CHƯƠNG 1: CƠ SỞ PHÁP LÝ
1.2. Qui định pháp luật hiện hành về chống hàng giả và cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại và nhãn hiệu tại Việt Nam
1.2.2. Phân tích theo chiều dọc
Nếu như Luật Cạnh Tranh và Luật SHTT đã cho chúng ta một góc nhìn rộng, đa chiều về cạnh tranh không lành mạnh thì để những quy định đó đi vào thực tiễn chúng ta cần có những nghị định, thông tư hướng dẫn việc thực hiện, xử phạt đối với những vi phạm.
Một trong những nghị định được tác giả đánh giá rất cao về tính thực tiễn trong công tác thực thi bảo hộ SHCN của các cơ quan chức năng cũng như các chủ sở hữu quyền đó là Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tại điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP có quy định khá chi tiết các khung xử phạt hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN căn cứ vào giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm, quy định này cũng không quên liệt kê chi tiết các hành vi được xem là vi phạm để có thể áp vào từng khung, chi tiết như sau:
- Bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ có gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
- Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện các hành vi ở trên.
Ngoài ra các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được thể hiện khá chi tiết, bài bản tại khoản 18 Điều này để các cơ quan chức năng có thể áp dụng phù hợp cho từng trường hợp vi phạm cụ thể :
- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 16 Điều này;
- Buộc loại bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, trang tin điện tử đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 15 và Khoản 16 Điều này;
- Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này; buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 16 Điều này;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 16 Điều này.
Còn đối với hành vi Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thì tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP có quy định rất chi tiết các khung xử phạt hành chính căn cứ vào giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm, quy định này cũng có liệt kê chi tiết các hành vi được xem là vi phạm để có thể áp vào từng khung, chi tiết như sau:
- Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;
- Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện các hành vi ở trên.
Tương tự như hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được áp dụng cho hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được quy định tại khoản 13 Điều 12 Nghị định này để các cơ quan chức năng có thể linh hoạt áp dụng phù hợp cho từng trường hợp vi phạm cụ thể:
- Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này;
- Buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 10 Điều này;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này.
Đặc biệt là trong hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, cơ quan
chức năng có thể áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm34.
Riêng đối với các hành vi được liệt kê bên dưới sẽ áp dụng mức phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt quy định từ Khoản 1 đến Khoản 9 Điều này nhưng không vượt quá 250.000.000 đồng :
- Chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo;
- In, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng hình thức khác tem, nhãn, vật phẩm khác mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo lên hàng hóa;
- Nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo;
- Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện các hành vi ở trên.
Về thẩm quyền xử phạt, đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực SHCN thì Thanh tra Khoa học và Công nghệ (bao gồm Thanh Tra Bộ KH&CN và Thanh Tra Sở KH&CN) và QLTT là những cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Trong khi đó đối với hành vi Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được quy định tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP thì ngoài Thanh tra Khoa học và Công nghệ (bao gồm Thanh Tra Bộ KH&CN và Thanh Tra Sở KH&CN) và QLTT, cơ quan Công an cũng có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm.
Điều 15. Thẩm quyền xử phạt
1. Thanh tra Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này.
………….
3. Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm sau đây:
a) Hành vi vi phạm quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này trong hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa tại thị trường trong nước;
b) Hành vi vi phạm quy định tại các Điều 6, 9, 11 và 14 của Nghị định này trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại thị trường trong nước. Trong
34 Khoản 12, Điều 12, Nghị Định 99/2013/NĐ-CP
trường hợp xử lý hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này mà xác định được cơ sở sản xuất loại hàng hóa đó thì Quản lý thị trường có thẩm quyền tiếp tục xử lý hành vi vi phạm tại cơ sở sản xuất.
…………
5. Công an có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ các hành vi xâm phạm quyền về sở hữu công nghiệp và cung cấp cho các cơ quan xử lý vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại các Điều 9, 12 và 13 của Nghị định này.
………….
Bên cạnh đó, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là một nghị định được đánh giá khá cao về thực tiễn áp dụng. Nghị định này quy định rất tỉ mỉ, chi tiết từng hành vi vi phạm đối với hàng giả sẽ ứng với các điều khoản, mức phạt hành chính khác nhau. Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể mức phạt tại Nghị Định này thấp hơn nhiều so với mức phạt quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
Cụ thể “hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng”
được quy định tại Điều 11 Nghị Định này với mức phạt tiền thấp nhất là 500.000 đồng, mức cao nhất lên đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra cơ quan chức năng có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như : Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm, Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và một số biện pháp khắc phục hậu quả như : Buộc tiêu hủy tang vật, Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả, Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.
“Hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng” được quy định tại Điều 12 Nghị Định này với mức phạt tiền thấp nhất là 3.000.000 đồng, mức cao nhất lên đến 120.000.000 đồng. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cũng tương tự như “hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng” nhưng ở một mức độ nặng hơn.
“Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa” được quy định tại Điều 13 Nghị Định này với mức phạt tiền thấp nhất là 200.000 đồng, mức cao nhất chỉ là 60.000.000 đồng. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cũng tương tự như “hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng”.
“Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa” được quy định tại Điều 14 Nghị Định này với mức phạt tiền thấp nhất là 2.000.000 đồng, mức cao nhất là 90.000.000 đồng. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cũng tương tự như “hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng”. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cũng tương tự như “Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa”
nhưng ở một mức độ nặng hơn.
Không thể không đề cập đến một Thông tư liên Bộ vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ban hành hứa hẹn sẽ tháo gỡ những khó khăn, khúc mắc trong công tác thực thi quyền SHCN đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên thương mại. Đó là thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền SHCN, thông tư này vừa mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2016. Thông tư quy định khá chi tiết, rạch ròi thẩm quyền của từng cơ quan trong cơ chế phối hợp : Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính kết luận hoặc quyết định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP; Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi tên doanh nghiệp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có tên xâm phạm đặt trụ sở chính. Để có thể xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cần có văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền35 về việc sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, Điều 5 Thông tư quy định bao gồm:
35 Điểm a Khoản 4 Điều 19 Nghị định 78/2015/NĐ-CP
- Kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt, trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.
Thông tư quy định trình tự, thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp trong trường hợp có văn bản kết luận tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chi tiết tại Điều 9. Đầu tiên cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm tạo điều kiện để các bên tự thỏa thuận, thương lượng.
Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận trong thời hạn quy định thì chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị có văn bản yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo. Cuối cùng nếu trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thực hiện thủ tục thay đổi tên, trường hợp doanh nghiệp có tên xâm phạm không tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra Thông tư cũng có quy định trình tự, thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp khá chi tiết tại Điều 10. Theo đó trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp vi phạm có trách nhiệm tiến hành thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm không tiến hành thủ tục
thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để phối hợp xử lý. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình36. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn báo cáo giải trình theo yêu cầu của Phòng Đăng ký kinh doanh, trường hợp doanh nghiệp vi phạm không thực hiện báo cáo giải trình, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết thời hạn báo cáo giải trình, trường hợp doanh nghiệp không báo cáo giải trình theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp37.