Các khái niệm công cụ liên quan đến lý luận về Công tác xã hội nhóm và Công tác xã hội trường học

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH Công tác xã hội nhóm với việc can thiệp trợ giúp trẻ vị thành niên có hành vi gây hấn (Nghiên cứu trường hợp tại trường Trung học cơ sở Ngọc Châu, thành phố Hải Dương) (Trang 27 - 31)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HÀNH VI GÂY HẤN CỦA TRẺ VỊ THÀNH NIÊN VÀ PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC XÃ HỘI NHÓM

1.1. Một số khái niệm công cụ của đề tài

1.1.2. Các khái niệm công cụ liên quan đến lý luận về Công tác xã hội nhóm và Công tác xã hội trường học

1.1.2.1. Khái niệm Công tác xã hội nhóm

Theo các tác giả Toseland và Rivas (1998): “CTXH nhóm là hoạt động có mục

đích với các nhóm nhiệm vụ và trị liệu nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu tình cảm xã hội

và hoàn thành nhiệm vụ. Hoạt động này hướng trực tiếp tới cá nhân các thành viên trong nhóm và tới toàn thể nhóm trong một hệ thống cung cấp dịch vụ”.

Hoạt động có mục đích được Toseland và Rivas nhấn mạnh là hoạt động có kế hoạch, đúng trật tự, hướng tới nhiều mục đích khác nhau. Mặt khác, định nghĩa này còn nhấn mạnh hoạt động có định hướng không chỉ thực hiện với một cá nhân mà là với tất cả các thành viên trong nhóm.

Từ điển CTXH Barker (1995), định nghĩa: „„CTXH nhóm là một định hướng

và phương pháp can thiệp CTXH, trong đó các thành viên chia sẻ những mối quan tâm và những vấn đề chung, họp mặt thường xuyên và tham gia vào các hoạt động

mục tiêu của CTXH nhóm không chỉ là trị liệu những vấn đề về tâm lí, tình cảm mà còn là trao đổi thông tin, phát triển các kĩ năng xã hội và lao động, thay đổi các định hướng giá trị và làm chuyển biến các hành vi chống lại xã hội thành các nguồn lực hiệu quả. Các kĩ thuật can thiệp đều được đưa vào quá trình CTXH nhóm nhưng không hạn chế kiểm soát những trao đổi về trị liệu”.

Có nhiều cách hiểu, cách tiếp cận về CTXH nhóm, nhưng dù được định nghĩa trên phương diện nào thì CTXH nhóm trước hết phải được coi là một phương pháp can thiệp của CTXH. Đây là một tiến trình can thiệp trợ giúp nhằm tạo dựng và phát huy sự tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực giữa các thành viên trong nhóm, giúp củng cố và tăng cường chức năng xã hội, khả năng giải quyết vấn đề, thỏa mãn nhu cầu của nhóm. Thông qua sinh hoạt nhóm, mỗi

cá nhân được hòa nhập, phát huy tiềm năng, thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi cũng như khả năng đương đầu với những nan đề của cuộc sống [28].

1.1.2.2. Khái niệm Công tác xã hội trường học

Hiện nay, CTXH đã có mặt tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. CTXH đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau nảy sinh trong cuộc sống. Và CTXH trường học thực chất cũng là một lĩnh vực của CTXH nói chung.

Hiệp hội CTXH trường học Mỹ định nghĩa:“CTXH trường học là một trong

những chuyên ngành quan trọng của CTXH. Với kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nhân viên CTXH trường học tác động đến nhóm học sinh và cả hệ thống trường học. Nhân viên CTXH trường học cũng giúp cho học sinh nâng cao khả năng đáp ứng các nhiệm vụ học tập của mình thông qua sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng”.

Như vậy, CTXH trường học là một trong những nền tảng thiết yếu của việc giảng dạy và học tập trong trường học, là một dịch vụ đặc biệt nhằm hỗ trợ, giúp đỡ tất cả những ai tham gia vào mối quan hệ học đường, bao gồm: thầy cô giáo, học sinh

- sinh viên, PHHS, các nhà quản lý giáo dục… CTXH trường học giúp giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ trong trường học, tạo ra hiệu quả cao trong giáo dục. Tuy nhiên,

nó đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn nảy sinh trong cuộc sống, giúp học sinh phát huy tiềm năng, nội lực, phát triển các kỹ năng sống;

xây dựng, củng cố và hình thành nhân cách, lối sống, tạo thuận lợi cho các em tham gia một cách hiệu quả vào quá trình học tập và hòa nhập xã hội.

Nhân viên CTXH trường học còn là cầu nối giữa học sinh với gia đình, nhà trường và xã hội thông qua việc tổ chức, đánh giá, giới thiệu, điều phối và cung ứng các dịch vụ liên quan giữa trường học và cộng đồng.

