.145].

Trong Bài đáp thứ tư, Duyệt Vân Hiên đứng trên tâm lý, hành động của Kiều mà phán đoán “nàng có tính tình bất chánh”, ông cho rằng Kiều mơ thấy Đạm Tiên ba lần: “Thì đủ thấy nàng đối với cái tài sắc của mình có quan niệm là tài sắc phù hoa khinh bạc, chớ không phải tài sắc trang nghiêm đoan chính” [19, tr.147]. Còn hành động của nàng cũng không phải là hành động đoan chính: “Thả cây trâm để câu chàng Kim Trọng”, “Đêm khuya giấu cha mẹ đi chơi nhà trai, đính ước với trai”, lại còn “Ăn cắp chuông vàng khánh bạc của nhà Hoạn Thư”, ông còn cho rằng việc nàng báo oán Hoạn thư là việc làm của “gái giang hồ”…[19, tr.147]. Đặt Kiều vào cái đạo lý mà nàng đang sống, rõ ràng Duyệt Vân Hiên không hề có cái nhìn cảm thông với nàng, ông phân tích tâm lý và hành động của Kiều trên quan điểm của những nhà hủ Nho để rồi quy kết tính tình Kiều là “bất chính”.

Cùng quan điểm với Diệp Vân Hiên, Nguyễn Thị Xuân Sơn cũng lên án hành động một mình sang nhà Kim Trọng giữa đêm khuya của Thúy Kiều. Bà nặng lời chê Kiều: “Một người con gái, đã gồm cả tài sắc, lại là con nhà trâm anh, đáng lẽ tấm gương trong không chút bụi trần nào bám vào mới phải, cớ sao gái tơ mà đã ngứa nghề, mới gặp trai mà đã non thề biển hẹn, đến nỗi phải “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Thế mà cũng “thói nhà băng tuyết!”. Thế mà cũng “ra tuồng trên Bộc bố dâu, thì con người ấy ai cầu mà chi” [19, tr.149]. Bà còn tiếp tục chê Kiều về việc khu xử việc nhà, bà đặt câu hỏi: tại sao Kiều lại chọn giải pháp bán mình mà không đi thưa kiện, “Gặp cơn gia biến việc chi đến nỗi phải bán mình, bán mình mới chuộc được tội cha hay sao? Vì ông quan bất lương, bọn nha lại tàn ác nên nhà họ Vương phải tan nát, thì cái bổn phận của cô nên kêu oan trước công đường, nên dâng thơ cho vua, họa may cảm động đem lòng bao dung cho, chẳng hay hơn sao?” [19, tr.149].

Các tác giả khác như Bùi Xuân Hòe, Nguyễn Mạnh Bổng, Trần Long Vân, Nguyễn Thị Hồng Vân… cũng có thái độ chê trách Kiều khi trả lời câu hỏi “Kiều nên khen hay nên chê?”. Họ chê Kiều khi vào lầu xanh của Tú Bà sao còn “tiếc

82

sống mà làm gì” khi việc viên ngoại đã yên, chê việc Kiều phụ chàng Từ Hải, chê cả việc Kiều đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe, ngay cả chuyện Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường cũng bị cho là vin vào mê tín dị đoan. Trong con mắt của họ, Kiều hoàn toàn đáng chê trách. Họ đánh giá Kiều là con người lẳng lơ, bất hiếu, bất nghĩa và bạc tình. Nguyễn Mạnh Bổng còn làm tới hai bài thơ vịnh Kiều để thể hiện quan điểm của mình:

Ai bảo một cô gái lành

Con nhà nề nếp giống trâm anh?

Động tình lập kế chim Kim Trọng, Biết thú đâm ghì lấy Mã sanh.

Niệm Phật ở chùa đi xoáy của Lấy chồng ăn lễ nọ quên tình.

Toan về làm lẽ cô em vậy!

Cô thật khôn ngoan đủ thập thành

[19, tr.154]

Bài vịnh thứ hai ông lại tiếp tục chê Kiều:

Ừ, bảo thương cha phải bán mình, Sao em ăn ở thế cho đành?

Dụ hàng kia giết ông Từ Hải, Nghe tán này theo cậu Sở Khanh.

Ngứa nghề trở lại toan làm bé, Đời vẫn khen em hiếu với tình.

