Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HIỆU LỰC HỢP ĐỒNG
1.3. Cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng
Hiệu lực hợp đồng là vấn đề pháp lý rất phức tạp và có quan hệ biện chứng với mọi vấn đề còn lại của pháp luật hợp đồng. Bởi vậy, việc điều chỉnh hiệu lực hợp đồng không chỉ bằng một vài điều luật mà phải bằng cả một cơ chế thích hợp. Đó là cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng. Về mặt lý luận, việc nghiên cứu về hiệu lực hợp đồng cũng cần được đặt trong mối quan hệ mang tính hệ thống với cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng, vì hiệu lực hợp đồng chính là phần cốt lõi của cả cơ chế đó.
Mục này tập trung nghiên cứu khái niệm và nội dung của cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng để làm cơ sở lý luận cho việc tiếp cận và làm rõ các vấn đề khoa học và pháp lý được đặt ra từ vấn đề hiệu lực hợp đồng.
1.3.1. Khái niệm cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng
“Cơ chế điều chỉnh” là một khái niệm không mới trong khoa học pháp lý, nhưng “cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng” là một khái niệm chưa được tìm thấy trong các tài liệu khoa học pháp lý hiện nay.
‘Cơ chế’, theo nghĩa chung nhất, là “cách thức sắp xếp tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện” [294, tr.464]. ‘Điều chỉnh’, hiểu theo nghĩa thông thường là “xếp đặt cho đúng, cho hợp lý” [294, tr.637]. Hiểu theo nghĩa pháp lý, ‘điều chỉnh’ là sự tác động, bảo vệ, khuyến khích, hạn chế hay loại trừ của pháp luật đối với các quan hệ xã hội và hành vi của các chủ thể trong xã hội. Còn ‘điều chỉnh pháp luật’
là “việc nhà nước dùng pháp luật, dựa vào pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động theo những hướng nhất định vào các quan hệ xã hội” [277, tr.214]. Trên cơ sở khái niệm ‘cơ chế’ và khái niệm ‘điều chỉnh pháp luật’, GS. TSKH. Đào Trí Úc đã đưa ra định nghĩa về cơ chế điều chỉnh pháp luật như sau: “Cơ chế điều chỉnh pháp luật” được hiểu là “hệ thống các biện pháp pháp luật (…) có quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau mà qua đó thực hiện sự tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội” [278, tr.209].
Cơ chế pháp lý điều chỉnh hợp đồng là một loại cơ chế pháp luật cụ thể trong một lĩnh vực chuyên ngành hẹp của hệ thống pháp luật - chế định hợp đồng. Cá nhân tác giả cho rằng, cơ chế này được xây dựng từ hai bộ phận cấu thành: các giải pháp tác động và các nhân tố đảm bảo hiệu lực ràng buộc của hợp đồng.
Các giải pháp tác động ở đây được hiểu là các giải pháp mang tính tài sản, dựa trên nguyên tắc tự do hợp đồng, nguyên tắc thiện chí, trung thực, hợp tác, ý chí tự
nguyện ràng buộc hợp đồng của các bên, lẽ công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật. Các giải pháp tác động cho phép dự liệu các chế tài mang tính vật chất, khả năng lựa chọn cách thức xử sự của mỗi bên chủ thể trong hợp đồng để phản kháng lại sự vi phạm của bên kia, và quyền được pháp luật bảo vệ để chống lại những bất công được tạo ra bởi hiệu lực hợp đồng. Các giải pháp đó được thể hiện ra bên ngoài thành các qui phạm pháp luật nhằm qui định về hiệu lực ràng buộc của hợp đồng, hoặc hạn chế hiệu lực ràng buộc hợp đồng, qui định về trách nhiệm pháp lý mang tính cưỡng chế hoặc các chế tài dân sự, như buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bị phạt vi phạm nếu có thỏa thuận, gánh chịu rủi ro, phạt lãi suất quá hạn, buộc phải giảm giá, cho phép bên có quyền hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng…
Các nhân tố đảm bảo hiệu lực ràng buộc hợp đồng là các thành tố pháp lý tham gia vào quá trình thiết lập và vận hành cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng.
Các nhân tố đó là: (i) các qui phạm pháp luật - là nhân tố giữ vai trò then chốt - qui định cơ sở pháp lý cho các chủ thể khác tham gia vào quá trình thiết lập, thực thi hiệu lực của hợp đồng một cách thuận lợi và có hiệu quả; (ii) các bên chủ thể tham gia hợp đồng – bằng hành vi và ý chí của mình để tự mình thiết lập, thực hiện hợp đồng phù hợp với yêu cầu của pháp luật, một cách tự do, trung thực và công bằng; và (iii) các thủ thuật pháp lý được pháp luật sử dụng để đảm bảo hiệu lực thực thi của hợp đồng, kể cả việc cho phép có sự can thiệp của tòa án và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm hiệu lực của hợp đồng và công bằng xã hội.
