Vài nét về địa bàn quận

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH khảo sát địa danh quận ba đình – hà nội (Trang 31 - 40)

Chương 2. VÀI NÉT VỀ ĐỊA BÀN KHẢO SÁT ĐỊA DANH QUẬN BA ĐÌNH - HÀ NỘI

2.1. Vài nét về địa bàn quận Ba Đình

2.1.2. Vài nét về địa bàn quận

2.1.2.1. Điều kiện tự nhiên

Quận Ba Đình nằm ở phía Tây của Thủ đô Hà Nội, có diện tích 9,248km2, với 243.417 nhân khẩu, được chia thành 14 phường: Cống Vị, Đội Cấn, Điện Biên, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Ngọc Hà, Kim Mã, Nguyễn Trung Trực, Phúc Xá, Quán Thánh, Thành Công, Trúc Bạch, Liễu Giai, Vĩnh Phúc. Vị trí địa lý của quận được giới hạn như sau: phía bắc giáp quận Tây Hồ; phía đông giáp quận Hoàn Kiềm; phía nam giáp quận Đống Đa; phía tây giáp quận Cầu Giấy.

Về mặt địa hình, địa mạo quận Ba Đình có 3 dạng chủ yếu sau: Khu vực nằm

về phía đông (Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung tâm Ba Đình và khu Thành Cổ) có địa hình khá cao, là nơi đã được xây dựng và ổn định từ hàng nghìn năm; khu vực

mới xây dựng và mở rộng sau 1945 (Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thành Công) cũng có địa hình tương đối cao; khu vực các làng xóm đang được đô thị hoá (Ngọc Hà, Liễu Giai, Vạn Phúc) có địa hình bằng phẳng và trũng thấp. Như vậy, quận Ba Đình gồm những khu vực từ xa xưa vẫn tồn tại đến ngày nay với những đặc điểm riêng, mang tính thành thị, tính đô thị hoá và có cả những nét ngoại thành.

Ở vùng đất Ba Đình, không còn núi non, nhưng có một số địa danh vẫn còn được nhắc đến. Đó là núi Nùng, còn gọi là núi Long Đỗ (rốn rồng). Đời vua Thái Tổ nhà Lý (1009 - 1028) dựng chính điện trên núi. Đời Lê cũng xây điện Kính Thiên ở nơi này. Núi hiện nay không còn, chỉ còn lại dấu vết của điện Kính Thiên cũ là 4 thềm rồng đá. Núi Khán là một ngọn núi đất thấp ở phía tây bắc thành Hà Nội cũ.

Tương truyền, vào thời Lê nơi đây thường là nơi vua ngự xem duyệt binh do vậy mà thành tên. Núi đã bị san bằng vào thế kỷ XIX, vị trí ngày nay khoảng vào trước cửa Phủ Chủ tịch bây giờ. Ngoài ra, trong khu vực các làng Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Đại Yên, Vạn Phúc nằm giữa đường Thuỵ Khuê và Hoàng Hoa Thám còn có các núi đất sau đây: núi Cung cao 18m, tương truyền cung nhà Lý đã được dựng ở đây; núi Cột

Cờ cao 13,5m; núi Voi hay còn gọi là núi Thái Hoà cao 14m ở phía đông núi Cột Cờ;

núi Trúc cao 11m ở làng Vạn Phúc; núi Bò cao 8m cạnh hồ Thủ Lệ; núi Sưa cao 10m, núi này còn có tên gọi là núi Sưa Sơn hay là núi Xuân.

Về khí hậu, quận Ba Đình thuộc thành phố Hà Nội, nằm trong vùng đồng bằng Bắc bộ chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa nhiệt đới ẩm. Hàng năm có hai mùa rõ rệt

là mùa mưa nóng ẩm, mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 10, gió chủ đạo là gió nam và đông nam; và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, gió chủ đạo là gió bắc và đông bắc. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23o, nhiệt độ cao nhất trung bình hàng năm là 27o, nhiệt độ thấp nhất trung bình hàng năm là 20o. Đây là khu vực có độ

ẩm cao, trung bình hàng năm là 84%.

Về mặt thuỷ văn, Ba Đình được xem là vùng đất của non nước, sông hồ so với các quận nội thành khác. Phía bắc có hồ Trúc Bạch, hồ có diện tích khoảng 18ha.

