Chương 3. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP VỀ PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG CÓ MỘT BÊN YẾU THẾ TẠI VIỆT NAM 39
3.1 Một số quy định pháp luật và thực trạng về hợp đồng có một bên yếu thế tại Việt Nam
Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật bất kỳ nơi nào khác cũng đều có những vai trò nhất định tương ứng chính thể, chế độ chính trị của quốc gia đó. Pháp luật Việt Nam ngoài vai trò quan trọng là một công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu còn phải đảm bảo vai trò xây dựng một xã hội trật tự và công bằng, trong đó mọi cá nhân, tổ chức đều được bảo vệ công bằng trước pháp luật. Cũng như câu nói rất nổi tiếng của nhà triết học Hy Lạp Celsus: “Luật pháp là nghệ thuật của những điều thiện và sự công bằng” (Ius est ars boni et aequi)97, đây chính là tinh thần quan trọng nhất mà pháp luật cần hướng đến, đó chính là đảm bảo công bằng (tương đối – theo người viết) trong xã hội. Do đó, pháp luật vốn dĩ mang tinh thần bảo vệ kẻ yếu, được xây dựng nên để giúp kẻ yếu bớt phần nào thiệt hại trong mối quan hệ với kẻ mạnh, đưa cán cân lợi ích trong mối quan hệ về trạng thái cân bằng tương đối.
Do đó, việc bảo vệ bên yếu thế nói chung đã xuất hiện trong pháp luật Việt Nam ở rất nhiều khía cạnh. Đó có thể là những quy định về điều kiện kinh doanh một ngành nghề cụ thể, như ngân hàng, tổ chức tín dụng, kinh doanh bất động sản, mua bán nợ… được thiết lập để đảm bảo một tổ chức khi tham gia vào các ngành nghề này phải đảm bảo khả năng tài chính cũng như khả năng chuyên môn, gián tiếp bảo vệ các bên còn lại khi giao kết hợp đồng các tổ chức này. Đến những quy định về bảo vệ cổ đông thiểu số - cũng được xem như những kẻ yếu thế cần được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ trong doanh nghiệp. Hay như quy định liên quan đến điều khoản điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi – điều khoản hardship98 – cũng có bóng dáng bảo vệ kẻ yếu trong quan hệ hợp đồng, cụ thể khi hoàn cảnh thay đổi dẫn đến thay đổi một cách căn bản về tính cân bằng về lợi của hợp đồng, lúc này đã xuất hiện một bên chịu thiệt hại nghiêm trọng, rơi vào thế yếu và cần sự điều chỉnh của pháp luật. Ngoài ra còn rất nhiều khía cạnh khác pháp
97 https://bit.ly/2yfqeGJ truy cập ngày 10/10/2018.
98 BLDS 2015 đã ghi nhận điều khoản hardship tại Điều 420: “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.
luật thực hiện vai trò bảo vệ bên bất lợi hơn trong các quan hệ xã hội, tuy nhiên, người viết tại Luận Văn này hướng đến tập trung nghiên cứu về bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng, đây là những hợp đồng tồn tại giao dịch bất công thái quá ngay tại thời điểm giao kết.
Tại Việt Nam, hợp đồng có một bên yếu thế vẫn chưa được ghi nhận một cách trực tiếp tại một văn bản pháp luật riêng biệt nào, đồng thời, các văn bản pháp luật hiện hành cũng không trực tiếp ghi nhận về hợp đồng có một bên yếu thế, giao dịch bất công thái quá cũng như những biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ bên yếu thế trong hợp đồng. Ngay cả trong BLDS – văn bản cao nhất hiện hành quy định về pháp luật hợp đồng tại Việt Nam – cũng không tồn tại quy định pháp luật nào với nội hàm như vậy. Quá trình rà soát các quy định của BLDS qua các thời kỳ cho chúng ta kết quả rằng, quy định pháp luật bảo vệ bên yếu thế đã có xuất hiện từ BLDS năm 1995, cụ thể tại Điều 135 về “Giải thích giao dịch dân sự”, tại Khoản 2 quy định rằng “Trong trường hợp giao dịch dân sự có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch, theo tập quán nơi giao dịch được xác lập; nếu bên mạnh thế về kinh tế đưa vào giao dịch dân sự nội dung bất lợi cho bên yếu thế về kinh tế, thì khi giải thích giao dịch dân sự phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”. Quy định này được kế thừa tại BLDS 2005, tại Khoản 8 Điều 409 quy định về “Giải thích hợp đồng dân sự”, pháp luật dân sự nước ta tại thời điểm đó cũng quy định rằng “Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”.
