Chương 3. THỜI ĐIỂM CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG
3.3. Kiến nghị hoàn thiện các qui định pháp luật về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
3.3.1. Sửa đổi, bổ sung toàn diện Điều 404 Bộ luật Dân sự 2005
Như đã phân tích, nội dung Điều 404 là chưa chặt chẽ do qui định này chỉ dựa trên hình thức giao kết mà không dựa trên phương thức giao kết và hình thức trả lời chấp nhận. Bố cục các khoản trong điều luật này cũng chưa lô gích, vì việc qui định không theo trình tự đi từ nguyên tắc chung đến các trường hợp cụ thể. Các tình huống dự liệu trong điều luật là chưa đầy đủ, và có phần chưa phù hợp với thực tế đời sống.
Từ thực trạng đó, tác giả kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 404 như sau:
3.3.1.1. Cần xác định đúng nguyên tắc chung của thời điểm giao kết hợp đồng, và thiết kế nội dung này thành khoản 1 Điều 404 BLDS 2005
Khoản 1 Điều 404 BLDS 2005 hiện hành qui định về trường hợp giao kết với người vắng mặt. Để đảm bảo tính lô gích nội tại của Điều 404, trước hết, cần sửa đổi kết cấu điều luật theo hướng: nguyên tắc chung mang tính phổ biến được qui định trước, các trường hợp cụ thể, ngoại lệ được qui định sau. Lẽ tất nhiên, trường hợp giao kết trực tiếp, bằng lời là trường hợp phổ biến nhất của thực tiễn đời sống, cần được xem là nguyên tắc chung, thì được qui định trước. Các trường hợp giao kết gián tiếp, hoặc việc trả lời giao kết bằng văn bản, bằng hành vi… là những trường hợp ngoại lệ, ít phổ biến hơn được qui định sau. Cụ thể, khoản 1 Điều 404 được qui định như sau:
“1. Hợp đồng được giao kết tại thời điểm các bên đã thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phải được giao kết theo hình thức, thủ tục xác định thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm hoàn tất hình thức, thủ tục đó.”
Như vậy, nội dung khoản 1 này đã định ra nguyên tắc chung của thời điểm giao kết hợp đồng là hợp đồng được giao kết khi các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng. Bên cạnh đó, qui định này cũng được trình bày theo hướng mở, làm cơ sở để thiết kế những khoản tiếp theo của điều luật trong việc điều chỉnh những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ: khi các bên đã thỏa thuận xong nội dung hợp đồng, nhưng lại thỏa thuận riêng điều khoản giao kết hợp đồng phụ thuộc vào một thủ tục nhất định, như hợp đồng phải được lập bằng văn bản, hoặc phải được sự phê chuẩn của người có thẩm quyền của bên tham gia đàm phán, hoặc hợp đồng được giao kết bằng thủ tục công
chứng, chứng thực, thì hợp đồng chỉ được giao kết khi văn bản đó đã được lập đúng thể thức, hoặc đã được phê chuẩn bởi người có thẩm quyền xác định.
3.3.1.2. Sửa đổi, bổ sung qui định về thời điểm giao kết hợp đồng khi hợp đồng được giao kết gián tiếp hoặc khi các bên dành thời gian chờ bên được đề nghị trả lời
Qui định thời điểm giao kết hợp đồng gián tiếp qua các phương tiện thông tin, liên lạc được đưa lên khoản 1 Điều 404, như qui định hiện hành là chưa lô gích. Nội dung của qui định này cũng chưa chặt chẽ. Để khắc phục những bất cập này, cần sửa đổi theo hướng xác định rõ, đây là ngoại lệ của qui định về thời điểm giao kết hợp đồng, và cần bổ sung thêm trường hợp các bên giao kết trực tiếp nhưng lại “dành thời hạn để chờ bên được đề nghị trả lời”, đồng thời thiết kế qui định này thành khoản 2 của Điều 404. Về giải pháp, việc giao kết hợp đồng bằng phương thức gián tiếp thường được pháp luật các nước xây dựng trên các học thuyết khác nhau, như thuyết
“tống phát”, “tiếp nhận”, “thông đạt” [168, tr.99-100]. Tác giả kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 404 theo hướng vẫn xác định thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp này vẫn dựa trên nguyên tắc “tiếp nhận”, tức là xác định thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận. Cụ thể:
“2. Khi hợp đồng được giao kết gián tiếp thông qua thư tín hoặc các phương tiện thông tin, liên lạc khác, hoặc tuy được giao kết trực tiếp nhưng một hoặc các bên dành một thời hạn để chờ bên được đề nghị trả lời, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết.”