Đây đã từng là nơi cư trú của những người làm nghề chài lưới. Hồ Cổ Ngựa là dấu vết của dòng sông Hồng cũ, thông ra hồ Trúc Bạch chạy đến phố Hàng Than (nay đã

bị lấp). Dòng Hải Trì được đào từ năm 1481, chảy quanh co trong khuôn viên Bách

Thảo. Bên cạnh đó còn có nhiều các hồ, đầm khác như: hồ Ngọc Khánh, hồ Giảng

Võ, hồ Thủ Lệ, hồ Ngọc Hà, đầm Giảng Võ, đầm Cánh Hàn, hồ Thành Công... Sông Hồng hay còn gọi là sông Nhị Hà, hay sông Cái chảy uốn lượn ở phía đông vùng đất

Ba Đình. Sông Tô Lịch ở giữa chảy từ đông sang tây rồi chuyển từ bắc xuống nam làm ranh giới tự nhiên với quận Cầu Giấy. Sông Kim Ngưu mở cửa vào Hồ Tây (có tên là hồ Kim Ngưu), chảy theo chiều bắc - nam tạo thành vùng đất Ngọc Hà (nay chỉ còn là những cống ngầm). Còn sông Tô Lịch cũng là một con sông cổ của kinh thành Thăng Long. Sông Tô xưa không chỉ là phương tiện giao thông bằng đường thuỷ cho khách buôn mà còn là nguồn nước tưới tiêu cho những dải vườn rau bao quanh kinh thành Thăng Long.

Ba Đình - Hà Nội là một vùng đất hài hoà về phong thuỷ, núi sông, là một mảnh đất thiên nhiên tươi đẹp một phần của mảnh đất đế đô “ở vào nơi trung tâm

trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện đường nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa” (Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn) [89, 85].

2.1.2.2. Lịch sử và địa giới hành chính

Người đầu tiên nhận ra vị thế của đất trung tâm Hà Nội là Lý Bí, tức vua Lý Nam Đế (544 - 548). Ông đã cho đóng đô ở nơi đây, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, dựng chùa Khai Quốc1, đắp thành ở cửa sông Tô Lịch để chống quân xâm lược nhà Lương. Trong thời kỳ Bắc thuộc, quan đô hộ của phong kiến phương Bắc đã cho xây thành Đại La - một thành luỹ lớn, làm nên một đô thị tập trung dân cư khá đông, có kinh tế và thương mại phát triển. Đầu thế kỷ X, sau khi giành được quyền tự chủ, chính quyền họ Khúc, họ Dương cũng lấy Đại La làm nơi dựng nghiệp. Đến thời Ngô Quyền (938) thì kinh đô được chuyển đến đất Cổ Loa, và sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi (968) thì đất lập đô lại là Hoa Lư (Ninh Bình). Cuối năm 1009, trong khi chính

sự triều tiền Lê rối ren thì Lý Công Uẩn được suy tôn lên ngôi vua, kiến lập ra triều đại nhà Lý kéo dài hơn 200 năm. Ngay sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn đã ra hai

quyết định vô cùng quan trọng là dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên thành Đại La thành Thăng Long (1010).

Đến thời Gia Long (1802), vua nhà Nguyễn cho lập đô ở Huế, phá thành cũ, xây Bắc Thành. Đến năm 1831, nhà Nguyễn bỏ chức Tổng Trấn, bỏ Bắc Thành, đặt chức Tổng đốc cho thành Hà Nội (là lỵ sở của tỉnh Hà Nội).

Sau khi nổ súng xâm lược nước ta, thực dân Pháp tấn công Hà Nội (ngày nay còn vết đạn đại bác ở Chính Bắc Môn, đường Phan Đình Phùng). Năm 1895, chúng cho đấu thầu phá thành Hà Nội, phá núi Voi lập Nhà máy rượu bia, san bằng núi Nùng, núi Khán; phủ toàn quyền Đông Dương được xây dựng ở khu vực phía nam

Hồ Tây, giáp cửa tây nam thành Hà Nội. Thực dân Pháp tuy vẫn giữ Hà Nội làm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá nhưng với mục dích phục vụ cho chính sách thống trị của chúng.

Ba Đình vốn là một miền đất gồm hầu hết những phường, thôn, trại của huyện Vĩnh Thuận cũ (3 trong 7 phường của tổng Thượng; 9 trại của tổng Nội; 1 phường của tổng Hạ; 11 trong 12 thôn của tổng Yên Thành) và một phần của tổng Hữu Nghiêm huyện Thọ Xương (1 trong 11 phường của tổng Yên Hoà).

