Chương 3. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP VỀ PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG CÓ MỘT BÊN YẾU THẾ TẠI VIỆT NAM 39
3.2 Giải pháp cho Việt Nam
3.2.2 Quy định cụ thể về thẩm quyền tài quán đối với hợp đồng có một bên yếu thế tại Việt Nam
Theo kinh nghiệm lập pháp thế giới, Tòa án sẽ là cơ quan có vai trò chủ đạo trong pháp luật về hợp đồng có một bên yếu thế, với chức năng là cán cân điều chỉnh cân bằng cho các bên trong các giao dịch có sự chênh lệch quá lớn giữa bên yếu thế và bên mạnh thế. Thẩm quyền của Tòa án trong lĩnh vực này được từng quốc gia quy định khác nhau tùy quan điểm của nhà làm luật, có thể là giải thoát bên yếu thế khỏi việc thực thi hợp đồng, hoặc sửa đổi các điều khoản không công bằng hoặc điều chỉnh giao dịch sao cho cân bằng lợi ích một cách tương đối. Chẳng hạn như nếu Tòa án Common Law vận dụng Unconscionability Doctrine như công cụ điều chỉnh giao dịch bất công thái quá, Unconscionability Doctrine thường giải quyết các trường hợp giao dịch không công bằng theo hai hướng, một là bằng quy tắc tài sản (property rule) và hai là quy tắc trách nhiệm (liability rule); theo đó property rule cho phép bên yếu thế được áp dụng các biện pháp khắc phục, chẳng hạn như không phải thực hiện hợp đồng (bảo lưu việc chuyển giao tài sản); còn liability rule cho phép Tòa án tuyên buộc bên mạnh thế bồi thường một khoản tiền nhất định cho bên bị vi phạm hoặc điều chỉnh một hay một số nội dung không công bằng của hợp đồng158.
Còn tại Trung Quốc, thẩm quyền của Tòa án bao gồm sửa đổi hoặc hủy bỏ hiệu lực của hợp đồng có một bên yếu thế; thẩm quyền của Tòa án Hoa Kỳ là từ chối thực thi toàn bộ hợp đồng bất công thái quá hoặc giới hạn áp dụng hoặc loại bỏ điều khoản bất công thái quá ra khỏi hợp đồng. Tại Việt Nam, thẩm quyền hiện nay của Tòa án đối với các hợp đồng có một bên yếu thế chủ yếu nằm ở hai điểm chính:
Một là thẩm quyền giải thích hợp đồng có một bên yếu thế. Ta có thể thấy pháp luật trao thẩm quyền này cho Tòa án trong những trường hợp hợp đồng theo mẫu, hợp đồng giao kết với người tiêu dùng hay hợp đồng do một bên soạn thảo, khi đó Tòa án sẽ
158 Horacio Spector, 2006. A Contractarian Approach to Unconscionability, Chicago-Kent Law Review, Vol.81, p.95-96.
giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên yếu thế hơn trong hợp đồng, như là người tiêu dùng hoặc bên không soạn thảo hợp đồng.
Hai là thẩm quyền tuyên bố một số hợp đồng hoặc điều khoản hợp đồng vô hiệu và không có giá trị ràng buộc đối với các bên. Có thể kể đến như hợp đồng giao kết với người tiêu dùng có những điều kiện giao dịch chung trái pháp luật hoặc hợp đồng cho vay nặng lãi (pháp luật Việt Nam quy định vay nặng lãi tức là vay với lãi suất quá 20%, trừ trường hợp hợp đồng tín dụng được điều chỉnh theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Đối với các trường hợp khác không thuộc các thẩm quyền luật định hiện hành của Tòa án nêu trên, Tòa án với vai trò cơ quan tư pháp bảo vệ quyền lợi của người dân lại khó có thể bảo vệ cho bên yếu thế trong các giao dịch không công bằng. Lý do là vì Thẩm phán tại Việt Nam luôn bị bó buộc trong quy tắc “chỉ tuân theo pháp luật”159 mà pháp luật lại không có quy định về hợp đồng có một bên yếu thế. Vừa qua vào đợt đại cải cách pháp luật dân sự vào cuối năm 2015, BLDS 2015 và Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã bổ sung một quy định mới hoàn toàn so với các bộ luật tiền nhiệm, đó là các quy định về lẽ công bằng – “được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”160. Pháp luật dân sự Việt Nam chính thức ghi nhận lẽ công bằng như một trường hợp áp dụng tương tự pháp luật161, đồng thời lẽ công bằng được công nhận là một công cụ để Tòa án áp dụng trong việc giải quyết các tranh chấp162. Hay nói một cách khác, ta có thể hy vọng về Tòa án Việt Nam có thể áp dụng quy định mới này để điều chỉnh các hợp đồng có một bên yếu thế sao cho cán cân lợi ích được thăng bằng, góp phần giảm bớt các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này cũng như bảo vệ nhiều hơn cho bên yếu thế. Tuy nhiên, vấn đề là lẽ công bằng là một căn cứ áp dụng nhưng chỉ áp
