Thực tiễn thực thi Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại và nhãn hiệu

Một phần của tài liệu Thực tiễn thực thi công tác phòng chống hàng giả 2 (Trang 41 - 46)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ PHÁP LÝ

2.2. Thực tiễn thực thi Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại và nhãn hiệu

Mọi hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm dịch vụ hoặc cho sản phẩm dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền với tên thương mại. Tên thương mại được bảo hộ một cách tự động mà không bị bắt buộc phải nộp đơn hoặc đăng ký, bất kể tên thương mại đó có hay không là một phần của một nhãn hiệu hàng hoá40.

Về mặt lý thuyết không phải chúng ta không có khung pháp lý với những qui định chi tiết đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp tại Nghị định 99/2013. Tuy vậy việc thực thi công tác phòng chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại và nhãn hiệu trên thực tế gặp vô vàn khó khăn, trở ngại và đôi khi là không thể thực thi được.

Đối với hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại, Thanh tra Sở/Bộ khoa học công nghệ là cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, ra quyết định xử phạt.

Thông thường Thanh tra khoa học công nghệ luôn yêu cầu chủ sở hữu quyền thương lượng, hòa giải với bên vi phạm, yêu cầu bên vi phạm tự nguyện chấm dứt

40 Điều 8 Công Ước Paris

hành vi vi phạm chứ ít khi nào áp dụng các biện pháp cứng rắn buộc bên vi phạm phải chấm dứt vi phạm. Thực tiễn chứng minh rằng rất hiếm khi cơ quan này ban hành quyết định xử phạt đối với hành vi kể trên.

Các chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp sẽ không thể được áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 18, điều 14 Nghị định 99/2013 nếu như cơ quan có thẩm quyền không ban hành quyết định xử phạt. Theo đó, biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi tên doanh nghiệp là cơ quan đăng ký kinh doanh (thông thường là Sở Kế Hoạch Đầu Tư). Thậm chí các chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp còn phải đối mặt với nguy cơ không thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả ngay khi đã có quyết định xử phạt do sự thiếu hợp tác của cơ quan có thẩm quyền quản lí, đó là cơ quan đăng kí kinh doanh nơi tổ chức vi phạm đặt trụ sở. Tất cả điều đó góp phần khiến cho việc phòng chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại và nhãn hiệu gặp vô vàn khó khăn, trở ngại, phần lớn các vụ việc đều lâm vào bế tắc. Vô hình chung đã tạo điều kiện thuận lợi cho những cá nhân, tổ chức thực hiện những hành vi xâm phạm, cạnh tranh không lành mạnh nhằm lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý của các chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp.

Tác giả trích dẫn một vụ việc tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến hai doanh nghiệp bất động sản có cùng tên “Nam Tiến”41 đã được giải quyết thành công. Vụ việc như sau :

Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư xây dựng Bất động sản Nam Tiến (trụ sở tại B5–B6 khu dân cư Kim sơn, đường Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Phong, Q.7, gọi tắt Nam Tiến quận 7) được Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 4/9/2009. Ngành nghề hoạt động chính là tư vấn BĐS, vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Ngày 22/2/2010, Nam Tiến quận 7 đã được Sở Xây dựng cấp phép hoạt động sàn giao dịch bất động sản mang tên Nam Tiến. Đến ngày 5/5/2011, công ty này tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

41 http://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-bat-dong-san-bi-to-an-cap-thuong-hieu-1311613200.htm

Tuy nhiên, vào ngày 10/5/2011, một công ty khác có tên là Công ty Cổ phần Nam Tiến (Natico) đã khai trương sàn giao dịch bất động sản cũng với tên Nam Tiến tại địa chỉ 95 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM ( gọi tắt Nam Tiến quận 1). Cho rằng, Nam Tiến quận 1 đã vi phạm nhãn hiệu và tên thương mại, ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu, hình ảnh và uy tín của mình nên Nam Tiến quận 7 đã gửi đơn khiếu nại lên Sở Xây dựng TPHCM.

Liên quan đến việc 2 công ty bất động sản ở TPHCM có cùng tên Nam Tiến, Cục sở hữu trí tuệ cho rằng, công ty Nam Tiến (quận 1) có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và tên thương mại. Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học – Công nghệ đã có công văn trả lời về việc tranh chấp tên thương hiệu của 2 công ty bất động sản tại TPHCM là công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư xây dựng Bất động sản Nam Tiến (trụ sở tại B5–B6 khu dân cư Kim sơn, đường Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Phong, Q.7, gọi tắt Nam Tiến quận 7) và sàn giao dịch bất động sản Nam Tiến thuộc công ty Cổ phần Nam Tiến (số 95 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, gọi tắt Nam Tiến quận 1).

Theo Cục sở hữu trí tuệ, Nam Tiến quận 7 đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Nam Tiến & hình” cho dịch vụ: “Dịch vụ đầu tư, quản lý, mua bán, tư vấn, môi giới bất động sản” và dịch vụ: “Xây dựng công trình dân dụng”. Do vậy, kể từ ngày cấp, Nam Tiến quận 7 được độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã nêu trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Vì vậy, việc xuất hiện sàn giao dịch bất động sản Nam Tiến quận 1 có tên thương mại “Nam Tiến” tương tự về kết cấu từ và phát âm với phần chữ tương ứng trong nhãn hiệu được bảo hộ của Nam Tiến quận 7 là cấu thành hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được quy định tại điều 129.1 Luật Sở hữu trí tuệ. Việc Nam Tiến quận 1 lại có cùng loại dịch vụ buôn bán, môi giới bất động sản như Nam Tiến quận 7 (đã được bảo hộ) dễ cấu thành hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại.

