Chương 2: THỰC TRẠNG VIẾT BẢN ÁN HÌNH SỰ SƠ THẨM TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN HAI CẤP TỈNH ĐẮK LẮK
2.2. Thực trạng viết bản án hình sự sơ thẩm của TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk, những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân hạn chế, thiếu sót
2.2.3. Thực trạng viết phần nội dung của bản án hình sự sơ thẩm
Sau phần mở đầu bản án thì chuyển sang phần “Nội dung vụ án”, cụm từ này
được viết bằng chữ in hoa đậm giữa dòng, phía sau là dấu hai chấm: “NỘI DUNG
VỤ ÁN:”. Nội dung vụ án mô tả phần “thực” hay “những tình tiết khách quan” phản ánh trong hồ sơ vụ án và qua diễn biến tại phiên tòa.
Theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự thì bản
án phải ghi đầy đủ những nội dung sau: Số, ngày, tháng, năm của bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố; tên Viện kiểm sát truy tố; hành vi của bị cáo theo tội danh
mà Viện kiểm sát truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự và mức hình phạt, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại,
xử lý vật chứng mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo; ý kiến của người bào chữa, bị hại, đương sự, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập.
Như vậy, “Nội dung vụ án” kết cấu theo mẫu bản án hiện hành, có một số thay đổi so với mẫu bản án cũ. Nội dung này tùy thuộc cách sắp xếp của từng Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử, để tăng cường tính chủ động, khoa học trong việc thể hiện nội dung vụ án, bảo đảm mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu. Nội dung
vụ án phải tổng hợp đầy đủ, chính xác từng vấn đề cụ thể qua các nguồn thông tin, các giai đoạn tố tụng.
Về câu mở đầu phần này được ghi như sau: “Theo các tài liệu có trong hồ sơ
vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:”
Việc tóm tắt vụ án phụ thuộc vào kỹ năng của Thẩm phán trong việc nghiên cứu hồ sơ, chắt lọc tình tiết trong hồ sơ và sử dụng ngôn từ biểu đạt. Tóm tắt bản án tránh dài dòng nhưng cũng không được cộc lốc, cần loại bỏ những từ ngữ không cần thiết, cô đọng và trực tiếp và sử dụng từ thuần việt.
Qua nghiên cứu bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk, nội dung vụ án được kết cấu theo trình tự:
- Tóm tắt, mô tả hành vi phạm tội của bị cáo theo bản cáo trạng, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Mặc dù là tóm tắt, nhưng phải thể hiện được đầy đủ
về thời gian, không gian, địa điểm thực hiện tội phạm, diễn biến hành vi thực hiện tội phạm, động cơ, mục đích, thủ đoạn của người phạm tội và hậu quả của tội phạm.
Việc tóm tắt, mô tả hành vi phạm tội của bị cáo thì tuỳ từng trường hợp,
thông qua các lời khai, biên bản hỏi cung bị can; biên bản ghi lời khai của người bị hại hoặc người đại diện cho người bị bại, người đại diện cho cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do bị cáo gây ra; lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan; biên bản đối chất; các chứng cứ như biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang; biên bản thu giữ, niêm phong, mở niêm phong vật chứng của vụ án để lấy mẫu giám định; kết luận giám định; kết quả định giá; biên bản khám nghiệm hiện trường...
- Ghi diễn biến tại phiên tòa, lời khai, lời trình bày ý kiến của của những người được xét hỏi, thẩm tra gồm: bị cáo, người đại diện (nếu có); người bị hại hoặc người đại diện cho người bị hại, người đại diện cho cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra; đương sự; người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập. Lời khai, ý kiến cụ thể của họ như thế nào về hành vi phạm tội của
bị cáo; bị cáo có nhận tội hay không nhận tội; ý kiến về bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng cũng được ghi ngắn gọn; kết luận giám định; kết luận định giá; chứng từ
do người bị hại, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra cung cấp; ý kiến của bị cáo hoặc người có trách nhiệm bồi thường về yêu cầu của người đề nghị bồi thường và xử lý vật chứng.
