CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1. Lí thuyết chung về ngữ dụng học 1. Cặp thoại
1.1.2. Hành vi xin lỗi và tiếp nhận lời xin lỗi 1. Hành vi xin lỗi
Theo lí thuyết chung về hành vi ngôn ngữ, “xin lỗi” thuộc vào nhóm hành vi ở lời, nghĩa là khi phát ngôn kết thúc thì cũng là lúc người nói thực hiện xong HVXL của mình.
Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, “xin lỗi” được hiểu là:
1. Xin được tha thứ vì đã biết lỗi.
2. Dùng để mở đầu lời nói một cách lịch sự khi có việc phải làm phiền tới người khác. [29, 1470]
Như vậy, đối với người Việt, “xin lỗi” không chỉ là một hành động để người thực hiện hành vi đó nhận ra lỗi lầm của mình để sửa chữa và trở nên tốt đẹp hơn. “Xin lỗi” còn là biểu hiện của truyền thống ứng xử văn hóa, là hành vi lịch sự trong các mối quan hệ xã hội.
Người Việt thường có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Với lối sống trọng tình cảm, coi mọi người trong cộng đồng như bà con họ hàng nên lời xin lỗi cũng thường được người Việt sử dụng để duy trì và củng cố các mối quan hệ trong xã hội khiến mọi người xích lại gần nhau hơn.
Người Việt thường ít có một lời xin lỗi chung chung như “sorry”, “excuse me” ở các nước phương Tây, mà đối với mỗi trường hợp lại có một cách xin lỗi khác nhau.
Ở luận văn này, chúng tôi quan tâm đến trường hợp thứ nhất, tức HVXL là HVNN được thực hiện nhằm sửa chữa những sai lầm để duy trì và củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
HVXL có nhiều biểu hiện khác nhau nhưng xét về cách thức, nó được chia thành hai kiểu: xin lỗi trực tiếp và xin lỗi gián tiếp.
- HVXL trực tiếp là hành vi có chứa ĐTNV xin lỗi và có BTNV xin lỗi. Ở dạng đầy đủ, hành vi xin lỗi chứa cả 3 yếu tố là: chủ thể thực hiện hành vi xin lỗi Sp1, động từ ngữ vi thể hiện hành vi xin lỗi và chủ thể tiếp nhận hành vi xin lỗi Sp2. Dạng này có cấu trúc là:
SP1+ ĐTNV (xin lỗi/cáo lỗi/tạ lỗi) + SP2.
Ví dụ:
(8) Bà Nghị quỳ thụp dưới chân Hải Vân ngước mắt lên kêu van khe khẽ rồi the thé nói:
- Tôi xin lỗi ông! Tôi xin lỗi ông!... Suốt một đời tôi, tôi chỉ kính yêu một mình ông mà thôi!... [Giông Tố - Vũ Trọng Phụng]
Hành vi xin lỗi ở ví dụ trên đã tuân thủ đúng theo cấu trúc xin lỗi ở dạng đầy đủ bao gồm cả 3 yếu tố là: chủ thể giao tiếp Sp1 (tôi – bà Nghị), ĐTNV xin lỗi và đối tượng giao tiếp Sp2 (ông – Hải Vân).
- HVXL gián tiếp là hành vi không chứa ĐTNV xin lỗi mà mượn các HVNN khác như hỏi, cầu khiến, xác tín,… để đưa ra lời xin lỗi ở dạng hàm ẩn, phụ thuộc vào ngữ cảnh.
Ví dụ:
(4) Dâu vẫn quỳ dưới đất, nước mắt đẫm lệ nhìn Vinh đau đớn:
- Vinh ơi! Hãy tha tội cho em! Em đã lấy Tự, em đã có một đứa con.
[Nửa sau cuộc đời – Vũ Đảm]
Về mặt hình thức, phát ngôn của Sp1 là Dâu (nữ, ít tuổi) “Vinh ơi!
Hãy tha tội cho em!” có hình thức của câu cầu khiến vì có sử dụng phụ từ mệnh lệnh “hãy”. Song thực chất mục đích của Sp1 (Dâu) là nhằm để xin lỗi Sp2 (Vinh), vì Sp1 (Dâu) ý thức được hành động của mình đã làm tổn thương tới Sp2 (Vinh) nên mới mong muốn Sp2 (Vinh) tha thứ cho mình. Vì vậy, Sp1 (Dâu) đã mượn hành vi cầu khiến để đưa ra lời xin lỗi một cách gián tiếp.
