Một không gian đậm chất tráng ca

Một phần của tài liệu Cái bi tráng trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh (Trang 83 - 87)

1. Nguyên tắc lý tưởng hóa – xây dựng tượng đài

1.2.3.1. Một không gian đậm chất tráng ca

Ba tiểu thuyết đã mở ra những không gian có tính chất cao rộng, to lớn, hoành tráng, khoáng đạt để phù hợp với tầm vóc, hành động của những người anh hùng, của những con người tuyệt đẹp và bất tử. Đến lúc này, không gian hẹp, nhỏ xinh của gia đình, ngôi nhà, bếp lửa… đã không còn đủ sức hàm chứa những điều lớn lao và phi thường. Không gian có độ mở, cao rộng, hoành tráng là không gian nghệ thuật dành riêng cho những hành động cao cả, cho những bản anh hùng ca đời đời vang vọng mãi.

Không gian bao la, rộng lớn đã xuất hiện trong tác phẩm Đỉnh máu là không gian của dãy núi Sơn Gà – một dãy núi dài và cao, bao lấy làng Hà Nhì và quận l Thượng Đức và đỉnh 1062 chưa phải là nơi cao nhất của dãy Sơn Gà nhưng lại là nơi quan trọng nhất để triển khai các trận đánh. Vì thế, kẻ địch luôn tìm mọi cách để chiếm lấy đỉnh 1062. Chính tại đây, nhiều cuộc giao tranh giữa ta và địch xảy ra ngày đêm; cuộc sống và sự chiến đấu của quân ta gặp nhiều khó khăn vì do địa hình rộng lớn, dàn trải của dãy Sơn Gà. Và cũng từ đó đã xuất hiện nhiều anh hùng dám hy sinh thân mình để quyết tâm bảo vệ chốt, bảo vệ sự sống cho đồng đội và cũng chính là để bảo vệ cho tổ quốc khỏi bị giày xéo của quân xâm lược Mỹ. Nhân vật Hinh và tư thế hy sinh của anh được đặt trong không gian có độ mở, cao rộng, đó là điểm cao 1062 tại một khu rừng: “Xung quanh 1062 còn bốn mỏn đồi khác, tạo

thành thế liên hoàn có thể hỗ trợ được nhau khi xảy ra xung đột. Lên được các mỏm đồi lúc bình thường đã là quá với sức con người. Dốc cao thăm thẳm. Các chóp núi là nơi tụ hội mơ màng của mây trời”. Việc đặt nhân vật vào không gian rộng lớn,

cao và bao la như vậy chính là để tạo ra sự ngưỡng vọng, chiêm ngưỡng, ngợi ca, bái phục. Hinh đã đơn độc chống trọi với bọn địch, quyết tâm chiến đấu hết sức mình để bảo vệ sự an toàn cho đồng đội mình, làm cho bọn địch không thể bắt sống được mình vì thế chúng đã chĩa súng vào cả Hinh và Ngọc, từ bỏ ý định bắt sống anh: “Thôi đành, chúng chĩa súng vào hai mục tiêu lộ diện đồng loạt nổ súng. Đạn

AR 15 găm đầy người Hinh, đạn AR quật ngã Ngọc trên sườn đồi”. Sự hy sinh của

Hinh là sự hy sinh tự nguyện, hy sinh để giành phần thắng cho đồng đội của mình vì thế sự hy sinh của Hinh đã trở thành bất tử, là bản trường ca sẽ mãi vang vọng trong trái tim của triệu con người Việt Nam bây giờ và mãi mãi mai sau. Không gian có độ mở, sôi động, hào hùng còn hiện ra ở đoạn kết của tác phẩm này. Sư đoàn 304 nhận điện của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là phải đánh ngay vào sân bay Đà Nẵng. Vì thế, sư đoàn 304 cùng với các cánh quân khác đông đảo đang hùng dũng tiến về Đà Nẵng. Không gian như vỡ òa, rung động trong dòng người tiến vào đánh chiếm sân bay Đà Nẵng, tạo cơ hội để đánh thẳng vào Sài Gòn, chiếm dinh Độc Lập, giải phóng đất nước: “Trên đường hành quân, Sư đoàn nhận được

điện của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn: “Phải đánh ngay sân bay Đà Nẵng, lúc này mọi sự chậm trễ đều có tội”. Tới lúc đó, mọi người mới vỡ lẽ: Thời cơ đang đến, vận nước đang đến. 12 giờ trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn đã cùng các cánh quân khác như những dòng sông ào ào tụ về biển lớn: Đà Nẵng”.