Qui định như vậy tuy có khác với quan điểm của Nhật và một số nước theo hệ thống Thông luật (Common Law), do các nước này theo nguyên tắc “tống phát” (hay
‘bày tỏ’) - tức “Postal rule” (hay ‘Mailbox rule’): hợp đồng được giao kết lúc thư trả lời được gửi đi, nhưng quan điểm này lại phù hợp với quan điểm của nhiều quốc gia khác theo hệ thống Châu Âu lục địa, Luật Hợp đồng Trung Quốc, và các tập quán thương mại quốc tế [147, Điều 16; 37, Điều 18; 25, Điều 2.1.6. (2); 343, Điều 2: 205 (1)]. Giải pháp này cũng phù hợp với bản chất của hợp đồng, vì hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên. Hợp đồng chỉ được xác lập khi có sự ưng thuận, tức phải có sự tuyên bố ý chí và có sự gặp gỡ ý chí giữa các bên. Hơn nữa, theo nguyên tắc công bằng, bên được đề nghị là bên “lựa chọn phương thức truyền đạt thông tin và biết rõ phương thức mình chọn có thể có những rủi ro hoặc chậm trễ”, và cũng là bên “có khả năng hơn trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm chấp nhận đến nơi nhận”
[25, tr.94], nên bên được đề nghị phải là bên phải chịu rủi ro về việc truyền đạt thông tin. Do đó, nếu việc chuyển thư trả lời chấp nhận không đến được với bên đề nghị thì việc trả lời đó coi như chưa có hiệu lực.
3.3.1.3. Sửa đổi, bổ sung qui định về thời điểm giao kết hợp đồng khi các bên giao kết hợp đồng bằng văn bản, hoặc khi bên được đề nghị trả lời bằng văn bản
Việc giao kết hợp đồng bằng văn bản trên thực tế là rất phong phú. Thực tiễn pháp lý ở Việt Nam cũng từng có quan niệm cho rằng, văn bản không có nghĩa chỉ là văn bản truyền thống, mà còn bao gồm cả những “tài liệu giao dịch: công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng”, [214, Đoạn 1 Điều 11] thậm chí khái niệm văn bản ngày nay còn bao gồm cả các văn kiện dưới dạng “điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật” [154, Khoản 15 Điều 3].
Bởi vậy, Điều khoản này cần phân hóa cụ thể, theo hướng xác định các trường hợp giao kết bằng văn bản khác nhau thì thời điểm giao kết hợp đồng có thể không giống nhau, chứ không nên chỉ dự liệu bằng cách “bên sau cùng ký vào văn bản”, như khoản 4 Điều 404 BLDS hiện hành. Thiết nghĩ, qui định này nên dự liệu thời điểm giao kết cả trong các trường hợp giao kết gián tiếp, trên cùng một văn bản; giao kết bằng nhiều văn bản có nội dung giống nhau được mỗi bên lập ra để giao cho bên kia; và trường hợp chỉ có bên được đề nghị trả lời chấp nhận bằng hình thức văn bản dựa trên đề nghị của bên kia (không phân biệt đề nghị có được làm bằng văn bản hay không).
Mặt khác, để tránh sự tranh cãi không cần thiết, qui định này cũng cần giải thích về văn bản có chữ ký hợp lệ của các bên là đủ, mà không cần phải được đóng dấu, hoặc bất kỳ một thủ tục nào khác, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng ngược lại, theo qui định của pháp luật hoặc thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, các hình thức trả lời bằng thông điệp dữ liệu sẽ được qui định trong luật chuyên ngành. Tất cả các nội dung này được thiết kế thành khoản 3 Điều 404, cụ thể như sau:
“3. Trong trường hợp việc giao kết hợp đồng được các bên xác lập trực tiếp, trên cùng một văn bản, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản; nếu hợp đồng được lập thành nhiều văn bản có nội dung giống nhau, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm mỗi bên đã ký vào văn bản của bên kia. Văn bản được lập chỉ cần các bên hoặc người đại diện hợp pháp của các bên ký tên và ghi rõ họ tên là đủ mà không cần phải có thêm thủ tục nào khác, kể cả việc phải đóng dấu của các bên, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định điều này.
