HIỆU QUẢ HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.3. Kinh nghiệm huy động vốn của một số NHTM trong nước và bài học kinh nghiệm
1.3.1 Kinh nghiệm huy động vốn của một số NHTM trong nước
1.3.1.1 Kinh nghiệm huy động vốn của ngân hàng TMCP Công Thương – Chi nhánh Đống Đa.
Trong 3 năm 2008-2010 ngân hàng TMCP Công Thương – Chi nhánh Đống Đa đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch huy động vốn của HSC giao trong khi có một vài chi nhánh khác đã không làm được điều này. Tổng huy động vốn năm 2009 là 4252 tỷ đồng, tăng 13, 2% so với năm 2008, tổng vốn huy động năm 2010 là 4924 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2009. Kết quả này có được nhờ do sự chỉ đạo kịp thời của ban lãnh đạo ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, của ban giám đốc Chi nhánh cùng sự nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên bám sát diễn biến thực tế tại chi nhánh, bám sát các diễn biến trên thị trường. Trên địa bàn quận Đống Đa, mặc dù có rất nhiều các chi nhánh, phòng giao dịch của các NHTM khác nhưng Chi nhánh vẫn được các khách hàng biết đến như một địa chỉ đáng tin cậy để gửi tiền, thực hiện các dịch vụ thanh toán, đáp ứng các nhu cầu về vốn, và các dịch vụ ngân hàng đa dạng và phong phú khác. Trong năm 2009, chi nhánh còn được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen về hoạt động kinh doanh tiền tệ, góp phần vào sự
phát triển kinh tế của Thủ đô.
Các hình thức huy động vốn của chi nhánh hết sức linh hoạt. Đối với khách hàng doanh nghiệp, bên cạnh hình thức tiền gửi không kỳ hạn truyền thống, các doanh nghiệp còn có thể tiếp cận với những hình thức tiền gửi thanh toán khác như Tiền gửi vốn chuyên dụng, Tiền gửi quản lý và giữ hộ, Tiền gửi đảm bảo thanh toán. Với các hình thức tiền gửi này, chi nhánh có thể cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng khác nhằm thỏa mãn các nhu cầu ngày càng đa dạng của khác hàng. Đối với khách hàng cá nhân, chi nhánh đã có những thành công nổi bật trong việc huy động vốn từ các khách hàng cá nhân. Lượng tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm từ khu vực dân cư tăng lên đáng kể qua các năm. Trong việc huy động tiền gửi thanh toán thông qua việc phát hành các thẻ ATM, cạnh tranh trong phát hành thẻ rất lớn, với bốn liên minh thẻ và và hàng chục ngân hàng phát hành thẻ với hàng chục thương hiệu khác nhau nhưng số lượng tiền gửi thanh toán thông qua hình thức này vẫn gia tăng rất nhanh trong thời gian qua. Chi nhánh đã phải giao chỉ tiêu phát hành thẻ tới các phòng, và các phòng giao chỉ tiêu đến các cán bộ, triển khai thực hiện tốt các chương trình khuyến mại, sáng tạo trong các hình thức phát hành như
phối hợp với Ban chấp hành Đoàn trường để thông qua hội sinh viên tiếp cận đến các lớp, đề xuất tặng quà nhân các dịp khai trường, trao học bổng cho sinh viên xuất sắc để tạo mối quan hệ gắn bó lâu dài,v.v Về huy động tiền gửi tiết kiệm: số dư của tiền gửi tiết kiệm cũng có sự tăng trưởng trong thời gian vừa qua. Ngoài các hình thức huy động tiết kiệm bằng VND, các khách hàng còn có thể gửi tiền tiết kiệm bằng USD và EUR, với các kỳ hạn hết sức linh hoạt giúp cho khách hàng có sự lựa chọn phong phú.
Khách hàng của chi nhánh rất đa dạng. Chi nhánh đã giữ được mối quan hệ tốt với các khách hàng là các doanh nghiệp lớn, đồng thời cũng có chiến lược thu hút và giữ chân các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nhân viên của chi nhánh thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng không những về nghiệp vụ mà còn về
tác phong, thái độ phục vụ khách hàng. Do đó, không những đối với các khách hàng là doanh nghiệp mà đối với các khách hàng cá nhân, các sản phẩm, dịch vụ của chi nhánh vừa có tính chuyên nghiệp nhưng cũng rất dễ tiếp cận. Lượng khách hàng lớn, đa dạng đã giúp chi nhánh có lợi thế hơn so với các chi nhánh của các ngân hàng khác trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn cũng như sử dụng nguồn vốn vào các hoạt động đầu tư và cho vay. Cũng trong thời gian qua, chi nhánh đã tích cực đẩy mạnh huy động nguồn vốn trung và dài hạn. Đây là một thuận lợi cho chi nhánh, bởi từ đó chi nhánh có được nguồn vốn để tiến hành các hoạt động đầu tư và cho vay trung và dài hạn với lãi suất cao hơn. Việc nguồn vốn trung và dài hạn của chi nhánh tăng trưởng trong thời gian vừa qua cũng cho thấy rằng uy tín của chi nhánh đang được nâng cao, tạo lợi thế lớn trong cạnh tranh.
