Chương 1. TỔNG QUAN VỀ HỢP ĐỒNG CÓ MỘT BÊN YẾU THẾ
1.2 Những vấn đề lý luận về hợp đồng có một bên yếu thế
1.2.1 Cơ sở lý luận của hợp đồng có một bên yếu thế: Học thuyết giao dịch không cân bằng
Học thuyết về giao dịch không công bằng (Unconscionability Doctrine) được thừa nhận trong dòng họ pháp luật Common Law và được xem như một trường hợp làm mất hiệu lực của hợp đồng kinh điển được giảng dạy tại các trường luật tại Anh, Úc hay Hoa Kỳ. Đã có nhiều nghiên cứu về Unconscionability Doctrine đều thống nhất rằng sự ra đời của nó liên quan đến nguyên tắc công bằng (Equity), vốn xuất hiện từ thế kỷ XII tại Anh. Equity được xây dựng nhằm bảo vệ những điều chính đáng, đúng đắn hoặc phù hợp với lương tâm con người, công lý tự nhiên; theo thời gian được đúc kết thành hệ thống các học thuyết và thủ tục pháp lý với tên gọi Luật Công bằng (Equity Law) phát triển song song với pháp luật Common Law truyền thống; sau đó Equtity được sử dụng làm nguyên tắc xét xử chủ yếu tại Tòa Đại pháp (Court of Equity)13. Lần ghi nhận đầu tiên của nguyên tắc công bằng trong giao dịch không công bằng này có thể kể đến án lệ James v Morgan (1663) tại Anh - được chủ trì bởi Ngài Chánh án Robert Hyde tại Tòa án Hoàng đế (Court of the King’s Bench). Theo án lệ này, người bán đã dùng một cách tính phức tạp quá mức khiến cho người mua vì thiếu hiểu biết đã mua một con ngựa với “mức giá cắt cổ” là £100 (một trăm bảng Anh) dù rằng giá trị thực tế của nó chỉ là £8.Với lý lẽ bảo vệ lẽ công bằng, Tòa án Anh đã trực tiếp điều chỉnh giá trị của giao dịch, phán quyết giá trị mua bán của giao dịch này là £8. Mặc dù tại án lệ này không đề cập đến khái niệm Unconscionability Doctrine nhưng đã được hầu hết các nhà nghiên cứu về đề tài này xem là án lệ đầu tiên công nhận nguyên tắc chống lại giao dịch bất bình đẳng trong thông luật tại Anh cũng như trong pháp luật hợp đồng của thế giới14.
13Trường Đại học Luật Hà Nội, 2014. Giáo trình luật so sánh, Nhà xuất bản Công an nhân dân, tr.222-223.
14 Per Gustafsson, Master Thesis, 2010. The Unconscionability Doctrine in U.S. Contract Law. The falcuty of law, Lund University, Sweden, p.6.
Những án lệ đầu tiên ghi nhận Unconscionability Doctrine được ban hành bởi Tòa Công bằng tại Anh, tiêu biểu nhất là án lệ Earl of Aylesford v Morris (1873), theo đó Tòa án quyết định bảo vệ người thanh niên trẻ vì sự hoang phí của mình đã bán đi quyền hưởng di sản với giá rẻ mạt, Tòa đã tuyên hủy giao dịch này vì cho rằng “người thanh niên này đã bước vào một giao dịch tăm tối, đầy lừa dối và cạm bẫy, nơi anh ta không thể tự bảo vệ mình trước những người cố tâm khai thác điểm yếu của anh”. Một trường hợp khác Tòa án hủy bỏ giao dịch mà họ cho rằng không công bằng là án lệ Fry v Lane (1888), trong đó hai anh em nhà Fry làm nghề sửa ống nước và giặt giũ, mỗi tuần kiếm được £1; sau đó, họ được hưởng quyền thừa kế bất động sản của người bác trai, tùy thuộc vào tuổi thọ của người bác gái của họ. Tuy nhiên, họ được tư vấn bởi một luật sư “thiếu kinh nghiệm” và đồng thời cũng là luật sư tư vấn cho ông Lane, để bán cho ông Lane quyền thừa kế với giá rẻ mạt lần lượt là £170 và £270 vào năm 1878. Khi người bác gái qua đời vào năm 1886, số tiền mỗi người đáng lẽ ra nhận được là £730, còn lúc năm 1878 số tiền này phải là £475 cho mỗi người thừa kế. Thẩm phán Kay J đã phán quyết rằng những người thừa kế trẻ tuổi là “những người nghèo đáng thương với giáo dục không hoàn hảo” và cần được can thiệp của Luật Công Bằng, lúc này, sự định giá quá thấp của người mua chính là một bằng chứng vô lương tâm rõ ràng và Tòa yêu cầu người mua có nghĩa vụ xác định lại giá trị chuyển nhượng quyền thừa kế sao cho “công bằng, vừa phải và hợp lý”15. Cả hai án lệ này đã trở thành các án lệ kinh điển của các trường hợp giao dịch không công bằng tại Anh, trong đó “nhấn mạnh vị trí yếu thế hơn của một bên, và chính điểm yếu này đã bị bên còn lại khai thác để đạt được những lợi ích không công bằng”16.
