Chủ thể của hợp đồng kinh tế và thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế

Một phần của tài liệu Quyền tự do kinh doanh trong thành lập doanh nghiệp và quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường ở VN (Trang 56 - 60)

Phần B: Quyền Tự Do Ký Kết Hợp Đồng Kinh Tế Trong Cơ Chế Thị Trường

III. Quyền ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường

4. Thời kỳ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế (từ năm 1989 đến nay)

4.2. Chủ thể của hợp đồng kinh tế và thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế

4.2.1.Chủ thể của hợp đồng kinh tế

Chủ thể của hợp đồng kinh tế là các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế Điều 2 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế quy định: "Hợp đồng kinh tế được ký kết giữa các bên sau đây:

a. Pháp nhân với pháp nhân;

b. Pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật".

Mặc dù pháp nhân và cá nhân có đăng ký kinh đoanh đều có thể là chủ thể của hợp đồng kinh tế, nhưng ít nhất phải có một bên là pháp nhân còn bên kia có thể là cá nhân hoặc pháp nhân có đăng ký kinh doanh. Hợp đồng được ký kết giữa hai cá nhân có đăng ký kinh doanh nhằm mục đích kinh doanh không được coi là hợp đồng kinh tế, vì không có một bên là pháp nhân. Ngay cả trường hợp hai doanh nghiệp tư nhân ký hợp đồng với nhau để thực hiện hoạt động kinh doanh

cũng vẫn không được coi là hợp đồng kinh tế, vì doanh nghiệp tư nhân cũng không có tư cách pháp nhân.

Điều 42 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế còn công nhận cả một số cá nhân không có đăng ký kinh doanh (tức là không phải chủ thể kinh doanh) cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng kinh tế: "Các quy định của pháp lệnh này có thể được áp dụng trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa các pháp nhân với người làm công tác khoa học-kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể".

Ngoài ra, các tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt nam cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng kinh tế như quy định tại Điều 43 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế: "Các quy định của Pháp lệnh này được áp dụng trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa pháp nhân Việt nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt nam".

Như vậy, phạm vi chủ thể của hợp đồng kinh tế là rất rộng nhưng pháp lệnh hợp đồng kinh tế lại chỉ công nhận một hợp đồng là hợp đồng kinh tế khi có ít nhất một bên tham gia là pháp nhân, do đó phạm vi của hợp đồng kinh tế đã bị thu hẹp lại. Dẫn đến một số hợp đồng đã bị loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh của hợp đồng kinh tế mà bản chất của những hợp đồng này là hợp đồng kinh tế.

4.2.2. Thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế.

Một vấn đề liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng kinh tế là đại diện ký kết hợp đồng kinh tế. Ở đây muốn nói ai là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế. Thông thường các doanh nghiệp ít quan tâm đến vấn đề về thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế bởi vì nhiều khi tham gia ký kết hợp đồng các bên đã biết nhau và các bên thường tin tưởng rằng họ đang đàm phán với những người có thẩm quyền cần thiết trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng. Đôi khi, các bên thấy rằng họ không nên đặt vấn đề tìm hiểu về thẩm quyền của phía đối tác, vì dường như làm như vậy là không lịch sự, không tôn trọng nếu đòi hỏi bạn hàng những chứng cứ xác nhận thẩm quyền của họ. Nhưng nếu hợp đồng kinh tế ký kết với người không đúng thẩm quyền thì hợp đồng kinh tế đó sẽ vô hiệu.

Theo Điều 9 Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế quy định: "Người ký kết hợp đồng kinh tế phải là đại diện hợp pháp của pháp nhân hoặc người đứng tên đăng ký kinh doanh.

Đại diện hợp pháp của pháp nhân hoặc người đứng tên đăng ký kinh doanh có thể uỷ quyền bằng văn bản cho người khác thay mình ký kết hợp đồng kinh tế.

Người được uỷ quyền chỉ được ký hợp đồng kinh tế trong phạm vi được uỷ quyền và không được uỷ quyền lại cho người thứ ba".

Và theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 17- HĐBT ngày 16/01/1990 của Hội đồng bộ trưởng Quy định chi tiết pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì: "Mỗi bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế chỉ cần một đại diện để ký kết hợp đồng kinh tế."

Đại diện hợp pháp gồm có: đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền.

Thứ nhất: Đại diện theo pháp luật.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 17- HĐBT ngày 16/01/1990 của Hội đồng bộ trưởng Quy định chi tiết pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định: "Đại diện hợp pháp của pháp nhân là người được bổ nhiệm hoặc được bầu vào chức vụ đứng đầu pháp nhân đó và đương giữ chức vụ đó". Người đại diện hợp pháp của pháp nhân chỉ được ký kết hợp đồng kinh tế trong phạm vi thẩm quyền đại diện do pháp luật hoặc điều lệ pháp nhân quy định. Như vậy, người đứng đầu pháp nhân là người đại diện đương nhiên theo pháp luật của pháp nhân, người phó không phải là người đại diện hợp pháp của pháp nhân, do đó khi tham gia ký kết hợp đồng kinh tế người phó cũng phải được sự uỷ quyền của người đứng đầu pháp nhân.

Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp không trực tiếp làm giám đốc doanh nghiệp, mà thuê người khác làm giám đốc thì giám đốc doanh nghiệp là đại diện cho doanh nghiệp theo hợp đồng trách nhiệm giữa chủ doanh nghiệp với người được thuê làm giám đốc và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nếu là các cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy đình của pháp luật tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế thì người ký kết hợp đồng kinh tế phải là người đứng tên xin giấy phép kinh doanh, được cấp giấy phép kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong tất cả các trường hợp, không bắt buộc kế toán trưởng phải cùng ký vào hợp đồng. Trên thực tế có một số doanh nghiệp quy định kế toán trưởng phải ký vào hợp đồng kinh tế để đảm bảo tính khả thi, việc quy định này là quyền của người đứng đầu pháp nhân và không trái pháp luật.

Trong trường hợp một bên ký kết hợp đồng kinh tế là người làm công tác khoa học kỹ thuật, nghệ nhân thì người ký kết hợp đồng kinh tế phải là người trực tiếp thực hiện công việc trong hợp đồng. Nếu có nhiều người cùng làm thì người ký vào hợp đồng kinh tế phải do những người cùng làm cử ra bằng văn bản trong đó có chữ ký của tất cả những người đó và phải đính kèm theo hợp đồng kinh tế.

Trong trường hợp một bên là hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể thì đại diện phải là chủ hộ. khi một bên là tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (không có tư cách pháp nhân) thì đại diện tổ chức đó phải được uỷ quyền bằng văn bản của pháp nhân thành lập ra tổ chức tại Việt Nam. Nếu là cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì bản thân họ phải là người ký kết các hợp đồng kinh tế.

Thứ hai: Đại diện theo uỷ quyền.

Như trên ta đã biết,nếu như người đại diện theo pháp luật không tham gia ký kết hợp đồng được thì có thể uỷ quyền bằng văn bản cho người khác thay mình ký kết hợp đồng kinh tế, và người được uỷ quyền thì không được uỷ quyền lại cho người thứ ba. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng kinh tế ký kết dưới hình thức tài liệu giao dịch và những hợp đồng kinh tế mà pháp luật quy định phải đăng ký thì không được uỷ quyền trong việc ký kết hợp đồng.

Đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho bất kỳ cá nhân nào có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (trong hoặc ngoài cơ quan). Đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của người được uỷ quyền như chính mình đã thực hiện, nếu người được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền.

Uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật quy định.

Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản. Đối với doanh nghiệp có con dấu riêng khi uỷ quyền không phải cộng chứng tại cơ quan công chứng Nhà nước hoặc chứng nhận của uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyển trừ những trường hợp đặc biệt pháp luật có quy định hoặc các bên có thoả thuận khác. Cá nhân có đăng ký kinh doanh khi uỷ quyền phải làm thành văn bản và phải có chứng thực của cơ quan công chứng Nhà nước hoặc chứng nhận của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Văn bản uỷ quyền phải được ghi rừ: họ tờn, chức vụ, nơi làm việc, giấy chứng minh nhân dân của người được uỷ quyền, phạm vi uỷ quyền, thời hạn uỷ quyền.

Văn bản uỷ quyền được chia làm hai loại: uỷ quyền thường xuyên và uỷ quyền vụ việc.

Loại một: Uỷ quyền thường xuyên là việc người có quyền giao cho người khác thay mặt mình thực hiện một hoặc một số loại việc trong khoảng thời gian có hạn định hoặc không có hạn định.

Loại hai: Uỷ quyền theo vụ việc là việc người có quyền giao cho người khác thay mặt mình thực hiện một số việc cụ thể, trong khoảng thời gian nhất định.

Như vậy, chủ thể của hợp đồng kinh tế trong thời kỳ này có thể là các đơn vị kinh tế được Nhà nước trực tiếp giao các chỉ tiêu pháp lệnh theo quy định của pháp luật, hoặc có thể là các đơn vị kinh doanh ký kết với nhau nhằm phục vụ lợi ích của các bên(một bên phải là pháp nhân). Trong điều kiện nền kinh tế mới bước đầu xây dựng phương thức quản lý theo cơ chế thị trường thì việc quy định chủ thể của hợp đồng kinh tế như trên được coi là cần thiết, phù hợp.

Một phần của tài liệu Quyền tự do kinh doanh trong thành lập doanh nghiệp và quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường ở VN (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w