Ba Đình là tên một chiến khu ở Nga Sơn (Thanh Hoá) - một căn cứ chống Pháp nổi tiếng vào nửa thế kỷ XIX. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ba Đình được đặt tên cho vườn hoa tại ngã sáu phía sau vườn Bách Thảo. Năm 1954, sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, đến năm 1959, tên gọi Ba Đình được đặt cho một trong 8 khu phố nội thành. Ngày 31/5/1961, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập khu phố Ba Đình, trên cơ sở sáp nhập các khu phố Trúc Bạch, Ba Đình và

ba xã nông nghiệp ngoại thành thuộc khu vực phía nam Hồ Tây. Thời kỳ này Ba Đình được chia thành 50 khối; tháng 5/1968 sáp nhập thành 35 tiểu khu. Năm 1981, khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình gồm 15 phường. Thực hiện Nghị định 69/CP ngày 28/10/1995, các phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ chuyển sang thuộc quận Tây Hồ.

Ngày 5/01/2005, Chính phủ ra Nghị định số 02/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới các phường Ngọc Hà, Cống Vị, Ngọc Khánh và thành lập thêm hai phường mới là Liễu Giai và Vĩnh Phúc:

+ Trên cơ sở một phần diện tích, dân số của phường Cống Vị (cũ) gồm các làng Cống Yên, Vĩnh Phúc và làng Cống Vị, phường Vĩnh Phúc ra đời với diện tích

đất tự nhiên 73,72ha và dân số là 15.743 người.

+ Phường Liễu Giai là sự sáp nhập diện tích và dân số của làng Liễu Giai với phường Cống Vị (cũ) và diện tích, dân số của phường Ngọc Hà (xóm 3 Vĩnh Phúc).

Phường Liễu Giai sẽ giáp với phường Thụy Khuê ở phía bắc, phường Ngọc Khánh

và Kim Mã ở phía nam, phường Ngọc Hà và Đội Cấn ở phía Đông, phường Vĩnh Phúc và Cống Vị (mới) ở phía tây.

+ Việc sáp nhập dân số và diện tích của cả 3 làng trại cổ là Cống Vị, Kim Mã Thượng, Vạn Phúc Thượng của phường Cống Vị (cũ) với một phần thuộc khu Thủ

Lệ của phường Ngọc Khánh chuyển sang lập nên phường Cống Vị (mới) có diện tích

là 52,48ha và dân số là 14.786 người.

+ Phường Ngọc Hà (mới) sẽ được thành lập trên cơ sở phường Ngọc Hà (cũ)

có điều chỉnh (chuyển một phần diện tích và dân số xóm 3 Vĩnh Phúc phường Ngọc

Hà về phường Liễu Giai). Vì vậy, phường Ngọc Hà (mới) sẽ còn lại 80,1ha và 16.774 người.

+ Trên cơ sở phường Ngọc Khánh cũ, phường Ngọc Khánh (mới) được thành lập sau khi đã điều chỉnh lại dân số và diện tích của phường cũ: chuyển một phần thuộc khu Thủ Lệ, chuyển 1ha đất tự nhiên và dân số 200 người phía nam Đào Tấn kéo dài của phường Cống Vị (cũ) nhập về phường Ngọc Khánh (mới), có dân số là 24.395 người, rộng 103,42ha. Phường Ngọc Khánh giáp phường Cống Vị, Liễu Giai, Giảng Võ (thuộc quận Ba Đình), Quan Hoa (thuộc quận Cầu Giấy) và Láng Thượng (thuộc quận Đống Đa).

Việc điều chỉnh địa giới hành chính này tạo nên bộ mặt mới cho quận Ba Đình

- Hà Nội. Nó không chỉ chỉ rõ ranh giới rõ ràng giữa các phường, điều chỉnh quy mô diện tích và dân số hợp lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hành chính Nhà nước của chính quyền quận.

Cho đến thời điểm hiện tại, quận Ba Đình không có sự thay đổi lớn nào. Và địa giới hành chính của 14 phường từ 2005 đến nay vẫn được giữ nguyên.

2.1.2.3. Đặc điểm con người và văn hoá

Tính đến thời điểm hiện nay (năm 2008), dân số Ba Đình là 243.417 người, với mật độ trung bình là 26,321 người/km2. Đây là quận nội thành có số dân khá đông và mật độ khá cao. Người dân từ các nơi đến đây hội tụ sinh sống và làm việc trên đất Ba Đình, hầu hết là dân từ các tỉnh miền Bắc nước ta.

