Chương 4. ĐỊA DANH BA ĐÌNH NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ - VĂN HÓA
4.1. Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hoá liên quan đến địa danh
4.1.1. Về quan niệm của W.Humboldt cho rằng ngôn ngữ và văn hóa gắn bó qua lại thông qua nghĩa của những dấu hiệu ngôn ngữ
bó qua lại thông qua nghĩa của những dấu hiệu ngôn ngữ
Để hiều về quan niệm của W.Humboldt, trước hết chúng ta cần hiểu khái niệm
về ngôn ngữ và văn hóa.
Ngôn ngữ gắn bó với sự sống của loài người từ rất lâu. Nó ăn sâu vào đời sống của chúng ta như đồ ăn, thức uống, như sự thở ra, hít vào… đến nỗi nhiều khi người
ta luôn nghĩ tới nó như một cái gì tồn tại với mình. Tuy nhiên, khi tách riêng ngôn ngữ ra khỏi chủ thể của nó thì người ta nhận thấy rằng nó là một đối tượng hết sức phức tạp và đa diện. Xét về bản chất và chức năng của ngôn ngữ, ta có thể khẳng định: Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, mang bản chất tín hiệu, là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Từ
đó, ta có thể đưa ra khái niệm ngôn ngữ, theo cách hiểu của ngôn ngữ học:
"Ngôn ngữ là sự tập hợp các đơn vị và quy tắc (phát âm, dùng từ, đặt câu) đã
được xã hội quy ước và quy định. Những quy ước và quy định này chính là cơ sở mà các thành viên của cộng đồng có thể dựa vào đó để tạo ra các sản phẩm ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thành viên khác cùng cộng đồng" [54, 15].
Cùng với ngôn ngữ, văn hóa cũng là sản phẩm do con người sáng tạo ra từ thuở bình minh của loài người. Đối tượng văn hóa là một phạm vi rộng, và đã có không ít những định nghĩa về nó. Trên thực tế, chưa có một định nghĩa nào thật thỏa đáng về văn hóa. Nhưng để lấy đó làm cơ sở cho những nghiên cứu sau về địa danh, chúng tôi tạm chấp nhận cách định nghĩa văn hóa của Trần Ngọc Thêm:
"Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con
người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội" [74, 10].
Ngôn ngữ và văn hóa có sự gắn bó, qua lại với nhau mà cấu nối là nghĩa của những dấu hiệu ngôn ngữ. Nghĩa của những dấu hiệu ngôn ngữ ở đây chính là nghĩa của từ vựng. Bởi từ là tín hiệu: phải "nói lên", phải được sử dụng để quy chiếu về
một cái gì đó. Hay chính xác hơn, nghĩa của từ là "những liên hệ được xác lập trong
nhận thức của chúng ta giữa từ với những cái mà nó (từ) chỉ ra" [19, 167]. Nghĩa của
từ bao gồm nhiều thành phần nghĩa, bao gồm: nghĩa biểu vật (denotative meaning), nghĩa biểu niệm (significative meaning), nghĩa ngữ dụng (pragmatical meaning) và nghĩa cấu trúc (structural meaning). Đối với từ vựng ngữ nghĩa thì cái quan trọng hàng đầu là nghĩa biểu niệm. Nghĩa biểu niệm là sự phản ánh các thuộc tính, các đặc trưng của sự vật - biểu vật, trong ý thức con người, được tiến hành bằng từ. Do đó, khi nói đến ý nghĩa hay nghĩa từ vựng của các từ ngữ địa danh, thì cái mà người ta
muốn nói đến chính là nghĩa biểu niệm. Trong hoạt động của tư duy, ngôn ngữ được coi là một phương tiện hiệu quả nhất để thể hiện đặc trưng văn hóa. Mà chiều sâu của
sự "thể hiện" ấy chính là nghĩa biểu niệm. Nhờ có ý nghĩa này mà ngôn ngữ đem lại ánh sáng mới cho văn hóa, gắn nhiều với địa bàn mà ngôn ngữ đó sinh ra.
