Chương 5. HIỆU LỰC HỢP ĐỒNG KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI
5.3. Thực trạng pháp luật và thực tiễn pháp lý Việt Nam về điều khoản sửa đổi hợp đồng
5.3.1. Thực trạng các qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành về điều khoản sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi - hardship
5.3.1.1. Qui định trong pháp luật Việt Nam trước 1975
Ở Việt Nam trước 1975, pháp luật thực định công nhận nguyên tắc “các hợp ước phải được thi hành với sự thành ý” [13, khoản 3 Điều 673; 91, khoản 3 Điều 713].
Theo GS. Vũ Văn Mẫu, “một sự thi hành thành ý không thể nào trái với sự công bằng”. Bởi vậy, “khi sự thi hành quá lợi cho người trái chủ và quá thua thiệt cho người phụ trái, sự thi hành ấy trái với sự công bằng, và không thành ý”. Dựa theo nguyên tắc này, thẩm phán có quyền can thiệp vào hợp đồng nếu các thỏa thuận đó là không công bằng, gây ra sự bất lợi quá đáng cho một bên. Nhưng GS. Vũ Văn Mẫu cũng cho rằng, hiểu và giải thích quá rộng rãi các điều khoản trên đây là một sai lầm.
Thế nên, trong bản án ngày 27/12/1946, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn đã không chấp nhận sự thay đổi hiệu lực hợp đồng chỉ vì bên có nghĩa vụ lâm vào hoàn cảnh khó khăn do xuất hiện sự kiện không lường trước được: “mặc dù nhà thầu phải thi hành khế ước thầu khoán trong những điều kiện tốn kém hơn vì giá vật liệu do tình trạng chiến tranh đã tăng hơn 300%, các thẩm phán cũng không thể thay đổi khế ước.”
[168, tr.250 & 254].
Điều này cho thấy, theo luật thực định Việt Nam thời bấy giờ, tòa án có thể cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng khi gặp khó khăn đặc biệt, nhưng án lệ đã không chấp nhận giải pháp này.
5.3.1.2. Qui định về hardship trong pháp luật thực định Việt Nam hiện hành
Trong qui định chung của pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện hành, điều khoản
‘hardship’ qui định việc đàm phán lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi làm mất cân bằng kinh tế nghiêm trọng giữa các bên, vẫn chưa được chấp nhận. Nhìn chung, khái niệm hardship chưa được biết đến nhiều trong thực tiễn pháp lý ở Việt Nam hiện nay.
Trong các văn bản pháp luật chuyên ngành và trong các chính sách điều hành của Chính phủ, điều khoản hardship cũng đã được đề cập đến ở một mức độ nhất định.
Có thể kể đến một số qui định cụ thể trong một vài lĩnh vực sau đây:
Trong lĩnh vực hợp đồng bảo hiểm: Khoản 1 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 qui định: Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm. Và theo khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 thì: Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm. Theo đó, pháp luật kinh doanh bảo hiểm qui định minh thị cho phép các bên có thể yêu cầu bên kia điều chỉnh lại phí bảo hiểm khi xảy ra những biến cố làm tăng, hoặc giảm mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và lĩnh vực đấu thầu: Pháp luật về xây dựng cơ bản cho phép điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng hình thức “giá cố định” và hình thức “giá trọn gói” do “giá vật liệu xây dựng biến động ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu.”.22
22 Xem Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Thông tư 05/2008/TT-BXD ngày 22/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật tư xây dựng.
Luật Đấu thầu 2005 cũng cho phép các bên được thỏa thuận để “điều chỉnh hợp đồng”(mà chủ yếu là điều chỉnh về giá hợp đồng) khi có những thay đổi của nhà nước về chính sách tiền lương, chính sách giá các mặt hàng do nhà nước kiểm soát giá.
Theo đó, 3 căn cứ làm phát sinh việc điều chỉnh hợp đồng là: “Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng”; “khối lượng, số lượng tăng hoặc giảm trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng trong phạm vi của hồ sơ mời thầu và không do lỗi của nhà thầu gây ra”; “giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị nêu trong hợp đồng do Nhà nước kiểm soát có biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng” (các điểm a, b, c khoản 1 Điều 57). Điều kiện và thủ tục để điều chỉnh giá hợp đồng là “việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng theo hợp đồng đã ký và phải được người có thẩm quyền xem xét, quyết định”(khoản 2 Điều 57). Hậu quả của việc thỏa thuận không thành: “Trường hợp thoả thuận không thành thì nội dung công việc phát sinh đó hình thành một gói thầu mới và tiến hành lựa chọn nhà thầu” theo qui định của Luật Đấu thầu 2005 (k .3 Điều 57).
