Khái quát hợp tác kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm

Một phần của tài liệu Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010) (Trang 36 - 40)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ CỦA HỢP TÁC KINH TẾ GIỮA CÁC NƯỚC THUỘC HÀNH

1.4. Khái quát hợp tác kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm

Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam là những quốc gia Đông Nam Á lục địa cùng uống chung dòng nước sông Mekong, là điểm giao thoa, cầu nối nhiều phần giữa đại lục châu Á.

Cả bốn quốc gia cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, tiếp giáp với các nền văn minh lớn của nhân loại, nên cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác bốn nước này đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này ở mỗi quốc gia là khác nhau. Những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ được biểu hiện trên các mặt của đời sống như: Tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán… mang đậm bản sắc của văn hóa phương Đông.

Sự gần gũi về mặt địa lý đã tạo nên những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử giữa bốn nước chính là cơ sở cho mối quan hệ thân thiết từ xa xưa trong lịch sử, để từ đó hình thành nên một cách tự nhiên những mối quan hệ đa dạng và đa chiều trong lịch sử quan hệ giữa bốn nước, tạo thêm cơ sở vững chắc và lâu bền trong quan hệ hợp tác giữa bốn quốc gia, dân tộc đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế.

Quan hệ kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm 1998 nằm trong mối quan hệ kinh tế giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á và bị chi phối bởi mối quan hệ giữa ASEAN và các nước Đông Dương.

Các nước Đông Nam Á thời kỳ cận đại từng bị chủ nghĩa thực dân xâm lược thống trị hàng trăm năm, nền kinh tế mang nặng những hậu quả nặng nề của chế độ thuộc địa, nửa thuộc địa, phong kiến nên sau khi giành độc lập nền kinh tế các nước

đều nghèo nàn lạc hậu, cơ cấu kinh tế què quặt mất cân đối, chủ yếu là nông nghiệp độc canh, công nghiệp nhỏ bé, chủ yếu là khai thác nguyên nhiên liệu.

Năm 1967, năm nước Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines đã thành lập một tổ chức liên kết của khu vực với tên gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuyên bố Bangkok, bản Tuyên ngôn thành lập ASEAN, đã nêu lên 7 điểm xác định mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hoá, hợp tác thúc đẩy tiến bộ xã hội của các nước thành viên trên tinh thần duy trì hoà bình và ổn định của khu vực.

Chiến tranh lạnh chấm dứt đã tạo thời cơ thuận lợi cho các nước Đông Nam Á xóa bỏ rào cản ngăn cách giữa các quốc gia trong khu vực. Năm 1995 Việt Nam gia nhập ASEAN, tạo ra bước ngoặt cho tổ chức này. Năm 1997 Lào, Myanmar gia nhập ASEAN.

Như vậy, từ chỗ chỉ có Thái Lan là thành viên sáng lập của ASEAN, đến năm 1997 cả 4 nước thành viên của EWEC đều gia nhập ASEAN. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho quá trình hợp tác kinh tế của các nước nằm dọc Hành lang kinh tế Đông Tây ở giai đoạn tiếp theo.

Với sự kết thúc của cục diện Chiến tranh lạnh, trong quan hệ quốc tế đã bắt đầu xuất hiện xu thế hòa dịu, hòa hoãn. Cả bốn quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đều nhận thấy cần phải hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực để hướng tới một nền kinh tế khu vực ổn định. Do đó những bất đồng, nghi kỵ trước đây đã giảm dần và thay vào đó là tiến tới đối thoại, hợp tác cùng phát triển.

Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, xu thế hợp tác, phát triển và hội nhập trở thành xu thế chủ đạo, thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng sông Mekong. Liên kết, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nguồn nước là những “động lực”

thôi thúc các nước trong lưu vực sông Mekong tìm kiếm cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (Greater Mekong Subregion – GMS) được hình thành vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) [116, tr69].

Cả bốn nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đều tham gia vào hợp tác GMS để phát huy những lợi thế của mình, đồng thời tranh thủ những nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy hợp tác, phát triển nền kinh tế đất nước. Cho đến trước năm 1998,

hợp tác kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam cùng với các thành viên khác trong khuôn khổ GMS đã được triển khai những bước đầu tiên. Trong giai đoạn đầu của hợp tác GMS, các hoạt động chủ yếu là tham khảo ý kiến của từng chính phủ trong tiểu vùng, chuẩn bị dự thảo báo cáo khung của chương trình hợp tác, xác định mục đích, nguyên tắc lựa chọn dự án, phạm vi, cơ hội, lợi ích, cơ chế hợp tác kinh tế giữa các nước trong Tiểu vùng, tổ chức các cuộc họp cấp cao, các diến đàn quốc tế.... Mục tiêu trước mắt của GMS là xúc tiến các hoạt động chung trong các lĩnh vực có khả năng nhất như: hạ tầng cơ sở, thương mại đầu tư, du lịch, bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên của GMS.