Từ hai quy phạm pháp luật trên, có thể thấy tuy về câu chữ có phần khác biệt, tuy nhiên đều thể hiện rõ tinh thần pháp luật chung nhất rằng bên yếu thế sẽ được pháp luật bảo vệ bằng biện pháp giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên yếu thế, với điều kiện rằng nội dung bất lợi phải do bên mạnh thế đưa vào hợp đồng. Điểm khác biệt rõ rệt giữa quy phạm năm 1995 và 2005 chính là sự yếu thế của một bên trong hợp đồng, cụ thể, BLDS 1995 cho rằng chỉ áp dụng việc giải thích hợp đồng có lợi cho bên yếu thế khi bên này có sự yếu thế về kinh tế, trong khi BLDS 2005 lại không hạn chế, chỉ cần là bên yếu thế thì đã có thể được áp dụng biện pháp bảo vệ này. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, cả BLDS 1995 và BLDS 2005 đều chưa đi đến giải quyết triệt để vấn đề, khi không có bất kỳ quy định nào, hoặc văn bản hướng dẫn, giải thích nào cụ thể xác định thế nào là bên yếu thế về kinh tế (theo BLDS 1995) hoặc thế nào là bên yếu thế (theo BLDS 2005).
Tiếp nối theo đó, có lẽ nhà làm luật Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến hợp đồng có một bên yếu thế, nên thay vì giải quyết triệt để vấn đề, quy định cụ thể thế nào là bên yếu thế và được bảo vệ như thế nào, thì nhà làm luật lại chọn cách bỏ đi cụm từ “yếu thế” trong quy định pháp luật tương ứng trong lần sửa đổi BLDS mới nhất. Cụ thể, BLDS 2015 quy định rằng “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia”99. Điều đáng nói rằng, trong một bản dự thảo BLDS, tại khoản 2 Điều 138 đã ghi nhận “trường hợp bên mạnh thế đưa vào giao dịch dân sự nội dung bất lợi cho bên yếu thế, hoặc nội dung điều khoản không rõ ràng, thì phải giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên yếu thế” – quy định này gần như tương đồng với các quy định pháp luật tương ứng tại BLDS 1995 và BLDS 2005. Tuy nhiên, điều khoản này đã không xuất hiện trong BLDS 2015 chính thức, khiến cho hợp đồng có một bên yếu thế hoàn toàn không được nhắc đến trong văn bản pháp luật quan trọng nhất trong lĩnh vực luật hợp đồng, chính thức rơi vào “vùng điểm mù” của pháp luật hợp đồng.
Tương tự với hệ thống pháp luật Pháp, pháp luật Việt Nam bảo vệ bên yếu thế ở những văn bản pháp luật liên quan đến mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng. Cụ thể, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 đã có nhiều điều khoản quy định rõ trách nhiệm của bên mạnh thế - là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là “thương nhân”) và quyền lợi của bên yếu thế - là người tiêu dùng. Đặc biệt, đáng chú ý nhất của văn bản pháp luật này đó chính là điều khoản về giải thích hợp đồng có lợi cho người tiêu dùng (Điều 15), điều khoản vô hiệu các quy định hạn chế trách nhiệm của bên thương nhân (Điều 16) hay điều khoản quy định về hợp đồng mẫu (Điều 17)100. Theo đó, người tiêu dùng trong mối quan hệ với thương nhân sẽ được pháp luật bảo vệ trong hai trường hợp cụ thể:
Thứ nhất, trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì hợp đồng sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng101.