Ba Đình là vùng đất có con người cư trú từ lâu đời. Xưa là những làng, trại, huyện, tổng với hàng nghìn năm xây dựng và phát triển. Trải qua bao biến đổi và thăng trầm của lịch sử, Ba Đình cũng là điểm tụ hội bách nghệ, nhân tài bốn phương.

Những nhân tài ấy được người dân nơi đây đưa vào các truyền thuyết, để lại cho con cháu đời sau. Truyền thuyết về các nhân vật anh hùng, danh nhân nổi tiếng thì cả 14 phường phường nào cũng có. Ví dụ: thần Huyền Thiên Hắc Đế là vị thần được thờ ở nhiều nơi, trong vườn Bách Thảo, đình Ngọc Hà, Hữu Tiệp, hay Không Lộ thiền sư - ông Tổ nghề đúc đồng lập tràng đúc cho dân làng Ngũ Xã1, nay vẫn còn được thờ ở chùa Ngũ Xã, thuộc phường Trúc Bạch. Đặc biệt là truyền thuyết về ông Hoàng Lệ Mật2 ở Gia Lâm (Kinh Bắc) được vua Lý cho phép đưa dân nghèo làng mình và vùng lân cận sang phía tây Thăng Long khẩn hoang lập trại ấp. Đó là một vùng nông nghiệp rộng lớn chạy dài từ cửa tây đến sát đường đê La Thành bao gồm 9 trại của tổng Nội huyện Quảng Đức (Vĩnh Thuận) xưa: Liễu Giai, Giảng Võ, Đại Yên, Thủ

Lệ, Cống Vị, Ngọc Hà, Đống Nước, Vạn Phúc, Hữu Tiệp; cộng thêm Xuân Biểu (Yên Biểu), Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, Kim Mã thành 13 trại. Đó là khu Thập tam trại của Thăng Long xưa mà sách “Lịch triều hiến chương loại chí” có đề cập đến. Với công lao khai khẩn, lập đất, dân chúng đã thờ phụng ông, tôn ông làm Thành hoàng ở nhiều nơi trên đất Ba Đình cho đến tận ngày nay.

Bên cạnh đó, nhiều danh nhân nổi tiếng của Kinh đô và cả nước đã sinh trưởng hoặc cư trú ở vùng đất này như: Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) - người anh

1 Vào thế kỷ XVII - XVIII, thợ đúc Ngũ Xã ở 5 làng: Hè, Me, Rồng, Di, Cầu Nôm thuộc vùng Đề Cầu, Kinh Bắc (nay là Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được vua cho gọi sang ở khu vực này để đúc tiền cho quốc khố.

Các thợ đúc tập trung thành phường ven hồ Trúc Bạch, mang tên Ngũ Xã Tràng.

2 Đời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054), có nàng công chúa đi thuyền về quê ở vùng Kinh Bắc khi đến sông Thiên Đức gặp chỗ nước xoáy, thuyền lật, công chúa chết đuối. Nhà vua sai những thuyền chài giỏi lặn tìm thi hài công chúa nhưng không thấy. Lúc bấy giờ có viên Thái giám là Hoàng Quý Công, võ sĩ quê làng Lệ Mật (Gia Lâm), có tài bơi lặn, chuyên đánh cá và bắt rắn, có sức khoẻ phi thường tình nguyện tìm và vớt được

hùng dân tộc đã chiến thắng quân Tống xâm lược trên sông Như Nguyệt năm 1077.

Ông vốn người làng An Xá thuộc khu vực phố Yên Ninh ngày nay. Sau làng chuyển

ra bãi sông đổi tên thành Cơ Xá (nay thuộc phường Phúc Xá); Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (1226 - 1300) - một thiên tài quân sự, đã đánh tan quân giặc với các trận chiến vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng. Ông sinh tại Hoàng Thành Thăng Long; Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải (1241 - 1294)

là người có sở học cao minh, có tài năng quân sự, đã lập được nhiều chiến tích vẻ vang; Trương Đinh Tuyên (1713 - ?) quê phường Công Bộ (nay thuộc phường Thành Công) là người nổi tiếng hay chữ, tác giả của cuốn “Hàn các quyết khoa thi tập”, từng cai quản Quốc Tử Giám; nữ sĩ Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm - từng trú tại phường Khán Xuân (nay là khu vườn Bách Thảo)...