Trong lĩnh vực hợp đồng mua hóa giá nhà của nhà nước: chính phủ cho phép điều chỉnh phương thức thanh toán tiền mua nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước bằng vàng sang thanh toán bằng tiền, khi giá vàng tăng đột biến. Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ, bên mua nhà của nhà nước phải trả tiền mua nhà theo phương thức trả trước 20% trị giá nhà bằng tiền, số còn lại trả bằng vàng, nhưng không quá 10 năm: “Thời hạn thanh toán không quá 10 năm. Mức trả lần đầu khi ký kết hợp đồng không dưới 20% tổng số tiền phải trả, số tiền còn lại qui ra vàng 98% để làm căn cứ thanh toán các lần sau và mỗi năm tiếp theo phải trả không dưới 8% tổng số tiền phải trả. Nếu trả hết một lần ngay khi ký kết hợp đồng thì được giảm 10%, nếu trả trong thời hạn 1 năm thì dược giảm 2% giá bán.” Nhưng do giá vàng tăng đột biến từ hơn 8 triệu đồng/lượng (vào giữa năm 2004) lên đến gần 11 triệu đồng/lượng (vào đầu năm 2005) [64] [293], nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 23/2006/NQ-CP, cho phép các cá nhân chưa trả xong tiền mua nhà, thì được trả bằng tiền đồng Việt Nam phần còn lại: “Từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực, người mua nhà áp dụng phương thức trả dần trong 10 năm thì số tiền còn lại được thanh toán trong mỗi năm tiếp theo bằng tiền đồng Việt Nam (không quy đổi ra vàng) cộng với tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của dân cư tại Ngân hàng Thương mại vào thời điểm thanh toán. Trường hợp đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà người mua
chưa trả hết tiền thì phần còn nợ đã quy ra vàng, nay được thanh toán bằng tiền cộng với tiền lãi theo quy định trên.”(mục 3 Nghị quyết 23/2006/NQ-CP).
Như vậy, trên phương diện quản lý nhà nước, Chính phủ chấp nhận việc điều chỉnh nội dung hợp đồng (phương thức thanh toán), khi giá vàng tăng lên đột biến vào năm 2005.
Có thể nói, ở một mức độ nhất định, việc điều chỉnh nội dung hợp đồng cũng được pháp luật chấp nhận khi có những lý do hợp lý và bảo đảm sự cân bằng lợi ích của các bên. Tuy nhiên, trên đây chỉ là những qui định chuyên biệt liên quan trong các loại hợp đồng đặc thù mang tính chất hành chính (xây dựng cơ bản, đấu thầu, mua nhà của nhà nước…), và việc chỉnh sửa hợp đồng cũng chủ yếu là thông qua các thủ tục hành chính, nên không phải là căn cứ chung để giải quyết các tranh chấp liên quan trong các hợp đồng khác. Điều này đòi hỏi cần phải có các qui định tương ứng và được áp dụng chung cho các lĩnh vực dân sự và thương mại.
Trong các qui định chung của BLDS 2005: Tuy không có khái niệm tương đồng với khái niệm hardship hay change of circumstances như các nước, nhưng BLDS 2005 có qui định về các khái niệm “trở ngại khách quan”, “không thực hiện được nghĩa vụ nhưng không bên nào có lỗi”, “nguyên tắc thiện chí, trung thực” trong giao kết và thực hiện hợp đồng...
Trong các khái niệm được nêu ở trên, khái niệm “trở ngại khách quan” trong BLDS 2005 có phần gần giống như khái niệm hardship đang được nghiên cứu. Theo qui định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 161: “Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình.” Theo các qui định này, thì trở ngại khách quan cũng là những sự kiện không lường trước được mà hậu quả của nó là cản trở các bên thực hiện các quyền yêu cầu và quyền khởi kiện.
