CHƯƠNG 2: TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU CỦA GIỚI NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH VĂN HỌC
2.2 Phê bình Truyện Kiều về phương diện tư tưởng: Phật giáo, Nho giáo (Phê bình cổ điển)
2.2.2 Phê bình Truyện Kiều từ tư tưởng Nho giáo
Khi nhắc tới Truyện Kiều, phải nói ngay rằng triết học luân lý Nho giáo đã là cái xương sống hướng đến suốt cuộc đời Kiều, chi phối tâm lý của Thúy Kiều và nó cũng là mấu chốt của bi kịch trong cuộc đời Kiều. Có thể thấy, Nguyễn Du tuy từ sớm đã có sự tiếp xúc với Phật giáo nhưng nền tảng tư tưởng ban đầu và tư tưởng ông phụng sự cả đời lại là tư tưởng Nho giáo. Vì vậy điều dễ hiểu là chính tư tưởng ấy sẽ chi phối những sáng tác của ông, trong đó có Truyện Kiều. Khi xem tính cách
39
của Thúy Kiều, trong Văn chương Truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa thấy: “Kiều là một người đa tình, nhưng không đắm đuối vì tình, biết lấy nghĩa mà chế tình, thế là trúng với lý tưởng của đạo Nho” [23, tr.186]. Xét tính cách của Thúy Kiều, Phạm Quỳnh đã đứng trên quan điểm của nhà Nho để khẳng định tính cách Kiều là “tính cách Nho”. Vậy ta hãy thử tìm hiểu tính cách của Thúy Kiều được thể hiện như thế nào trong tác phẩm. Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhắc tới sự mâu thuẫn giữa tài và mệnh:
Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau Đến cuối tác phẩm nhà thơ lại nhắc lại:
Ngẫm hay muôn sự tại trời Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Vậy thì cả đời Kiều là sự chi phối bởi cái thuyết “tài mệnh tương đố”. Thúy Kiều là người con gái tài sắc nhưng như biết bao phận má hồng khác trong xã hội phong kiến, nàng cũng phải chịu cảnh truân chuyên. Nàng Kiều chính là nạn nhân của xã hội phong kiến bạo tàn. Tuy bị làm nhục, bị vùi dập nhưng nàng vẫn giữ được mình trong sạch. Đã có nhiều nhà Nho như Nguyễn Công Trứ đứng trên lập trường Nho giáo để chê tiết hạnh của Kiều, nhất là trong đêm Kiều một mình sang nhà Kim Trọng. Tuy một mình sang nhà người yêu giữa đêm khuya thanh vắng nhưng Kiều vẫn giữ được mình. Sau này mười lăm năm lưu lạc trong chốn giang hồ, Kiều phải trải qua hết lầu xanh này đến nhà thổ khác, hai lần lấy chồng nhưng tất cả những điều ấy là vì hoàn cảnh gây nên. Bị ép phải tiếp khách nơi lầu xanh nhưng Thúy Kiều vẫn giữ mình, không buông thả theo hoàn cảnh. Vậy đứng trên quan điểm Nho giáo, dù bị hoàn cảnh bức bách nhưng Kiều vẫn giữ được mình trong sạch, tránh được những điều tà dâm. Có lẽ vì vậy mà Đào Duy Anh trong
40
Khảo luận về Kim Vân Kiều trước khi nói về tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều đã khẳng định: “Ta đã biết rằng tư tưởng chủ yếu của Nguyễn Du trong sách này là
“tài mệnh tương đố”, tư tưởng ấy làm cái nòng cốt tinh thần cho toàn truyện, và mỗi một chương, mỗi một tiết, mỗi một đoạn chỉ là để chứng minh cho nó thôi. Tư tưởng ấy là gốc ở thuyết thiên mệnh của Nho giáo” [2, tr.123]. Đứng trên tư tưởng thiên mệnh, Đào Duy Anh cho rằng mọi sướng khổ, giàu nghèo của con người đều do số phận định trước, vì vậy mà người đàn bà đẹp như Thúy Kiều phải chịu cảnh đọa đày cũng là do sự ghen ghét của tạo hóa “Thúy Kiều tài sắc như thế mà phải chịu lưu lạc, đọa đày là bởi vì trời đã sinh cho tài sắc mười phần thì lại gia cho mười phần nghiệp chướng để bù lại. Không những Thúy Kiều, Đạm Tiên cũng vậy, cho đến Tây Thi, Điêu Thuyền, Chiêu Quân, Dương Quý Phi đều thế cả, mà “Hồng nhan tự thuở xưa, cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”. Vì cái luật ấy mà người ta xem như “trời ghét má hồng”. Toàn truyện Đoạn trường tân thanh chỉ là chứng minh cho lòng ghen ghét của tạo hóa” [2, tr.130]. Sau đó Đào Duy Anh lấy cả ví dụ trong văn học phương Tây để chứng minh cho quan điểm của mình như: Héléne trong sử thi Iliad của Homère (Hy Lạp), Héloise trong truyện tình với Abélard (Pháp), Elvire trong kịch của Shakespeare (Anh)…
Qua việc nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XX trên tư tưởng Nho giáo, Phật giáo không còn là vấn đề mới, phương pháp phê bình này của các học giả đầu thế kỷ XX chịu ảnh hưởng nhiều của phương pháp phê bình trung đại.
Các tác giả thời kỳ này vẫn thấy trong sáng tác của Nguyễn Du vẫn được đi từ luận đề “tài mệnh tương đố” của Nho giáo đến thuyết nhân quả, nghiệp chướng, luân hồi của đạo Phật. Bạc mệnh hay nghiệp chướng trong Truyện Kiều được phản ánh như là một định mệnh, Nguyễn Du đã xây dựng lực lượng siêu nhiên để vùi dập cuộc đời nàng Kiều. Khi bàn về sự chi phối của đạo Nho cũng như đạo Phật, các học giả đầu thế kỷ XX vẫn còn dừng lại về mặt hình thức, chưa đi sâu vào lý giải vấn đề mà Nguyễn Du đặt ra trong Truyện Kiều.
41