CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.5. Điều kiện tự nhiên - kinh tế xã hội khu vực nghiên cứu
1.5.2. Điều kiện kinh tế xã hội
- Tổng số hộ là 3.811hộ, với dân số là 14.153 người, bình quân 3,7 khẩu/hộ thấp hơn so với bình quân của huyện Hòa Vang (3,9 khẩu/hộ), trong đó thấp nhất là xã Hòa Phú (3,6 khẩu/hộ), cao nhất là xã Hòa Ninh (3,9 khẩu/hộ). Trong lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa không có dân cư sinh sống.[34]
1.5.2.2. Dân cư
- Trên địa bàn chủ yếu có 4 dân tộc sinh sống: Kinh, Cơ tu, Hoa, Nùng và các dân tộc khác. Dân tộc Kinh có 13.211 người, chiếm tỷ lệ lớn (93,3%) tập trung ở trung tâm xã và dọc các đường giao thông. Các dân tộc khác chỉ chiếm 6,7%, mặc dù tỷ lệ thấp nhưng hiện nay vẫn còn một số cụm dân cư sống ở những nơi có địa hình phức tạp, ở vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn.[34]
- Nhìn chung dân cư trong vùng đã ổn định định canh định cư, tuy nhiên với đặc điểm địa hình chia cắt phức tạp, mật độ dân cư phân bố không đồng đều, dẫn đến việc khoanh vùng định canh định cư gặp nhiều khó khăn. Hiện nay việc du canh du cư của một số thôn bản miền núi không còn, nhưng vẫn còn hiện tượng một số hộ nghèo, sống chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng với săn bắt thú rừng và khai thác lâm sản trái phép là nguồn thu chủ yếu.[34]
1.5.2.3. Thực trạng phát triển kinh tế a) Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt và chăn nuôi là nguồn thu chủ yếu đảm bảo cuộc sống của nhân dân trong khu vực ven rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người khoảng 0,11 ha/người. Lương thực bình quân đầu người trên 400kg/người/năm; thấp hơn mức trung bình toàn thành phố. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là tự cung, phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.[34]
b) Sản xuất lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp chưa đóng góp nhiều vào cơ cấu thu nhập của các hộ gia đình, do diện tích bình quân đầu người thấp, ít được đầu tư. Đối với vùng lõi, từ năm 2012 đến nay, Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã tiến hành quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi trong phân khu phục hồi sinh thái.[34]
c) Dịch vụ du lịch và thương mại
Du lịch là thế mạnh của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, mang lại thu nhập đáng kể cho nhân dân trong vùng và ngân sách thành phố Đà Nẵng. Việc kinh doanh dịch vụ du lịch chủ yếu do các công ty, tổ chức cá nhân đảm nhận, Ban quản lý đóng vai trò quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.
Từ năm 2007 đến nay, các hoạt động kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh. Thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch đã góp phần giải quyết nhiều việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho nhân dân trên địa bàn.[34]
1.5.2.4. Thực trạng cơ sở hạ tầng a) Đường giao thông
- Hệ thống đường giao thông phát triển, hiện nay đã có đường nhựa, đường bê tông chất lượng tốt đến UBND các xã và kết nối với nhau. Hệ thống đường nhánh từ các tuyến đường này vào các thôn bản phân bố dày đặc và phần lớn đã được bê tông hóa, nhựa hóa nên rất thuận tiện cho việc đi lại trên địa bàn từng xã.[34]
b) Y tế
Các xã đều có trạm y tế đạt chuẩn, cơ bản đáp ứng nhu cầu duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các Chương trình y tế: tiêm chủng, phòng chống sốt rét, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện có hiệu quả. Chính vì vậy, trên địa bàn những năm gần đây trong khu vực không có các dịch bệnh xảy ra.[34]
c) Giáo dục
Hiện tại, khu vực 3 xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc có ba trường phổ thông trung học cơ sở, ba trường tiểu học, bốn trường mầm non. Số học sinh đến trường trong độ tuổi đi học đạt 100%; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học được trang bị đầy đủ đạt chuẩn.[34]
d) Thông tin văn hóa
Hệ thống thông tin liên lạc ở đây thuận lợi; hầu hết các hộ gia đình đều có ti vi, đài, điện thoại,…[34]
1.5.2.5. Nhận xét chung a) Thuận lợi
- KBTTN Bà Nà - Núi Chúa có vị trí địa lý thuận lợi, là thế mạnh về giao lưu kinh tế xã hội với tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; giữ vị trí chiến lược trọng yếu, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng.
- Sự đa dạng của địa hình, hệ sinh thái động, thực vật; hệ thống khu nghỉ dưỡng, vui chơi sẽ tạo cho Bà Nà - Núi Chúa có một hình thái du lịch phong phú có nét đặc trưng riêng.
- Cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội khá phát triển; dân cư trong vùng có kinh nghiệm bảo vệ rừng, trồng rừng; có ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan và có tinh thần phục vụ cao… sẽ là hạt nhân và tiền đề vững chắc để bảo tồn và phát triển RĐDBà Nà - Núi Chúa.
- Một số dự án đang triển khai trên địa bàn có tác động tích cực; các công trình dịch vụ, du lịch, các dự án hạ tầng kỹ thuật, sẽ tạo ra cục diện phát triển mới, đồng thời tạo cơ hội cho rừng phát triển bền vững.
b) Khó khăn
- Địa hình chia cắt phức tạp gây khó khăn trong việc quản lý bảo vệ rừng.
- Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân khu vực RĐD để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội chưa được nhiều, nhất là đồng bào Cơ Tu, hiện tại đời sống của nhân dân vẫn còn khó khăn.
- Quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa có 9 thôn bản tiếp giáp có tác động đến rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên thực vật.
- Các đơn vị khai thác vàng thải bỏ đất đá, các khu du lịch xả nước thải đã làm vẩn đục và tràn lấp các khe suối trong khu vực.
- Do chưa có tập quán trồng rừng lấy củi, trồng cây thuốc trong nhà và chăn thả gia súc có người giám sát cho nên những hoạt động phát triển kinh tế trên đã gây khó khăn và cản trở quá trình phục hồi hệ sinh thái rừng tại đây.
- Việc mở rộng các con đường đi lại, làm cáp treo, đường cao tốc, khu dịch vụ đã tàn phá đi một số diện tích rừng góp thêm phần làm biến đổi thực vật trong khu vực.
- Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân khu vực RĐD để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội chưa được nhiều, nhất là đồng bào Cơ Tu.
- Cán bộ quản lý bảo vệ rừng còn thiếu và yếu về chuyên môn.
CHƯƠNG 2