Giải pháp trong ký kết hợp đồng kinh tế

Một phần của tài liệu Quyền tự do kinh doanh trong thành lập doanh nghiệp và quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường ở VN (Trang 62 - 67)

Phần B: Quyền Tự Do Ký Kết Hợp Đồng Kinh Tế Trong Cơ Chế Thị Trường

IV. Thực trạng và một số giải pháp trong ký kết hợp đồng kinh tế của doanh nghiệp

2. Giải pháp trong ký kết hợp đồng kinh tế

Thứ nhất : Đối với nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế

Sau khi đã thiết lập quan hệ hợp đồng, các bên phải thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ thì sẽ phải chịu trách nhiệm tài sản. Do đó trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản không phải là nguyên tắc ký kết hợp đồng mà là hậu quả pháp lý của việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và không đúng hợp đồng kinh tế.

Có lẽ không có luật nước nào quy định "Trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản" là nguyên tắc ký kết hợp đồng cả dù đó là hợp đồng gì đi nữa.Và cũng không nên quy định "cùng có lợi" là nguyên tắc khi ký kết hợp đồng kinh tế.Vì có lợi hay không là do các bên tự quyết định, không ai bắt buộc họ ký kết hợp đồng khi họ

thấy không có lợi. Còn trong trường hợp họ thiếu kiến thức mà không có lợi trong việc ký kết hợp đồng nào đó thì đây không phải là lỗi của bên cùng ký kết. Bên không có lợi không thể yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu được. Do đó không nên quy định nguyên tắc cùng có lợi là nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế.

Bộ Luật Dân sự nước ta cũng chỉ quy định 2 nguyên tắc ký kết hợp đồng tại Điều 395 là :

"1.Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức và xã hội

2.Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng".

Việc ký kết hợp đồng kinh tế cũng phải triệt để tuân theo nguyên tắc đó.

Thiết nghĩ rằng có thể xác định lại các nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế theo hướng đó hoặc có thể không cần thiết phải quy định nữa mà áp dụng các nguyên tắc ký kết hợp đồng dân sự. Pháp luật về hợp đồng kinh tế không nhất thiết phải có những quy định về các nguyên tắc ký kết hợp đồng khi Bộ Luật Dân sự đã quy định và các nhà làm luật không tìm ra nguyên tắc nào đặc trưng cho việc ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Không nên quy định các nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế khác với các nguyên tắc ký kết hợp đồng dân sự một cách miễn cưỡng, gượng ép, không cần thiết làm cho các quy định đó trở thành hình thức, giáo điều.

Thứ hai: Đối với chủ thể của hợp đồng kinh tế.

Để khắc phục tỡnh trạng trờn, cần phải cú quan điểm rừ ràng về hợp đồng kinh tế và xác định chủ thể của hợp đồng kinh tế một cách khoa học, toàn diện và đầy đủ hơn. Như ở phần bản chất của hợp đồng kinh tế đã phân tích. Hợp đồng được ký kết giữa tất cả các chủ thể kinh doanh nhằm phục vụ hợp đồng kinh doanh đều phải được coi là hợp đồng kinh tế, không phụ thuộc vào yếu tố một trong các bên có tư cách pháp nhân hay không, vì không có tư cách pháp nhân thì doanh nghiệp tư nhân vẫn là một chủ thể kinh doanh. Đã là chủ thể kinh doanh thì họ phải là chủ thể ký kết hợp đồng kinh tế và là chủ thể của hợp đồng kinh tế.

Thật là không logic khi hợp đồng được ký kết giữa hai cá nhân có đăng ký kinh doanh hay giữa hai doanh nghiệp tư nhân có đăng ký kinh doanh lại không được coi là hợp đồng kinh tế, trong khi chúng ta vẫn cho rằng hợp đồng kinh tế là hợp đồng có mục đích kinh doanh để phân biệt nó với hợp đồng dân sự có mục đích tiêu dùng.

Do vậy, nên quy định là : Người có thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế cho pháp nhân là đại diện theo pháp luật của pháp nhân hay đại diện theo sự uỷ quyền. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chính là người đứng đầu của pháp nhân (hay còn gọi là đại diện đương nhiên, đại diện chính thức). Đại diện theo sự uỷ quyền là người đại diện theo pháp luật uỷ quyền. Đại diện hợp pháp sẽ bao gồm cả đại diện theo pháp luật và đại diện theo sự uỷ quyền. Nhưng đại diện theo pháp luật khác đại diện theo sự uỷ quyền ở chỗ : đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền đại diện cho pháp nhân trong mọi quan hệ liên quan đến pháp nhân, còn đại diẹn theo sự uỷ quyền chỉ được đại diện cho pháp nhân trong những việc được uỷ quyền. Hiểu như vậy sẽ chính xác và đầy đủ hơn. Do vậy không nên quy định đại diện hợp pháp chỉ là người đứng đầu của pháp nhân như hiện nay.

Thứ ba: Định hướng hoàn thiện pháp luật về hợp đồng.