Từ nhận thức trên, có thể đưa ra khái niệm về cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng như sau: Cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng là hệ thống các nguyên tắc, phương pháp, giải pháp được pháp luật sử dụng để tác động tới các nhân tố tham gia vào quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, nhằm đảm bảo cho hiệu lực hợp đồng được tôn trọng và được thực thi một cách công bằng và hợp lý.
Có nhiều loại cơ chế điều chỉnh hợp đồng. Dựa vào mức độ can thiệp của nhà nước đối với quyền tự do hợp đồng, có: cơ chế kinh tế chỉ huy với sự can thiệp sâu của nhà nước vào hiệu lực hợp đồng (ví dụ cơ chế điều chỉnh mang tính chỉ tiêu pháp lệnh trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 của Việt Nam [214]); cơ chế tự do thị trường mà đặc trưng của nó là việc nhà nước đề cao quyền tự do hợp đồng và quyền tự định đoạt của mỗi bên trong việc thiết lập và thực thi hợp đồng (ví dụ cơ chế tự do hợp đồng trong luật hợp đồng cổ điển cuối thế kỷ XIX [40, tr. 13-5]); cơ chế kinh tế thị
trường có định hướng của nhà nước (ví dụ quan điểm chỉ đạo về việc “bảo vệ quyền tự do hợp đồng” khi soạn thảo BLDS 2005 [273, tr.17]). Xét về phương pháp tác động của nhà nước vào quan hệ hợp đồng thì có: cơ chế điều chỉnh cứng qui định về hiệu lực bất biến của hợp đồng, và cơ chế điều chỉnh linh hoạt cho phép các bên chủ thể có nhiều quyền lựa chọn hơn, nhưng có sự can thiệp linh hoạt (của nhà nước) vào hiệu lực hợp đồng trong một số trường hợp cần thiết; qui định về các ngoại lệ cho phép các bên có quyền yêu cầu điều chỉnh hiệu lực hợp đồng, đồng thời qui định các căn cứ pháp lý và những giới hạn cụ thể để áp dụng các ngoại lệ đó. Điều chỉnh hiệu lực hợp đồng bằng cơ chế thị trường có định hướng của nhà nước và cơ chế điều chỉnh linh hoạt là xu hướng phổ biến và tiến bộ của pháp luật hợp đồng hiện đại.
Tóm lại, cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng bao gồm tất cả các giải pháp tác động được pháp luật sử dụng nhằm bảo đảm sự công bằng và an toàn pháp lý của các bên tham gia quan hệ hợp đồng, qua đó cũng để bảo vệ trật tự pháp luật trong việc điều chỉnh về hiệu lực hợp đồng phù hợp với sự tiến bộ xã hội và lợi ích của nhà nước. Mục đích này còn được thể hiện tập trung trong nội dung của cơ chế.
1.3.2. Nội dung của cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng
Nội dung cơ bản của cơ chế pháp lý điều chỉnh hiệu lực hợp đồng là tập hợp các nguyên tắc qui định về các giải pháp cụ thể để tác động vào quá trình xác lập, thay đổi và chấm dứt hiệu lực hợp đồng. Nội dung này thể hiện qua hai nguyên tắc sau:
(i) Nguyên tắc tuân thủ hợp đồng - pacta sunt servanda (hay còn gọi là nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng). Pacta sunt servanda trong tiếng La Tinh, có thể diễn đạt ngắn gọn là: đã hứa thì phải làm. Ý niệm về nguyên tắc tuân thủ hợp đồng - pacta sunt servanda (nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng, còn được dịch là “nguyên tắc bất khả xâm phạm hợp đồng” [208, tr.19]) cũng gần giống như
‘chữ tín’ trong quan niệm Nho giáo phương Đông. Đây là nguyên tắc được khởi xướng bởi học giả Grotius, tên thật là Rugo de Groot (1583 – 1645) - Nhà cố vấn luật pháp, nhà ngoại giao Hà Lan, tác giả của quyển “Code du Droit international public” .
Sau này, trong Thông luật, nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng được xem là nguyên tắc tôn trọng và bắt buộc thực thi nghĩa vụ phát sinh từ các cam kết tự nguyện [308, tr.99]. Với ý nghĩa đó, nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng được biết đến như là một nguyên tắc phổ biến trong cả các lĩnh vực luật tư, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật hợp đồng.
Nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng có thể được chia thành hai tiểu nguyên tắc.Tiểu nguyên tắc thứ nhất liên quan đến tính bất biến của hợp đồng. Một bên ký hợp đồng không thể đơn phương thay đổi hợp đồng. Việc thay đổi hợp đồng phải là ý nguyện chung của các bên.Tiểu nguyên tắc thứ hai là hợp đồng phải được tuân thủ nghiêm túc. Một hợp đồng đã được xác lập hợp pháp thì ràng buộc các bên giống như pháp luật. Cũng theo nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng mang tính ổn định và không thể bị hủy bỏ một cách tùy tiện. Nếu ý chí của các bên có thiếu sót và cần phải giải thích hợp đồng thì hợp đồng được giải thích theo hướng ràng buộc các bên.
Có thể nói, nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng là nguyên tắc chính của cơ chế điều chỉnh hiệu lực hợp đồng. Ý nghĩa của việc áp dụng nguyên tắc này là
“buộc các bên tham gia giao dịch dân sự, khi đưa các cam kết hợp pháp, thì phải có trách nhiệm thực hiện các cam kết đó một cách trung thực, công bằng và hợp lý [308, tr.118-9]. Với ý nghĩa đó, nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng được thể hiện qua các nội dung, giải pháp sau:
- Khẳng định hiệu lực ràng buộc như pháp luật của hợp đồng bằng cách đưa ra qui định minh thị về hiệu lực của hợp đồng: hợp đồng hợp pháp thì có giá trị làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên; hợp đồng phải được các bên tôn trọng và nghiêm túc thực hiện theo đúng yêu cầu của nguyên tắc thiện chí.
- Pháp luật bảo vệ các hợp đồng được xác lập hợp pháp và buộc các chủ thể khác phải tôn trọng giá trị pháp lý của hợp đồng đó.
- Qui định chặt chẽ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, theo hướng thừa nhận các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng phải phản ánh đúng bản chất của hợp đồng và phù hợp với thực tiễn giao dịch; coi trọng đúng mức yếu tố hình thức của hợp đồng: hình thức hợp đồng là chứng cứ chứng minh sự tồn tại của hợp đồng, và là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nếu có liên quan tới trật tự công cộng và lợi ích của nhà nước; tạo khả năng để các hợp đồng tuy được lập không đúng hình thức luật định thì vẫn có thể được công nhận bởi các cơ quan tư pháp, nếu đủ các điều nhất định.
- Tăng cường qui định những điều khoản bổ khuyết để có thể bổ sung cho các hợp đồng được soạn thảo có thiếu sót về nội dung, nhằm tạo căn cứ pháp lý cho tòa án trong việc giải thích hợp đồng, bổ sung ý chí đương sự để thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng, làm cho các hợp đồng có thiếu sót về nội dung có thể trở nên có hiệu lực.
- Qui định cụ thể về các cơ chế giao kết, xác lập hợp đồng, thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Đồng thời, để tăng cường hiệu lực hợp đồng, chống lại những trường hợp bội tín trong quan hệ hợp đồng, pháp luật còn qui định các cơ chế cụ thể để ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm tiền hợp đồng của những bên tham gia đàm phán vì dụng ý xấu, cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho đối tác, xâm phạm nguyên tắc trung thực, thiện chí.
- Tăng cường kỷ luật hợp đồng; qui định chế tài cụ thể và ngày càng đa dạng cho các vi phạm hợp đồng nhằm ràng buộc bên không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng gánh chịu trách nhiệm tương xứng và bảo vệ thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm.
- Hạn chế việc cho phép hủy bỏ hợp đồng vì những lý do chủ quan của chủ thể.
Hạn chế việc sửa đổi, đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng bằng cách đưa ra cơ chế cụ thể, với căn cứ pháp lý rõ ràng, thủ tục chặt chẽ, chế tài nghiêm minh để xử lý các trường hợp vi phạm nhằm tạo ra cơ chế để các bên thực hiện quyền tự do hợp đồng;
đồng thời cũng hạn chế việc lạm dụng qui định này để đơn phương chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng một cách tùy tiện và giải quyết tốt hậu quả pháp lý khi xảy ra tranh chấp.
- Qui định các cơ chế bảo vệ người thứ ba ngay tình khi hợp đồng bị vô hiệu, qui định thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng một cách rõ ràng, hợp lý, phù hợp với thực tế nhằm ổn định các quan hệ hợp đồng trong giao lưu dân sự.
