CHƯƠNG II: GIỚI THIỆU VỀ HỆ THỐNG BẮC THÁI BÌNH
2.4. Nhận xét và đánh giá chung
2.4.1. Vai trò của hệ thống đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của cả nước, hệ thống thủy nông Bắc Thái Bình những năm gần đây đã đạt được những bước tiến đáng kể, có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, hệ thống đô thị tương đối phát triển, các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiên tiến. Cùng với sự phát triển của hệ thống đưa Thái Bình trở thành một trong những tỉnh có trình độ phát triển ở mức trung bình của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Hiện nay trong khu vực của hệ thống đạt được một số chỉ tiêu kinh tế như sau:
• Về phát triển kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt 12,5%.
- Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, năm 2010 tỷ trọng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 30%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 37% và khu vực dịch vụ chiếm khoảng 33%.
- Tăng nhanh đầu tư toàn xã hội, thu hút mạnh các nguồn vốn bên ngoài, thời kỳ 2006 - 2010 tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt 35 - 36% GDP.
- GDP bình quân đầu người đạt 14,3 triệu đồng năm 2010.
• Về phát triển xã hội
- Tỷ lệ tăng dân số chung đạt 0,55% thời kỳ 2006 - 2010. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống 2,5% và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% vào năm 2010.
- Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó qua đào tạo nghề là 25%, hoàn thành phổ cập trung học phổ thông.
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, phát thanh và truyền hình trên toàn hệ thống.
2.4.2 Những thế mạnh và tồn tại của hệ thống
• Thuận lợi
- Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch dịch vụ. Có nhiều sông lớn bao quanh là nguồn cấp nước và thoát nước thuận lợi cho vùng.
- Nằm sát biển nên vùng nghiên cứu có nhiều thuận lợi trong việc phát triển các ngành thuỷ sản, nông nghiệp.
- Địa hình các vùng trong hệ thống thuận lợi trong việc tưới tiêu, bố trí công trình thuỷ lợi và tiêu nước tự chảy.
- Hệ thống công trình thuỷ lợi đã có trên hệ thống thuỷ nông Bắc Thái Bình được xây dựng khá đồng bộ và hoàn chỉnh từ đầu mối đến mặt ruộng.
• Khó khăn
- Những tồn tại, hạn chế về cụng tỏc thuỷ lợi phục vụ sản xuất bộc lộ khỏ rừ ở vụ mùa năm trước, mặc dù đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết, nên ảnh hưởng không nhỏ trong việc tưới, tiêu. Cụ thể là việc lấn chiếm bờ sông, mặt nước, vây cọc đổ đất làm nhà, làm bãi tập kết vật liệu, vó bè của nhiều hộ dân sống ven các sông trục làm khó khăn trong việc cấp nước vào mục đích thủy lợi về mùa kiệt.
- Đồng thời tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và chăn nuôi trang trại...vẫn xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thuỷ lợi gây khó khăn cho tưới, tiêu, như ở Thái Phương (Hưng Hà)….Ngoài ra, trên các sông trục cấp III và kênh mương mặt ruộng vẫn còn nhiều bèo bồng, rau muống làm hạn chế khả năng tưới nước vào nội đồng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, nhất là ở giai đoạn lúa mới cấy.
- Bên cạnh đó, còn nhiều công trình thuỷ lợi đầu mối đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu bổ, nâng cấp, như trạm bơm tưới Tịnh Xuyên, Hậu Thượng...
Cùng với những tồn tại trên, vụ mùa năm 2012 cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều công trình thuỷ lợi đã xuống cấp nghiêm trọng chưa được xử lý.
- Thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, một số địa phương chưa đào đắp hoàn chỉnh bờ vùng, bờ thửa, hệ thống kênh tưới mặt ruộng sẽ gây khó khăn cho công tác tưới, tiêu. Ngoài ra còn nhiều yếu tố tác động đến các công trình thuỷ lợi, như việc thi công mở rộng đường 10 làm ảnh hưởng đến mặt cắt sông. Hiện vẫn còn nhiều địa phương, cụm trạm thuỷ nông chưa coi trọng việc giải phóng dòng chảy trên các sông trục cấp I, cấp II, cấp III, do đó nhiều tuyến sông trục các cấp thường xuyên bị ách tắc, nhất là trên sông trục cấp III do các HTXDVNN quản lý..
- Nhận thức của cộng đồng về khai thác, sử dụng và bảo vệ tổng hợp tài nguyên nước, sự hiểu biết về biến đổi khí hậu còn có nhiều hạn chế.
- Vùng nghiên cứu vẫn là một khu vực nghèo, công nghiệp kém phát triển, thiếu hụt về vốn đầu tư cho các ngành nói chung và thuỷ lợi nói riêng.
- Hầu hết các quy hoạch vùng, quy hoạch lưu vực sông đã lập trong khu vực Bắc Thái Bình chưa xét đến yếu tố ảnh hưởng của sự BĐKH những yếu tố này tác động mạnh đến các hoạt động tưới, tiêu, chống lũ của các lưu vực sông.
Vì vậy xây dựng một chiến lược phát triển thuỷ lợi nhằm đáp ứng nhu cầu các ngành kinh tế, đối phó với tình trạng thiếu nước, ứng phó với thiên tai, đặc biệt với BĐKH là cần thiết nhằm phát triển kinh tế xã hội khu vực Bắc Thái Bình một cách bền vững.
2.4.3 Những vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết trong luận văn
Trên những cơ sở khoa học đề tài sẽ đánh giá hiện trạng công trình tưới và khả năng đáp ứng tưới của các công trình này trong hệ thống thủy nông Bắc Thái Bình đồng thời đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với yêu cầu tưới nước trong HTTN Bắc Thái Bình theo kịch bản BĐKH ở Việt Nam đã được công bố nhằm phân tích các mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng tưới nước của các công trình tưới nước đã có trên hệ thống thủy lợi. Từ đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp công trình thủy lợi nhằm thích ứng với BĐKH cơ sở khoa học, khả năng ứng dụng vào thực tiễn của các giải pháp đề xuất nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất và nước trong hệ thống.