1.1.2.3. Vai trò của Công tác xã hội trong trường học

CTXH là hoạt động chuyên nghiệp được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học chuyên ngành nhằm hỗ trợ đối tượng có vấn đề xã hội (cá nhân, nhóm, cộng đồng).

Hiện nay, vai trò của CTXH ngày được khẳng định trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội: trong bệnh viện, trường học, toà án, hay trong các cơ sở bảo trợ

xã hội... CTXH trường học có những vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CTXH nói chung, tuy nhiên nó chuyên sâu, nghiêng về phía giải quyết các vấn đề xảy ra trong môi trường học đường. Cụ thể vấn đề này đã được thảo luận trong Đại hội quốc tế lần thứ nhất vào năm 1999 và lần thứ hai vào năm 2003. Qua đó xác định những vai trò cơ bản mà CTXHTH đảm nhiệm là: Vai trò nghiên cứu; Vai trò phòng ngừa, giáo dục; Vai trò tham vấn trị liệu; Vai trò kết nối nguồn lực; Vai trò xúc tác, biện hộ; Vai trò hoạch định chính sách... Bốn đối tượng liên quan trong trường học được CTXH thực hiện vai trò trợ giúp can thiệp là: học sinh; phụ huynh học sinh; giáo viên; các nhà quản lý giáo dục.

Với học sinh: Giúp giải quyết những căng thẳng và khủng hoảng về tâm lí;

Tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần; Giúp học sinh khai thác và phát huy những điểm mạnh để thành công trong học tập; Cải thiện năng lực cá nhân và

xã hội, giúp các em giảm những hành vi tiêu cực như: không hoàn thành việc học tập; hung hăng, gây gổ với bạn, không kiểm soát được mình; không có quan hệ với bạn đồng lứa và người lớn; bị lạm dụng thể chất; chán học; bị trầm cảm; có những dấu hiệu, hành vi tự sát…

Với các bậc phụ huynh: Hỗ trợ tham gia một cách có hiệu quả vào giáo dục con cái; Hiểu được những nhu cầu phát triển và giáo dục của trẻ ở từng giai đoạn phát triển và có những biện pháp giáo dục, uốn nắn cho phù hợp. Tiếp cận các nguồn lực của trường học và cộng đồng (các nguồn học bổng cho con em, quĩ hỗ trợ

các gia đình thuộc diện nghèo, chính sách, dân tộc miền núi…); Hiểu các dịch vụ giáo dục đặc biệt; Tăng cường kỹ năng làm cha mẹ.

Với các thầy cô giáo: Giúp cho quá trình làm việc với phụ huynh, học sinh diễn ra hiệu quả; Tìm hiểu những nguồn lực mới; Tham gia vào quá trình giáo dục, nhất là với các em cần sự giáo dục đặc biệt; Hiểu hơn về gia đình, những yếu tố văn hoá và cộng đồng ảnh hưởng đến trẻ em.

Với các cán bộ quản lý giáo dục: Hỗ trợ và tham gia vào việc xây dựng các

chính sách và chương trình phòng ngừa; Đảm bảo thực hiện đúng một số luật liên quan đến quyền trẻ em, lợi ích và trách nhiệm của người học như: các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học bổng khuyến khích học sinh có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện, xây dựng cơ chế thưởng - phạt với học sinh…[37].

Từ lý thuyết đến thực tiễn đều cho thấy vai trò của NVCTXH là rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình giáo dục và đào tạo, nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay có sự thay đổi trong định hướng và phương pháp giáo dục đang diễn ra nhanh chóng. Sự tham gia tích cực của NVCTXH không những hỗ trợ các học sinh, sinh viên vượt qua những cản trở về tâm lí, tình cảm và các rào cản xã hội khác mà còn giúp các em khám phá, phát huy được năng lực bản thân,

sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, tạo thuận lợi để hoạt động giảng dạy và học tập đạt kết quả tốt nhất.

Trong công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, bên cạnh những yếu tố trực tiếp, quyết định đến chất lượng giáo dục như đội ngũ những nhà quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, tài liệu học tập… rất cần phải quan tâm đến các yếu tố có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy khác để quá trình giáo dục và đào tạo diễn ra hiệu quả và chất lượng hơn. Trong

đó CTXH với tư cách là một khoa học ứng dụng, một nghề nghiệp chuyên môn, một dịch vụ xã hội sẽ đáp ứng hiệu quả nhu cầu này. Vì vậy, Chính phủ, các cơ quan ban ngành, các tổ chức, cá nhân cần thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi đưa mô hình CTXH vào trường học. Phát triển CTXH trong trường học là một định hướng đúng, một việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH Công tác xã hội nhóm với việc can thiệp trợ giúp trẻ vị thành niên có hành vi gây hấn (Nghiên cứu trường hợp tại trường Trung học cơ sở Ngọc Châu, thành phố Hải Dương) (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)