CHƯƠNG 1: CƠ SỞ PHÁP LÝ
1.2. Qui định pháp luật hiện hành về chống hàng giả và cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại và nhãn hiệu tại Việt Nam
1.2.1. Phân tích theo chiều ngang
Đầu tiên tác giả sẽ điểm qua và phân tích các quy định tại các văn bản luật khác nhau có liên quan đến khía cạnh chống cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại và nhãn hiệu. Khác với các nước trên thế giới, pháp luật cạnh tranh Việt Nam lại có định nghĩa khác về hành vi cạnh tranh không lành mạnh là “hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”27. Tuy vậy ba đặc trưng cơ bản của hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn được thể hiện một cách rõ ràng: (i) là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, (ii) trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, (iii) gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Điều 39 của Luật Cạnh Tranh 2004 liệt kê một loạt chín hành vi được xem là cạnh tranh không lành mạnh theo luật này và để mở các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác được xác định theo định nghĩa vừa nêu ở trên của luật này. Tức là một hành vi dù không nằm trong chín hành vi bị liệt kê là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng nếu hành vi đó thỏa mãn ba đặc trưng cơ bản đã nêu vẫn có khả năng được xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Điều này vô hình chung tạo nên một khoảng không gian mở để các cơ quan thực thi cũng như chủ sở hữu quyền, các bên vi phạm có thể diễn giải, vận dụng linh hoạt nhằm giải thích theo hướng có lợi cho bên mình.
Ngoài ra Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005, sửa đổi năm 2009 cũng có quy định các hành vi nào bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại điều 130 với góc tiếp
27 Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004.
cận hoàn toàn khác.Cụ thể, các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;
b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Trong đó Chỉ dẫn thương mại được hiểu là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá28. Một điều tiến bộ của Luật SHTT rất đáng được ghi nhận đó là tại khoản 3 Điều này hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại được giải thích, hiểu theo phạm vi khá rộng bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó. Với việc được hiểu theo nghĩa rộng như thế sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc xác định những vi phạm cụ thể cũng như tự tin hơn trong hoạt động thực thi.
28 Khoản 2, Điều 130 Luật SHTT
Bên cạnh đó tại khoản 2 của Điều 129 Luật SHTT có quy định như thế nào là xâm phạm quyền đối với tên thương mại : “Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại”.
Tiếp sau đây tác giả sẽ đi đến phân tích các quy định tại các văn bản luật có liên quan đến vấn đề chống hàng giả hay còn gọi là hàng giả mạo nhãn hiệu. Thực tiễn thực thi để xác định có hay không hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại để dựa vào đó xác định xem có phải là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hay không, các cơ quan chức năng luôn căn cứ vào Điều 129 Luật SHTT “Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý”. Cụ thể tại khoản 1 Điều này, Luật quy định bốn loại hành vi được thực hiện mà không được cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
Ví dụ như nhãn hiệu Nutrilite của tập đoàn Alticor đã được bảo hộ29 (nguồn từ thư viện số của Cục SHTT) cho nhóm sản phẩm chất bổ sung dinh dưỡng, chất bổ sung thực phẩm, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.. cho mục đích y tế thuộc nhóm 05 theo bảng phân loại hàng hóa dịch vụ NICE. Nếu có một bên nào khác không được sự cho phép của chủ sở hữu mà sử dụng nhãn hiệu Nutrilite gắn lên dòng sản phẩm thực phẩm chức năng của họ thì bị xem là hành vi xâm phạm nhãn hiệu Nutrilite.
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
Ví dụ như sử dụng nhãn hiệu Vinamilk đã được bảo hộ30 (nguồn từ thư viện số của Cục SHTT) cho dòng sản phẩm nước tăng lực vẫn bị xem là hành vi xâm phạm
29 http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WDetail.php?intRecNum=7&HitListViewMode=Text&ref=
30 http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WDetail.php?intRecNum=39&HitListViewMode=Text&ref=
quyền đối với nhãn hiệu Vinamilk vì sản phẩm nước tăng lực được xem là tương tự hoặc liên quan tới dòng sản phẩm Nước giải khát có ga và không ga; bia; nước uống đóng chai; nước tinh khiết; nước ép hoa quả thuộc nhóm 32 đã được Vinamilk đăng ký.