159 Điều 12 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và Điều 12 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
160 Định nghĩa về “lẽ công bằng” tại Khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
161 Điều 6 BLDS 2015
162 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
dụng trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng163; mặt khác, lẽ công bằng là căn cứ đứng cuối cùng trong thứ tự áp dụng164. Chính vì vậy, nếu bên yếu thế trong hợp đồng dựa vào lẽ công bằng để yêu cầu Tòa án vận dụng và bảo vệ cho mình thì khả năng được chấp nhận rất hạn chế. Điều này khác biệt với pháp luật Common Law khi hệ thống này ghi nhận lẽ công bằng là một điều kiện tiên quyết của giao dịch, một giao dịch tồn tại những điều khoản điều kiện bất công thái quá sẽ là một trường hợp bị tuyên bố vô hiệu.
Chính vì vậy, để Tòa án thực sự đóng vai trò đúng nghĩa của mình trong quan hệ hợp đồng có một bên yếu thế nói riêng, quan hệ hợp đồng nói chung, cần quy định thẩm quyền của Tòa án khi nhận thấy một giao dịch là bất công thái quá – như đúng thông lệ lập pháp trên thế giới. Các thẩm quyền của Tòa án trong hợp đồng có một bên yếu thế nên bao gồm ba thẩm quyền sau:
3.2.2.1 Tuyên bố hợp đồng có một bên yếu thế vô hiệu
Đây là một biện pháp có thể nói là nghiêm khắc nhất mà Tòa án có thể áp dụng với hợp đồng có một bên yếu thế. Xin trở lại với vụ án dân sự sơ thẩm số 118/2012/DS-ST ngày 25/9/2012 của TAND quận Thủ Đức, TP.HCM165, để thấy được thẩm quyền của Tòa án tuyên hợp đồng giả cách là vô hiệu như sau:
Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn với căn cứ là việc mua bán nhà đã được công chứng hợp lệ, có giá trị bắt buộc các bên phải thi hành, bị đơn không đồng ý và kháng cáo lên TAND TP.HCM. Tòa phúc thẩm cho rằng giao dịch mua bán nhà này còn nhiều điểm chưa rõ ràng, tồn tại hai bản hợp đồng mua bán nhà với các giá mua bán khác nhau là 150.000.000 đồng và 350.000.000 đồng - trong khi căn nhà có giá trị hơn 1.000.000.000 đồng - nhưng Tòa sơ thẩm vẫn chưa thu thập chứng cứ làm rõ. Tòa phúc thẩm còn cho rằng Tòa sơ thẩm chưa làm rõ quan hệ vay
163 Khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng”
164 Trong áp dụng tương tự pháp luật, thứ tự áp dụng cụ thể như sau (không tồn tại nội dung trước thì mới đến áp dụng nội dung sau: (1) tập quán, (2) tương tự pháp luật, (3) những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, (4) án lệ hoặc lẽ công bằng
165 Xem lại nội dung vụ án tại Tiểu Mục 3.1.3 Luận Văn này.
tài sản giữa các bên.... Chính vì các lẽ đó, Tòa phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Việc nhìn nhận về sự chênh lệch quá mức giữa giá trị thực tế và giá chuyển nhượng của Tòa phúc thẩm trường hợp này có dáng dấp của việc xem xét tính bất công của giao dịch dẫn đến thiệt hại cho một bên trong hợp đồng. Trên đây là một trong những vụ án hiếm hoi mà Tòa án Việt Nam đã mạnh dạn xem xét vấn đề hợp đồng giả cách đối với những hợp đồng đã được các bên thực hiện thủ tục công chứng hợp lệ nhưng có dấu hiệu của sự bất hợp lý. Điều này là một tín hiệu đáng mừng vì thực tiễn giải quyết tại Tòa án ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp tương tự khiến nhiều người dân bị thiệt hại về tài sản. Trong vụ việc này, Tòa án đã mạnh dạn áp dụng nguyên tắc công bằng để giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên yếu thế. Tuy rằng nhiên, chưa có căn cứ pháp luật đủ mạnh để Thẩm phán mạnh dạn tuyên bố giao dịch này là hợp đồng có một bên yếu thế và vì vậy mà tuyên bố vô hiệu, mà chỉ có thể đưa ra những lập luận mang tính tham khảo để Thẩm phán cấp sơ thẩm được phân công thụ lý lại vụ việc cân nhắc đến hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà này.
