Phần B: Quyền Tự Do Ký Kết Hợp Đồng Kinh Tế Trong Cơ Chế Thị Trường
III. Quyền ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường
4. Thời kỳ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế (từ năm 1989 đến nay)
4.1 Các nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường
Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia quan hệ hợp đồng, bảo vệ lợi ích của xã hội, việc ký kết hợp đồng kinh tế phải tuân theo những nguyên tắc nhất định do pháp luật về hợp đồng kinh tế quy định. Đó là những tư tưởng chỉ đạo được ghi nhận trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Khi ký kết hợp đồng kinh tế các bên phải tuân thủ một cách triệt để. Nếu các bên không tuân thủ, hợp đồng kinh tế do các bên ký kết sẽ bị vô hiệu. Điều đó thể hiện sự can thiệp của Nhà nước vào những quan hệ hợp đồng kinh tế cụ thể. Nhưng Nhà nước chỉ can thiệp nếu các bên ký kết hợp đồng vi phạm những nguyên tắc ký kết hợp đồng mà pháp luật đã quy định tại Điều 3 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế: "Hợp đồng kinh tế được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản, và không trái pháp luật".
4.1.1 Nguyên tắc tự nguyện.
Hợp đồng kinh tế cũng như hợp đồng dân sự là sự thoả thuận của các bên tham gia ký kết, do đó việc ký kết hợp đồng kinh tế phải dựa trên cơ sở tự do ý chí của các bên. Điều đó có nghĩa là các bên tham gia quan hệ hợp đồng có quyền cùng nhau bày tỏ ý chí của mình. Việc bày tỏ ý chí đó hoàn toàn tự nguyện, là ý
muốn thực sự của các bên nhằm mục đích nhất định chứ không phải do sự áp đặt, ép buộc của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Quan hệ hợp đồng kinh tế chỉ hình thành và có giá trị nếu các bên thống nhất ý chí với nhau một cách tự nguyện.
Việc ký kết hay không ký kết một hợp đồng cụ thể nào đó là do người kinh doanh quyết định, vì đó là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Điều 4 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã quy định : "Ký kết hợp đồng kinh tế là quyền của các đơn vị kinh tế".
Quyền tự do hợp đồng bao gồm những nội dung chính thức sau : -Tự do lựa chọn bạn hàng.
-Tự do thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng (tức là tự do thoả thuận về đối tượng của hợp đồng, về số lượng, chất lượng, thời gian giao nhận hàng hoá, giá cả, tự do thoả thuận các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng …).
-Tự do lựa chọn thời điểm giao kết hợp đồng.
Trong nền kinh tế thị trường, về nguyên tắc Nhà nước không thể can thiệp trực tiếp vào quan hệ hợp đồng kinh tế như trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung và bao cấp trước đây. Vì trong nền kinh tế thị trường, mỗi đơn vị kinh tế là một người kinh doanh độc lập, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Họ phải hạch toán kinh doanh thực sự, lấy thu bù chi, đảm bảo có lãi, lời hưởng, lỗ chịu. Nhà nước không "bao cấp" cho họ nên không được can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của họ.
Người kinh doanh được quyền tự do giao kết hợp đồng kinh tế để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế chỉ bị giới hạn bởi các điều kiện sau đây :
-Việc ký kết hợp đồng kinh tế phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh đã đăng ký.
-Các bên không được lợi dụng quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế để hoạt động trái pháp luật.
-Việc ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh là bắt buộc, tức là các đơn vị kinh tế được Nhà nước giao cho chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh thì có nghĩa vụ ký kết hợp đồng kinh tế để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh đó.
Có thể coi nghĩa vụ ký kết hợp đồng kinh tế của các đơn vị kinh tế được Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh (các doanh nghiệp Nhà nước) là một trường hợp ngoại lệ, vì việc ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh không tuân theo quy tắc tự nguyện. Đây là một nét đặc thù trong pháp luật về hợp đồng kinh tế ở nước ta phù hợp với nền kinh tế thị trường với vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh. Các đơn vị kinh tế quốc doanh còn có thể được Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh và có nghĩa vụ ký kết hợp đồng kinh tế để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh đó. Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước nên có quyền can thiệp trực tiếp vào quan hệ hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp Nhà nước với nhau. Mục đích của sự can thiệp đó là nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối, toàn diện của nền kinh tế quốc dân, đáp ứng nhu cầu chung, nhu cầu cần thiết của toàn xã hội.
Việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh được quy định trong một văn bản pháp luật riêng. Đó là Quyết định số 18-HĐBT ngày 16/01/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh. Có thể nói, quan hệ hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh là quan hệ
"nội bộ" trong khu vực kinh tế quốc doanh. Vì chỉ có doanh nghiệp Nhà nước mới được Nhà nước giao chỉ tiêu pháp lệnh. Quan hệ đó chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi chỉ tiêu pháp lệnh tức là bởi ý chí của Nhà nước nên quan hệ đó không phải là quan hệ hợp đồng theo đúng nghĩa cua nó. Sở dĩ có hiện tượng như vậy, vì Nhà nước vẫn là chủ sở hữu duy nhất tài sản, vốn kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước.