Tuy vậy, khái niệm “trở ngại khách quan” không đủ để làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sự thay đổi của hoàn cảnh làm mất cân bằng lợi ích các bên trong hợp đồng, bởi vì khái niệm chỉ nêu đặc điểm rất chung và mơ hồ về “trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động”, mà không chỉ rõ những chi tiết quan trọng của điều khoản hardship, như phải có dấu hiệu “làm mất cân bằng lợi ích”, “hoặc do chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên”, “hoặc do giá trị của
nghĩa vụ đối trừ giảm xuống”, và các dấu hiệu phụ trợ khác như “xảy ra sau khi xác lập hợp đồng”, “các bên không thể tính đến vào lúc ký hợp đồng”, “không phải là rủi ro mà một bên phải gánh chịu hợp lý”… Hơn nữa, hậu quả của “trở ngại khách quan”
không làm các bên chấm dứt hợp đồng, không làm bên vi phạm được miễn thực hiện nghĩa vụ hoặc cho phép các bên được điều chỉnh lại nội dung hợp đồng giống như yêu cầu của điều khoản hardship. Trong các căn cứ làm chấm dứt hợp đồng, đơn phương chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng được qui định tại các Điều 423 – 427 BLDS 2005, không có qui định nào điều chỉnh về việc sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng do “trở ngại khách quan”. Thêm nữa, vị trí của điều luật qui định về “trở ngại khách quan” là một phần rất nhỏ trong Chương IX của BLDS 2005 qui định về thời hiệu khởi kiện. Với nội dung, vị trí, vai trò vừa nêu, khái niệm ‘trở ngại khách quan’ khó có thể được sử dụng giống như khái niệm hardship để làm căn cứ cho việc đàm phán lại hợp đồng.
Khái niệm “không thực hiện được nghĩa vụ nhưng không bên nào có lỗi” được qui định tại Điều 418: “Trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện được nghĩa vụ mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trường hợp một bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình”. Nội dung này chủ yếu qui định về khả năng ứng xử của các bên trong hợp đồng song vụ, khi các bên không thể thực hiện được hợp đồng nhưng không bên nào có lỗi. So với BLDS 1995, đây là một điều luật hoàn toàn mới. Tuy vậy, nội dung điều luật này còn “nửa vời” và chưa giải quyết triệt để các vấn đề có liên quan, như hậu quả của việc không thực hiện được hợp đồng nhưng không do bên nào có lỗi sẽ được giải quyết như thế nào: Bên không thực hiện hợp đồng có phải chịu hậu quả bất lợi gì không (?) Việc không thực hiện này có sự khác biệt và liên quan gì với trường hợp bất khả kháng (?); hoặc do lỗi của người thứ ba vì hai trường hợp này đều không có lỗi của các bên (?).
Ví dụ: trong vụ sập cầu Bến Lức (Long An) vào ngày 06/01/2000, làm rất nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng vận chuyển tài sản từ Miền Tây lên thành phố Hồ Chí Minh bị gián đoạn, thậm chí không thể thực hiện được do xe chở hàng không thể vượt qua cầu Bến Lức trong mấy ngày liền. Phải vài ngày sau sự cố, lực lượng công binh mới làm cầu phao tạm để cho các loại xe thuộc nhóm ưu tiên qua sông.
Trong vụ này, nguyên nhân sập cầu gây ra sự cản trở thực hiện hợp đồng không phải
do lỗi của các bên, và cũng không phải là sự kiện bất khả kháng, mà do lỗi của người thứ ba gây ra (người lái xà lan đã ngủ gật làm xà lan đâm vào trụ cầu). Ở đây, nếu vụ việc nói trên xảy ra sau năm 2006 và có tranh chấp về việc cản trở thực hiện hợp đồng, thì liệu chúng ta có thể áp dụng qui định tại Điều 418 nói trên để giải quyết (?).
Quan điểm của tác giả cho rằng, nếu xảy ra sau 2006, thì vụ việc trên có thể áp dụng Điều 418 BLDS 2005 để giải quyết. Tuy vậy, vì Điều 418 BLDS 2005 vừa nêu hoàn toàn không nói về trách nhiệm của các bên khi không thực hiện hợp đồng. Điều 306 BLDS 2005 chỉ miễn trách nhiệm khi một bên vi phạm là do nguyên nhân bất khả kháng. Nhưng như vừa phân tích, vụ việc trên không phải là sự kiện bất khả kháng; do đó, giả sử có sự tranh chấp về việc không thực hiện hợp đồng, thì bên không thực hiện hợp đồng sẽ không được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm gì, thì Điều 418 cũng không thể hiện rõ. Vì vậy, Điều 418 nói trên không phải là căn cứ thích hợp để giải quyết vấn đề hardship đang được xem xét.
