Thực trạng viết phần mở đầu của bản án hình sự sơ thẩm

Một phần của tài liệu Luận Văn Thạc Sĩ Bản Án Hình Sự Sơ Thẩm Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam Năm 2015 (Trên Cơ Sở Thực Tiễn Xét Xử Tại Tỉnh Đắk Lắk).Pdf (Trang 41 - 46)

Chương 2: THỰC TRẠNG VIẾT BẢN ÁN HÌNH SỰ SƠ THẨM TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN HAI CẤP TỈNH ĐẮK LẮK

2.2. Thực trạng viết bản án hình sự sơ thẩm của TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk, những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân hạn chế, thiếu sót

2.2.2. Thực trạng viết phần mở đầu của bản án hình sự sơ thẩm

Phần mở đầu, Thẩm phán phải tuân thủ thể thức, cách thức trình bày theo đúng biểu mẫu Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Ghi đúng và đầy đủ từng nội dung đã được hướng dẫn trong sử dụng biểu mẫu bản án hình sự sơ thẩm.

Các kỹ thuật về phông chữ, cỡ chữ, chính tả được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-3-

2017, quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Về cơ bản, khi viết phần mở đầu của bản án hình sự sơ thẩm tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk đáp ứng được yêu cầu thể thức, cách thức và kỹ thuật trình bày văn bản:

- Ghi về Hội đồng xét xử: Mở đầu là “Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:” chỉ ghi chức danh Thẩm phán, không ghi chức vụ. Với Hội đồng xét xử có

ba người thì ghi họ tên của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và ghi họ tên của hai Hội thẩm nhân dân; Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ tên của Thẩm phán - Chủ tọa phiên toà, họ tên của Thẩm phán tham gia xét xử, họ tên của

ba Hội thẩm nhân dân. Đối với vụ án hình sự thông thường thì không ghi chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân; đối với vụ án hình sự có bị cáo dưới 18 tuổi thì ghi nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân là cán bộ Đoàn thanh niên hoặc giáo viên.

Trong thời gian qua, thực hiện cơ chế bầu hội thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói chung và các huyện lỵ nói riêng phối hợp với hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Đảng ủy, Mặt trận bầu ra hội thẩn nhân dân tham gia phiên tòa. Mỗi huyện lỵ có từ 20 đến 30 hội thẩm, nhiệm kỳ hội thẩm là 5 năm, các hội thẩm nhân dân phối hợp với Tòa án thực hiện chức năng xét xử.

Ở Việt Nam, theo quy định của Tố tụng, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán, nằm trong Hội đồng xét xử cùng Thẩm phán quyết định mọi vấn

đề liên quan đến vụ án bao gồm cả xác định sự thật vụ án, định tội danh và quyết định hình phạt.

- Ghi họ tên của Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa là Thư ký hoặc Thẩm tra viên của Tòa án xét xử sơ thẩm.

Thư ký Tòa án là chức danh tư pháp quy định trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Do đó, việc viết đúng chức danh tố tụng là một trong những yêu cầu cơ bản. Thẩm phán viết bản án cần cập nhật đúng mẫu bản án và ghi đúng hướng dẫn mẫu bản án.

- Ghi họ tên của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thuộc Viện kiểm sát nhân dân tương ứng với Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án.

Hiện Kiểm sát viên có 3 ngạch sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Tuy nhiên, trong bản án sơ thẩm không nhất thiết phải ghi ngạch thẩm phán mà chỉ ghi họ tên kiểm sát viên, ví dụ: Ông Nguyễn Văn A – Kiểm sát viên.

- Ghi thời gian, địa điểm mở phiên tòa, xét xử công khai hay xét xử kín, số

và ngày thụ lý vụ án, số và ngày quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo. Trường hợp vụ án được xét xử và kết thúc trong một ngày thì bản án ghi: “Hôm nay, ngày… tháng… năm… tại trụ sở Tòa án nhân dân, xét xử sơ thẩm công khai (xét xử kín) vụ án hình sự thụ lý số…, quyết định đưa vụ án ra xét xử số…, đối với

bị cáo (các bị cáo). Trường hợp vụ án được xét xử trong hai ngày thì ghi cụ thể hai ngày đó là ngày nào. Trường hợp xét xử trong nhiều ngày thì ghi: “Trong các ngày

từ ngày …, đến ngày … tháng… năm…

Lưu ý: Việc xét xử có thể kéo dài trong nhiều ngày, thời gian xét xử có thể

gián đoạn hoặc liên tục, tuy nhiên phần trích yếu của bản án phần ngày…tháng năm… ghi là ngày tuyên án.

- Về căn cước, lý lịch bị cáo:

+ Ghi họ tên bị cáo: Ghi đầy đủ họ tên bị cáo, các bí danh và tên thường gọi khác theo giấy khai sinh, lý lịch trong hồ sơ vụ án;

+ Ghi rõ ngày, tháng, năm sinh của bị cáo, trường hợp không xác định được ngày thì ghi tháng và năm sinh; trường hợp không xác định được ngày, tháng thì ghi năm sinh; bị cáo là người dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải ghi ngày, tháng, năm sinh; đồng thời, phải ghi cụ thể đến ngày phạm tội thì bị cáo bao nhiêu tuổi, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày.

