1.2.3. Nội dung thẩm định tài chính dự án trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại
1.2.3.4. Thẩm định chi phí (toàn bộ hoạt động của dự án), doanh thu (dự kiến), và dòng tiền của dự án
- Thẩm định các khoản mục chi phí:
Các khoản chi phí biến đổi gồm: nguyên vật liệu, nhiên liệu, bao bì, bán thành phẩm, dịch vụ mua ngoài, điện, nước, phụ tùng…Đối với khoản mục chi phí này, ngân hàng tiến hành thẩm định nhu cầu, chính sách XNK nguyên vật liệu, những biến động về giá cả của từng loại, để đánh giá khả năng tự chủ về vật tư đầu vào của dự án và xác định chi phí dự tính đối với dự án trên cơ sở căn cứ là định mức kinh tế kỹ thuật của từng ngành mà dự án hoạt động, các chế độ chính sách của Nhà nước.
Chi phí nhân công trực tiếp và quản lý gồm: Lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp và các khoản thu nhập khác của người lao động…Đối với
khoản mục này ngân hàng tiến hành thẩm định về phương diện tổ chức, quản lý thực hiện dự án, như số lượng lao động dự án cần, những đòi hỏi vè tay nghề, trình độ kỹ thuật, kế hoạch đào tạo, cơ cấu tổ chức…giúp cho việc xác định được chi phí lao động trực tiếp, chi phí bán hàng, chi phí quản lý của chủ đầu tư đối với dự án.
Chi phí lãi vay, khấu hao tài sản cố định: Đối với những khoản mục chi phí này, ngân hàng căn cứ vào kết quả thẩm định tính khả thi của nguồn vốn, cơ cấu vốn đầu tư để xác định chi phí vay vốn cố định, chi phí vay vốn lưu động và kế hoạch khấu hao tài sản cố định phải trích hàng năm. Khấu hao là một chỉ tiêu tài chính rất nhạy cảm nó ảnh hưởng lớn đến tình trạng tài chính của dự án. Do đó việc xác định phương pháp khấu hao hợp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động và khả năng trả nợ của dự án.
Ngoài ra ngân hàng còn tiến hành dự tính các khoản chi phí khác như chi phí quản lý phân xưởng, chi phí sửa chữa máy móc thiết bị, nhà xưởng…và tiến hành xác định trách nhiệm của chủ dự án đối với ngân sách trên cơ sở các chế độ thuế hiện hành, các chế độ ưu đãi riêng đối với dự án.
- Thẩm đinh doanh thu dự án
Ngân hàng tiến hành thẩm định doanh thu dựa trên cơ sở tổng hợp khối lượng dự kiến đưa vào lưu thông với đơn giá đơn vị của từng loại sản phẩm (sản phẩm chính, sản phẩm phụ), các khoản thu từ phế liệu và dịch vụ cung cấp bên ngoài, mức huy động công suất so với công suất thiết kế và khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường (dịch vụ đầu ra và phương án tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp).
Trên cơ sở xác định doanh thu và chi phí, lợi nhuận của dự án cũng được xác định bằng chênh lệch giữa doanh thu và các khoản chi phí. Thông thường các NHTM chỉ quan tâm đến lợi nhuận, vì đây là một trong các nguồn trả nợ chính cho ngân hàng.
- Thẩm định dòng tiền của dự án:
Dòng tiền của một dự án đầu tư là phần chênh lệch giữa dòng tiền vào với dòng tiền đã sử dụng của dự án. Để xác định dòng tiền của một dự án đầu tư, người
ta chỉ tính đến những khoản thu chi thực nhập xuất quỹ (tức là những khoản tiền đã thực sự được thu hoặc chi). Đây chính là điểm làm cho việc xác định dòng tiền trở thành một trong những khó khăn nhất trong quá trình tính toán dự án cũng như thẩm định của NHTM. Khi phân tích dòng tiền để đánh giá hiệu quả tài chính của dự án chỉ nên căn cứ vào dòng tiền mặt của dự án thực sự sẵn sang cho việc sử dụng (chia lãi, trả nợ hoặc tái đầu tư) không kể dòng tiền mặt đó từ nguồn tài chính nào.
Thông thường tất cả các dự án được phân tích trên cơ sở giả định dự án đang trong quá trình hoạt động liên tục. Điều đó có nghĩa là đã có thực hiện một khoản đầu tư nào đó và cũng đã có những dòng tiền thu nào đó. Như vậy, việc phân tích dự án chỉ thích hợp khi xem xét những dòng tiền đầu tư mới và những dòng tiền thu mới do việc đầu tư mới tạo ra. Nói cách khác, những dòng tiền thích hợp cho việc phân tích dự án (bao gồm dòng tiền chi phí và dòng tiền thu ròng sau khi dự án đi vào hoạt động), là những dòng tiền do việc thực hiện dự án tạo ra. Người ta gọi đây là những dòng tiền tăng thêm.
Sau đây, chúng ta sẽ đề cập những vấn đề cơ bản trong việc xác định dòng tiền chi phí và dòng tiền thu nhập ròng.
