TẠI NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM CHI NHÁNH HÀ NỘI
3.1 Định hướng và mục tiêu về nâng cao hiệu quả huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – CN Hà Nội
3.1.1 Định hướng
Trong những năm tới, thị trường ngân hàng sẽ có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc cổ đông chiến lược thuộc phía nước ngoài vào Việt Nam đã tham gia vào thị trường và kinh doanh sòng phẳng với các ngân hàng trong nước. Các ngân hàng này không bị hạn chế về mọi mặt: số lượng ngân hàng, nghiệp vụ, về dịch vụ nhận tiền gửi, cho vay và thanh toán, kể cả không phân biệt điểm đặt máy ATM…và có ưu thế về vốn, kinh nghiệm, kỹ năng, quản trị nguồn nhân lực …Các ngân hàng nước ngoài có lợi thế về các sản phẩm bán lẻ, đặc biệt là các sản phẩm ngân hàng hiện đại, đồng thời có các chiến lược rất sáng tạo để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, ví dụ như ký kết hợp đồng thu hộ, chi hộ với các ngân hàng trong nước hay các đơn vị kinh tế trong nước có mạng lưới rộng khắp để tận dụng ưu thế về mạng lưới của các đơn vị này nhằm tiếp cận nhiều hơn đến khách hàng trên mọi miền với chi phí thấp. Ngoài ra, hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới với các nguy cơ tiềm ẩn về lạm phát, biến động tỷ giá và sự mất cân đối trong cán cân thương mại sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng. Nó sẽ một mặt gây khó khăn trực tiếp cho hoạt động ngân hàng, mặt khác nó tác động gián tiếp đến hoạt động của ngân hàng thông qua làm thâm hụt ngân sách trở nên nghiêm trọng hơn, thu nhập của các doanh nghiệp suy giảm dẫn đến sụt giảm lớn tiền gửi tại ngân hàng của các đối tượng liên quan. Các biến động về tỷ giá, lãi suất ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như cách đầu tư, sử dụng tiền của dân cư và tổ chức,
qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn huy động của ngân hàng. Mặt khác , sự phát triển của thị trường chứng khoán và một số thị trường mang tính chất đầu tư khác như thị trường bất động sản, thị trường vàng... cũng góp phần hút bớt một phần vốn nhàn rỗi của xã hội.
Đây chính là thách thức lớn của ngân hàng trong những năm tới. Nhận thức được những vấn đề trên, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – CN Hà Nội đã có định hướng cho hoạt động của chi nhánh để nâng cao hiệu quả huy động cho những năm tới như sau:
- Tăng cường huy động vốn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và xuyên suốt trong năm 2011. Tích cực chủ động, vận dụng sáng tạo mọi giải pháp để đạt được chỉ tiêu huy động vốn đề ra. Cải tiến, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, nhiều tiện ích, đi kèm lãi suất hợp lý nhằm phục vụ khách hàng, tăng nguồn huy động cho ngân hàng. Đẩy mạnh triển khai huy động vốn ở các địa bàn kinh tế phát triển, có
tiềm năng về huy động vốn. Triển khai đồng thời các chương trình huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, bán lẻ; và mảng vay nợ viện trợ nước ngoài
- Giữ vững thế mạnh hoạt động kinh doanh ngoại hối. Có chính sách phù hợp để thu hút và giữ nguồn ngoại tệ từ các đối tượng khách hàng xuất khẩu để đảm bảo nguồn ngoại tệ cho khách hàng nhập khẩu, phấn đấu tăng thu nhập ròng từ kinh doanh ngoại tệ;
- Giữ vững thị phần thanh toán xuất nhập khẩu. Tăng tính cạnh tranh về sản phẩm, tập trung hơn nữa vào việc giữ và phát triển đối tượng khách hàng thanh toán xuất khẩu.
- Tăng cường tìm kiếm, khai thác những khách hàng mới có nguồn vốn lớn, ổn định, đặc biệt là những đơn vị có nguồn tiền gửi giá rẻ, nhằm giảm bớt áp lực lãi suất đầu vào như hiện nay. Có phương án tiếp cận và triển khai các sản phẩm, dịch vụ đến các khách hàng mới, các đơn vị sự nghiệp ( khối cơ quan Đảng, Đoàn, Quân Đội, Bệnh viện, Trường học…), các nguồn vốn từ dự án sử dụng nguồn vốn của các tổ chức tài chính quốc tế.
- Tiếp tục đẩy mạnh kênh huy động tiền gửi từ dân cư. Tăng cường công tác quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm mới . Thường xuyên bám sát thị trường, áp dụng
các mức lãi suất linh hoạt, cũng như chính sách khuyến mãi hấp dẫn, nâng cao thái độ, tác phong phục vụ và chăm sóc khách hàng để cạnh tranh với các ngân hàng khác từ chính chất lượng của dịch vụ
- Đi đôi với chiến lược huy động vốn phải xây dựng chiến lược sử dụng vốn, nếu không sẽ gây áp lực lớn về mặt chi phí, làm giảm hiệu quả huy động vốn, giảm lòng tin của khách hàng vào tình hình hoạt động kinh doanh của chi nhánh. Phương châm, định hướng cho công tác sử dụng vốn của chi nhánh trong thời gian tới trước hết là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và đầu tư an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ có vấn đề.
- Cái thiện các thủ tục ngân hàng, cải tiến quy trình nghiệp vụ giảm bớt thủ tục giấy tờ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự an tâm cho khách hàng
- Bên cạnh việc đa dạng hóa các hình thức gửi tiền, chi nhánh cũng đề ra mục tiêu tích cực tạo vốn thông qua nghiệp vụ thanh toán, vì đây là nguồn vốn có
chi phí thấp và thông qua các nghiệp vụ thanh toán còn mang lại các khoản thu về
dịch vụ cho chi nhánh.
3.1.2 Mục tiêu
Năm 2011, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng, song khả năng tăng chậm và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn sau thời kỳ khủng hoảng.
Lạm phát và lãi suất quốc tế sẽ có xu hướng tăng, luồng vốn đầu tư tiếp tục đổ vào các thị trường mới nổi. Không nằm ngoài xu thế của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát tăng cao, tình hình lãi suất, tỷ giá biến động phức tạp. Chính phủ đặt mục tiêu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu cho cả năm. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN năm 2011 sẽ theo hướng thận trọng, thắt chặt; kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng cho nền kinh tế; kiềm chế lạm phát nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2011 cũng sẽ là năm quan trọng để các ngân hàng Việt Nam hoạt động theo các quy định của Luật tổ chức tín dụng mới. Việc giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thông qua Luật mới sẽ theo xu hướng chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn.
Trên cơ sở phân tích môi trường hoạt động kinh doanh, bám sát định hướng điều hành nền kinh tế của Chính phủ và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, quán triệt phương châm “Tăng tốc - An toàn - Hiệu quả - Chất lượng” và với quan điểm chỉ đạo điều hành “Linh hoạt, quyết liệt”, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – CN Hà Nội đã xác định mục tiêu huy động vốnnăm 2011 cụ thể
như sau:
- Huy động vốn đạt 5588 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2010
- Tỷ trọng vốn không kỳ hạn trên tổng nguồn vốn huy động đạt 30%.
- Tăng tỷ trọng vốn huy động từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và từ dân cư đạt 45% trong tổng nguồn huy động .
3.2 Một số giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn tại Ngân hàng