+ Ghi nơi sinh, nơi cư trú của bị cáo: Ghi nơi sinh, nơi cư trú của bị cáo phù hợp với luật cư trú để đảm bảo cho việc thi hành bản án;

+ Ghi nghề nghiệp: Ghi nghề nghiệp bị cáo đang làm, nếu đã bị bắt hoặc đã

bị buộc thôi việc thì ghi: “Nguyên làm nghề…”, nếu không có nghề nghiệp thì ghi:

“Không nghề nghiệp”;

+ Ghi trình độ văn hóa (học vấn), dân tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch: Ghi trình độ học vấn cao nhất, nếu là người dân tộc thì ghi tên dân tộc của bị cáo, nếu là người nước ngoài thì ghi tên nước mà bị cáo mang quốc tịch;

+ Ghi họ tên bố, mẹ: Ghi đúng và đầy đủ họ tên bố, mẹ. Trường hợp là bố nuôi,

mẹ nuôi, bố dượng, mẹ kế thì phải ghi rõ cả tên bố mẹ đẻ và người nuôi dưỡng;

+ Ghi họ tên vợ hoặc chồng: Chỉ ghi vợ hoặc chồng hợp pháp là vợ chồng thực tế được pháp luật Hôn nhân gia đình công nhận hoặc vợ chồng có đăng ký kết hôn. Trường hợp sống với nhau như vợ chồng thì không ghi;

+ Ghi con: Chỉ cần ghi số con và độ tuổi. Ví dụ: Có 2 con, lớn 15 tuổi và nhỏ

7 tuổi hoặc có 2 con đều đã thành niên; trên 2 con thì ghi số lượng con và tuổi con lớn nhất, tuổi con nhỏ nhất hoặc đều đã thành niên. Trường hợp bị cáo nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải ghi ngày tháng năm sinh của con; nếu bị cáo đang có thai thì phải xác định đang mang thai tháng thứ mấy;

+ Ghi tiền án, tiền sự: Đối với tiền án, phải căn cứ vào trích lục tiền án, tiền

sự, trích sao bản án có trong hồ sơ vụ án và bản án đó theo quy định của pháp luật

thì chưa được xóa án tích; đối với tiền sự phải căn cứ vào trích lục tiền án, tiền sự, quyết định xử phạt hành chính, quyết định xử lý kỷ luật có trong hồ sơ vụ án khi xác định lần bị xử lý đó tính đến ngày phạm tội chưa đủ thời hạn được coi là chưa

bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật;

+ Ghi về nhân thân: Căn cứ vào Danh chỉ bản, trích sao án hình sự và các văn bản khác, nếu xác định bị cáo đã có án tích, đã bị xử phạt vi phạm hành chính,

đã xử lý kỷ luật thì ghi cụ thể các lần đó và ghi rõ là các án tích, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật đó đã được xoá;

+ Ghi ngày tạm giữ, tạm giam: Nếu bị cáo bị bắt tạm giữ, tiếp đó đã tạm giam thì ngày tạm giam tính từ ngày bắt tạm giữ; nếu bị cáo bị bắt tạm giam thì ghi ngày bắt tạm giam; nếu bị cáo tạm giam được trả tự do thì ghi ngày bắt tạm giam, ngày trả tự do; nếu sau khi được trả tự do lại bị bắt lại thì cũng phải ghi đầy đủ ngày bắt tạm giam, ngày trả tự do, ngày bắt lại; nếu bị cáo không bị bắt thì ghi bị cáo được tại ngoại hoặc nếu bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thì ghi biện pháp đó trong bản án;

+ Ghi rõ bị cáo có mặt tại phiên tòa hay vắng mặt tại phiên tòa, nếu có mặt tại phiên tòa thì ghi “có mặt”, nếu vắng mặt tại phiên tòa thì ghi “vắng mặt”;

Ghi về người đại diện cho bị cáo: Nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc

là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần phải có người đại diện. Do đó, phải ghi họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện cho bị cáo, mối quan hệ của bị cáo với người đại diện cho bị cáo, có mặt tại phiên tòa hay vắng mặt tại phiên tòa, nếu có mặt tại phiên tòa thì ghi “có mặt”, nếu vắng mặt tại phiên tòa thì ghi “vắng mặt”;

Một số bản án chỉ ghi họ tên người đại diện cho bị cáo mà không ghi nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú và mối quan hệ với bị cáo là thiếu sót.

- Về người bào chữa:

Trường hợp có người bào chữa thì ghi họ tên, nghề nghiệp, nơi làm việc của người bào chữa. Nếu người bào chữa là luật sư thì phải ghi rõ họ tên, thuộc văn phòng và đoàn luật sư nào. Nếu người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý hoặc bào chữa viên nhân dân thì ghi nơi công tác của họ. Người bào chữa cho bị cáo, có mặt

hay vắng mặt tại phiên tòa, nếu có mặt tại phiên tòa thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên tòa thì ghi “vắng mặt”.

