1. Nguyên tắc lý tưởng hóa – xây dựng tượng đài
1.2.4. Thủ pháp tô đậm, nhấn mạnh
Tô đậm, nhấn mạnh là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng hầu hết trong các thể loại văn học khác nhau, đặc biệt là trong thể loại sử thi. Tô đậm, nhấn mạnh có khả năng nhân các điểm, thuộc tính của một khách thể nào đó lên gấp nhiều lần so với bình thường nhằm làm nổi bật bản thân khách thể, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với độc giả và thể hiện cái nhìn riêng của nhà văn.
Tô đậm, nhấn mạnh không hề dẫn đến việc phản ánh sai khách thể hay thổi phồng khách thể bởi tô đậm, nhấn mạnh vẫn dựa trên sự thật. Tô đậm, nhấn mạnh không vẽ thêm, gắn thêm những đặc điểm, tính chất mà khách thể không có mà chỉ làm tăng kích cỡ, mức độ của cái đã có. Tô đậm, nhấn mạnh không yêu cầu người ta phải tin vào những điều nói ra mà mong muốn ta có thể hiểu được những điều tác giả muốn nói lên.
Trong quá trình miêu tả những nhân vật lý tưởng, các nhà văn đã sử dụng thủ pháp tô đậm, nhấn mạnh, cường điệu một cách khá dày đặc. Hầu hết các nhân vật lý tưởng giai đoạn này đều mang bóng dáng, tầm vóc của nhân vật sử thi. Vẻ đẹp, sức mạnh siêu phàm của những nhân vật anh hùng sử thi như Asin, Đam San… đều ít nhiều được tạo nên từ biện pháp tô đậm, phóng đại. Các nhà văn đã mượn nghệ thuật tô đậm, nhấn mạnh của sử thi để xây dựng nên những hình tượng con người lý tưởng hóa trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Các nhà văn thường sử dụng biện pháp tô đậm, nhấn mạnh để dệt thêu nên vẻ đẹp của con người ở cả ngoại hình bên ngoài và tâm hồn bên trong. Lúc này, tô đậm, nhấn mạnh giống như soi chiếc kính lúp vào một điểm tốt, một nét đẹp để cái tốt ấy, nét đẹp ấy được nâng cao lên, tỏa sáng rạng rỡ hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó,
các tác giả cũng đã tô đậm, nhấn mạnh những khó khăn, thử thách bủa vây người lính để qua đó nhằm khẳng định, ngợi ca sức mạnh phi thường, bất khuất của người lính chiến trường xưa.
Nguyễn Bảo trong tiểu thuyết Đỉnh máu đã nhiều lần sử dụng biện pháp
nghệ thuật tô đậm, nhấn mạnh những khó khăn, gian nan, thử thách mà bộ đội ta phải gánh chịu trong cuộc chiến đấu với quân thù. Ông đã tô đậm, nhấn mạnh những thử thách đang bủa vây trên đường hành quân, chiến đấu của tiểu đội Ngọ và những người lính trên cao điểm 1062: “Nóng nắng hút hết hơi nước của rừng, của
người. Tiểu đoàn của Ngọ không có nước dùng. Tắm giặt thì tùy, chưa có lệnh cấm nhưng nước nấu ăn, nước uống ở các con suối thuộc dãy Sơn Gà phải đợi cán bộ y tế xét nghiệm, đề phòng phía bên kia thả thuốc độc… Chỉ có nước là thiếu một cách khốn khổ. Không nấu được cơm thì ăn tạm lương khô. Ăn lương khô vào càng tai hại, trong bụng, trong ngực, trong cổ họng bùng bùng cháy. Miệng thì đắng ngăt, lưỡi phồng lên, môi rộp, xốp, khẽ cựa đã đau muốn khóc. Cán bộ, chiến sĩ vật vờ, nhìn ai cũng muốn sinh sự”; hay: “Bão tố đang đến với số phận những người lính trên dãy Sơn Gà. Thiếu lương thực, đạn súng, thuốc men, làm kiệt quệ sức kháng cự của cả hai bên. Trời đất cũng đang nổi giận. Khô, nóng. Biết mọi người ngóng đợi dù chỉ ít giọt từ trên cao rớt xuống, ông trời cứ thản nhiên đổ nắng miệt mài. Nước không đủ uống lấy đâu tắm giặt. Lính ta ngứa ngáy, người hôi mù. Đã thế, bên nào cũng áp dụng chiến thuật hỏa công, chuyển lửa và khói đến hầm hào của nhau. Ngột”. Tuy vậy, tiểu đoàn của Ngọ và những người lính trên dãy Sơn Gà đã cùng
nhau quyết tâm vượt khó để chiến đấu, thậm chí là hy sinh tính mạng mình để bảo vệ chốt, bảo vệ cao điểm 1062 cũng là để bảo vệ cho tổ quốc mình.