[19, tr.154]

Bên cạnh những ý kiến chê trách Kiều, ta thấy các bài viết gửi về Phụ nữ Tân văn vẫn có những ý kiến khen Kiều. Ngay trong những bài viết phê phán Kiều gay gắt nhất thì các tác giả vẫn có tỏ thái độ khen ngợi Kiều ở một điểm nào đó. Và hầu như các tác giả đều thống nhất với nhau khen Kiều ở chỗ nàng đã giữ tròn đạo hiếu, vì chữ hiếu mà dám hi sinh thân mình để chuộc cha. Duyệt Vân Hiên coi đó là:

“Một sự hi sinh của nàng không lấy lời nào mà khen ngợi cho xiết. Nàng vì sự hi

83

sinh ấy, mà càng phải đau đớn ê chề bao nhiêu thì người càng thương xót Kiều bấy nhiêu, nếu mà trong đời nàng, nàng có làm nên tội gì nữa thì một sự việc bán mình chuộc tội cho cha được đủ chuộc tội cho nàng vậy” [19, tr.146]. Còn Hoàng Ngọc Phách thì cho rằng: “Kiều là một người lỗi lạc, xử sự tất phi thường. Gặp cơn gia biến, biết dùng tam đạo tòng quyền, đem ngay mình bán đi mà chuộc tội cho cha”

[19, tr.181]. Triệu Văn Thạng lại khen Kiều có đủ “trung, hiếu, tiết nghĩa”, trái với quan điểm của các tác giả trước khi họ đánh giá hành động của Thúy Kiều khi nàng làm vợ Từ Hải đã “dựa hơi” Từ mà trả thù Hoạn Thư, rồi còn nhận vàng bạc của Hồ Tôn Hiến là việc làm bất chính, Triệu Văn Thạng không quan niệm như thế, ông cho rằng: “Nàng gặp cảnh gia biến éo le như vậy mà giữ “hiếu, trung, tiết, nghĩa”

được vuông tròn. Nào như Kiều khuyên Từ Hải quy hàng: Nào ơn thánh đế dồi dào.

Nào quyết liều mình chuộc tội cho cha như câu: Sẵn dao tay áo toan bài quyên sinh.

Nào tha kẻ thù là Hoạn Thư như câu: Đã lòng trí quá thì nên” [19, tr.167].

Hoàng Ngọc Phách lại đi so sánh hành động và tâm lý của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân để khẳng định: “Một bên là tài hoa lỗi lạc, một bên là hiền hậu bình thường”. Chính vì Kiều là “người tài hoa lỗi lạc” cho nên: “Nước mắt của Kiều là nước mắt xã hội, ngoài bố mẹ, chồng con còn khóc được nhân loại” [19, tr.180]. Vì vậy ông coi: “Việc Kiều khóc mả Đạm Tiên bên đường là Kiều khóc chữ Tài với chữ Mệnh, đau đớn thay cho phận đàn bà! Kiều khóc Đạm Tiên là Kiều khóc Kiều, là khóc cho một phần nhân loại có Tài mà không có Phận, dù có nổi danh, hương trời, sắc nước, rồi cũng đến ngày: “Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha”, nghìn thu nắm cỏ bên đường che lấp nấm mồ vô chủ” [19, tr.180]. Nói về việc Kiều một mình sang nhà Kim Trọng, Hoàng Ngọc Phách không thấy đó là điều phạm đến lễ giáo phong kiến mà chê trách nàng. Ông đã hiểu cho hoàn cảnh lúc đó của nàng và còn cho đó chính là “thuốc thử” để Kiều bộc lộ bản lĩnh, sự trong sạch của mình:

“Trong một đôi giai nhân tài tử phơi phới lòng tơ, mà chung bóng đèn khuya, tiếng đàn như ru, hơi hương như gợi, mình là nữ nhi “yếu bóng vía” hơn đàn ông, mà dẹp được tà tâm, mà lại lấy lời nói khiến “người ngồi đó” phải kính nể, thật là một việc khó khăn, những kẻ tính tình tầm thường không làm nổi. Vậy thì để vào chỗ nguy

84

mà đứng vững, bao giờ cũng đáng khen, hơn là đứng vững mà chưa gặp nguy” [19, tr.183].

Đến M.lle Bích Thủy, bà lại có cách đánh giá về Kiều hết sức mới mẻ. Ngay từ đầu bài viết M.lle Bích Thủy đã khẳng định quan điểm của mình khi đánh giá nàng Kiều: “Xét ra thì Kiều có gì mà đáng chê, mà nhiều đoạn mình phải tấm tắc, ngậm ngùi mà thầm khen nữa. Kiều dẫu có ba chìm, bảy nổi, có dày gió, dạn sương đi nữa, thì phẩm giá cũng còn thơm tho, lóng lánh ngang ngọn sóng phong trần”