Xét trong bối cảnh địa danh được nghiên cứu, khảo sát, những dấu hiệu ngôn ngữ được nói đến chính là các từ ngữ địa danh. Và nghĩa biểu niệm của các từ ngữ địa danh được xem là ý nghĩa của các địa danh đó. Nhờ những ý nghĩa được chỉ ra
mà địa danh thể hiện rõ nét nhất các đặc trưng văn hóa. Như vậy, có thể thấy rõ sự tác động qua lại giữa ngôn ngữ và văn hóa thông qua nghĩa của từ như sau:
Nghĩa
Ngôn ngữ Văn hóa
Rõ ràng, với quan điểm đúng đắn của mình, nhà ngôn ngữ học người Đức W.Humboldt đã khẳng định: "Ngôn ngữ và văn hóa gắn bó qua lại thông qua nghĩa
của những dấu hiệu ngôn ngữ". Đây chính là tiền đề để chúng tôi tìm hiểu đặc điểm ý
nghĩa và đặc trưng văn hóa của địa danh Ba Đình - Hà Nội.
4.1.2. Về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa
Ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau. Thông thường ngôn ngữ được bao hàm trong bàn thân văn hóa. Nhưng thực ra trong hoạt động thực tiễn của mình, ngôn ngữ chi phối lại cơ chế văn hóa trên nhiều mặt và ở nhiều cấp độ khác nhau. Đã có không ít những tranh cãi về sự xuất hiện của ngôn ngữ và văn hóa, cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào làm tiền đề cho cái nào? Xét
về mặt bản chất, ngôn ngữ là một trong những nhân tố hình thành "con người xã hội"
sau lao động, mà có "con người xã hội" mới có văn hóa. Bởi vậy, ở một khía cạnh nào đó, ngôn ngữ là cái có trước văn hóa, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển những yếu tố văn hóa. Tuy nhiên, sau khi "văn hóa nảy sinh" thì ngôn ngữ lại được xem là kênh phương tiện giao lưu, trao đổi để truyền đạt thông tin văn hóa giữa các cộng đồng. Như vậy, ta có thể thấy, ngôn ngữ vừa là chất liệu ban đầu để sản sinh
tư duy văn hóa vừa là công cụ phục vụ văn hóa.
Hoạt động của ngôn ngữ và văn hóa đều là những hoạt động tinh thần. Cả hai đều chịu những quy định bởi những ước lệ trong phạm vi cộng đồng mà chúng tồn tại. Nếu tách chúng ra khỏi ý nghĩa ước lệ và tượng trưng mà cộng đồng đó quy ước thì chúng không còn giá trị nào cả và cũng không được gọi là "ngôn ngữ" hay "văn hóa". Sự gắn bó giữa văn hóa, ngôn ngữ với cộng đồng dân tộc vùng miền tạo nên bản sắc riêng cho ngôn ngữ, văn hóa mỗi vùng miền ấy. Về vấn đề này luận văn tán đồng nhận định mang tính khái quát của Nguyễn Đức Tồn như sau:
"Là một thành tố của nền văn hóa tinh thần, ngôn ngữ giữ vị trí đặc biệt của nó.
Bởi vì ngôn ngữ là phương tiện tất yếu và là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển và hoạt động của những thành tố khác trong văn hóa. Ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hóa dân tộc nào. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của nền văn hóa dân tộc được lưu giữ lại rõ ràng nhất" [85, 21].
Đã có không ít công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình nghiên cứu
về địa danh dưới góc độ ngôn ngữ văn hóa. Bởi địa danh là tấm gương phản ánh đặc trưng văn hóa của dân tộc. Qua địa danh người ta có thể hiểu được vùng đất và con người nơi đó. Hiểu được vùng đất cũng có nghĩa là hiểu nó trên các mặt địa lý, lịch sử,
văn hóa, xã hội. Còn hiểu về con người chính là hiểu những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ được gửi gắm vào địa danh.
Nghiên cứu địa danh Ba Đình - Hà Nội dưới góc độ ngôn ngữ và văn hóa đã
mở ra một bức tranh toàn cảnh về vùng đất và con người Ba Đình. Bức tranh đó có trầm tích văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa, có dấu ấn văn hóa của nghìn năm Bắc thuộc và sự du nhập văn hóa phương Tây dưới thời thuộc Pháp. Để tìm hiểu địa danh Ba Đình dưới góc độ ngôn ngữ văn hóa, cần chỉ ra những đặc trưng ý nghĩa mà địa danh hay các yếu tố cấu tạo địa danh phản ánh.