Hành vi đăng ký cùng tên, hoạt động cùng ngành nghề này của Nam Tiến quận 1 dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, hoạt động

kinh doanh và cơ sở kinh doanh. Do đó, ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nêu rõ: “Theo quy định của pháp luật, Nam Tiến quận 7 có thể yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM yêu cầu Nam Tiến quận 1 đổi tên sàn giao dịch bất động sản”.

Một vụ việc khác diễn ra trước đó không lâu, Công ty Cổ phần Vincom cũng đã kiện Công ty Cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon xâm phạm nhãn hiệu và tên thương mại42. Còn phía Vincon khẳng định, tên thương mại “Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Vincon” đã được đăng ký và cấp hợp pháp bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon đã sử dụng tên Vincon là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Vincom đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Công ty cổ phần Vincom.

Viện Khoa học Sở Hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng khẳng định, tên Vincon được giám định là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Vincom đã được bảo hộ của Công ty cổ phần Vincom.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon 14 triệu đồng. Cơ quan này cũng yêu cầu phía Vincon loại bỏ tên Vincon trên biển hiệu giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo và trên tên công ty, tên chi nhánh của công ty tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra còn có một vụ việc đã được xét xử bởi Tòa án nhân dân TpHCM, đây là vụ án tranh chấp về tên thương mại giữa Công ty Mi Hồng (nguyên đơn) và hộ kinh doanh cá thể Kim Phát Mi Hồng (bị đơn). Căn cứ vào bản ản số 210/2010/DS- PT ngày 06/12/2010, cả nguyên đơn và bị đơn đều kinh doanh trong lĩnh vực trang sức, vàng bạc đá quý. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn không được sử dụng tên thương mại có chứa thành phần tên riêng “Mi Hồng” vốn đã được Công ty Mi Hồng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu số 98625 vào ngày

42http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/vincom-gianh-phan-thang-trong-tranh-chap-thuong-hieu- 2709617.html

01/4/2008, có hiệu lực đến ngày 15/11/2016. Bản kết luận giám định của Viện Khoa học SHTT kết luận hành vi gắn dấu hiệu “Mi Hồng” trên biển hiệu phục vụ kinh doanh vàng do tiệm vàng Kim Phát Mi Hồng thực hiện mà không được phép của Công ty TNHH Mi Hồng là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Mi Hồng”

đã được bảo hộ. Tòa đã quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc hộ kinh doanh Kim Phát Mi Hồng chấm dứt sử dụng cụm từ “Mi Hồng”

trên biển hiệu và trên những giấy tờ giao dịch kinh doanh sau : Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, con dấu của tiệm vàng Kim Phát Mi Hồng, các biên nhận và hóa đơn43.

Ba vụ việc mà tác giả nêu trên nằm trong số những trường hợp hiếm hoi được các cơ quan thực thi xử lý và giải quyết triệt để, vẫn còn biết bao vụ việc đã kéo dài hàng năm trời vẫn chưa tìm được lối thoát. Theo Báo cáo hoạt động quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ của Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ từ 01/07/2013 đến 15/09/2014, so với số liệu các năm trước, tình hình xâm phạm quyền năm 2014 có chiều hướng gia tăng về cả mức độ, giá trị hàng hóa vi phạm lẫn số vụ việc. Năm 2012 Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận 26 hồ sơ yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền, trong đó xử phạt 02 vụ việc với tổng tiền phạt là 18 triệu đồng. Trong khi đó, từ tháng 01/7/2013 đến 10/9/2014, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận 52 hồ sơ yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền, trong đó xử phạt 09 vụ việc với tổng tiền phạt là 417.200.000, buộc tiêu hủy hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 20.153 sản phẩm vi phạm. Tuy nhiên trong thống kê số vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đáng chú ý là không có vụ việc nào liên quan đến tên thương mại được giải quyết, xử phạt.

Theo Báo cáo hoạt động quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ của Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ từ 01/01/2014 đến 10/06/2015, Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đã xử lý 52 trên tổng số 70 vụ yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã nhận, công nhận thỏa thuận của các bên 10 vụ; 10 vụ chủ thể quyền rút đơn yêu cầu xử lý; tiến hành thanh

43 Nguồn từ “Sách tình huống Luật SHTT Việt Nam” của Đại học Luật TpHCM.

tra 17 vụ, xử phạt 15 đơn vị với tổng giá trị xử phạt là 433.300.000 đồng. So với các năm trước, các vụ việc liên quan đến tên doanh nghiệp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu diễn ra nhiều hơn, các đối tượng vi phạm cũng tinh vi hơn, hiểu rõ sự thiếu thống nhất trong các quy định giữa các bộ, ngành. Do vậy việc xử lý các hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, trong thống kê số vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tiếp tục không có vụ việc nào liên quan đến tên thương mại được giải quyết, xử phạt.

Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền SHCN, thông tư này vừa mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2016. Đây là một thành công nho nhỏ trong nỗ lực xây dựng một cơ chế hợp tác chính thức giữa hai Bộ liên quan trực tiếp đến vấn đề cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại. Có cơ chế phối hợp, xử lý rõ ràng là một thành công bước đầu nhưng để áp dụng nó vào thực tiễn nhằm giải quyết triệt để những vi phạm có liên quan cũng là một bài toán khó, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền thực thi phải thật sự quyết tâm. Theo thông tin tác giả nhận được từ Thanh tra KH&CN thì từ khi Thông tư có hiệu lực cho đến nay vẫn chưa có một vụ việc nào áp dụng Thông tư này buộc đổi tên doanh nghiệp vi phạm tên thương mại.

Một phần của tài liệu Thực tiễn thực thi công tác phòng chống hàng giả 2 (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)