1.3.1.2 Kinh nghiệm huy động vốn của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Bắc Hà Nội
Công tác huy động vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Bắc Hà Nội từ năm 2008 đến năm 2010 đạt kết quả tốt, năm sau cao hơn năm trước, nguồn vốn huy động luôn có tốc độ tăng trưởng khá cao. Trong giai đoạn 2008-2010, nguồn vốn huy động cuối kỳ đã tăng 92,5%. Tỷ trọng huy động trong tổng nguồn vốn cũng đã tăng đều qua các năm, năm 2008 tỷ trọng huy động vốn
huy động là 76%, năm 2009 là 88%, năm 2010 là 92%. Sự tăng lên đáng kể của vốn huy động đã giúp Chi nhánh chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh.
- Nguồn vốn chuyển dịch theo cơ cấu ngày càng hợp lý hơn về thời hạn và loại tiền tệ, nguồn vốn dài hạn tăng dần qua các năm, qua đó làm tăng tỷ trọng của nguồn vốn dài hạn trong tổng vốn động.
- Ngân hàng đã sử dụng nhiều hình thức huy động: các loại tiền gửi, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi...
- Trình độ chuyên môn của cán bộ CNV ngày càng được nâng cao.
- Công tác kế toán thanh toán bước đầu đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Các năm trước năm 2008, hoạt động huy động vốn của Ngân Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Bắc Hà Nội chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn chính như 3 tháng; 6 tháng; 9 tháng; 12 tháng, chưa có nhiều loại hình huy động vốn và các kỳ hạn, lãi suất đa dạng. Từ tháng 9/2008, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi Nhánh Bắc Hà Nội triển khai Dự án Hiện đại hoá, theo đó
đã đa dạng hoá các loại hình huy động với các kỳ hạn và lãi suất linh hoạt dựa trên nền tảng dự án hiện đại hoá như: Tiết kiệm hưởng lãi theo ngày, tuần, tháng; hưởng lãi theo thời gian thực gửi, Tiết kiệm gửi một lần rút dần chi tiêu; Tiết kiệm bậc thang (số tiền gửi càng lớn thì lãi suất càng cao); Tiết kiệm trả lãi trước, lãi sau…
Bên cạnh đó tích cực thực hiện các chương trình khuyến mại trong huy động vốn nhân dịp kỷ niệm thành lập BIDV, khuyến mãi BIC- BẢO AN đối với sản phẩm tiền gửi, tích cực vận động khách hàng tham gia mở tài khoản và phát hành thẻ ATM, miễn phí trả lương cho các đơn vị thực hiện trả lương tự động qua tài khoản cho cán bộ CNV hưởng lương từ NSNN và các khách hàng Doanh nghiệp….đã thu hút được đông đảo khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, đó là những thành công lớn của Ngân Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Bắc Hà Nội trong công tác huy động vốn.
1.3.2 Bài học kinh nghiệm
Đạt được kết quả huy động vốn khả quan như trên, hoạt động huy động vốn của ngân hàng TMCP Công Thương – chi nhánh Đống Đa và Ngân hàng Đầu tư và
phát triển Việt Nam – chi nhánh Bắc Hà Nội có thể rút ra những kinh nghiệm mà nhiều ngân hàng khác có thể học hỏi như:
Đa dạng các hình thức huy động với các kỳ hạn và lãi suất linh hoạt
Giao chỉ tiêu tới từng phòng, từng cán bộ
Nâng cao nghiệp vụ, tác phong, thái độ phục vụ khách hàng cho nhân viên
Thực hiện tốt các chương trình khuyến mại
Huy động vốn là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Ngân hàng phải đa dạng hoá nguồn vốn bằng việc đa dạng hoá các hình thức, biện pháp, các kênh huy động vốn từ mọi nguồn trong mọi thành phần kinh tế xã hội để
nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngân hàng nói chung và hoạt động huy vốn nói riêng.
Kết luận chương 1
Chương 1 của khóa luận đã trình bày khái quát về hiệu quả huy động vốn của ngân hàng thương mại. Bên cạnh đưa ra các khái niệm về huy động vốn và hiệu quả huy động vốn, luận văn phản ánh và phân tích những đặc trưng, các hình thức huy động, các chỉ tiêu phản ánh và những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả huy động vốn để thấy được huy động vốn là hoạt động cơ bản của ngân hàng, tạo điều kiện để
ngân hàng thực hiện các hoạt động kinh doanh khác. Nó là cơ sở để ngân hàng tối đa hoá giá trị tài sản của mình và hướng tới mục tiêu lợi nhuận, quyết định quy mô kinh doanh, khả năng sinh lời và các rủi ro tiềm tàng với mỗi ngân hàng và là nền tảng cho sự thịnh vượng và phát triển của ngân hàng. Huy động vốn là một trong những hoạt động hết sức đặc thù của NHTM, là tiêu chí quan trọng và duy nhất để
phân biệt giữa ngân hàng và doanh nghiệp khác. Chính sự đặc biệt này đã giúp cho các NHTM có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Đồng thời, huy động vốn cũng là hoạt động hết sức quan trọng đối với quá trình cạnh tranh giữa các NHTM.
Mặt khác, hoạt động huy động vốn của ngân hàng chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan nên nâng cao hiệu quả huy động vốn là vấn đề
quan tâm hàng đầu của các NHTM. Một số bài học kinh nghiệm về huy động vốn của ngân hàng TMCP Công Thương – chi nhánh Đống Đa và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh Bắc Hà Nội là những bài học mà ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – CN Hà Nội có thể học hỏi.
Chương 2 của khóa luận sẽ trình bày thực trạng hiệu quả huy động vốn tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – CN Hà Nội.
CHƯƠNG 2