[19, tr.155]. Bà còn khẳng định hành động “liều thân gánh vác cái tai họa bất kỳ”

khi gia đình bị vạ của thằng bán tơ là hành động “vì nghĩa vụ mà quên mình của Kiều. Từ đó, bà thấy Kiều xứng đáng là tấm gương không phải chỉ cho hạng đàn bà, mà Kiều còn là: “Tấm gương cho biết bao giai nhân tài tử trên đời này, đang mê man trong cuộc ái tình, quên hẳn mình là ai, sống vào thời đại nào” [19, tr.155]. Nói về tình yêu của Kiều đối với Kim Trọng, đã có rất nhiều người tỏ thái độ chê bai Kiều, M.lle Bích Thủy đã có đánh giá hết sức tiến bộ khi bà đứng trên quan điểm nữ quyền để bảo vệ nàng, bà cho rằng: “Chữ tình là ngọn lửa thiên nhiên của lòng người ta khi đã đến tuổi” [19, tr.155]. Giải thích tình yêu của Thúy Kiều đối với Kim Trọng dựa trên thuộc tính sinh học tự nhiên của người phụ nữ, M.lle Bích Thủy đã bác bỏ tất cả những quan điểm chê trách Kiều khi gắn hành động Kiều một mình sang nhà Kim Trọng với những tư tưởng bảo thủ của đạo Nho. Đồng thời bà còn chỉ ra những thực trạng bất công đang phổ biến trong xã hội ta đó là: “Nhiều người còn mang thái độ di truyền, đè nén đàn bà, nhưng trong sự thường hễ là đàn ông thì thôi, chớ vô phước làm đàn bà còn nhớ trộm thương thầm ai, thì tha hồ cho các ông chê cười mỉa mai, vả lại theo các ông thì đàn bà chỉ được “chịu” chớ không được “làm” (un être passif et non actif)” [19, tr.156]. Ta thấy trong xã hội Việt Nam lúc này, phong trào đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ đang diễn ra khá sôi nổi, vì vậy quan điểm M.lle Bích Thủy đưa ra để bênh vực cho Kiều là quan điểm tiến bộ.

Trên lập trường tiến bộ ấy, bà phê phán những kẻ chê Kiều là những kẻ thủ cựu, không hiểu được ý nghĩa sâu xa của hai chữ tự do: “Vậy mấy nhà phê bình mà chê Kiều đây phỏng hiểu chi về cái ý nghĩa sâu xa của hai chữ tự do, và óc chắc khá

85

nặng những tánh “di truyền thủ cựu” (Conservateur par atavisme) mà thủ cựu một cách hẹp hòi thì sao lại không cho là bảo thủ?” [19, tr.156]. Sau đó M.lle Bích Thủy lần lượt nhắc lại những hành động của Kiều và thanh minh cho những hành động ấy. Bà hiểu tâm lý của người đàn bà bấy lâu chìm nổi nên bà thông cảm cho hành động khuyên Từ Hải ra hàng của Kiều: “Còn trách nàng xui Từ Hải ra hàng? Ta nên xét cái tâm lý người đàn bà bấy lâu chìm nổi, thì sao cũng mong một chút thái bình, và Từ Hải cũng là người trong nước, có “ganh nhau” đi nữa cũng là trường đổ máu, có hay chi?” [19, tr.156].

Như vậy, trả lời cho câu hỏi “Kiều nên khen hay nên chê?”, các bạn đọc của báo Phụ nữ Tân văn đã đưa ra những quan điểm, ý kiến trái ngược nhau. Có người

“Chê Kiều lẳng lơ ong bướm, chê Kiều tài sắc hại người, vân vân. Có bài tuyên những mười bản kết án cô Kiều” [19, tr.158]. Trong con mắt họ, Kiều không qua được cái tội lẳng lơ bất chính. Ta thấy, những ý kiến chê Kiều chủ yếu đứng trên lập trường của quan điểm Nho giáo cũ. Thời kỳ này phong trào đấu tranh xã hội đòi quyền bình đẳng của người phụ nữ diễn ra khá sôi nổi, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thoát ra khỏi những ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm ở nước ta. Vì thế, một cô gái tự mình quyết định tình yêu khi chưa được phép của cha mẹ, lại bán mình vào lầu xanh làm gái thanh lâu, rồi còn làm vợ lẽ của nhiều người, cô gái ấy đã vượt rào ra khỏi “tam tòng tứ đức” thì dưới con mắt của các nhà đạo đức đó là điều không thể chấp nhận được. Nhưng thời kỳ này bên cạnh những quan điểm có tính chất bảo thủ, nặng nề tư tưởng Nho giáo cũ thì vẫn có những người bắt kịp xu thế của thời đại, tiếp thu kịp thời những tư tưởng tiến bộ của xã hội nên đã có những cách đánh giá Kiều cởi mở hơn, tiến bộ hơn. Chính những người này sẽ là lực lượng quan trọng trong các phong trào đấu tranh vì sự tiến bộ của xã hội, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Một phần của tài liệu Truyện kiều ở việt nam từ đầu thế kỷ xx đến năm 1945 nhìn từ lý thuyết tiếp nhận (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)