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
Ví dụ như sử dụng nhãn hiệu vinacera cho các dòng sản phẩm gốm sứ xây dựng cũng được xem là xâm phạm nhãn hiệu Viglacera31(nguồn từ thư viện số của Cục SHTT) đã được bảo hộ.
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Ví dụ như sử dụng nhãn hiệu Google cho dòng sản phẩm sữa vẫn bị xem là vi phạm nhãn hiệu Google vì Google được xem là nhãn hiệu nổi tiếng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, tại Việt Nam thì Google cũng đã được đăng kí bảo hộ32 do vấn đề Việt Nam chưa ban hành danh mục các nhãn hiệu nổi tiếng cũng như chưa có bất kỳ văn bản chính thức, rõ ràng nào về việc chấp nhận một nhãn hiệu được xem là nhãn hiệu nổi tiếng.
Bên cạnh những quy định xác định hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu trong Luật SHTT, bộ luật Hình Sự của CHXHCN Việt Nam 1999, được sửa đổi bổ sung vào năm 2009 cũng có quy định bốn tội danh liên quan đến vấn đề hàng giả đó là : tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 156 Bộ Luật Hình Sự, tội “Tội sản
31 http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WDetail.php?intRecNum=2&HitListViewMode=Text&ref=
32 http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WDetail.php?intRecNum=1&HitListViewMode=Text&ref=
xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 157 Bộ Luật Hình Sự, tội “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” theo Điều 158 Bộ Luật Hình Sự và tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được quy định tại Điều 171 Bộ Luật Hình Sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Trong đó hai tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được các Tòa án, Viện Kiểm Soát áp dụng thường xuyên trong thực tiễn xét xử các vụ việc phạm tội liên quan đến hàng giả.
Cụ thể Điều 156 BLHS quy định : “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Ngoài hình phạt tù người vi phạm còn có thể gánh chịu hình phạt tiền và các loại hình phạt bổ sung khác quy định tại khoản 4 Điều này: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”. Có thể nhận thấy khung hình phạt tù tối đa với loại tội phạm này là bảy năm đến mười lăm năm, có thể kèm theo các hình phạt bổ sung khác nữa. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” được phân vào tội phạm rất nghiêm trọng33.
Tội danh “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được quy định tại Điều 171 BLHS như sau : “Người nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về
33 Khoản 3, Điều 8 BLHS.
hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm”. Ngoài hình phạt tù người vi phạm còn có thể gánh chịu hình phạt tiền và các loại hình phạt bổ sung khác quy định tại khoản 3 Điều này : “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”. Có thể nhận thấy khung hình phạt tù tối đa với loại tội phạm chỉ từ sáu tháng cho đến ba năm, có thể kèm theo các hình phạt bổ sung khác nữa. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được phân vào tội phạm ít nghiêm trọng.
Dựa vào quy định của BLHS có thể thấy khung hình phạt, mức xử lý và mức độ phạm tội cho hai tội danh này là rất khác nhau giữa một tội rất nghiêm trọng và một tội chỉ được phân vào tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy vẫn có sự nhập nhằng trong việc xác định hành vi phạm tội thuộc vào tội danh nào, đôi khi cùng tính chất, dấu hiệu phạm tội, hành vi chủ thể gắn nhãn hiệu của chủ thể khác đã được bảo hộ lên hàng hóa, sản phẩm của mình nhưng có Tòa thì áp dụng Điều 156 BLHS xác định là tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, có Tòa thì lại áp dụng Điều 171 BLHS để xác định là tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.
Có thể nhận xét điểm khác biệt lớn nhất giữa hai tội danh này chính là sản phẩm, hàng hóa được gắn nhãn hiệu đã được bảo hộ của chủ thể khác có được xác định là hàng giả hay không, nếu xác định là hàng giả thì tội danh và khung hình phạt nặng hơn rất nhiều. Lợi dụng điều này thực tế hiện nay nhiều đối tượng phạm tội và cả cơ quan chức năng đã cố tình lách luật, có những tiêu cực trong công tác thực thi quyền SHCN.