CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Những nghiên cứu ở Việt Nam về đa dạng thực vật liên quan đến đề tài
1.3.1. Những nghiên cứu về hệ thực vật
Ở Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ này đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu về hệ thực vật. Trước hết phải kể đến đó là bộ Thực vật chí đại cương Đông Dương. Trong công trình này, các tác giả người Pháp đã kiểm kê được ở Đông Dương có 7.004 loài thực vật bậc cao có mạch. Từ những dẫn liệu ghi trong bộ Thực vật chí đại cương Đông Dương, năm 1965 Pócs T. đã thống kê hệ thực vật phía Bắc Việt Nam có 5.190 loài. Tiếp theo bộ sách Thực vật chí Campuchia, Lào và Việt Nam
“Flore du Cambodge du Lao et du Vietnam” do Aubréville khởi xướng và chủ biên (1960-2015) cùng với nhiều tác giả khác. Đến nay đã công bố 34 tập nhỏ gồm 79 họ cây có mạch. Tuy nhiên con số này còn ít xa so với số loài thực vật đã biết ở 3 nước Đông Dương. Phan Kế Lộc trong một công trình “Bước đầu thống kê số loài đã biết ở miền Bắc Việt Nam” cho thấy hệ thực vật Bắc Việt Nam có 5.609 loài thuộc 1.660 chi và 240 họ (xếp theo hệ thống Engler, 1954-1964).[35]
Để phục vụ công tác khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thực vật, Bộ Lâm nghiệp đã công bố 07 tập Cây gỗ rừng Việt Nam (1971 - 1988)[18]. Trần Đình Lý (1993) đã công bố 1.900 cây có ích ở Việt Nam[31]; Võ Văn Chi (1996) đã công bố Từ điển cây thuốc Việt Nam với 3.105 loài cây sử dụng làm thuốc[10]. Trong cuốn
“Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật Hạt kín (Magnoliophyta, Angiospermae) ở Việt Nam”, Nguyễn Tiến Bân (1997) đã giới thiệu 265 họ, khoảng 2.300 chi thuộc ngành Hạt kín ở nước ta.[3]
Theo hướng thống kê số lượng loài và mô tả đặc điểm nhận dạng các loài có công trình: "Cây cỏ Việt Nam" của Phạm Hoàng Hộ (1999-2003) đã thống kê được tới 11.611 loài thực vật hiện có của Việt Nam[31]. Trong tài liệu về Tài nguyên cây gỗ Việt Nam, Trần Hợp (2000) đã mô tả đặc điểm nhận biết, phân bố và giá trị sử dụng của 1.566 loài cây gỗ phổ biến từ Bắc vào Nam. Trong đó các loài được sắp xếp theo hệ thống tiến hóa của Armen Takhtajan về các ngành Quyết thực vật, ngành thực vật Hạt trần (1986), ngành thực vật Hạt kín (1987)[21]. Lê Trần Chấn và cộng sự (1999)
khi nghiên cứu một số đặc điểm của hệ thực vật Việt Nam đã ghi nhận 10.192 loài của 2.298 chi, 285 họ của 6 ngành thực vật.[9]
Để phục vụ trong công tác quản lý ngành Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triến nông thôn (2000) đã ban hành cuốn sách - Tên cây rừng Việt Nam, trong đó tác giả đã sắp xếp thành các bảng theo thứ tự: Bảng 1: Tên Việt Nam thường dùng với 4.544 loài thực vật; Bảng 2: Tên khoa học; Bảng 3: Tên thương mại một số loại gỗ và lâm sản khác; Bảng 4: Bảng tra các họ theo tên Việt Nam; Bảng 5: Bảng tra các họ theo tên La tinh.[7]
Bộ sách tương đối đầy đủ về thực vật ở Việt Nam với nhiều tên khoa học được cập nhật đó là Danh lục các loài thực vật Việt Nam tập I (2001), tập II (2003), tập III (2005), trong tài liệu này, các tác giả đã thống kê được 368 loài vi khuẩn lam, 2.200 loài Nấm, 2.176 loài Tảo, 481 loài Rêu, 01 loài Quyết lá thông, 53 loài Thông đất, 02 loài Cỏ tháp bút, 691 loài Dương xỉ, 69 loài thực vật Hạt trần và 13.000 loài thực vật Hạt kín, đưa tổng số loài thực vật Việt Nam lên đến gần 20.000 loài.[33], [4]
Bên cạnh đó một số họ riêng biệt đã được công bố như họ Lan (Orchidaceae) ở Việt Nam của L. V. Averyanov and A. V. Averyanov (2003), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) Việt Nam của Nguyễn Nghĩa Thìn (1999), họ Na (Annonaceae) Việt Nam của Nguyễn Tiến Bân (2000), họ Cói (Cyperaceae) của Nguyễn Khắc Khôi (2002), họ Đơn nem (Myrsinaceae) của Trần Thị Kim Liên (2002), họ Bạc hà (Lamiaceae) (2000) và họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) (2007) của Vũ Xuân Phương, họ Trúc đào (Apocynaceae) của Trần Đình Lý (2007), họ Cúc (Asteraceae) của Lê Kim Biên (2007).... Đây là những tài liệu quan trọng làm cơ sở cho việc đánh giá về đa dạng phân loại các taxon của thực vật.
Theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học, 2011, Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao về các loài động thực vật. Trong đó, tính đến năm 2011 đã ghi nhận được 13.766 loài thực vật (2.393 loài thực vật bậc thấp và 11.373 loài thực vật bậc cao có mạch).[8]
Theo Nguyễn Khắc Khôi và cs (2011) trong tổng số khoảng 25 ngành, 560 họ, 3.400 chi với 18.000 loài thực vật có ở hệ thực vật Việt Nam, đã có 7 ngành (28%), 111 họ (19,65%), 175 chi (4,8%) với 448 loài (2,5%) được đánh giá có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ngoài thiên nhiên ở Việt Nam. Trong đó nhóm thực vật bậc cao có mạch gồm 4 ngành (67,15%), 99 họ (82,2%), 160 chi (91,43%) với 429 loài (95,75%).
Về dạng sống chủ yếu là cây gỗ với 126 loài chiếm 28,13%.[23]
Ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam đã được tiến hành và công bố dưới các hình thức khác nhau. Nguyễn Hoàng Nghĩa (1997, 1999) đã đề cập rất chi tiết đến bảo tồn nguồn gen cây rừng. Nguyễn Nghĩa Thìn (1997) với - Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật đã cung cấp các
phương pháp nghiên cứu đa dạng sinh vật và cách nhận biết nhanh các họ thực vật Hạt kín ở Việt Nam. Ngoài ra còn một số tài liệu: Các phương pháp nghiên cứu thực vật (2007), Hệ thực vật và đa dạng loài (2008) của Nguyễn Nghĩa Thìn.
Hàng loạt các nghiên cứu, điều tra, đánh giá sự phong phú của tài nguyên sinh vật phục vụ cho việc quy hoạch, xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên đã được tiến hành.
Đối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn, vùng miền đã có một số nghiên cứu về tính đa dạng của khu hệ thực vật. Có thể kế đến một số công trình nghiên cứu của các tác giả sau: Nguyễn Bá Thụ (2002) đã đưa ra số liệu tổng số loài thực vật bậc cao vườn quốc gia Cúc Phương là 1.944 loài thuộc 912 chi, 219 họ, 86 bộ của 7 ngành thực vật, trong đó có 98 loài quý hiếm. Nguyễn Quốc Trị (2006) xây dựng bản danh lục thực vật của VQG Hoàng Liên gồm 2.432 loài thuộc 898 chi, 209 họ thuộc 6 ngành.[41]
Hệ thực vật Tây Bắc VQG Vũ Quang đa dạng về thành phần loài, kết quả điều tra Phạm Hồng Ban (2010) cho thấy ở đây có mặt 5 ngành thực vật bậc cao với 94 họ, 332 chi, 478 loài, trong đó ngành Mộc lan (Magnoliophyta) là đa dạng nhất chiếm 93,51%. Hệ thực vật Tây Bắc VQG Vũ Quang gồm có 14 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam cần được ưu tiên bảo tồn. Có nhiều loài cây có giá trị kinh tế và cho nhiều công dụng, cây làm thuốc có số loài cao nhất với 254 loài, cây lấy gỗ 104 loài, cây làm cảnh 28 loài, cây cho lương thực, thực phẩm 58 loài, cây cho tinh dầu 38 loài, cây cho dầu béo, cây cho sợi, cây lấy độc với 22 loài.[1]
Kết quả điều tra về thành phần loài thực vật tại Khu BTTN Pù Hoạt, Nghệ An, Hoàng Danh Trung và cs (2010) đã xác định được 426 loài thuộc 271 chi và 116 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 11 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Có nhiều loài cây có giá trị và cho nhiều công dụng. Cây làm thuốc có số loài cao nhất với 160 loài, cây cho gỗ 50 loài, cây ăn được 47 loài, thấp nhất là cây cho tanin, cây cho sợi.[42]