Do đó, cần thiết trao cho Tòa án thẩm quyền tuyên bố hợp đồng có một bên yếu thế là không có hiệu lực pháp luật bằng một quy phạm pháp luật cụ thể để thẩm quyền này có cơ sở pháp lý vững chắc và Thẩm phán có thể vận dụng trong những tranh chấp thực tế tại Tòa án.
3.2.2.2 Giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên yếu thế
Thực tế, pháp luật hiện hành đã quy định thẩm quyền giải thích giao dịch theo hướng có lợi cho một bên – cho dù không trực tiếp ghi nhận một bên là bên yếu thế – trong trường hợp hợp đồng ký kết với người tiêu dùng hay hợp đồng do một bên soạn thảo. Tuy nhiên, chính vì pháp luật chưa chính thức ghi nhận về hợp đồng có một bên yếu thế cũng như yếu tố xác định và hiệu lực của loại hợp đồng này, nên đã xảy ra tình trạng Tòa án tại Việt Nam giải thích cùng một vụ việc với những quan điểm trái ngược nhau. Xin chứng minh điều này bằng một bản án với nội dung tranh chấp tương tự với vụ án tại Tòa án Phú
Tân, tỉnh Cà Mau về tranh chấp tiền cước sử dụng dịch vụ viễn thông166, nhưng luận điểm của phán quyết của TAND Quận 11, TP.HCM lại hoàn toàn khác biệt. Cụ thể như sau:
Bà Ngân có ký hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), bà Ngân đóng tiền 5.000.000 đồng với lý do thu là “Mở RM”.
Quá trình thực hiện hợp đồng, VNPT thông báo bà Ngân nợ tiền cước là 1.085.821.539 đồng. Tuy nhiên bà Ngân đồng ý thanh toán. Do đó, VNPT đã khởi kiện bà Ngân. Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên có sự giải thích không giống nhau về nội dung Hợp đồng mà các bên đã ký kết.
Phía Viễn thông VNPT giải thích rằng: Bà Ngân đăng ký sử dụng dịch vụ Roaming (dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế) mà không bị giới hạn; số tiền 5.000.000 đồng mà bà Ngân đã nộp là khoản tiền ký quỹ, khi chấm dứt hợp đồng thì VNPT sẽ trả lại cho bà Ngân. Ngược lại, phía bà Ngân trình bày rằng: Khi giao kết hợp đồng, giao dịch viên có giải thích rằng đăng ký dịch vụ “RM” và đóng khoản tiền 5.000.000 đồng là khoản tiền mà đôi bên thỏa thuận rằng số tiền cước phí khi sử dụng dịch vụ “RM” không vượt quá 5.000.000 đồng.
Nhận định của Tòa án cho rằng hợp đồng giữa đôi bên ký kết có nội dung không rõ ràng, các bên lại không thống nhất với nhau về việc giải thích nội dung hợp đồng; cũng không có chứng cứ để chứng minh rằng phía VNPT đã giải thích rõ ràng cho bà Ngân về những nội dung viết tắt trong hợp đồng. Do vậy, cần phải giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên yếu thế. Trong việc giao kết hợp đồng đã nêu, phía VNPT vì có hiểu biết hơn về những vấn đề liên quan đến việc ký kết và sử dụng dịch vụ viễn thông; hợp đồng cũng là do VNPT soạn thảo sẵn. Vì lý do đã nêu, Hội đồng xét xử chấp nhận việc giải thích nội dung hợp đồng của bà Ngân. Như vậy, theo sự thỏa thuận của đôi bên thì khi tiền cước phí sử dụng dịch vụ Roaming vượt quá 5.000.000 đồng thì VNPT phải chặn cuộc gọi, tiền cước nếu có vượt quá thì sẽ do VNPT chịu.