99 Khoản 6 Điều 404 BLDS 2015.
100 Sẽ được phân tích cụ thể hơn ở Tiểu Mục 3.2.1 Luận Văn này.
101 Điều 15 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010.
Thứ hai, khi hợp đồng có những điều khoản bất lợi một cách vô lý cho người tiêu dùng, thì những điều khoản này sẽ bị xem là không có hiệu lực ràng buộc đối với các bên trong hợp đồng. Tại Điều 16 Luật BVQLNTD 2010 đã quy định khá chi tiết và cụ thể về các trường hợp bị xem là điều khoản bất lợi một cách vô lý với người tiêu dùng không có hiệu lực pháp luât.
Bên cạnh Luật BVQLNTD 2010, người tiêu dùng với vai trò là bên yếu thế trong giao dịch còn được bảo vệ bằng những văn bản pháp luật khác trong từng lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như các quy định BVQLNTD trong giao dịch TMĐT102, quy định về quảng cáo, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng tại Luật Quảng cáo103, hoặc hệ thống quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa được quy định dàn trải từ Luật An toàn thực phẩm 2010, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành hành cho đến các quy định xử lý vi phạm hành chính, quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BVQLNTD.
Có thể thấy rằng, quy định pháp luật bảo vệ bên yếu thế tại Việt Nam không hẳn là không có, tuy nhiên, bên yếu thế trong hợp đồng nói chung hay người tiêu dùng nói riêng, vẫn chưa tìm được công cụ bảo vệ mình hiệu quả khi tranh chấp xảy ra. Thật vậy, đời sống dân sự Việt Nam đang trong sự chuyển mình mạnh mẽ với sự ghi nhận nhiều loại hợp đồng dân sự mới, trên cơ sở là những hợp đồng dân sự cơ bản nhưng được biến tấu hết sức tinh vi và phức tạp, dẫn dến nhiều vấn đề pháp lý phát sinh – hiện vẫn đang nằm trong vùng tối của pháp luật, đó là những hợp đồng có một bên yếu thế. Thực trạng xã hội Việt Nam có thể kể đến những loại hợp đồng có một bên yếu thế tiêu biểu như sau:
102 Sẽ được phân tích cụ thể hơn ở Tiểu Mục 3.1.1 Luận Văn này.
103 Khoản 2 Điều12 Luật Quảng cáo 2012 quy định rằng: Người quảng cáo có các nghĩa vụ sau:
a) Cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về cơ quan, tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin đó;
b) Bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo;
3.1.1 Hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng TMĐT có sự phát triển đồng hành cùng với sự ra đời của mạng internet từ nửa đầu thế kỉ XX104 và cho đến nay ngày một trở nên phổ biến. Pháp luật quốc tế cũng vì thế đã tồn tại một luật mẫu mang tính định hướng về vấn đề này, đó chính là Luật Mẫu về Thương mại điện tử của UNCITRAL (The UNCITRAL Model Law on Electronic Commerce) được Uỷ ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (United Nations Commission on International Trade Law – UNCITRAL) thông qua vào năm 1996, chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu nhằm bảo vệ về mặt pháp lý cho những tổ chức, cá nhân mong muốn tham gia TMĐT105.
Tại Việt Nam, hợp đồng TMĐT không còn xa lạ trong đời sống dân sự cũng như trong giới phân tích học luật, do đó người viết không phân tích quá sâu vào bản chất và đặc trưng của hợp đồng TMĐT - vốn đã được giải quyết tại rất nhiều bài viết luật học trước đây. Thay vào đó, vấn đề nghiên cứu được đặt ra là hợp đồng TMĐT dưới góc độ một hợp đồng có một bên yếu thế, tức tồn tại một bên có vị thế thấp hơn đáng kể so với bên còn lại về thông tin, khả năng đàm phán hoặc khả năng giải quyết tranh chấp.
