Khái niệm trải nghiệm

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học chủ đề “mắt” vật lí 11 theo định hướng giáo dục stem (Trang 23 - 26)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO ĐỊNH HƯỚNG GIÁO DỤC STEM

1.2. Cơ sở lí luận về hoạt động trải nghiệm sáng tạo

1.2.2. Khái niệm trải nghiệm

Trong hoạt động hằng ngày, trải nghiệm là một thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều, và vì thế mà quan niệm này có các khái niệm khác nhau.

Theo từ điển Tiếng Việt [18], “Trải nghiệm có nghĩa là đã từng qua, từng biết, từng chịu đựng: còn nghiệm có nghĩa là kinh qua thực tế nhận thấy điều đó là đúng”

Theo từ điển Bách khoa Việt Nam “Trải nghiệm được diễn giải theo hai nghĩa.

Trải nghiệm thao nghĩa chung nhất là bất kì một trang thái có màu sắc xúc cảm nào được chủ thể cảm nhận, trải qua, đọng lại thành bộ phận ( cùng với tri thức, ý thức …) trong đời sông tâm lý của từng người. Theo nghĩa hẹp trải nghiệm là những tín hiệu bên trong, nhờ đó các sự kiện đang diễn ra đối với cá nhân được ý thức chuyển thành ý kiến cá nhân, góp phần lựa chọn tự giác các động cơ cần thiết, điều chỉnh hành vi của cá nhân”.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia kinh nghiệm hay trải nghiệm, là tri thức hay sự thông thạo về một sự kiện hay một chủ đề có được thông qua tham gia sự can dự hay tiếp xúc trực tiếp. Trong triết học, những thuật ngữ như "tri thức thực chứng" hay "tri thức tiên nghiệm," được dùng để chỉ tri thức có được dựa trên kinh nghiệm. "Kinh nghiệm" và "trải nghiệm" còn được dùng như là động từ.

Trải nghiệm là tiến trình hay là quá trình hoạt động năng động để thu thập kinh nghiệm, trên tiến trình đó có thể thu thập được những kinh nghiệm tốt hoặc xấu, thu thập được những bình luận, nhận định, rút tỉa tích cực hay tiêu cực, không rõ ràng, còn tùy theo nhiều yếu tố khác như môi trường sống và tâm địa mỗi người. Trải nghiệm có thể nói tới cái gì mập mờ, cả tinh thần không xử lý ngay sự kiện tiếp thu như trí tuệ đạt được trong phản hồi của những sự kiện đó hoặc thông dịch chúng.

* Bản chất của trải nghiệm [11]

Trải nghiệm hiểu đơn giản nhất là những gì con người đã từng kinh qua thực tế, từng biết, từng chịu.

Trải nghiệm để phục vụ lại cho cuộc sống. Chúng ta sống trong thực trạng, trao đổi thông tin với thực tại, nhờ đó chúng ta thu được những kiến thức và kinh nghiệm sống cho riêng bản thân chúng ta. Nhờ đó, con người sẽ tự hoàn thiện mình, cải tạo được thực tại và sống tốt hơn. Như vậy, sống và trải nghiệm là hai khía cạnh luôn song hành với nhau, bổ sung và hoàn thiện cho nhau.

Quá trình trải nghiệm sẽ chứa đựng yếu tố “thử” và “sai”. Sự trải nghiệm sẽ mang lại cho con người những kinh nghiệm phong phú. Quá trình trải nghiệm là quá trình tích lũy kinh nghiệm, giúp con người hình thành vốn kinh nghiệm, vốn sống, hình thành phẩm chất và năng lực người.

Theo các nhà khoa học giáo dục, trải nghiệm chính là những tồn tại khách quan tác động vào giác quan con người, tạo ra cảm giác, tri giác, biểu tượng, con người cảm thấy có tác động đó và cảm nhận nó có một cách rõ nét, để lại ân tượng sâu đậm, rút ra bài học, vận dụng vào thực tiễn đời sống, hình thành nên các thái độ giá trị.

* Đặc điểm của trải nghiệm [11]

- Con người được trực tiếp tham gia vào các loại hình hoạt động và các mối quan hệ giao lưu phong phú đa dạng một cách tự giác.

- Con người được thử nghiệm, thể hiện bản thân trong thực tế từ đó hiểu mình hơn, tự phát hiện những khả năng của bản thân.

- Con người được tương tác, giao tiếp với người khác, với tập thể, với cộng đồng, với sự vật hiện tượng… trong cuộc sống.

- Con người thực sự là một chủ thể tích cực, chủ động, sáng tạo.

