1.2.1.1 Khái niệm
Hộ sản xuất là đơn vị kinh tế tự chủ, trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh, là chủ thể trong mọi quan hệ sản xuất kinh doanh. Hộ sản xuất không đơn thuần chỉ là các hộ gia đình tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phạm vi hộ sản xuất mở rộng ra cả các tổ chức kinh kế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nông – lâm ngư – ngư – nghiệp.Vì vậy mà hộ sản xuất mang nhiều sắc thái kinh tế khác nhau, giàu nghèo địa dư hành chính cũng khác nhau; quy mô sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý khác nhau.
Hộ sản theo Quy định tại Điều 1 Nghị định số 14/CP, ngày 02/3/1993 của Chính phủ ban hành quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông – lâm – ngư – diêm nghiệp và kinh tế nông thôn: “ Hộ sản xuất bao gồm các hộ nông dân, hộ tư nhân cá thể, công ty cổ phần, các tổ chức hợp tác và các doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trong các ngành nông – lâm – ngư – diêm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn”
Hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh hộ ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về vốn. Với một nước có nền nông nghiệp thủ công,sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nhưng chiếm đến 80% trong cơ cấu các ngành kinh tế của đất nước thì cơ giới hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp nông thôn đang là đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế. Để làm được điều này,
cần phải có sự hỗ trợ của các Ngân hàng thương mại trong việc cung cấp nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp – nông thôn. Thông qua hoạt động cho vay hộ, các thành phần của khu vực kinh tế nông nghiệp – nông thôn mới có thể tiếp cận được nguồn vốn một cách chủ động, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Cho vay hộ sản xuất – kinh doanh là một bộ phận trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, đối tượng khách hàng là hộ sản xuất kinh doanh, bao gồm các hộ nông dân, hộ tư nhân cá thể, tổ hợp tác hay các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần hoạt động sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực Nông nghiệp (nông – lâm – ngư – diêm).
1.2.1.2 Đặc điểm
Bản thân các chủ thể hộ sản xuất là các hộ nông dân, tư nhân hay các tổ hợp tác hoặc các doanh nghiệp nhà nước. Nhìn chung, đây là các đối tượng không sẵn vốn, trông chờ vào nguồn vốn vay để có thể thực hiện được các dự án kinh doanh của mình. Như vậy, cho vay hộ sản xuất là hoạt động có nhu cầu tương đối lớn, thực sự có ý nghĩa đối với nền kinh tế hộ sản xuất. Mặc dù vậy, các món vay thường nhỏ, lẻ chỉ có số lượng khoản vay là lớn vì các dự án kinh doanh thường nhỏ, không cần quá nhiều vốn. Các hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng lớn từ các điều kiện tự nhiên nên trong quá trình sản xuất kinh doanh, người sản xuất kinh doanh vay vốn Ngân hàng gặp phải rủi ro như nắng hạn kéo dài, mưa lũ, chăn nuôi bị dịch bệnh... không được thu hoạch, không có vốn trả nợ vốn vay đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay của Ngân hàng thương mại. Như vậy có thể thấy đây là một hoạt động khá rủi ro đối với ngân hàng.
1.2.1.3 Vai trò
Đối với sự phát triển kinh tế hộ sản xuất:
Tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển kinh tế hộ nói riêng. Đặc biệt đối với một nước nông nghiệp truyền thống vai trò tín dụng ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế hộ càng thể hiện rừ nột:
- Tạo ra chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế, gắn với phân công lại lao động ở nông thôn: Nếu trước đây người nông dân chủ yếu là trồng cây lương thực với truyền thống là cây lúa nước thì ngày nay nhờ có nguồn vốn tín dụng mà nông dân đã mạnh dạn đầu tư vào cây công nghiệp, cây ăn quả, bên cạnh đó vốn tín dụng còn giúp người nông dân chuyển dịch lao động nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn tạo ra công ăn việc làm và tăng thu nhập. Ở đây vai trò của nguồn vốn tín dụng còn thể hiện được việc thực hiện tốt các chủ trương đường lối về phát triển Nông – Lâm – Ngư – Diêm nghiệp của Đảng và Chính phủ. Trực tiếp giúp các hộ sản xuất phát huy được tính tự chủ năng động sáng tạo, xuất phát từ nguyên tắc của tín dụng ngân hàng là tiền vay phải trả đúng kỳ cả gốc và lãi. Hộ sản xuất khi được cấp tín dụng đều phải chủ động sử dụng vốn có hiệu quả, trong quá trình sản xuất kinh doanh phải không ngừng đổi mới và áp dụng những thành tựu khoa học trong nông nghiệp để làm tăng năng suất cây trồng vật nuôi. Từ đó tạo ra sự phát triển vững chắc kinh tế nông thôn, giúp cho người dân nâng cao dân trí, kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh doanh, đưa nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Tín dụng ngân hàng góp phần rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị, xoá bỏ phân hoá giàu nghèo, đưa nông thôn tiến kịp thành thị:
- Tín dụng ngân hàng chủ động khai thông nguồn vốn trong dân cư đồng thời cũng không ngừng đáp ứng nhu cầu về vốn để tập trung sản xuất theo kiểu phát triển hàng hoá và trên cơ sở đó có được thị trường, sức cạnh
tranh góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống. Nếu chỉ trông chờ vào vốn của nhà nước thì không đủ vốn để đầu tư vào các công trình thuộc kết cấu hạ tầng ở các địa bàn nông thôn. Tín dụng ngân hàng góp phần không nhỏ vào việc khôi phục, hoàn thiện và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, tạo sự biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế xã hội nông thôn cả về chất và lượng.