Nói chung, nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng khẳng định tính chất ràng buộc của hợp đồng, sự bất biến và tính ổn định của hiệu lực hợp đồng, với mục đích là bảo vệ hiệu lực hợp đồng. Hợp đồng được lập hợp pháp thì có hiệu lực như pháp luật đối với các bên.
(ii) Nguyên tắc đảm bảo cân bằng lợi ích - rebus sic stantibus (nguyên tắc nguyên trạng bất biến).Nguyên tắc rebus sic stantibus không phải là vấn đề mới mà đã được biết đến khá sớm trong lịch sử pháp luật hợp đồng hiện đại. Ban đầu, nguyên tắc này được sử dụng trong công pháp quốc tế, theo đó: “đối với các hiệp ước được ký kết giữa các quốc gia, nếu tình trạng lúc kết ước thay đổi sau này, các quốc gia có quyền chấm dứt những hiệp ước ấy”. Về sau, nguyên tắc này còn được nhiều học giả xem như là một điều khoản mặc nhiên trong của hợp đồng [168, tr.253]. Thực tiễn cho thấy, để tránh sự cực đoan trong việc bảo vệ tính bất biến của hiệu lực hợp đồng, pháp luật nhiều nước cũng như các Bộ nguyên tắc quốc tế về hợp đồng đã tiếp nhận nguyên
tắc đảm bảo cân bằng lợi ích trong việc điều chỉnh hiệu lực hợp đồng. Nền tảng cơ bản về lý luận và pháp lý của nguyên tắc đảm bảo cân bằng lợi ích là nguyên tắc thiện chí, trung thực, hợp tác và nguyên tắc công bằng.
Nội dung cơ bản của nguyên tắc đảm bảo cân bằng lợi ích có thể được hiểu là:
sau khi hợp đồng phát sinh hiệu lực, nếu có sự thay đổi lớn và không lường trước được về hoàn cảnh thực tế so với thời điểm xác lập hợp đồng, thì các bên có thể đàm phán lại để điều chỉnh các nội dung có liên quan của hợp đồng cho phù hợp với mong muốn của các bên và lẽ công bằng, thậm chí là chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng [208, tr.19- 20] mà không phải bồi thường, nhằm đảm bảo sự hài hoà về lợi ích giữa các bên trong quan hệ hợp đồng. Nguyên tắc đảm bảo cân bằng lợi ích còn là cơ sở lý luận để cho phép cơ quan có thẩm quyền được can thiệp vào hiệu lực hợp đồng thông qua việc giải thích hợp đồng, hoặc điều chỉnh nội dung của hợp đồng trong các trường hợp hợp đồng được xác lập một cách bất công, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng hoặc bên yếu thế, hoặc xâm phạm tới trật tự công cộng.
Như vậy, với ý nghĩa là cơ chế qui định về các giải pháp phòng vệ nhằm hạn chế những ảnh hưởng cực đoan của hiệu lực hợp đồng, tái lập sự cân bằng về lợi ích nhằm bảo đảm sự công bằng cho các bên tham gia hợp đồng, nguyên tắc đảm bảo cân bằng lợi ích có thể được diễn đạt bởi các nội dung, giải pháp sau:
- Thừa nhận và đề cao nguyên tắc tự do hợp đồng trong việc xác lập hợp đồng, lựa chọn đối tác, quyết định nội dung hợp đồng, đưa ra các thỏa thuận khác với pháp luật hoặc ngoài pháp luật, nhưng không trái pháp luật để tạo ra hiệu lực ràng buộc hợp đồng hoặc hủy bỏ hiệu lực hợp đồng.
- Thừa nhận quyền của các bên được rút lại đề nghị, trả lời chấp nhận đề nghị khi có căn cứ và điều kiện đã được xác định. Bởi lẽ, pháp luật thừa nhận ý chí cá nhân có quyền tạo ra sự ràng buộc pháp lý, nên đương nhiên họ cũng có quyền rút lui khỏi hợp đồng: “người ta có quyền tự do giao kết hợp đồng thì cũng có quyền rút lui khỏi hợp đồng” [40, tr.11-20]. Trong những trường hợp đặc biệt, pháp luật qui định cho phép một bên được quyền rút lại cam kết mặc dù hợp đồng đã được xác lập, ví dụ như trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng tại nhà theo qui định của Điều 35 Luật số 78- 23 của Cộng hòa Pháp về bảo hộ và thông tin cho người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ [208, tr.32 - 48; 227, tr.9]; hay qui định trong BLDS của Cộng hòa liên bang Đức về quyền được rút lui, hoặc trả lại hàng hóa trong những hợp đồng ký kết trước cửa