Cũng trong Đỉnh máu này, tô đậm nhấn mạnh còn được thể hiện ở sự hy sinh anh dũng, thầm lặng của những người lính khi xưa với quyết tâm bảo vệ chốt, bảo vệ sự an toàn cho đồng chí đồng đội của mình. Có thể nói, sự hy sinh đó đã trở thành bất tử trong lòng con cháu Việt Nam ở mọi thời đại nói chung và bất tử trong lòng bạn đọc cuốn tiểu thuyết này; chúng ta có quyền tự hào, ngợi ca, ngưỡng vọng về sự hy sinh đó của những người anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập, hòa bình
hôm nay. Vì thế, tác phẩm này đậm chất bi tráng. Đó có thể là sự hy sinh anh dũng, oai hùng của nhân vật anh lính thông tin của Hinh, của Bượi, của Hinh và của Ngọc và biết bao người lính vô danh khác. Nguyễn Bảo viết về sự hy sinh của anh lính thông tin như sau: “Một tiếng nổ dữ dội xoáy vào lòng đất. Đất đá, cây cành bung
lên. Cậu cũng bung lên tan ra với đất trời. Không! Cậu không biết gì hết, không biết điều gì đã đến với mình. Môi cậu vẫn còn mím lại, như một quyết tâm, đôi mắt trừng trừng nhìn về trước như một thách thức. Đầu cậu vẫn còn nguyên ý nghĩ: Nhanh lên, nhanh nữa, đào hầm cho thủ trưởng”.
Trong Dòng sông mang lửa, nhà văn đã sử dụng biện pháp nghệ thuật tô đậm, nhấn mạnh những khó khăn, gian nan, thử thách mà bộ đội đường ống xăng dầu gặp phải trong quá trình thiết kế, lắp đặt, thi công, vận hành thử các tuyến ống. Mạch chính của tiểu thuyết chính là những gian truân, hy sinh của người lính, mà “mỗi phuy xăng qua trọng điểm Trà Ang phải đổi một mạng người”, hay sự anh dũng của người lính khi cõng xăng vượt qua trận địa bom từ ... Bức tranh của sự khó khăn, gian nan được nhà văn phóng đại hơn khi bộ đội tìm mọi cách để kéo ống vượt sông Lam – trọng điểm khó khăn nhất của tuyến X42 – tuyến ống xăng dầu đầu tiên của Đoàn 559: “Đoàn người gò lưng kéo theo nhịp. Chẳng mấy chốc đoạn
ống như con rắn đã bò dần ra giữa sông. Bờ nam cứ kéo, bờ bắc cứ đẩy, còn dòng nước càng ra giữa sông càng xiết nên con rắn cứ oằn mình về phía hạ lưu. Bỗng con rắn ấy khựng lại, lỳ ra, không chịu nhích lên nữa. Ở bờ nam tiếng động cơ xe rồ lên từng đợt, và tiếng dô ta nghe gấp gáp hơn, nhưng chiếc ống vẫn không hề nhúc nhích”.