Nếu các bên giao kết hợp đồng bằng văn bản được gửi qua bưu điện, hoặc phương tiện thông tin, liên lạc khác, hoặc nếu chỉ có trả lời chấp nhận là được làm bằng văn bản, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được văn bản trả lời chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác.
Thời điểm nhận được thông điệp dữ liệu được áp dụng theo qui định của Luật Giao dịch điện tử.”
3.3.1.4. Bổ sung qui định thời điểm giao kết hợp đồng khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết bằng hành vi cụ thể
Luật hiện hành không dự liệu trường hợp giao kết hợp đồng và trả lời chấp nhận giao kết bằng hành vi cụ thể, mặc dù đây là hình thức giao dịch khá phổ biến trong đời sống. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau, với những hệ quả pháp lý khác nhau, và cần phải được cân nhắc thận trọng. Thiết nghĩ, việc trả lời chấp nhận giao kết bằng hành vi có ba khả năng: bên được đề nghị trả lời ngay bằng hành vi cụ thể; bên được đề nghị trả lời sau một thời gian xác định và có thông báo về việc thực hiện hành vi cụ thể; bên được đề nghị trả lời sau một thời hạn xác định nhưng không thông báo. Về nguyên tắc, việc giao kết là sự gặp gỡ ý chí giữa các bên, nên khi các bên không trao đổi bằng lời nói hay văn bản, mà được thực hiện bằng hành vi cụ thể, thì sự chấp nhận đó phải được thông tin cho bên đề nghị biết, trừ trường hợp bên kia có thể biết được điều này do tập quán thương mại, hoặc do thói quen giao dịch giữa các bên. Việc xác định thời điểm giao kết cũng có hai giải pháp có thể lựa chọn: khi bên được đề nghị đã thực hiện hoàn thành hành vi, hoặc khi bắt đầu thực hiện hành vi. Thiết nghĩ, cần phân biệt các trường hợp khác nhau như sau:
(i) Trả lời ngay: nếu việc trả lời được thực hiện ngay, bằng hành vi cụ thể thì thời điểm giao kết là thời điểm bắt đầu hành vi cụ thể. Ví dụ: khách hàng vào quán gọi thức ăn, tuy không trả lời nhưng chủ quán vẫn vào quán chuẩn bị thức ăn để mang ra cho khách đúng như yêu cầu; hoặc khách hàng lên xe taxi và thông báo địa chỉ để tài xế điều khiển xe đến vị trí xác định…, thì thời điểm giao kết là thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi cụ thể đó: chủ quán cho chuẩn bị món ăn, hoặc tài xế cho xe khởi hành.
Nhưng cũng không ít các trường hợp mà do qui ước, hoặc do có thỏa thuận trước, bên được đề nghị phải thực hiện xong những hành vi cụ thể thì hợp đồng mới được giao kết. Ví dụ: bên được hứa thưởng phải đạt được kết quả và bàn giao kết quả đó cho bên
hứa thưởng, thì sẽ được trả thưởng: “Trong trường hợp một công việc được hứa thưởng do một người thực hiện thì khi công việc hoàn thành, người thực hiện công việc đó được nhận thưởng” [15, khoản 1 Điều 592]. Bởi vậy, trong trường hợp này cần phải qui định theo hướng: nguyên tắc chung là giao kết tại thời điểm bắt đầu thực hiện công việc, trừ những ngoại lệ do pháp luật qui định, hoặc các bên có thỏa thuận khác.
(ii) Trả lời sau một thời hạn: Trong hoàn cảnh bình thường thì hợp đồng giao kết tại thời điểm bên được đề nghị đã bắt đầu thực hiện công việc và bên đề nghị đã nhận được thông báo về thời điểm bắt đầu công việc. Nhưng nếu bên thực hiện công việc không chịu thông báo về việc bắt đầu thực hiện công việc, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm công việc được thực hiện hoàn thành.