4.1.2.Nguyên tắc cùng có lợi.
Trong nền kinh tế thị trường mỗi người kinh doanh là một đơn vị sản xuất, sản xuất hàng hoá độc lập. Các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng kinh tế xuất phát từ lợi ích riêng của mình. Do đó, trong mọi quan hệ hợp đồng kinh tế phải đảm bảo đồng thời lợi ích cho các bên. Các bên phải biết tôn trọng lợi ích của nhau. Không để cho lợi ích của bên kia lấn át lợi ích của mình và ngược lại, cũng không vì lợi ích của mình mà lấn át lợi ích của bạn hàng. Điều đó đòi hỏi các bên trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng kinh tế phải biết mình, biết người. Các bên phải cùng nhau bàn bạc để thoả thuận với nhau những điều khoản hợp đồng có lợi nhất cho cả hai bên, không được lừa dối chèn ép bạn hàng. Các bên ký kết hợp đồng cùng có lợi không có nghĩa là các bên có lợi ích như nhau hay bằng nhau mà mỗi bên có lợi ích riêng của mình. Lợi ích của các bên gắn liền với mục đích riêng của các bên trong quan hệ hợp đồng.
4.1.3.Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Quan hệ hợp đồng kinh tế là quan hệ giữa các chủ thể bình đẳng với nhau.
Các chủ thể có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng.
Điều kiện căn bản để hình thành hợp đồng như chúng ta đã biết là có sự thống nhất ý chí của các bên, tức là có sự tồn tại của một thoả thuận. Hợp đồng thể hiện ý chí của các bên. Do đó, trong quan hệ hợp đồng kinh tế bên nào cũng có quyền và nghĩa vụ. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể bao giờ cũng tương xứng với nhau. Quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Không một hợp đồng kinh tế nào chỉ một bên có quyền hoặc chỉ một bên có nghĩa vụ. Sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên thể hiện trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng kinh tế. Các bên đều có quyền đưa ra yêu cầu của mình và đều có quyền chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của bên kia, không bên nào có quyền ép buộc bên nào. Quan hệ hợp đồng kinh tế chỉ hình thành khi các bên thống nhất với nhau về các điều khoản hợp đồng.
Trong điều kiện của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, các chủ thể tham gia hợp đồng kinh tế rất đa dạng, việc ghi nhận nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong quan hệ hợp đồng kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo quyền bình đẳng về mặt pháp lý giữa các thành phần kinh tế trong hoạt động kinh doanh, tăng cường quan hệ hợp tác làm ăn giữa các đơn vị kinh tế của các thành phần kinh tế, khuyến khích sự phát triển và đa dạng hoá các quan hệ kinh tế trong nền kinh tế thị trường.
4.1.4.Nguyên tắc trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản.
Trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản có nghĩa là các bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế phải tự mình gánh vác trách nhiệm tài sản, gồm phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế, trừ trường hợp người bảo lãnh đứng ra chịu trách nhiệm thay. Các cơ quan cấp trên, các tổ chức kinh tế khác không thể đứng ra chịu trách nhiệm tài sản thay cho bên vi phạm.
4.1.5.Nguyên tắc không trái pháp luật.
Như ở phần trên chúng ta đã biết, các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế có quyền tự do thoả thuận các điều khoản của hợp đồng. Pháp luật hợp đồng kinh tế tôn trọng ý chí của các bên. Điều đó không có nghĩa là các bên muốn thoả
thuận với nhau như thế nào cũng được. Ý chí của các bên chỉ được tôn trọng nếu ý chí đó phù hợp với pháp luật. Có nghĩa là, các bên có quyền thoả thuận, nhưng mọi thoả thuận trong hợp đồng không được vi phạm các điều cấm của pháp luật mà phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Các bên không được lợi dụng quyền tự do ký kết hợp đồng để hoạt động trái pháp luật gây thiệt hại cho xã hội và các chủ thể khác. Nếu các bên thoả thuận trái với pháp luật thì các thoả thuận đó sẽ vô hiệu và có thể làm cho hợp đồng đó vô hiệu. Chẳng hạn, các bên thoả thuận với nhau về sản xuất hàng giả, chuyờn chở hàng cấm thỡ rừ ràng sự thoả thuận này không có giá trị.
Điều này thể hiện sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ hợp đồng nói chung và quan hệ hợp đồng của các nhà kinh doanh nói riêng. Các nhà kinh doanh có quyền tự do kinh doanh, tự do hợp đồng nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật. Quyền tự do nào cũng có giới hạn của nó, không thể tự do tuyệt đối.
Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ kỷ cương của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội.
4.2. Chủ thể của hợp đồng kinh tế và thẩm quyền ký kết hợp đồng