2. Ngôn từ của cái bi tráng
2.1. Ngôn từ hành động gợi ra cái bi
Trong chiến tranh, cái bi của nhân vật được hình thành khi nhân vật đối diện với kẻ địch trong trận chiến sinh tử, với cái chết cận kề, với muôn trùng gian khó bủa vây, với những âm mưu thâm độc của kẻ thù. Để dựng lên không khí đẫm màu sắc bi thương, thấm đẫm máu, những nỗi đau và sự tổn thương của nhân vật, các tác giả trong ba cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh đã sử dụng những động từ mạnh,
kết hợp với việc sử dụng những từ láy, tính từ… để miêu tả cuộc chiến đấu và cái chết của những người lính. Bên cạnh đó, các tác giả còn đặt vào tay kẻ địch những động từ diễn tả cảnh chiến đấu ác liệt, tàn bạo của bọn chúng.
Trong tiểu thuyết Đỉnh máu, để miêu tả cuộc chiến vật lộn và cái chết của
những người lính vô danh và quân địch, Nguyễn Bảo đã sử dụng nhiều động từ mạnh, liên tiếp kết hợp với những từ ngữ giàu biểu cảm, ông viết: “Bên cạnh anh
lính thông tin, cuộc vật lộn căm uất của cả hai phía vẫn đang diễn ra quyết liệt. Có những cặp xông vào nhau đấm đá huỳnh huỵch. Lại có những cặp ôm chặt nhau lăn lông lốc trên sườn đồi, bùn đất nhão nhoét, lấm lem như trâu đầm. Những chỗ không còn tiếng động là những chỗ chỉ còn xác chết, những xác chết chồng lên nhau, quấn vào nhau”. Nỗi đau đớn và cái chết bi thương của Bượi phải chịu đựng
được hình thành từ một loạt các hàng động tới tấp của quân địch như “chĩa thẳng
nòng AR15 vào ngực Bượi”, “Thằng địch hét toáng lên và quật lại anh mạnh mẽ. Hắn ép sát Bượi vào thành hào, hai bàn tay to khỏe siết lấy cổ Bượi. Nghẹt thở, tức rực”; “Tức thì Bượi cảm thấy có cái gì đứt gãy ở lồng ngực. Anh xây xẩm mặt mày và cũng từ từ ngục xuống, đầu kê trên xác tên lính dù anh vừa quật ngã. Thì ra bên trong chiếc hầm ếch còn một tên lính dù khác. Súng hắn ta cũng hết đạn. Hắn đang ở tư thế chờ sẵn. Bượi hứng trọn một lưỡi lê xuyên từ phía sau”. Chắc hẳn khi đọc
tiểu thuyết Đỉnh máu này, người đọc cũng thể nào quên được cái chết đầy đau đớn, bi thương của Trung đoàn trưởng Hinh và Ngọc do bọn địch gây ra thông qua những động từ mạnh: “Chúng nghi có lực lượng phục kích phía sau, vậy thì khó
lòng thực hiện ý đồ bắt sống đối phương. Thôi đành, chúng chĩa súng vào hai mục tiêu lộ diện đồng loạt nổ súng. Đạn AR15 găm đầy người Hinh, đạn AR15 quật ngã Ngọc trên sườn đồi. Ngọc vẫn cố nhích thân người đẫm máu về phía Hinh, miệng vẫn cố gào lên: - Trung đoàn trưởng yên tâm. Chúng tôi đang đến với Trung đoàn trưởng đây…”.
Trong Dòng sông mang lửa, để miêu tả bom đạn của chiến tranh, sự khó
khăn mang tính thử thách và sự hy sinh của các chiến sỹ tại cửa van số 7, Hồ Sỹ Hậu đã sử dụng nhiều động từ động từ mạnh kết hợp với những từ ngữ giàu biểu
cảm, ông viết: “Khối xăng trong ống từ trên Cổng trời vẫn cuồn cuộn chảy xuống.
Cái dẻ quạt dường như đang lớn dần lên. Thông vớ lấy chiếc cờ lê quay nhanh. Anh lao về phía cái dẻ quạt đang phun xăng phì phì. Theo tay quay của Thông, cái dẻ quạt thu nhỏ dần lại. Thọ chưa kịp mừng thì một loạt bom tiếp theo nổ. Thông gục xuống, tay vẫn nắm chắc cờ lên. Phía dưới dốc, lửa đã bùng lên… Tăng lao ra đóng van chặn tuyến. Nhưng chưa đóng xong van thì anh đã loạng choạng, rồi gục xuống bên tay van. Máu từ vai, từ ngực Tăng xối xả tràn đỏ ống”. Hay trong đoạn văn
miêu tả cái chết đầy bi thương của nhân vật Đỉnh, Hồ Sỹ Hậu đã sử dụng nhiều động từ và tính từ mang tính biểu cảm, nhằm khắc cái bi thương cho cái chết anh hùng của anh: “Đỉnh vác ống xăm xăm đi lên phía trước… sau mô đá phát ra một
tiếng nổ long trời. Một cột khói và đất đá bốc lên. Trong cái đám hỗn độn ấy có cả thân hình của Đỉnh cùng chiếc ống… Cả thân mình Đỉnh như bị vo viên lại, máu trào ra tai, ra mũi. Máu chảy ra từ trên đầu, từ khắp mình, trộn với bột đất, đặc quánh. Cả người Đỉnh chỉ còn như một khối mềm nhũn, bê bết máu trộn với đất bom”.
Trong tiểu thuyết Cát trọc đầu, để miêu tả cái chết của các cô gái thanh niên xung phong trong trung đội của An, Nguyễn Quang Vinh đã sử dụng nhiều động từ mạnh, nhanh kết hợp với các tính từ; khắc sâu sự khốc liệt, hủy diệt do chiến tranh, do bom đạn của giặc Mỹ: “Trong ánh chớp bom tàn khốc. An nhìn thấy rõ ràng
những thân người bay lên trong khói bom, những chiếc mũ tai bèo bay lên, những chiếc xẻng, chiếc cuốc bay lên và hình như cả mái tóc dài của cô gái nào đó nữa bay lên”; Cũng trong tiểu thuyết này, nhà văn đã viết: “Đêm trọng điểm nhàu nát trong ánh pháo sáng, trong tiếng nghiến ken két của xe xích ủi đất, trong tiếng thở hồng hộc của hàng trăm chiến sĩ đang vá đường, trong tiếng rít điên cuồng của động cơ máy bay, trong tiếng đất đá bay rào rào như gió lốc sau mỗi đợt bom nổ. Hai chiến sỹ hy sinh ngay loạt bom thứ ba. Mười hai chiến sỹ bị thương”. Việc sử
dụng những động từ mạnh như “nghiến”, “thở”, “rít”, “bay” kết hợp cùng với những tính từ “nhàu nát”; “ken két”, “hồng hộc”, “điên cuồng”, “rào rào” để nói lên cái bi thương do chiến tranh gây ra và sự hy sinh anh dũng của những người lính
thanh niên xung phong cho độc lập dân tộc hôm nay như lời nhà văn đã viết: “Đất
chôn cứng tuổi 20 của bộ đội, thanh niên xung phong”.
Như vậy, ngôn từ hành động có khả năng tái hiện cái bi về cái chết của những người lính vì những hành động dã man mà bọn địch gây ra hay do gian nan, thử thách trong lúc họ làm nhiệm vụ khiến người đọc không khỏi bàng hoàng, xót xa và căm phẫn vì những gì mà chúng gây cho đồng bào mình, tổ quốc mình trong chiến tranh.