Trong tương lai, cần xoá bỏ sự phân biệt giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự như những khái niệm khoa học bởi một số nguyên nhân sau đây:

-Nội dung của quan hệ hợp đồng kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thị trường đã thay đổi cơ bản. Tính kế hoạch mà thực chất là tính áp đặt của các quan hệ hợp đồng này đã không còn nữa. Ngày nay, không phải kế hoạch của Nhà nước mà chính nhu cầu của thị trường là cơ sở cho việc hình thành quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể kinh doanh. Tóm lại, tính tự nguyện đã thay thế cho tính bắt buộc của các quan hệ này. Sự mất đi tính kế hoạch (tính bắt buộc) của quan hệ hợp đồng kinh tế đã làm cho nó gần gũi hơn với quan hệ hợp đồng dân sự.

-Hiện nay, nguyên tắc tự do kinh doanh đã được pháp luật ghi nhận và thựchiện trong cuộc sống. Kết quả là, thành phần các chủ thể tham gia kinh doanh đã được mở rộng một cách đáng kể. Các doanh nghiệp Nhà nước,các hợp tác xã với tư cách là chủ thể cơ bản, chủ yếu, truyền thống của quan hệ hợp đồng kinh tế đã không còn giữ vị trí độc tôn trong hoạt động kinh doanh như trước đây. Như vậy, "thành phần chủ thể đặc biệt" với tư cách là một dấu hiệu cơ bản của khái niệm hợp đồng kinh tế đã không còn nữa. Vì vậy, ý tưởng xoá bỏ khái niệm hợp đồng kinh tế như là một loại hợp đồng dành riêng cho các chủ thể kinh doanh XHCN là một điều rất đáng được ủng hộ.

-Việc xoá bỏ pháp luật về hợp đồng kinh tế sẽ khắc phục được hầu hết các khó khăn, vướng mắc mà chúng ta từng gặp phải trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng, cũng như trong quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này. Cụ thể là : khi ký kết hợp đồng trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể nào

đó thì trước hết, các bên phải vận dụng các quy định của pháp luật về lĩnh vực ấy (nguyên tắc ưu tiên áp dụng các quy định riêng, quy định đặc thù); nếu thiếu các quy định riêng, đặc thù đó thì được vận dụng các quy định về hợp đồng được ghi nhận trong Bộ Luật Dân sự. Khi xét xử cũng vậy, nếu thiếu các quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật chuyên ngành thì Toà án, Trọng tài sẽ vận dụng các quy định trong Bộ luật Dân sự để xử lý các vấn đề phát sinh. Tóm lại, trong điều kiện không có một hệ thống pháp luật về hợp đồng kinh tế thì việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn sẽ nhanh gọn và dễ dàng hơn nhiều, tránh được những ách tắc không cần thiết do sự có mặt của nó gây ra.

-Xoá bỏ pháp luật về hợp đồng kinh tế sẽ làm cho hệ thống pháp luật về hợp đồng của Việt Nam trở về với quỹ đạo chung của thế giới là trong mối quan hệ với Bộ luật Dân sự thì các quy định về hợp đồng trong mọi lĩnh vực hoạt động cụ thể đều chỉ là các quy định có tính chất chuyên nghành. Nói cách khác, mối quan hệ chung-riêng giữa chúng sẽ được xác lập một cách chính thức. Đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay. Pháp luật Việt Nam không chỉ thể hiện được các đặc thù của nền kinh tế-xã hội Việt Nam mà còn phải thể hiện cả những thông lệ, những quy định có tính chất chung đã được nhiều nước thừa nhận. Không tuân thủ nguyên tắc này thì chúng ta, về mặt lập pháp, đã tự gây trở ngại cho chính mình trong việc hội nhập khu vực và quốc tế như một tiền đề để phát triển đất nước./.

Thay lời kết luận

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp là hạt nhân, Luật pháp về doanh nghiệp ở Việt Nam đã có bước phát triển mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, tạo ra môi trường pháp lý mới thuận lợi, thông thoáng, an toàn và hấp dẫn hơn đối với người đầu tư. Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế được giải phóng, quyền của người dân được khẳng định. Đây là điều có ý nghĩa quyết định để phát huy nội lực, khơi dậy tiềm lực sáng tạo, khuyến khích tinh thần kinh doanh trong nhân dân, thúc đẩy toàn dân làm giàu cho đất nước mình.

Mặc dù trong quá trình thực hiện cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước, các văn bản này đã xuất hiện những bất cập, hạn chế. Nhưng khi chúng được khắc phục, hoàn thiện, tôi tin tưởng rằng chúng sẽ phát huy được tính ưu việt vốn có của mình tạo ra môi trường thông thoáng cho kinh doanh, giảm thiểu được rủi ro cho nhà đầu tư, phát huy mạnh mẽ các nguồn nội lực để phát triển đất nước và tăng thêm niềm tin, tính sáng tạo của nhân dân, doanh nghiệp trong thiên niên kỷ mới.

Một phần của tài liệu Quyền tự do kinh doanh trong thành lập doanh nghiệp và quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường ở VN (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w