Trải qua các thời kỳ lịch sử, dựa trên các di chỉ khảo cổ và các di tích văn hoá, lịch sử, vùng đất Ba Đình đã được khẳng định: “Trong cái nôi của nền văn minh sông

Hồng, những cư dân nơi đây đã xây dựng cho mình một bản sắc văn hoá từng trải qua hàng thế kỷ ở đất Kinh kỳ, góp phần xây dựng nên một Thăng Long ngàn năm văn hiến, một mảnh đất Ba Đình lịch sử - văn hoá với những khu di tích đã trở thành tiêu biểu của Thủ đô” [3, 24].

Vùng đất Ba Đình có cả một kho tàng quý giá về di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng. Trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long thời xưa thì Ba Đình đã có hai

trấn. Đó là đền Quán Thánh trấn giữ phía bắc và đền Linh Lang hay đền Voi Phục trấn giữ phía tây Kinh thành. Đền Quán Thánh có pho tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng cao 3,72m, nặng gần 4 tấn, do các nghệ nhân làng Ngũ Xã đúc vào năm Đinh

Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2, đời Lê Hy Tông. Tượng là một công trình độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng đạt đến trình độ cao của người dân Ngũ Xã. Đền Linh Lang được xây dựng vào năm Gia Khánh thứ 7 (1605), thờ Linh Lang đại vương, đã

có công đánh giặc cứu nước.

Ba Đình nổi tiếng với những di tích đã trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội và cả nước như: chùa Một Cột, Cột Cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long...

Chùa Một Cột được xây dựng vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Tương truyền vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan Âm dắt lên toà sen, cho là điểm không

lành nên mới xây chùa để cầu thọ. Ban đầu chùa có tên là Diên Hựu (Phúc lành dài

lâu), sau được đổi thành tên như ngày nay là do kiến trúc độc đáo của chùa. Cột cờ

Hà Nội là di tích thời Nguyễn, được xây từ năm 1805 trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long. Hình ảnh Cột cờ Hà Nội với là cờ đỏ sao vàng phấp phới trong bầu trời Hà Nội đã in đậm trong tâm trí người dân cả nước.

Ba Đình còn là một quận vinh dự có những khu di tích, những công trình liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là quần thể khu di tích Ba Đình: Phủ Chủ tịch, Nhà sàn Bác Hồ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình lịch sử.

Nói đến con người và văn hoá của vùng đất Ba Đình, không thể không kể đến các làng nghề nổi tiếng. Đó là nghề trồng thuốc nam của trại Đại Yên (nay thuộc phường Ngọc Hà); nghề trồng hoa của làng hoa Ngọc Hà, vẫn còn tồn tại đến ngày nay; nghề trồng dâu ở Cơ Xá (Phúc Xá); nghề dệt lụa ở làng Trúc (Trúc Bạch); nghề đúc đồng ở Ngũ Xã (Trúc Bạch); nghề làm bún ở Yên Ninh (Nguyễn Trung Trực);

nghề nung vôi ở Thạch Khối; nghề làm bánh đa nem ở Thủ Lệ (Ngọc Khánh)... Đây

là mảnh đất có nhiều nghề thủ công, hội tụ nhiều nhân tài, và làm ra những sản phẩm

có giá trị lưu truyền đến ngày nay.

Người Ba Đình cần mẫn trong lao động, tài hoa, sáng tạo trong nghệ thuật, oai hùng trong chiến đấu. Còn văn hoá của Ba Đình mang đậm văn hoá của vùng châu thổ sông Hồng, giàu tính nhân văn và đậm đà bản sắc văn hiến.

2.1.2.4. Đặc điểm về phương ngữ

Ba Đình là một quận nội thành của Thủ đô Hà Nội, do đó nó mang những đặc điểm của tiếng nói Hà Nội, thuộc phương ngữ Bắc bộ. Trên thực tế, tiếng nói Hà Nội

là kết quả của sự pha trộn, tiếp nhận, lựa chọn cách nói của nhiều tầng lớp người khác nhau cùng tới cư trú từ khắp vùng đồng bằng Bắc bộ và về sau này là cả miền Trung và miền Nam nước ta. Do sự thu hút của sự phát triển kinh tế, văn hoá, thương mại, nhiều cuộc di chuyển dân cư lớn tới Hà Nội đã diễn ra như cuộc tập kết ra Bắc của các cán bộ miền Nam những năm 1954 - 1975 và các cuộc sơ tán chống Mỹ từ

1968 của Hà Nội ra các tỉnh rồi lại trở về Hà Nội. Những người di cư đến mảnh đất

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH khảo sát địa danh quận ba đình – hà nội (Trang 31 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)