1.1.2.2. Điều kiện sử dụng hành vi xin lỗi
Hành vi ở lời, cũng như các hành vi khác như sinh lí, vật lí..., không phải được thực hiện một cách tùy tiện. Hơn nữa, hành vi ở lời về căn bản đã được xem xét và xác định là một trong những hành vi xã hội. Do đó, các hành vi ở lời chỉ được thực hiện và có hiệu lực khi chúng thỏa mãn và đáp ứng được các điều kiện sử dụng mà xã hội qui ước.
Searle trên cơ sở phân tích một hành vi ở lời đó là hành vi “hứa” (tiếng Anh là “promise”) đã bổ sung vào những điều kiện may mắn mà Austin đưa ra trước đó khiến cho chúng hoàn thiện hơn, ông gọi chúng là điều kiện sử dụng, cụ thể là bốn điều kiện sau:
(1) Điều kiện nội dung mệnh đề: là điều kiện chỉ ra bản chất nội dung của hành vi; nội dung mệnh đề có thể là một mệnh đề đơn giản (đối với các hành vi khảo nghiệm, xác tín, miêu tả) cũng có thể là một hàm mệnh đề (đối với các câu hỏi khép kín, tức những câu hỏi chỉ có hai khả năng trả lời có hoặc không…); nội dung mệnh đề cũng có thể là một hành động của người nói (hứa hẹn) cũng có thể là một hành động của người nghe (yêu cầu).
(2) Điều kiện chuẩn bị: là điều kiện bao gồm những hiểu biết của người phát ngôn về năng lực, lợi ích, ý định của người nghe và về các quan hệ giữ người nói, người nghe.
(3) Điều kiện chân thành: là điều kiện chỉ ra các trạng thái tâm lí tương ứng của người phát ngôn, chẳng hạn hứa hẹn đòi hỏi ý định của người nói, xác tín đòi hỏi niềm tin vào điều mình xác tín…
(4) Điều kiện căn bản: là điều kiện đưa ra kiểu trách nhiệm mà người nói hoặc người nghe bị ràng buộc khi hành vi ở lời đó được phát ra. Trách nhiệm có thể rơi vào hành động sẽ được thực hiện (lệnh, hứa hẹn) hoặc đối với tính chân thực của nội dung (một lời xác tín buộc người nói phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của điều nói ra).
Theo bốn điều kiện nói trên, chúng tôi có thể đưa ra các điều kiện sử dụng mà hành vi xin lỗi phải đáp ứng là:
- Điều kiện nội dung mệnh đề: Hành động X do SP1 thực hiện có thể diễn ra trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai.
- Điều kiện chuẩn bị: SP1 nghĩ rằng hành động X đã, sẽ, đang ảnh hưởng tiêu cực tới SP2.
- Điều kiện chân thành: SP1 thực sự hối hận vì hành động X của mình.
- Điều kiện căn bản: SP1 thực hiện hành vi xin lỗi nhằm mong SP2 tha thứ cho lỗi lầm của mình.
1.1.2.3. Động từ ngữ vi xin lỗi – biểu thức ngữ vi xin lỗi (1) Động từ ngữ vi xin lỗi
Theo kết quả khảo sát của các nhà nghiên cứu đi trước, các động từ thuộc nhóm xin lỗi là: xin, tha, xin lỗi, tha lỗi, thứ lỗi, tạ lỗi, cáo lỗi, lượng thứ, dung thứ, tha thứ, bỏ qua, bỏ quá, tha tội, thông cảm, xá tội, đại xá…
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu có 3 động từ được sử dụng đúng với chức năng ngữ vi khi chúng được sử dụng làm phương tiện thể hiện hành vi xin lỗi trực tiếp, nghĩa là người nói đồng thời thực hiện hành vi xin lỗi mà động từ đó biểu thị. Đó là:
- Xin lỗi: là “xin được tha thứ vì đã biết lỗi” hay “dùng để mở đầu lời nói một cách lịch sự khi có việc phải làm phiền tới người khác” [34,1470].
Ví dụ:
(108) Con xin lỗi mẹ vì đã làm mẹ buồn!
- Tạ lỗi: là “bày tỏ lòng biết ơn hay xin lỗi một cách trân trọng”
[34,1136].
Ví dụ:
(109) Xin tạ lỗi với anh!
- Cáo lỗi: là “xin lỗi, xin thứ lỗi” [34,157].
Ví dụ:
(110) Hôm qua gặp tôi nóng tính đã nói lời không phải với anh, xin cáo lỗi, cáo lỗi!