- Trải nghiệm luôn chứa đựng hai yếu tố không thể tách rời, đó là: hành động và xúc cảm, thiếu một trong hai yếu tố đó là điều không thể mang lại hiệu quả.

- Kết quả của trải nghiệm là hình thành được kinh nghiệm mới, hiểu biết mới, năng lực mới, thái độ, giá trị mới.

* Các loại trải nghiệm

Người ta phân biệt các trải nghiệm khác nhau như trải nghiệm vật chất, trí tuệ, tình cảm, tinh thần, gián tiếp và mô phỏng.

Trải nghiệm vật chất (Physical Experiences)

Trải nghiệm vật chất xảy ra bất cứ khi nào đối tượng hay môi trường thay đổi.

Nói cách khác, trải nghiệm vật chất liên quan đến những trải nghiệm có thể quan sát được. Nó là hình thức bên ngoài của hoạt động để chiếm lĩnh đối tượng. Triết lí “trăm nghe không bằng một thấy” hay “Đi một đàng học một sàng khôn” theo chúng tôi là đề cao trải nghiệm của con người và có thể xếp vào loại Trải nghiệm vật chất..

Trải nghiệm tinh thần (Mental Experiences)

Trải nghiệm tinh thần liên quan đến các khía cạnh trí tuệ và ý thức, là sự kết hợp giữa tư duy, nhận thức, trí nhớ, cảm xúc, ý chí và tưởng tượng. Trải nghiệm tinh thần bao gồm cả các quá trình nhận thức vô thức. Trải nghiệm này thường được sử dụng trong việc học tập các môn học (đặc biệt là các môn khoa học) hoặc việc học được một khái niệm nào đó không có chủ định (Ví dụ như làm nhiều một dạng bài toán nào đó rồi tự dưng phát hiện ra nguyên lí chung của việc giải những bài toán này).

Trải nghiệm xúc cảm (Emotional Experiences)

Trải nghiệm tình cảm được diễn ra khi yêu hay kết bạn. Yêu là trải nghiệm tình cảm. Khái niệm trải nghiệm tình cảm cũng xuất hiện trong khái niệm đồng cảm.

Theo chúng tôi, học các môn học thuộc các lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, giáo dục đạo đức, lối sống, trẻ cần được trải nghiệm tình cảm thì hiệu quả mới tốt.

Trải nghiệm tâm thần (Spiritual Experiences)

Trải nghiệm tâm thần diễn ra khi có sự cố như sốt cao, viêm màng não, thiếu ngủ, thiếu ô xy, rối loạn tâm thần, tai nạn chấn thương… Con người cũng có thể có được trải nghiệm như vậy bằng cách thôi miên, thiền, thần chú, yoga… hoặc một số trải nghiệm tâm thần có được bằng cách uống thuốc, uống rượu, chích thuốc phiện…

Trải nghiệm xã hội (Social Experiences)

Lớn lên, sinh sống trong xã hội, con người hình thành trải nghiệm xã hội. Trải nghiệm xã hội cho con người kĩ năng và thói quen cần thiết để sống trong xã hội của mình, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành các chuẩn mực, phong tục, truyền thống, giá trị, vai trò xã hội, biểu tượng và ngôn ngữ.

Trong học tập, việc cho trẻ tham gia vào các hoạt động tập thể, hoạt động thực tế tại nhà máy, trang trại, câu lạc bộ, hoạt động trao đổi, thảo luận… giúp trẻ có trải nghiệm xã hội, hình thành nhân cách.

Trải nghiệm mô phỏng (Virtual and Simulation Experiences)

Sử dụng máy tính cũng có thể giúp con người có trải nghiệm. Đóng vai cũng giúp ta trải nghiệm. Sử dụng trò chơi video cũng giúp trải nghiệm, trải nghiệm có tính chất mô phỏng cuộc sống thực.

Loại trải nghiệm này thể hiện phương thức trải nghiệm, còn nội dung trải nghiệm là các tình huống giả định với cuộc sống thực nhằm giúp trẻ giải quyết các vấn đề đặt ra.

Trải nghiệm chủ quan (Subjective Experiences)

Trải nghiệm chủ quan liên quan đến trạng thái, cảm nhận chủ quan của người nào đó về hiện thực, một hiện thực mà dựa trên sự tương tác của cá nhân người đó với môi trường. Trải nghiệm chủ quan dựa vào năng lực của cá nhân để xử lí tình huống trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân từng học sinh.

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học chủ đề “mắt” vật lí 11 theo định hướng giáo dục stem (Trang 23 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)