Kể từ khi có mặt và lần đầu được thừa nhận bằng quy định pháp luật vào năm 2005, hoạt động TMĐT tại Việt Nam đã có những sự phát triển bùng nổ với những con số đáng ấn tượng: Theo thông tin từ Forbes Vietnam, giá trị TMĐT Việt Nam năm 2017 đã tăng gấp 05 lần (đạt mức 25,7 nghìn tỉ đồng) so với năm 2012, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 33%106. TMĐT đã thực sự tác động mạnh mẽ đến thị trường Việt Nam cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng thoải mái và thích thú vì những tiện lợi, nhanh chóng từ TMĐT mang lại, dẫn đến sự bùng nổ về số lượng lẫn tính chất phức tạp của các hợp đồng TMĐT ngày nay. Tuy nhiên, người tiêu dùng qua TMĐT không hay biết rằng mình chính là một bên yếu thế trong giao dịch tưởng chừng như dễ dàng và tiện lợi này.
104 Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Khóa luận tốt nghiệp, 2009. Pháp luật về Hợp đồng thương mại điện tử, Đại học Luật TP.HCM, tr.4.
105 Xem thêm tại https://bit.ly/2QYL70s truy cập ngày 01/9/2018.
106 https://bit.ly/2Q2jUsB truy cập ngày 01/9/2018.
Hiện nay, hợp đồng TMĐT chủ yếu tồn tại dưới ba dạng gồm: Hợp đồng kích hoạt (Clickwrap agreement), hợp đồng trình duyệt (Browsewrap agreemnent) và hợp đồng gói bọc (Shrinkwrap agreement)107.
Tuy rằng tên gọi của ba loại hợp đồng này chưa xuất hiện tại các văn bản pháp luật Việt Nam, tuy nhiên các hợp đồng này đã được ghi nhận tại pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận, và đã thực tế xuất hiện khá phổ biến tại Việt Nam. Cụ thể, hợp đồng kích hoạt (Clickwrap agreement) là loại hợp đồng với nội dung là các điều khoản, điều kiện mà người tiêu dùng cần phải chấp thuận để tham gia giao dịch, được thể hiện sẵn trên trình duyệt cùng với ô lệnh để người dùng thể hiện sự đồng ý với các điều khoản, điều kiện này, chẳng hạn như “OK”, “Tôi đồng ý”, hoặc “Bằng việc nhấp vào nút này, bạn đồng ý với…”108. Tiếp đến, hợp đồng trình duyệt (Browsewrap agreemnent) được phổ biến hơn, với việc áp dụng tại các trang mạng xã hội nổi tiếng như Facebook, Zalo, hoặc mua hàng trên các sàn giao dịch điện tử Tiki, Lazada… Đối với loại hợp đồng này, các điều khoản và điều kiện được thể hiện ở một trang riêng biệt, liên kết bằng một đường dẫn (link) nhỏ dưới cùng của trang web, thường được thể hiện như “Điều khoản và Điều kiện”,
“Term of use”… Hay nói một cách khác, người tiêu dùng phải nhấn vào liên kết mới có thể đọc được nội dung hợp đồng, trường hợp người tiêu dùng bấm vào ô lệnh đồng ý đồng nghĩa với việc đã đồng ý với toàn bộ nội dung hợp đồng109. Cuối cùng là hợp đồng gói bọc (Shrinkwrap agreement), thường được gói kèm với món hàng hóa đã được mua thông qua một giao dịch TMĐT, một khi người tiêu dùng nhận được hàng hóa và mở bao bì, hợp đồng sẽ được xem là có hiệu lực, nói một cách khác, người tiêu dùng phải tiến hành giao dịch mua hàng hóa, sau đó nhận hàng hóa rồi mới có thể tiếp cận được nội dung hợp đồng Shrinkwrap.