Trong quá trình nghiên cứu đa dạng thực vật Bắc Trung Bộ, Trần Thế Liên (2004) đã lập được bản danh lục thực vật gồm có 4.133 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.211 chi của 224 họ với đầy đủ các ngành thực vật bậc cao có mạch của Việt Nam. Cũng theo Trần Thế Liên và cs (2005) đã thống kê được trong số 4.233 loài thực vật có mạch của hệ thực vật Bắc Trung Bộ thì có tới 2.374 loài được con người sử dụng ở nhiều mục đích khác nhau, tổng số loài cây có ích của hệ thực vật này đạt 57,44% tổng số loài của toàn hệ. Nhóm cây làm thuốc là phong phú nhất với 1.709 loài. Tổng số loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ
Việt Nam là 102 loài, tổng số chiếm 2,47% tổng số loài của toàn hệ và chiếm 30,27% tổng số loài quý hiếm của cả nước được ghi trong Sách đỏ.[26]
Danh lục thực vật VQG Cát Tiên đã được Trần Văn Mùi (2004) đã thống kê được 1.610 loài thực vật bậc cao có mạch của 75 bộ, 162 họ, 724 chi. Các loài cây quý hiếm 38 loài thuộc 13 họ. Nguồn gen đặc hữu và cây đặc hữu bản địa 20 loài thuộc 11 họ. Các nhóm cây có giá trị về kinh tế: Nhóm cây gỗ 511 loài, trong đó có 176 loài cây gỗ lớn chiếm 1% tổ thành số lượng cá thể loài cây gỗ. Nhóm cây dược liệu có 550 loài thuộc các dạng cây gỗ, cây bụi, cây cỏ dây leo, khuyết thực vật và thực vật phụ sinh, ký sinh. Nhóm cây cảnh có khoảng 260 loài. Nhóm cây ăn quả có 24 loài. Nhóm cây rau xanh có 20 loài.[32]
Ngô Tiến Dũng (2008) với luận án -Tính đa dạng thực vật của VQG Yok Đôn, tỉnh Đăk Lăk đã mô tả sự biến đổi thảm thực vật thông qua điều tra theo tuyến với 5 kiểu thảm, 21 ưu hợp và 4 kiểu trảng và hoàn thiện danh lục thực vật của VQG Yok Đôn với 129 họ, 478 chi, 858 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó tác giả đã bổ sung 21 họ, 188 chi và 292 loài.[13]
Hoàng Văn Sâm và cs (2009) - Đa dạng thực vật vườn quốc gia Bến En đã ghi nhận 1.389 loài thực vật bậc cao có mạch. Nghiên cứu đã bổ sung 3 loài thực vật mới cho khoa học Việt Nam là Xâm cánh bến en, Sang máu lá lớn và Găng bến en.[48]
Trần Minh Tuấn (2014) với luận án - Nghiên cứu tính đa dạng thực vật bậc cao có mạch ở VQG Ba Vì mô tả được thảm thực vật tự nhiên ở VQG Ba Vì gồm 11 đơn vị và có 3 đơn vị thảm thực vật nhân tác theo quan điểm của Thái Văn Trừng (1978) và tính đa dạng thực vật biến đổi theo đai cao; hoàn thiện danh lục thực vật của VQG Ba Vì với 207 họ, 955 chi, 2.181 loài thực vật bậc cao có mạch.[46]
Như vậy, nghiên cứu về đa dạng thực vật ở Việt Nam đã được nghiên cứu khá toàn diện, đặc biệt ở các khu rừng đặc dụng, đây là một bộ dữ liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu. Có nhiều phương pháp điều tra khác nhau, tuy nhiên chủ yếu vẫn sử dụng những phương pháp điều tra truyền thống trong lâm học, thiếu những thiết bị hiện đại nên đã phần nào ảnh hưởng đến độ chính xác của số liệu. Kết quả điều tra đã đưa ra được số liệu về thành phần loài thực vật, giá trị sử dụng, yếu tố địa lý ở các khu vực nghiên cứu. Nhưng đối với các Khu bảo tồn nhỏ, mới thành lập thì việc nghiên cứu còn nhiều hạn chế.