- Về bị hại:

Trong trường hợp bị hại là người bị xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và là người chưa thành niên, thì nhất thiết phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh của người bị hại; người đại diện của họ, có mặt tại phiên tòa hay vắng mặt tại phiên tòa, nếu có mặt tại phiên tòa thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên tòa thì ghi “vắng mặt”.

- Về người tham gia tố tụng khác:

Nếu bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có người bảo vệ quyền lợi cho họ thì ghi họ và tên của những người này theo thứ tự từng loại người tham gia tố tụng; nếu người bảo vệ quyền lợi của đương sự là luật sư thì ghi luật sư của văn phòng luật sư nào và thuộc đoàn luật

sư nào, nếu không phải là luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi làm việc của người bảo vệ quyền lợi cho đương sự; có mặt tại phiên tòa hay vắng mặt tại phiên tòa, nếu có mặt tại phiên tòa thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên tòa thì ghi “vắng mặt”.

Nếu có người tham gia tố tụng theo nghĩa vụ được Tòa án triệu tập đến phiên tòa như người giám định, người phiên dịch, người định giá trong tố tụng hình sự… thì ghi họ, tên, chức vụ, chức danh, cơ quan công tác; đối với người làm chứng thì ghi họ, tên, tuổi, địa chỉ của họ, có mặt tại phiên tòa hay không có mặt tại phiên tòa, nếu có mặt tại phiên tòa thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên tòa thì ghi “vắng mặt”.

Nếu đưa pháp nhân thương mại ra xét xử thì ghi tên pháp nhân thương mại, địa chỉ trụ sở chính, tên người đại diện theo pháp luật, có mặt tại phiên tòa hay không có mặt tại phiên tòa, nếu có mặt tại phiên tòa thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên tòa thì ghi “vắng mặt”.

Tuy nhiên, qua công tác tổng kết, rà soát bản án thấy rằng còn một số bản án

sơ thẩm của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk ghi sai mẫu:

Ghi về Hội đồng xét xử: Có bản án ghi: “ Với Hội đồng xét xử gồm có”, từ

„với” trong biểu mẫu tố tụng cũ, nay đã bỏ nên ghi thừa so với mẫu tố tụng mới.

“Thư ký phiên tòa” thì ghi: “Thư ký ghi biên bản phiên tòa” hoặc “ Cán bộ Tòa án nhân dân huyện B”

Bị cáo không có bí danh và tên gọi khác thì không ghi nhưng có bản án lại ghi: “Tên gọi khác: Không có”. Bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng không ghi đến ngày phạm tội bị cáo được bao nhiêu tuổi, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày.

Có bản án bỏ sót, không ghi nhân thân của bị cáo làm căn cứ nhận định hướng xử lý

vụ án về áp dụng hình phạt. Trường hợp bị cáo bị tạm giữ, tạm giam sau đó áp dụng biện pháp bảo lĩnh cho tại ngoại thì về nguyên tắc phải ghi đầy đủ ngày bắt tạm giam, ngày trả tự do nhưng Thẩm phán bỏ sót không ghi mà chỉ ghi chung chung dẫn đến việc khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam cho bị cáo tại phần quyết định bị sai, bị nhầm lẫn và phải đính chính lại.

Một số bản án còn xác định sai tư cách tố tụng, nhầm lẫn giữa tư cách tố tụng nguyên đơn dân sự với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án với người làm chứng, người tham gia tố tụng khác. Ví dụ: Bản án số 18/2020 của TAND huyện B, tỉnh Đắk Lắk ghi: Người làm chứng: Ông Huỳnh Văn D, điều tra viên. Trong vụ án này Điều tra viên lấy lời khai bị cáo được triệu tập đến phiên tòa để đối chất với bị cáo trong vụ

án tham ô tài sản, lẽ ra phải xác định tư cách tham gia tố tụng là người tham gia tố tụng khác mà không phải người làm chứng.

Những bản án bị hủy, sửa mà nội dung liên quan đến phần mở đầu thường là bản án ghi thiếu thành phần người tham gia tố tụng như bỏ lọt tội phạm, xác định sai tư cách tố tụng của đương sự, thiếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Do đó, Thẩm phán ban hành bản án phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, xác định tư cách chủ thể của những người tham gia tố tụng. Cần tránh bỏ sót chủ thể tham gia tố tụng liên quan trực tiếp đến phạm vi nội dung các vấn đề phải giải quyết trong vụ án

và tránh trường hợp chỉ cần có tên trong hồ sơ cũng đưa vào tham gia tố tụng mặc

dù họ không có liên quan gì đến nội dung vụ án.

Một phần của tài liệu Luận Văn Thạc Sĩ Bản Án Hình Sự Sơ Thẩm Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam Năm 2015 (Trên Cơ Sở Thực Tiễn Xét Xử Tại Tỉnh Đắk Lắk).Pdf (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)