Trong số ba loại hợp đồng vừa được đề cập, hợp đồng Clickwrap được đánh giá là giúp người dùng dễ dàng tiếp cận hợp đồng hơn Browsewrap hay Shrinkwrap vì sự công khai và minh bạch của nội dung hợp đồng. Tuy nhiên, trong việc xử lý các tranh chấp về
107 Thomas Gamarello, 2015. The Evolving Doctrine of Unconscionability in Modern Electronic Contracting, Law School Student Scholarship, Selton Hall University, (Paper 647), p.11.
108 Teachopedia, Clickwrap Agreement: https://bit.ly/2xIcJ1Q truy cập ngày 01/9/2018.
109 Termsfeed, 2016. Browsewrap vs. Clickwrap: https://bit.ly/2xJF0oZ truy cập ngày 01/9/2018.
hợp đồng TMĐT, kể cả hợp đồng Clickwrap, Tòa án Hoa Kỳ thường không căn cứ vào việc người tiêu dùng có nhận biết về hợp đồng hay không, mà chủ yếu tập trung vào yếu tố công khai của nội dung hợp đồng và cơ hội tiếp cận hợp đồng của người tiêu dùng như thế nào110.
Bên cạnh đó, do sự phát triển của thời đại mới diễn ra nhanh chóng, một loại giao dịch TMĐT mới đã được ra đời, mang tính chất phức tạp hơn các hợp đồng TMĐT thông thường. Đó chính là giao dịch TMĐT thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Sàn giao dịch thương mại điện tử (“SGDTMĐT”) có mặt tại Việt Nam từ những năm 2010 với sự ra đời của các trang website cung cấp, trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ như vatgia.com, chodientu.vn… Đến năm 2013, pháp luật Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận SGDTMĐT với định nghĩa: “là website TMĐT cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ”111. Như vậy, một giao dịch tại SGDTMĐT không chỉ bao gồm người tiêu dùng – người mua, nhà cung cấp – người bán mà còn chủ thể trung gian là chủ sở hữu SGDTMĐT đó, thậm chí, một số giao dịch còn một chủ thể thứ tư là đơn vị chuyển phát hàng hóa.
Trở lại với việc phân tích hợp đồng TMĐT dưới góc độ một hợp đồng có một bên yếu thế, sự yếu thế của người tiêu dùng trong một giao dịch TMĐT chủ yếu nằm ở các khía cạnh: (i) yếu thế về thông tin, (ii) yếu thế về khả năng đàm phán và (iii) khả năng yêu cầu quyền lợi chính đáng khi xảy ra tranh chấp. Để minh chứng cho ba khía cạnh yếu thế này, xin viện dẫn các tranh chấp thực tế xảy ra tại Việt Nam như sau:
“Khách hàng tên Sơn tiến hành đặt mua một chiếc tivi hiệu LG tại SGDTMĐT http://lazada.vn, đơn vị cung cấp là Điện Máy T.Linh với giá 5,597,800 đồng (được giảm giá từ 9,100,000 đồng). Anh Sơn hoàn tất việc đặt hàng, thanh toán thành công và được Lazada thông báo xác nhận đơn hàng, đồng thời nêu rõ thời gian giao hàng cụ thể. Đến ngày hẹn mà vẫn chưa nhận được hàng, anh Sơn chủ động gọi đến tổng đài Lazada nhiều lần nhưng không có kết quả. 09 ngày sau, Lazada thông báo cho anh Sơn qua email rằng đơn hàng của anh bị hủy do hệ thống ghi sai giá, đồng thời hoàn trả lại tiền anh đã thanh
110 Mazzotta, F. G., 2001. A Guide to E-Commerce: Some Legal Issues Posed by E- Commerce for American Businesses Engaged in Domestic and International Transactions, Suffolk Transational Law Review, p. 249-51.
111 Khoản 9 Điều 3 Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.