- Tín dụng ngân hàng tạo ra những mô hình kinh tế mới ở nông thôn.
Kinh tế hộ là đơn vị kinh tế có sự kết hợp hài hoà giữa sản xuất với xã hội, giữa phương thức sản xuất, quy mô sản xuất, điều kiện sản xuất với lực lượng cụ thể của gia đình. Nhiều hộ đã tích tụ và tìm kiếm được vốn (vốn tín dụng ngân hàng) đã đầu tư mua sắm máy móc để sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản, đầu tư vào chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn. Nhiều hộ đầu tư vào khai hoang phục hoá, nhận đất trồng, đồi núi trọc để trồng và kinh doanh cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây công nghiệp. Một số hộ nhận trao đổi chuyển nhượng ruộng đất để có ruộng đất liền vùng, liền khoanh với diện tích lớn hơn để đi vào tổ chức sản xuất hàng hoá trang trại.
Cũng nhờ có các hình thức đầu tư của nguồn vốn tín dụng: cho vay trực tiếp cho hộ, cho vay tổ hợp tác, cho vay hộ thông qua tổ vay vốn, thông qua doanh nghiệp Nông - Lâm - Ngư - Diêm nghiệp nhà nước... mà kinh tế hộ và kinh tế hộ nông trường liên kết với kinh tế quốc doanh, hợp tác xã, đã tạo ra các vùng sản xuất hàng hoá lớn.
Ngoài ra tín dụng ngân hàng còn góp phần xoá bỏ hình thức cho vay nặng lãi đã tồn tại khá phổ biến từ xưa tới nay ở nông thôn.
Qua nhiều năm đổi mới vốn tín dụng đã đi vào từng làng quê, từng ngành nghề, từng gia đình... nó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo những quan hệ lành mạnh về kinh tế xã hội... hạn chế được những mặt tiêu cực: cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Tóm lại: qua nghiên cứu chúng ta thấy tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng và nhạy cảm trong việc phát triển nông nghiệp nông thôn và kinh tế hộ sản xuất. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng góp phần đáng kể vào việc giải quyết vấn đề nông nghiệp nông thôn đang là mối quan tâm hàng đầu của cả nước.
Đối với Ngân hàng thương mại:
Là một bộ phận của hoạt động cho vay, cho vay hộ sản xuất mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho Ngân hàng thương mại và thực hiện nhiệm vụ của ngân hàng thương mại đối với nền kinh tế. Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào thì lợi nhuận là động lực, là mục tiêu cũng như là điều kiện để tiếp tục duy trì hoạt động. Ngân hàng thương mại cũng không là ngoại lệ. Thu nhập chính của ngân hàng thương mại chính là tiền lãi từ hoạt động cho vay, trong đó có cho vay hộ sản xuất. Thu nhập này dùng để chi trả cho rất nhiều các khoản chi của ngân hàng bao gồm chi phí hoạt động tín dụng (trả lãi cho các khoản huy động, trả lãi tiền vay, chi phí phát hành giấy tờ có giá), chi phí hoạt động dịch vụ ( dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, môi giới,...), chi phí cho nhân viên bao gồm lương, phụ cấp, trang phục,..., và các chi phí quản lý, dự phòng, mua sắm tài sản cố định,... Như vậy có thể thấy vai trò hết sức quan trọng của hoạt động cho vay đối với sự tồn tại và phát triển của ngân hàng thương mại.
1.2.2 Phân loại và quy trình cho vay hộ sản xuất
Cho vay hộ sản xuất là một bộ phận trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Do đó, quy trình cho vay hộ sản xuất cũng được tuân theo sáu bước của quy trình cho vay, phân loại cho vay hộ sản xuất được chia theo các tiêu chí: thời hạn vay, hình thức bảo đảm và nguồn gốc khoản vay giống như hoạt động cho vay nói chung.