1.3 Hiệu quả cho vay hộ sản xuất
1.3.3 Các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả cho vay hộ sản xuất của Ngân hàng thương mại
Hiệu quả cho vay của ngân hàng thương mại phụ thuộc không chỉ vào các nhân tố chủ quan thuộc về bản thân ngân hàng mà còn phụ thuộc vào các yếu tố xuất phát từ các đối tượng khách hàng và từ nền kinh tế.
Các nhân tố chủ quan:
Hiệu quả cho vay hộ sản xuất phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển của ngân hàng, chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác thẩm định, giám sát tín dụng.
Chiến lược kinh doanh quyết định tỷ trọng của cho vay hộ sản xuất trong danh mục cho vay của ngân hàng. Mỗi ngân hàng đều xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực và nhiệm vụ của mình.
Việc xây dựng chiến lược kinh doanh là cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, trong đó có ngân hàng thương mại, nó giúp cho ngân hàng phát triển có
định hướng và phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Một trong những mục tiêu của xây dựng chiến lược kinh doanh là xác định chỉ tiêu cơ cấu, tỷ trọng của các hoạt động trong danh mục kinh doanh của ngân hàng. Điều đó có nghĩa là, bản thân mỗi ngân hàng có kiểm soát về quy mô hoạt động cho vay hộ sản xuất thông qua kế hoạch chiến lược kinh doanh mình đề ra.
Chất lượng đội ngũ cán bộ tác động đến cả quy mô và chất lượng của hoạt động tín dụng. Tuỳ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực làm tín dụng ngân hàng mà chất lượng của các khoản cho vay là khác nhau. Kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm của nhân viên ngân hàng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của các khoản tín dụng. Với khả năng của mình các cán bộ ngân hàng sẽ có những phương pháp để lấy những thông tin chính xác và đầy đủ từ phía khách hàng, từ đó đánh giá đúng một dự án là tốt hay xấu để đưa ra quyết định nên cho vay hay không. Ngoài ra đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của khoản tín dụng.
Nhân tố khách quan:
Là đối tượng trực tiếp tham gia vào quan hệ tín dụng với ngân hàng, khách hàng là xuất phát của nhóm yếu tố mà tác động không chỉ đến chất lượng các khoản cho vay mà còn quyết định cả nhu cầu vay vốn từ ngân hàng, từ đó quyết định doanh số cho vay của ngân hàng. Trong cho vay hộ sản xuất, năng lực thị trường của hộ sản xuất là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến nhu cầu vay vốn của khách hàng. Năng lực thị trường biểu hiện ở khối lượng của sản phẩm tiêu thụ, chất lưọng sản phẩm có đáp ứng nhu cầu thị trường không, vị trí hộ sản xuất trên thị trường ra sao, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của hộ sản xuất, mối quan hệ với các bạn hàng, đối tác. Năng lực thị trường càng cao, nhu cầu đầu tư càng lớn, gia tăng doanh số cho vay hộ sản xuất cho ngân hàng, đồng thời rủi ro thị trường của hộ sản xuất càng
nhỏ là một nhân tố nâng cao chất lượng tín dụng. Liên quan đến vấn đề gia tăng doanh số cho vay, tài sản thế chấp cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến khả năng mở rộng hoạt động này. Các đối tượng khách hàng có thể có nhu cầu rất lớn về vốn, dự án cũng rất khả thi nhưng việc sở hữu lượng tài sản có thể thế chấp cho một món vay lớn không phải là điều kiện dễ dàng với mọi khách hàng. Tài sản thế chấp ngoài việc nâng cao ý thức trách nhiệm cho người đi vay còn là nguồn trả nợ thứ hai trong trường hợp không trả được nợ.
Khả năng tài chính của khách hàng chính là nguồn trả nợ cho các khoản vay của ngân hàng. Nếu một khách hàng có thu nhập thường xuyên và ổn định thì khả năng trả nợ của khách hàng sẻ càng lớn. Ngoài ra, đạo đức của khách hàng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khoản tín dụng, nếu một khách hàng có khả năng tài chính tốt nhưng ý thức trách nhiệm đối với khoản vay không tốt, thậm chí cố tình chây ì hay tìm cách lừa đao chiếm dụng vốn của ngân hàng.
Nhóm nhân tố thứ ba, nằm ngoài mối quan hệ tín dụng ngân hàng nhưng cũng có sức ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả cho vay hộ sản xuất, chính là môi trường kinh tế, pháp lý và chính trị xã hội.
Môi trường kinh tế phát triển có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng. Môi trường kinh tế lành mạnh, các chủ thể tham gia nền kinh tế đang hoạt động có hiệu quả sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô tín dụng, chất lượng hoạt động tín dụng cũng được nâng lên.Bên cạnh đó môi trường kinh tế cũng có thể có những thay đổi bất ngờ, ví dụ như những thay đổi về lãi suất, những biến động về tỷ giá, biến động về thị trường... Như vậy chất lượng hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại sẽ chịu ảnh hưởng của môi trường kinh tế mà nó hoạt động, vấn đề đối với các ngân hàng là làm tốt công tác dự báo và khả năng thích ứng nhanh khi có biến động nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động tín dụng.
Ngân hàng thương mại khi hoạt động phải tuân thủ đầy đủ các quy định về pháp luật của nhà nước, như vậy môi trường pháp lý có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Một hệ thống pháp lý đầy đủ, đồng bộ và ổn định sẽ giúp các ngân hàng thương mại dễ dàng hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình, góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của các ngân hàng thươg mại.
Môi trường chính trị ổn định sẽ là một nhân tố quan trọng thúc đẩy hoạt động đầu tư vào ngân hàng cũng có thể mạnh dạn mở rộng hoạt động tín dụng của mình. Điều này giúp cho ngân hàng có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn từ hoạt động tín dụng. Tác động của môi trường chính trị xã hội tới chất lượng hoạt động tín dụng không thường xuyên, nhưng khi có những biến động về chính trị tác động của nó tới các ngân hàng là vô cùng lớn. Một sự thay đổi trong hệ thống chính trị có thể làm cho các ngân hàng mất phần lớn toàn bộ các khoản tín dụng của mình, điều này sẽ đẩy các ngân hàng đến bờ vực của sự phá sản.
1.3.4 Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả cho vay hộ sản xuất