Unconscionability Doctrine sau khi ra đời lại không được ghi nhận nhiều sự phát triển tại các Tòa án Anh Quốc, lý do của việc này được Lord Diplock cho rằng: Dưới sự ảnh hưởng của Jeremy Bentham với “Thuyết công lợi” và “Thuyết Laissez-faire” (Tự do kinh tế), các Tòa án Anh vào thế kỷ XIX đã từ bỏ việc áp dụng các chính sách chống lại giao dịch không công bằng trong các vụ việc liên quan tới hợp đồng17. Sự hồi sinh của
15 Jill Poole, 2016. Casebook on Contract Law the 13th edition, Oxford University Press, p.731.
16 Janet O’Sullivan, Jonathan Hilliard, 2012. The law of contract 5th Edition, Oxford University Press, p.292-293.
17 Veronika Timofeeva, “The doctrine of unconscionable bargains is too uncertain and undermines the classical theory of contract”, https://bit.ly/2IjGKaZ, truy cập ngày 25/6/2018, p.2.
Unconscionability Doctrine tại Tòa án Anh Quốc được cho rằng từ lời phát biểu tại phiên tòa của Thẩm phán Lord Denning trong vụ án Lloyds Bank v Bundy: “Luật pháp của Anh sẽ bảo vệ cho một người thực hiện ký kết hợp đồng có điều khoản bất công hoặc thực hiện chuyển giao tài sản với giá vô cùng không tương xứng, mà người này không có sự tư vấn độc lập, khi sức mạnh thương lượng của người này bị suy yếu trầm trọng bởi nhu cầu cuộc sống hoặc ham muốn cá nhân, hoặc do sự thiếu hiểu biết hoặc sự yếu đuối, nhu nhược của mình, đã bị người kia lợi dụng sức mạnh thương lượng cùng với những ảnh hưởng hoặc áp lực quá mức, mang lại lợi ích quá mức cho người kia”18.
Từ những án lệ trên, giới học thuật tại Anh có những sự nghiên cứu về tính ứng dụng của Unconscionability Doctrine bằng những phép thử dựa trên các yếu tố của một giao dịch được cho là giao dịch không công bằng. Phép thử của Nhà nghiên cứu luật - Luật sư Patrick Selim Atiyah gồm có hai yếu tố, một là sự yếu thế rõ rệt của một bên trong giao dịch, hai là sự không công bằng rõ ràng của các điều khoản trong hợp đồng19. Mặt khác, Giáo sư Luật học - Luật sư John Phillips đề xuất một phép thử khác gồm ba yếu tố, một là bên yếu thế phải có “sự bất lợi nghiêm trọng” vì một số điểm yếu nào đó hoặc bị khuyết tật, hai là bên mạnh thế đã khai thác những bất lợi này một cách “tội lỗi về mặt đạo đức” và ba là các điều khoản của hợp đồng phải là không công bằng hoặc mang tính áp bức20. Cả hai phép thử được nêu trên đây có thể nói rằng không khác biệt đáng kể, ngoại trừ phép thử của John Phillips thể hiện rõ ràng hơn về mặt lương tâm và tính tội lỗi của hành vi của phía mạnh thế trong giao dịch.
Đến năm 2006, một quy chuẩn chung về các yếu tố của một giao dịch không công bằng được đưa ra trong án lệ Choudry v Minhas (2006); quy chuẩn chung này được Tòa án Anh áp dụng để xác định giao dịch không công bằng trong thông luật Anh cho đến ngày nay. Các yếu tố này bao gồm:
(i) bên yếu thế phải ở trong một tình trạng thực sự bất lợi nghiêm trọng vì một hay một số điểm yếu hoặc hạn chế nhất định,
18 Lloyd’s Bank Ltd. v. Bundy (1975)
19 Patrick Selim Atiyah, 2009. An Introduction to the Law of Contract 6th Edition.:
Clarendon Press Oxford, p.300.
20 John Phillips, 2008. “Smith v Hughes (1871)” in: Landmark Cases in the Law of Contract 1st Edition. Hart Publishing, p.218.
(ii) bên mạnh thế có những hành động không đúng để trục lợi từ điểm yếu này của bên kia,
(iii) các điều khoản trong hợp đồng không công bằng hoặc mang tính áp bức, và cuối cùng là
(iv) bên yếu thế không nhận được sự tư vấn pháp lý độc lập nào21.
Bốn yếu tố này cũng được Tòa án Anh Quốc công nhận là các yếu tố tiên quyết một giao dịch có bị xem là một giao dịch không công bằng hay không, và từ đó có chịu sự điều tiết của Unconscionability Doctrine hay không.
Cũng tương tự như thông luật Anh, Unconscionability Doctrine được du nhập sang Hoa Kỳ và từ thế kỷ XX cho đến nay, học thuyết được áp dụng rộng rãi tại Tòa án của toàn bộ Khối Thịnh Vượng Chung (British Commonwealth)22, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến pháp luật về giao dịch bất công thái quá hay giao dịch không công bằng trên toàn thế giới23.