Khi khảo sát ngữ liệu, chúng tôi dựa theo tiêu chí của ba động từ này để xác định hành vi xin lỗi từ đó phân tích mục đích, cách sử dụng hành vi xin lỗi theo từng giới.
(2) Biểu thức ngữ vi xin lỗi
Căn cứ vào sự phân loại biểu thức ngữ vi, biểu thức ngữ vi xin lỗi cũng được chia ra thành hai loại là:
- Biểu thức xin lỗi tường minh: Là những biểu thức có chứa một trong các động từ ngữ vi thuộc nhóm xin lỗi động từ ngữ vi là xin lỗi, tạ lỗi, cáo lỗi…
Ví dụ:
(111) Em xin lỗi chị!
Đây là biểu thức xin lỗi trực tiếp có chứa động từ ngữ vi “xin lỗi”.
- Biểu thức ngữ vi xin lỗi nguyên cấp: Sử dụng biểu thức của hành vi khác để thực hiện hành vi xin lỗi.
Ví dụ:
(112) Hãy tha thứ cho anh nhé!
Đây là biểu thức ngữ vi xin lỗi nguyên cấp có chứa các dấu hiệu đặc trưng của hành động cầu khiến là phụ từ mệnh lệnh “hãy” và ngữ điệu cầu khiến (!), nhưng nó được phát ra nhằm đạt đến hiệu lực ở lời của hành vi xin lỗi, mặc dù nó không chứa động từ ngữ vi “xin lỗi”.
1.1.2.1. Tiếp nhận lời xin lỗi
Mọi HVNN đều đòi hỏi sự hồi đáp. Ngay như hành vi cảm thán người nói cũng mong muốn sự chia sẻ, cảm thông. Đáng sợ nhất là lời nói bị rơi vào khoảng trống.
Khi nhận được một hành vi xin lỗi từ người khác thì người tiếp nhận sẽ tùy vào những trường hợp khác nhau mà có những phản ứng tương thích với hành vi ngôn ngữ ấy. Do vậy, tương thích với HVXL trực tiếp và gián tiếp cũng có các kiểu tiếp nhận lời xin lỗi (TNLXL) trực tiếp và gián tiếp.
- TNLXL trực tiếp tùy thuộc vào các nhân tố như mức độ lỗi mà Sp1 gây ra cho Sp2, thái độ xin lỗi của Sp1 đối với Sp2, hình thức xin lỗi của Sp1, tính cách, tâm lí của Sp2... mà Sp2 có sự hồi đáp tương thích. Thường là theo hai hướng:
+ Tiếp nhận tích cực: Sp2 chấp nhận lời xin lỗi của Sp1, có thái độ vui vẻ...
Ví dụ:
(113) Con xin lỗi mẹ vì đã làm vỡ bát!
- Được rồi, may mà không bị đứt tay đấy.
Sp1 là con (ít tuổi) và Sp2 là mẹ (nhiều tuổi). Người con mắc lỗi là làm vỡ bát vì vậy xin mẹ tha lỗi.Thấy con biết sai và xin lỗi, người mẹ sẵn sàng tha thứ cho con mình. Hồi đáp của người mẹ đã thỏa mãn mong muốn của người con nên mang tính tích cực.
+ Tiếp nhận tiêu cực: Sp2 không chấp nhận lời xin lỗi của Sp1 hoặc tỏ vẻ khó chịu khi tiếp nhận lời xin lỗi của Sp1…
(114) Lừa dối cậu là tớ sai. Xin cậu hãy tha thứ cho tớ!
- Tớ không thể.
Sp1 và Sp2 có vai giao tiếp ngang nhau (cậu và tớ), Sp1 đã lừ dối Sp2 vì vậy xin Sp2 tha thứ cho mình. Nhưng Sp2 không tha thứ cho Sp1, hồi đáp này không thỏa mãn mong muốn của Sp1 nên mang tính tiêu cực.
- Kiểu TNLXL gián tiếp cũng tương tự như HVXL gián tiếp, nghĩa là cũng mượn các HVNN khác để đưa ra lời tiếp nhận ở dạng hàm ẩn.
Ví dụ:
(30) Bà đồ ngồi xuống chiếc chừng tre. Đào quỳ xuống đất gục đầu vào lòng mẹ thổn thức nói:
- Mẹ tha tội cho con! Con là đứa bất hiếu!
- Bà đồ nói:
Sao con hư đốn thế? Đời thủa con gái lại bỏ nhà, bỏ làng, bỏ xóm, bỏ bố mẹ ra đi!... [Hồn quê – Huy Cờ]
1.2. Một số vấn đề về giới