(iii) Nếu do ấn định trước trong đề nghị, hoặc do thói quen được xác lập giữa các bên, hoặc do tập quán mà việc chấp nhận bằng hành vi cụ thể không cần phải thông báo, thì hợp đồng giao kết lúc bắt đầu công việc. Như vậy, nội dung này được thiết kế thành ba đoạn khác nhau của khoản 4 Điều 404, cụ thể như sau:
“4. Trong trường hợp bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng bằng một hành vi cụ thể, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên được đề nghị bắt đầu thực hiện hành vi đó, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.
Nếu hợp đồng được giao kết gián tiếp, hoặc tuy giao kết trực tiếp mà một hoặc các bên dành một thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được thông báo của bên được đề nghị về việc bắt đầu thực hiện hành vi cụ thể đó. Nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận bằng việc thực hiện một công việc cụ thể nhưng không thông báo về việc này cho bên đề nghị biết, thì hợp đồng giao kết vào thời điểm hoàn thành công việc.
Nhưng nếu theo đề nghị giao kết hợp đồng, hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên, hoặc theo tập quán, bên được đề nghị có thể chấp nhận đề nghị bằng một hành vi cụ thể mà không cần phải thông báo cho bên đề nghị, thì hợp đồng được giao kết khi bên được đề nghị bắt đầu thực hiện hành vi này.”
3.3.1.5. Bổ sung qui định về thời điểm giao kết hợp đồng bằng sự im lặng
Im lặng tự nó không phải là sự trả lời chấp nhận. Nhưng có thể do các bên thỏa thuận trước (qui ước trước), do pháp luật qui định, hoặc do thói quen giữa các bên đã được xác lập với nhau, thì im lặng cũng được xem như trả lời chấp nhận, với điều
kiện: (i) các bên có thỏa thuận ấn định thời hạn trả lời, (ii) hết thời hạn ấn định mà bên được đề nghị đã không trả lời, và cũng không hành động gì (không phản đối), thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm đó. Trong qui định này, không nên đưa tập quán vào làm căn cứ để xác định im lặng là giao kết hợp đồng, vì xác định tập quán trong trường hợp này khá phức tạp. Hơn nữa, đã có qui định chung về việc áp dụng tập quán trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự tại Điều 3 BLDS 2005.
Để tránh sự lạm dụng của các thương gia, hạn chế việc xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ quyền tự do kết ước, qui định này cần được loại trừ áp dụng đối với việc đề nghị giao kết hợp đồng bằng cách gửi thông tin quảng cáo hàng hóa và chào mời mua sản phẩm, hoặc bằng việc gửi hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng.
Mặt khác, thông tin quảng cáo cũng không được xem là một đề nghị giao kết hợp đồng, vì nội dung, tính chất của nó không đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý cần thiết.
Nhưng để tránh những tranh cãi hoặc sai lầm trong áp dụng pháp luật, trường hợp này cần được loại trừ một cách minh thị. Theo đó, khoản 2 Điều 404 BLDS 2005 được sửa đổi, bổ sung và thiết kế thành khoản 5 Điều 404 (mới) như sau:
“5. Theo thỏa thuận, hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên, hoặc pháp luật có qui định im lặng là sự trả lời, và đề nghị giao kết hợp đồng có ấn định thời hạn trả lời, thì hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng. Qui định này không áp dụng đối với việc doanh nghiệp bán hàng có gửi các thông tin quảng cáo hoặc gửi hàng hóa đến địa chỉ giao dịch của người tiêu dùng.”
3.3.2. Sửa đổi, bổ sung qui định tại Điều 405 Bộ luật Dân sự 2005 về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Cần bổ sung qui định về thời điểm có hợp đồng lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận. Nguyên tắc tự do hợp đồng cho phép các bên tự do thỏa thuận nội dung của hợp đồng, nhưng không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội [15, Điều 128 và khoản 1 Điều 389]. Điều 405 BLDS 2005 cũng qui định các bên có quyền thỏa thuận khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Tuy vậy, việc thỏa thuận này cụ thể như thế nào thì lại có nhiều ý kiến tranh cãi. Thực tiễn xét xử về vấn đề này cũng chưa có sự nhất quán. Để có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng qui định này, thiết nghĩ cần làm rõ các vấn đề: các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm do pháp luật qui định hay không, và nếu có thì