Hợp tác kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm 1998 còn được thể hiện thông qua các mối quan hệ kinh tế song phương của các nước này với nhau. Đặc biệt là quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước có chung đường biờn giới. Thể hiện rừ nhất quan hệ kinh tế song phương của cỏc nước thuộc EWEC là quan hệ kinh tế Việt Nam - Lào.

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Lào đã có từ lâu trong lịch sử. Tuy nhiên, do đặc thù lịch sử và chính sách đối ngoại của mỗi nước, quan hệ kinh tế thời kỳ đó chủ yếu là thông qua việc giao thương, trao đổi hàng hóa của các cư dân vùng biên giới. Từ năm 1975, sau khi cả Việt Nam và Lào hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, quan hệ ngoại giao kinh tế giữa hai nước đặc biệt được coi trọng.

Đáng chú ý là từ khi Việt Nam và Lào ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác năm 1977, quan hệ kinh tế giữa hai nước mới thực sự có quy mô cấp Nhà nước.

Quan hệ kinh tế Việt Nam – Lào cho đến trước năm 1998 đã có nhiều chuyển biến. Nhất là từ sau khi Việt Nam và Lào tiến hành đổi mới, mở cửa nền kinh tế đối ngoại vào năm 1986. Việt Nam và Lào đã đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình quốc tế và khu vực thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển và đã thu được những thành tựu đáng kể.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Lào được xác lập từ năm 1961, khi Chính phủ hai nước ký Hiệp định thương mại, nhưng tới gần 30 năm sau việc trao đổi hàng hóa theo Nghị định thư mới được giao cho một số doanh nghiệp hai nước thực hiện.

Việt Nam và Lào đã thực hiện công cuộc đổi mới đất nước vào năm 1986.

Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào giảm dần tính bao cấp, tập trung chuyển sang sản xuất hạch toán kinh doanh cùng có lợi. Hai nước vẫn dành cho nhau những ưu tiên, ưu đãi để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở mỗi nước.

Từ năm 1990 trở đi, công cuộc đổi mới ở Việt Nam và ở Lào đã đạt được những thành tựu đáng kể, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào đã thực hiện theo phương hướng chiến lược, có kế hoạch, có chương trình hợp tác cụ thể và được thực hiện dưới nhiều hình thức (Hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư, đấu thầu…). Đặc biệt, hai nước chú trọng dành ưu tiên cho nhau trong hoạt động đầu tư và thương mại.

Ngày 15 tháng 02 năm 1992, Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật thời kỳ 1992 - 1995 đã được ký kết giữa Chính phủ hai nước. Từ năm 1992 đến trước năm 1998, Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào còn ký thêm nhiều thỏa thuận, cơ chế chung về hợp tác kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trên lĩnh vực đầu tư, thương mại giữa hai nước trong thời gian này có nhiều bước tiến quan trọng. Về đầu tư, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào đã có từ những thập niên 80 của thế kỷ XX. Nhưng lúc đó chủ yếu là Việt Nam viện trợ, giúp đỡ Lào để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển đất nước theo phương châm:

bạn cần gì, ta giúp được gì, hai bên cùng thực hiện. Bước sang thập niên 90 của thế kỷ XX, khi công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới thu được nhiều thành quả đáng khích lệ, hai nước đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào và cho các doanh nghiệp Lào đầu tư sang Việt Nam.

Tóm lại, quan hệ kinh tế giữa bốn quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đã có từ xa xưa. Nhưng do đặc điểm lịch sử phát triển của mỗi nước cùng với bối cảnh quốc tế và khu vực chi phối nên mối quan hệ này chưa được quan tâm và tập trung phát triển. Cho đến trước năm 1998, quan hệ kinh tế giữa bốn quốc gia bước đầu đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên mối quan hệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả bốn nước và chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam cũng như thúc đẩy quá trình hợp tác trong ASEAN. Mặc dù vậy, những kết quả hợp tác kinh tế

giữa bốn quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm 1998 là những tiền đề quan trọng cho quá trình hợp tác kinh tế của bốn nước ở giai đoạn tiếp theo, nhất là hợp tác trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Đông Tây.

Một phần của tài liệu Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010) (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(193 trang)
w