Một căn cứ quan trọng có thể được vận dụng để giải quyết vấn đề hardship là nguyên tắc “Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng” trong giao kết hợp đồng (khoản 2 Điều 389), và nguyên tắc “trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau” trong thực hiện hợp đồng (khoản 2 Điều 412). Nội dung cơ bản của nguyên tắc này đòi hỏi các bên tham gia hợp đồng phải có thái độ hợp tác, thiện chí, và trung thực trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng. Sự trung thực, thiện chí đòi hỏi các bên phải cùng nhau hợp tác để giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, trên cơ sở công bằng, có lợi nhất cho các bên. Xét về bản chất thì nguyên tắc này rất phù hợp cho việc giải thích và áp dụng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến làm mất cân bằng lợi ích cho các bên. Ở một vài nước như Đức (xem các Điều 313 và Điều 242 BGB), Ý (xem các Điều 1467 – 1469 BLDS Ý), thẩm phán có thể vận dụng tinh thần của nguyên tắc này để xử lý vấn đề hardship, vì thực ra, một trong những nền tảng lý thuyết cơ bản của hardship cũng chính là sự thiện chí và hợp tác. Vì thế, nội dung của điều khoản hardship ở các quốc gia này giống như là sự giải thích mở rộng của nguyên tắc thiện chí, trung thực.
Nhưng điều này sẽ rất khó áp dụng ở Việt Nam vì qui định này cũng chỉ là nguyên tắc chung, nội dung của nó chưa thật rõ ràng và cụ thể để có thể vận dụng trực tiếp vào việc giải quyết vấn đề điều chỉnh nội dung hợp đồng. Hơn nữa, nguyên tắc
chung không phải lúc nào cũng có thể hoàn toàn thay thế được các qui định cụ thể. Bởi lẽ, từ nguyên tắc chung đến các điều luật cụ thể là một khoảng cách.Và từ nguyên tắc đến thực tiễn áp dụng pháp luật còn là khoảng cách xa hơn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam, khi mà thói quen dẫn chiếu [201, tr.18-24] vẫn còn được coi trọng và thẩm phán không phải là chủ thể có quyền sáng tạo pháp luật, thậm chí không có thẩm quyền giải thích pháp luật. Ở Việt Nam, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích pháp luật.23 Đây không chỉ là một trở ngại cho việc áp dụng các nguyên tắc pháp luật khi xét xử (đặc biệt là trong lĩnh vực xét xử tranh chấp dân sự - loại quan hệ pháp luật rất đa dạng và phức tạp mà điều chỉnh của pháp luật không phải lúc nào cũng đầy đủ và phát triển kịp với yêu cầu thực tế), mà còn là một rào cản rất lớn cho quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam. Để tinh thần của nguyên tắc trung thực, thiện chí và hợp tác được phát huy và được vận dụng đúng đắn khi giải quyết vấn đề liên quan tới hardship, không còn cách nào khác là nội dung của nó phải được cụ thể hóa thành những điều luật, với nội dung qui định minh thị về vấn đề này.
Tóm lại, giải pháp cho phép các bên điều chỉnh lại nội dung của hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi đã được đề cập trong một số qui định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh việc thực hiện một số loại hợp đồng chuyên biệt, đặc thù. Tuy vậy, nội dung này đã không được qui định trong BLDS 2005. Sự bỏ ngỏ điều khoản này trong BLDS 2005 chắc chắn sẽ gây ra khó khăn nhất định cho tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp có liên quan phát sinh trong thực tiễn cuộc sống.
5.3.2. Thực tiễn pháp lý liên quan tới điều khoản điều chỉnh nội dung hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi
Thực tiễn pháp lý ở Việt Nam từng phát sinh nhiều vụ tranh chấp có liên quan tới yêu cầu cần áp dụng điều khoản điều chỉnh nội dung hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Nhưng do pháp luật hiện hành chưa qui định về điều khoản này, nên đã gây nhiều khó khăn cho các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp. Sau đây là một số vụ tranh chấp có liên quan đến việc thay đổi hoàn cảnh ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng và đã làm cho các bên liên quan, các nhà tư vấn và cả tòa án trở nên lúng túng:
5.3.2.1. Thiếu căn cứ xác định hoàn cảnh thay đổi và yêu cầu đàm phán lại hợp đồng
23 Theo Điều 91 (3) Hiến pháp 1992 (sửa đổi, sung bởi Nghị quyết 51/2001/QH10), thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.