Cách nhận định và giải thích của TAND Quận 11 TP.HCM trong trường hợp trên khá tương tự như các lập luận của Tòa án các quốc gia khác khi giải quyết về hợp đồng có một bên yếu thế. Thiết nghĩ, đây nên là một án lệ mang tính chuẩn chung để các Tòa án có thể vận dụng trong những vụ việc tương tự để bảo vệ bên yếu thế trong các hợp đồng theo
166 Xin xem lại Tiểu Mục 3.1.2 Luận Văn này.
mẫu ký kết với người tiêu dùng. Mặt khác, thẩm quyền của Tòa án giải thích hợp đồng không chỉ giới hạn trong một vài trường hợp hạn hữu mà nên áp dụng cho tất cả các hợp đồng có đầy đủ yếu tố của một giao dịch bất công thái quá, như vậy mới đảm bảo các bên yếu thế trong các loại hợp đồng khác cũng được Tòa án bảo vệ quyền lợi.
3.2.2.3 Điều chỉnh hợp đồng có lợi cho cả đôi bên chủ thể trong hợp đồng
Trong quá trình nghiên cứu các hệ thống pháp luật thế giới, ta có thể thấy có những quy định cho phép Tòa án được phép điều chỉnh trực tiếp vào giao dịch có sự bất công nhằm bảo vệ bên yếu thế, đem lại sự cân bằng tương đối giữa các bên, chẳng hạn như Thẩm phán Úc được quyền trực tiếp điều chỉnh, thay đổi hợp đồng nếu đủ căn cứ của một giao dịch bất công thái quá, điều này tương tự với pháp luật Trung Quốc và Thụy Điển.
Hoa Kỳ có điểm khác biệt hơn khi UCC không trao thẩm quyền điều chỉnh giao dịch bất công thái quá cho Tòa án, trong trường hợp này Tòa án chỉ có thể tuyên bố giao dịch đó vô hiệu, từ chối thực thi hợp đồng hoặc cho thực thi hợp đồng mà không có điều khoản bất công thái quá hoặc giới hạn sự áp dụng của điều khoản bất công thái quá. Hay nói cách khác, quan niệm của nhà lập pháp Hoa Kỳ là tương đối nghiêm khắc đối với giao dịch bất công thái quá.
Tại Việt Nam, thực tiễn áp dụng tại Tòa án, các Thẩm phán cũng có sự điều chỉnh một loại hợp đồng bất công như các hợp đồng cho vay nặng lãi, bằng cách trong quá trình hòa giải đôi bên, Thẩm phán sẽ giải thích quy định pháp luật về giới hạn lãi suất cho vay của BLDS167 đồng thời đề nghị nguyên đơn điều chỉnh yêu cầu khởi kiện cho phù hợp với quy định pháp luật, trường hợp đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ tuyên phần lãi suất vượt quá luật định là vô hiệu nhưng vẫn công nhận quyền của bên cho vay đối với việc được hưởng lãi suất trong giới hạn của pháp luật. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng đối với các khoản vay giữa các cá nhân, tổ chức không phải tổ chức tín dụng, hoặc công ty tài chính hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Vì theo luật này quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong các hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật168.
167 Điều 468 BLDS 2015 quy định lãi suất cho vay tối đa là 20%/năm trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
168 Khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, khi giao kết một hợp đồng tín dụng về việc vay vốn hay sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng đương nhiên phải thực hiện theo đúng các lãi suất theo hợp đồng đã ký kết với ngân hàng, dù rằng không phải khách hàng nào cũng biết về lãi suất trong hạn và quá hạn rất cao cùng với hàng loạt phí trễ hạn, phí hành chính… Đến khi tranh chấp tại Tòa án, Tòa án phải áp dụng quy định Luật Các tổ chức tín dụng, chấp nhận mức lãi suất mà ngân hàng và khách hàng đã thỏa thuận (khách hàng ký vào hợp đồng sử dụng thẻ coi như đồng ý tất cả quy định thuộc hợp đồng đó), dù mức lãi suất đôi khi là cao tới mức bất công cho khách hàng.
Do đó, cần thiết phải có quy định về thẩm quyền của Tòa án được điều chỉnh trực tiếp vào tất cả các hợp đồng có một bên yếu thế khi thỏa mãn đầy đủ các yếu tố của một giao dịch bất công thái quá. Biện pháp khắc phục này của Tòa án vừa có thể bảo vệ bên yếu thế, lại có thể giữ lại giao dịch thay vì hủy bỏ hiệu lực của giao dịch đó như cách làm của Tòa án Hoa Kỳ, mà vẫn đảm bảo đem lại sự cân bằng tương đối về quyền lợi cho các bên.