Nhà văn cũng tô đậm, nhấn mạnh những thiếu thốn, khó khăn của những người lính đường ống khi thiếu nước, thèm thuốc lá: “Họ thận trọng múc từng bát
nước vàng ấy đẻ không ngầu cặn từ đáy. Được cả thảy ba bi dông. Họ đun sôi nước đó, gạt bọt và váng. Nước đủ cho nấu cơm và một bi đông để chia nhau uống. Giữa mùa mưa mà phải chia nhau từng ngụm nước thì thật là bất đắc dĩ”; “Không có thuốc hút, các chàng nghiện chỉ còn trông vào mấy vị khách đi công tác tại qua QH. Thói quen của người hút thuốc lào là sau cái rít dài cuối cùng, anh ta thổi một cái
cho xái bay đi. Mấy chàng nghiện dán mắt vào cái xái thuốc bị bắn vào góc hang. Và khi người khách đi rồi, họ nhặt cái xái, vê vào điếu, rồi xúm lại chia nhau mỗi
người một hơi cho đã cơn nghiện”. Dù phải sống trong cảnh mưa bom, bão đạn;
thiếu thốn bủa vây; thời tiết khắc nghiệt; dù có phải hy sinh tính mạng… nhưng những người lính ấy vẫn quyết tâm vượt khó để chiến đấu, đế hoàn thành nhiệm vụ đã được giao.
Sự khó khăn, thử thách trên các trọng điểm trên đường Trường Sơn được nhà văn Nguyễn Quang Vinh sử dụng biện pháp tô đậm, nhấn mạnh nhằm khắc họa tỉ mỉ những gian khó, đau thương và qua đó cũng để khắc họa sự phi thường của những người lính trong tiểu thuyết Cát trọc đầu. Những khó khăn do thiên nhiên
gây ra được nhà văn tô đậm, nhấn mạnh: “Mùa hè cháy rực, nước ở các con suối
khô rang tới giọt nước cuối cùng. Lúc này, toàn mặt trận nóng rực bởi việc thiếu nước. Thiếu gạo có thể ăn độn cơm với khoai sắn, có thể nhịn đói một, hai ngày cũng được, nhưng hết nước là nguy ngập, là chết. Hàng trăm đơn vị làm nhiệm vụ thông đường khẩn cấp điện về mặt trận chi viện nước uống. Chị em còn cực hơn, nước uống đã khó, nước sinh hoạt còn ngặt nghèo hơn nhiều. Đêm, chị em nằm khát không ngủ được, mò mẫm xin nhau từng giọt nước dữ trữ trong bi đông”. Đó
có thể là những trận mưa bom bão đạn; sự cần cù, quyết tâm, anh dũng, quả cảm của những người lính sửa đường, thông đường đã được nhà văn tô đậm, phóng đại:
“Đêm trọng điểm nhàu nát trong ánh pháo sáng, trong tiếng nghiến ken két của xe xích ủi đất, trong tiếng thở hồng hộc của hàng trăm chiến sỹ đang vá đường, trong tiếng rít điên cuồng của động cơ máy bay, trong tiếng đất đá bay rào rào như gió lốc sau mỗi đợt bom nố”; “Nụ ngắm đá. Nụ ngắm những vệt đá bị chẻ dọc,lẹm vào vách núi, mở bên bờ vực những con đường cheo leo, chạy vòng qua vòng lại quanh những sườn núi, tưởng như đó là công trình làm ra từ những phương tiện máy móc hiện đại, không phải từ bàn tay con gái”. Sự hy sinh cũng được nhà văn tô đậm nhấn mạnh nhằm khắc họa tội ác man rợ do chiến tranh gây ra và cũng để ca ngợi sức mạnh phi thường, bất khuất của người lính chiến trường xưa: “Trăm ngàn hố
bom đen lòm, lố nhố ken dày nhau như những hố huyệt ở nghĩa trang. Bá rùng mình. Những bóng áo xanh của thanh nhiên xung phong ẩn hiện sau những hố bom, sau những gốc cây cháy cụt, sau những mỏm đá… Bá nghe nói, mỗi ngày trọng điểm này hy sinh vài chục chiến sỹ. Cứ vài ngày thì lại bổ sung. Bổ sung xong, vài ngày lại hy sinh, lại bổ sung, lại hy sinh. Ai ra mặt đường đều phải làm lễ truy điệu sống”; “Nham nhở trên những cung đường ra trận, muôn vạn mũi vá bằng xẻng cuốc, bằng máu, bằng tuổi 20. Tuổi 20 xuyên qua những cung đường, xuyên qua cái chết, nối nhau trăm ngàn tuổi 20 thành những sợi chỉ, vá đường, nối đường, buộc đường”.