Chương 1. MỘT SỐ GIỚI THUYẾT CẦN THIẾT ĐỂ NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH
1.3. Giới thuyết về địa danh
1.3.1. Phân loại địa danh
Ở phương Tây, một số nhà địa danh học có cách phân chia khác nhau:
A. Dauzat trong cuốn “La toponymie fransaise” (1948) chia địa danh cụ thể làm 4 phần:
1. Vấn đề những cơ sở tiền Ấn - Âu.
2. Các danh từ tiền Latin về nước trong thuỷ danh học.
3. Các từ nguyên Gôloa - La Mã.
4. Địa danh học Gôloa - La Mã của vùng Auvergne và Velay.
Charles Rostaing trong cuốn “Les noms de lieux” lại chia địa danh ra làm 11 chương, mỗi chương trình bày một vấn đề:
1. Những cơ sở tiền Ấn - Âu.
2. Các lớp tiền Xên-icchi.
3. Lớp Gôloa.
4. Những phạm vi Gô-loa-La Mã.
5. Các sự hình thành La Mã.
6. Những đóng góp của tiếng Giéc-manh.
7. Các hình thức của thời phong kiến.
8. Những danh từ có nguồn gốc tôn giáo.
9. Những hình thời hiện đại.
10. Các địa danh và tên đường phố.
11. Tên sông và tên núi.
Hai tác giả trên đều phân loại địa danh theo nguồn gốc, theo ngữ nguyên của
nó. Với các nhà địa danh học Nga thì việc phân định lại dựa vào đối tượng mà địa danh khảo sát. Cụ thể là G.L. Somolisnaja và M.V. Gorbanevskij đã chia địa danh làm 4 loại:
1. Phương danh (tên các địa phương).
2. Sơn danh (tên, núi, gò, đồi...).
3. Thuỷ danh (tên các dòng chảy, hồ, vũng...).
4. Phố danh (tên các đối tượng trong thành phố).
A.V. Superanskaja trong “Địa danh là gì?” chia địa danh được khảo sát thành
8 loại [68, 3]:
1. Loại tên gọi của các điểm dân cư (oiconim).
2. Tên gọi các con sông (ghidronim).
3. Loại tên gọi núi non (oronim).
4. Loại tên gọi công trình trong thành phố (urbanonim).
5. Loại tên gọi các đường phố (gođo).
6. Loại tên gọi quảng trường (agoronim).
7. Loại tên gọi mạng lưới giao thông (dromonim).
8. Tên gọi địa điểm phi dân cư nhỏ (microtoponim).
Cách phân chia của Superanskaja mở rộng hơn cách nhìn nhận về địa đanh.
Tuy nhiên, những sự phân loại nói trên quá đi vào chi tiết của từng vùng, từng miền
mà chưa có một sự tổng hợp nhất định áp dụng chung đối với nhiều nơi khác nhau.
Ở Việt Nam, một số nhà địa danh học đã đưa ra các tiêu chí phân loại đối tượng địa danh như sau:
Nguyễn Văn Âu, trong hai tác phẩm của mình [1] và [2] đã phân loại địa danh theo 3 cấp:
1. Loại địa danh (2 loại).
- Địa danh tự nhiên.
- Địa danh kinh tế - xã hội.
2. Kiểu địa danh (7 kiểu): Thuỷ danh; Sơn danh; Lâm danh; Làng xã; Huyện Thị; Tỉnh, thành phố; Quốc Gia.
3. Dạng địa danh (11 dạng): Sông ngòi; Hồ đầm; Đồi núi; Hải đảo; Rừng rú;
Truông, trảng; Làng, xã; Huyện, quận; Thị trấn; Tỉnh; Thành phố; Quốc gia.
Cách phân loại của Nguyễn Văn Âu khá rắc rối, trùng lặp và đi chệch hướng, bởi lẽ nếu việc phân chia dựa trên các kiểu, các dạng địa lý... thì vô kể, mà thiếu đi tính khái quát.
Căn cứ vào tiêu chí tự nhiên và không tự nhiên, Lê Trung Hoa [41], [42], [43], [44] chia địa danh thành hai nhóm lớn:
1. Địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên.
2. Địa danh chỉ các đối tượng nhân tạo.
- Địa danh chỉ các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều.
- Địa danh chủ các đơn vị hành chính.
- Địa danh chỉ các vùng lãnh thổ không có ranh giới rõ ràng.
Lê Trung Hoa cũng đưa ra cách phân loại theo nguồn gốc địa danh:
1. Địa danh thuần Việt.
2. Địa danh Hán Việt.
3. Địa danh bằng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số.
4. Địa danh bằng ngoại ngữ.
Cách phân loại địa danh của Lê Trung Hoa khá dễ hiểu, rõ ràng và có tính logíc nhất định. Việc tách bạch riêng rẽ theo đối tượng và theo nguồn gốc để phân định, theo chúng tôi là hợp lý.
Nguyễn Kiên Trường [87] có đưa ra ba tiêu chí phân loại địa danh Hải Phòng:
1. Căn cứ tiêu chí đối tượng địa lý (2 loại):
- Địa danh tự nhiên.
- Địa danh chỉ đối tượng địa lý nhân văn:
a) Địa danh các đơn vị dân cư - hành chính và địa danh gắn với hoạt động.
b) Địa danh đường phố và địa danh chỉ công trình xây dựng.
2. Căn cứ tiêu chí nguồn gốc (5 loại):
- Địa danh Hán Việt.
- Địa danh thuần Việt.
- Địa danh từ tiếng Pháp hoặc các ngôn ngữ châu Âu.
- Địa danh từ tiếng Quảng Đông.
- Địa danh từ những ngôn ngữ dân tộc có quan hệ với tiếng Việt.
3. Căn cứ tiêu chí chức năng giao tiếp (3 loại): Tên chính thức, tên cũ, cổ và các tên khác.
Với mục đích nghiên cứu, khảo sát đối tượng địa danh nội thành Hà Nội, luận văn phân loại địa danh theo hướng đồng đại và lịch đại như sau:
1. Tiêu chí đối tượng địa lý (2 loại) lấy yếu tố tự nhiên và không tự nhiên mà
Lê Trung Hoa đã đưa ra:
- Địa danh tự nhiên.
- Địa danh không tự nhiên (nhân tạo) gồm:.
a) Địa danh đơn vị dân cư.
b) Địa danh công trình giao thông.
c) Địa danh công trình xây dựng.
2. Tiêu chí giao tiếp (chia làm 3 loại):
a) Tên gọi hiện nay b) Tên gọi khác c) Tên gọi trước đây
3. Tiêu chí nguồn gốc (chia làm 5 loại):
a) Địa danh thuần Việt b) Địa danh Hán Việt c) Địa danh hỗn hợp d) Địa danh phương Tây e) Địa danh chưa xác định nguồn gốc.