Xác định dòng tiền ra của dự án (chi phí đầu tư ban đầu):
Phần lớn các dự án đòi hỏi các khoản chi phí ngay từ ban đầu, sau đó các dòng tiền thu ròng mới xuất hiện. Các chi phí ban đầu thường gồm:
Đầu tư vào tài sản cố định: Gồm toàn bộ các khoản chi phí liên quan đến tài sản cho đến khi đưa chúng vào hoạt động: chi phí chuẩn bị, xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị. Toàn bộ các chi phí đó phải được tính vào nguyên giá của tài sản cố định để xác định chi phí đầu tư.
Chi phí cơ hội: Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp đã sở hữu sẵn một số tài sản hữu dụng cho việc thực hiện dự án. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp không phải bỏ chi phí mua tài sản đó nữa. Chi phí cơ hội của một tài sản là cơ hội thu nhập lớn nhất bị bỏ qua do chấp nhận dự án này mà không chấp nhận dự án khác. Nhưng chi phí này không phải là chi phí thực tế không đưa vào hạch toán kế toán, tuy
nhiên khi xem xét, đánh giá dự án nó liên quan trực tiếp tới cơ hội lựa chọn dự án nên chi phí này sẽ được xem như một phần chi phí đầu tư.
Chi phí chìm: Chi phí chìm là chi phí đã xuất hiện từ trước mà không thể bù đắp cho dù dự án có được chấp nhận hay không. Chi phí chìm như thế không phải là chi phí tăng lên nên không được bao hàm trong phân tích.
Đầu tư mới vào vốn lưu động ròng: Thông thường, một dự án yêu cầu phải đầu tư vào vốn lưu động ròng bên cạnh đầu tư vào tài sản cố định: Đầu tư vào tiền để đáp ứng nhu cầu chi trả, đầu tư vào tồn kho ban đầu để bắt đầu sản xuất và đầu tư vào các khoản phải thu trong lúc bán hàng chưa thu được. Lượng đầu tư này được tài trợ bằng các khoản nợ ngắn hạn. Do vậy kết quả là doanh nghiệp chỉ phải đầu tư vào vốn lưu động ròng được coi là đầu tư ban đầu. Lượng đầu tư này sẽ được thu hồi khi dự án kết thúc.
Xác định dòng tiền thu nhập ròng hàng năm từ dự án:
Có thể tính dòng tiền thu ròng hàng năm của dự án như sau:
Năm i:
Dòng tiền thu ròng (i) = Các khoản thu vào từ dự án (i) – Tổng các khoản chi ra (i)
Thông thường khi xác định dòng tiền, NHTM lấy căn cứ là dự báo về thu nhập và chi phí của dự án được lập theo phương pháp kế toán nhưng có chú ý đến khía cạnh sau:
Chi phí khấu hao: Là chi phí kế toán, nhưng lại là chi phí không xuất quỹ, tức là không phải là chi phí bằng tiền thực tế, nên nó vẫn phải được tính vào dòng tiền. Tuy vậy nó lại tác động đến dòng tiền một cách gián tiếp qua thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp). Khi khấu hao thay đổi nó cũng làm biến đổi mức thuế phải nộp và vì thuế là một dòng tiền thực nên sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền sau thuế. Vì vậy tuy không coi khấu hao như một dòng ra nhưng vẫn phải xét đến dòng tiết kiệm nhờ khấu hao.
Chi phí trả lãi vay: đây là một khoản thực chi (chi phí xuất quỹ) tuy nhiên nó không được tính trong dòng tiền ra của dự án vì thực chất chi phí trả lãi vay thuộc dòng các nguồn tài chính, thuộc dòng tiền trả cho chủ nợ, không phải dòng tiền từ
tài sản (hay cho tài sản). Mục tiêu của phân tích dự án là so sánh giá trị các dòng tiền dự án mang lại với chi phí đầu tư để tính ra giá trị hiện tại ròng. Mối quan hệ giữa nợ và vốn chủ là vấn đề thuộc quản lý và nó quyết định sự phân chi dòng tiền giữa chủ sở hữu và chủ nợ. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ vay cũng mang lại những lợi ích nhất định, vì chi phí vốn cũng là chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập từ dự án.
Khoản thu hồi vốn lưu động và thu nhập từ thanh lý tài sản cố định: Là thu nhập bất thường, thu nhập sau thuế là hoạt động này sẽ được cộng thêm vào dòng tiền ròng năm cuối cùng của dự án.
Từ việc phân tích ở trên, có thể đưa ra phương pháp tính dòng tiền ròng từ hoạt động kinh doanh dự án như sau:
1. Doanh thu thuần
2. Tổng chi phí sản xuất (không có khấu hao và lãi) 3. Lợi nhuận trước khấu hao và lãi vay (1-2)
4. Khấu hao
5. Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) 6. Lãi vay
7. Lợi nhuận trước thuế 8. Thuế thu nhập
9. Lợi nhuận sau thuế (7-8)
Dòng tiền ròng hàng năm của dự án (CF) = Lợi nhuận sau thuế (9) + Khấu hao - Lãi vay
Tất cả những phân tích, đánh giá thực hiện ở trên nhằm hỗ trợ cho việc tính toán, đánh giá hiệu quả tài chính và khả năng trả nợ của dự án. Bước tiếp theo của quá trình thẩm định là tính toán các chỉ tiêu kinh tế tài chính của dự án.