Sau phần tóm tắt nội dung vụ án nêu trên thì ghi số, ký hiệu, ngày, tháng, năm của bản cáo trạng, tên của Viện kiểm sát ban hành cáo trạng, họ tên bị cáo, tội danh, điều luật truy tố đối với bị cáo. Cụ thể, ghi đoạn này như sau:
Bản cáo trạng số…/202 /CT-VKS ngày… tháng… năm của Viện kiểm sát nhân dân… truy tố bị cáo … về tội “…” theo điểm… khoản… Điều… Bộ luật hình sự.
Ví dụ: Bản cáo trạng số 18/2022/CT-VKS ngày 18-06-2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện B, tỉnh Đắk Lắk truy tố bị cáo Đỗ Văn T về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự.
Sau khi ghi số, ngày, tháng, năm của bản cáo trạng, thì trích tóm tắt phần luận tội, đề nghị áp dụng pháp luật và mức hình phạt, bồi thường, xử lý vật chứng của Viện kiểm sát. Về phần này, cũng chỉ cần ghi tóm tắt nhưng đầy đủ từng nội dung, từng vấn đề mà Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử.
Sau bản luận tội của Viện kiểm sát là trình bày bài bào chữa của luật sư, bị cáo; trình bày ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, bị hại, đương sự và những người tham gia tố tụng khác được triệu tập đến phiên tòa. Tranh tụng dân chủ, công khai, bởi vậy Hội đồng xét xử phải lắng nghe ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý
do và được ghi trong bản án.
Cuối phần này là lời nói sau cùng của bị cáo, chỉ ghi ngắn gọn, đủ ý.
Thường thì lời nói sau cùng các bản án bị cáo nhận tội, ghi: Bị cáo Nguyễn Văn Q thừa nhận phần luận tội và quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện B là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.
Bị cáo không có ý kiến tranh luận gì thêm, bị cáo hối hận về hành vi phạm tội của mình và xin xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Điểm qua những bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk đăng trên cổng thông tin điện tử thời gian qua, chúng tôi nhận thấy phần này có những hạn chế, thiếu sót như sau:
Tóm tắt nội dung vụ án của bản án sơ thẩm thường copy y nguyên nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát. Cáo trạng copy kết luận điều tra, bản án copy cáo trạng
là thực trạng xảy ra trong một thời gian rất dài. Một số thẩm phán cho rằng làm cách này để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc copy “y nguyên” thể hiện thái độ làm việc không nghiêm túc và thiếu chuyên nghiệp. Do đó, Thẩm phán cần nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án, trên cơ sở kết luận điều tra, cáo trạng, các tài liệu chứng
cứ có trong hồ sơ vụ án để tóm tắt nội dung vụ án. Tóm tắt nội dung vụ án thể hiện kiến thức tổng hợp của Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án. Mặt khác, khi tóm tắt nội dung vụ án Thẩm phán chỉ ghi các hành vi của các bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố có trong nội dung cáo trạng. Những hành vi khác tuy được mô
tả trong cáo trạng nhưng Viện kiểm sát không truy tố thì không ghi. Tóm tắt nội
dung vụ án lặp lại nội dung của cáo trạng dẫn đến tình trạng nội dung trùng lặp, rườm rà, dài dòng, không cần thiết.
Theo quan điểm của P. Gs Phạm Minh Tuyên, Thẩm phán TANDTC, giám đốc Học viện Tòa án thì việc tóm tắt nội dung vụ án theo kết luận của cáo trạng:
“Đây chỉ là phần mô tả hành vi phạm tội của bị cáo theo như nội dung của bản cáo trạng nên cần ghi hết sức tóm tắt, có thể chỉ cần ghi phần kết luận trong bản Cáo trạng, sau đó bổ sung thêm một số ý phản ánh về thời gian, địa điểm, con người phạm tội cụ thể, những hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra… Từ
đó mới đến phần Cáo trạng truy tố bị cáo về tội gì, theo điều khoản nào của BLHS, những phần khác như về tang vật của vụ án hoặc những người khác có tham gia nhưng không bị truy tố thì cũng không cần ghi ở phần này mà để phân tích ở phần nhận định, tránh phải ghi lại nhiều lần dẫn đến bản án dài không cần thiết” [34].
Ghi diễn biến tại phiên tòa, lời khai của bị cáo, bị hại, những người tham gia
tố tụng khác được Tòa án triệu tập đến phiên tòa, ý kiến của đại diện viện kiểm sát,
ý kiến của người bào chữa. Tóm tắt lời khai nhưng phải đủ ý, thể hiện diễn biến phiên tòa, không được ghi quá ngắn gọn, chung chung, như có bản án ghi:
“Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Huỳnh Thúc H thành khẩn khai nhận hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy vào tối ngày 10 tháng 3 năm 2022, lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với nội dung bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện B”.
Trường hợp này, tóm tắt lời khai bị cáo qua thực tiễn xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo khai nhận: “Do nghiện ma túy, bị cáo tìm cách liên hệ với đối tượng bán ma túy trên địa bàn. Bị cáo hẹn gặp người có tên Đen (không rõ nhân thân, lai lịch) tại cầu vượt đường tránh 30/4, cách siêu thị GO 50m. Tại đây, bị cáo H trả cho D số tiền 1.500.000 đồng và nhận lại gói tinh thể màu trắng trong bọc ni lông. Bị cáo giấu gói tinh thể này dưới đuôi xe sau bình xăng. Khi đang lưu thông trên đường thì bị công
an giao thông dừng xe kiểm tra hành chính phát hiện vật phẩm nghi ma túy và tiến hành thu giữ”.
Sau phần tóm tắt nội dung vụ án là nhận định của Hội đồng xét xử:
Theo hướng dẫn tại mục 28 mẫu 27-HS kèm theo Nghị quyết 05/2017/NQ-
HĐTP ngày 19/9/2017, phần nhận định phải ghi đầy đủ các nội dung quy định tại điểm d, đ, e khoản 2 Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Bản án hình sự thể hiện rõ chủ thể tiến hành tố tụng tại phiên tòa là “Hội đồng xét xử”. Do đó, mở đầu của phần này được ghi bằng chữ in hoa đậm ở giữa dòng như sau: “NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ:”
Phần nhận định này phải thống nhất với phần quyết định, không được nhận định hướng này, xử lý theo hướng khác, nhận định phải có tính logic, chặt chẽ giữa các phần, các đoạn văn với nhau. Lưu ý, các đoạn văn trong nhận định được đánh số thứ tự để trong dấu ngoặc vuông.
Cũng giống như phần nội dung vụ án, trước khi đi vào nội dung chính của tiểu phần nhận định cần phải ghi câu mở đầu như sau: “Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:”
Tiếp theo, Hội đồng xét xử phân tích, đánh giá từng vấn đề, cụ thể:
- Phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử:
Phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố và thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà. Có thể nói đây là một trong những nội dung rất mới trong viết bản án hình sự sơ thẩm hiện nay.
Tất cả các hành vi của người tiến hành tố tụng, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, phải được đánh giá, xem xét có đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hay không (các quyết định tạm giữ, tạm giam; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm; quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, biên bản khám nghiệm hiện trường, thu giữ dấu vết, niêm phong, triệu tập tống đạt...).
Xem xét quá trình điều tra, truy tố, xét xử các hành vi của người tiến hành tố tụng, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng có bị khiếu nại hoặc có ý kiến gì
không. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đánh giá chung về các hành vi, quyết định
đó hợp pháp hay không hợp pháp. Hành vi, quyết định nào không hợp pháp thì phải nhận xét, đánh giá cụ thể, chỉ rõ căn cứ cho nhận định này.
Ví dụ: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện B, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện B, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật
tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho bị cáo xuất trình tài liệu, chứng cứ phù hợp với quy định của pháp luật; Luật sư, bị cáo và bị hại không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Do áp dụng mẫu có sẵn nên đoạn này hầu hết các bản án sơ thẩm đều ghi một nội dung giống nhau. Tuy nhiên, nhiều bản án dập khuôn theo mẫu nên việc ghi chủ thể tham gia tố tụng có ý kiến hoặc khiếu nại còn có những sai sót nhất định.
- Phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định không có tội: Trong phần này phải xác định, ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa hành
vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với cấu thành tội phạm đã được quy định trong pháp luật hình sự. Nhìn chung, trong cấu thành tội phạm cụ thể đã nêu dấu hiệu về hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến từng loại khách thể trực tiếp và hậu quả do hành vi phạm tội quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự nên khi xem xét về tội phạm cụ thể phải đánh giá đầy đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm (dấu hiệu về khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan) để xác định chính xác tội danh đó thuộc nhóm khách thể nào bị xâm hại, chủ thể có năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không, hành vi khách quan là hành vi gì, hậu quả như thế nào và ý thức chủ quan ra sao. Khi xác định bị cáo phạm tội gì thì phải nêu rõ đặc trưng hành vi bị cáo đã thực hiện quy định trong cấu thành cơ bản.
Nếu bị cáo có tội thì là tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự
và của văn bản quy phạm pháp luật khác được áp dụng. Hội đồng xét xử phải xác định, ghi nhận về mặt pháp lý, sự phù hợp giữa hành vi phạm tội cụ thể đã được
thực hiện với cấu thành tội phạm đã được quy định cụ thể tại điều luật nào của Bộ luật hình sự. Hành vi phạm tội của bị cáo có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như
về khách thể, chủ thể, khách quan, chủ quan hay không. Khi xác định bị cáo phạm tội gì thì phải nêu rõ đặc trưng hành vi của bị cáo đã thực hiện quy định trong cấu thành cơ bản.
Việc nêu các đặc trưng dấu hiệu hành vi nêu trên là nhằm xác định chính xác tội danh, không nhầm lẫn hành vi phạm tội này với hành vi phạm tội khác như hành
vi lừa đảo và hành vi lạm dụng tín nhiệm đôi khi giống nhau là đều có hành vi chiếm đoạt và đều có dấu hiệu gian dối nên cần xác định bị cáo có ý định chiếm đoạt ở thời điểm nào (trước hay sau khi tài sản đã có trong tay), gian dối xuất hiện
từ khi nào thì phải phân tích, nhận định rõ trong bản án để xác định đúng tội danh; hành vi cướp tài sản với hành vi cưỡng đoạt tài sản thì việc dùng ngay tức khắc vũ lực với đe dọa sẽ dùng vũ lực khác nhau ở chỗ nào để xác định cho đúng tội danh.
Ví dụ: Bị cáo Nguyễn Văn M có hành vi nói với chị V hỏi mua nữ trang, để xem và tiếp cận với số tài sản này. Khi tiếp cận được tài sản, M đã nhanh chóng chiếm đoạt tài sản. Chị V hô hoán thì M đã bỏ chạy. Anh A làm nghề xe ôm ở gần
đó đuổi theo và giữ được M nhưng M vẫn không giao tài sản theo yêu cầu mà lại rút dao ra khua về phía anh A để giữ bằng được tài sản, làm anh A phải buông M ra và
M bỏ chạy, chỉ khi có nhiều người khống chế M mới chịu bị bắt. Theo kết luận định giá tài sản số vàng nữ trang mà M chiếm đoạt có giá trị 32.000.000 đồng. Hành vi của M là hành vi cướp giật tài sản của người khác, chuyển hóa thành tội cướp tài sản, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS.
Qua quan sát và phân tích các bản án hình sự sơ thẩm của TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đăng trên cổng thông tin điện tử của Tòa án, chúng tôi nhận thấy phần nhận định trong nhiều bản án của các tòa án ghi rất chung chung, không thể hiện sự
so sánh hành vi thực tế với các dấu hiệu đặc trưng về hành vi của cấu thành tội phạm cụ thể. Đa phần các bản án ghi như sau: “Xét lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại và những chứng cứ khác thu thập có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa. Thể hiện…”