Trong nhiều con đường Trường Sơn thì đường ống xăng dầu được ví như một kì tích, một bản anh hùng ca bi tráng. Cho đến hôm nay, sau nhiều chục năm chiến tranh, con đường của lửa và máu này vẫn là niềm kiêu hãnh của Việt Nam và là điều khó hiểu của giới nghiên cứu quân sự Mỹ. Tập tiểu thuyết tư liệu Dòng sông

mang lửa của Hồ Sĩ Hậu phần nào lí giải được những bí ẩn đó. Với 626 trang sách,

công phu như một công trình bằng ngôn ngữ văn học, một bức tranh lớn có thể nói là khá chính xác dưới góc nhìn của tác giả, đã hiển hiện cho người đọc một không gian chiến tranh nhiều mầu sắc, bề bộn những gì ác liệt nhất, khó khăn nhất, anh hùng nhất, bi thương nhất, và khá chân thật.

Trong tiểu thuyết này, không gian bao la, rộng lớn được hiện lên là không gian tại các địa điểm xây dựng tuyến ống xăng dầu. Đó là không gian rộng, bao la của sông Lam, sông Trà Ang, sông Sê Bang Hiêng, hang Dơi… không gian bao la của rừng Trường Sơn. Thiết kế và thi công đường ống xuyên qua những cánh đồng thì đơn giản, nhưng luồn dưới sông, vắt theo độ cao lên núi, hoặc bắt buộc vượt qua trọng điểm thì vô cùng phức tạp và ác liệt. Họ thường xuyên gặp các bãi bom, có chỗ lần từng bước trong rừng rậm để tránh mìn lá, mìn vướng. Họ đối mặt với những trận bom như cơm bữa. Nhiều sự hy sinh anh dũng: rơi xuống vực hy sinh, hy sinh khi bom từ trường bỗng nhiên phát nổ, hy sinh trong biển lửa khi kho trạm bị đánh bom. Có tổ khảo sát sử dụng tấm bản đồ đẫm máu đồng đội. Những năm tháng ác liệt này nhiều sĩ quan trẻ như Quang, Ngọc, Thục, Đỉnh và nhiều người khác được kể và viết lại trong cuốn tiểu thuyết này thật sự là những người anh hùng. Nhân vật Quy và tư thế hy sinh của anh được nhà văn đặt trong một không gian rộng lớn là trạm bơm B5 trong rừng Trường Sơn: “Trạm bơm B5 được làm khá

đẹp. Bốn trụ gỗ là những thân cây đường kính tới ba mươ phân. Giàn mái được ken bằng những đoạn cây đều tăm tắp, đổ đất dày ba mươi phân để chống bom bi. Nhà

văn đặt nhân vật Quy vào không gian rộng, đẹp đó nhằm tạo sự ngưỡng vọng, ngợi ca, bái phục. Tại trạm bơm B5, sau khi bị trúng bom, đứt tuyến ống; Quy đã cùng với anh em đã không quản ngại khó khăn để chạy ra chỉnh ống vào vị trí, thay ngoàm và siết ốc. Công việc gần xong, chiếc Tàu Càng của địch quay lại và vo ve trên trời; Quy và anh em đã núp vào một cái hầm chữ A đào sẵn và: “Khi họ vào

hầm rồi, bỗng chỗ Quy đứng phun lên một luồng xăng hình dẻ quạt. Xăng tưới lên người Quy ướt sũng từ mái tóc đến bộ quần áo trên người, đôi giày vải dưới chân”.

Quy không quản ngại thử thách đó, mà anh đã “cố hết sức siết chặt các con ốc. Cái

dẻ quạt thu nhỏ lại dần”. Giữa lúc đó, một loạt bom bi nổ, Quy đã thành một khối

lửa sống; thi thể anh là một khối đen như than. Quy hy sinh vì lo cho sự an nguy của tuyến ống và sự an toàn cho đồng đội mình; vì lẽ đó, sự hy sinh anh dũng, quả cảm của Quy đã trở nên bất tử; tạo sự ngưỡng vọng, ngợi ca, tự hào của các thế hệ con cháu Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau.

Không gian bao la, rộng lớn hiện lên trong tiểu thuyết Cát trọc đầu là không gian của chiến tranh, không gian tại trọng điểm, nơi mà tiểu đội của Nụ và Xuân cùng biết bao người chiến sỹ đang ngày đêm sống trong bom đạn, đương đầu với cái chết. Trọng điểm đó được mở ra trước mắt người đọc qua ngòi bút của nhà văn là một không gian dữ dội, đầy ám ảnh, đầy tính bi tráng qua cảm nhận của Nụ:

“Mặt trời đã chếch xuống, những tia nắng len lỏi qua những ke núi, quyét từng đường ánh sáng xuống trọng điểm, khói vương lên hiện rõ ràng qua từng đường nắng, hiện ra một bức tranh thật đẹp, hùng vĩ, một bức tranh được vẽ bằng máu, bằng sự khốc liệt, bằng những vết thương lở lói của con đường, bằng những giọt mồ hôi chảy miết trên tấm áo xanh đã bạc màu của các chiến sỹ gái, bằng những gương mặt các cô đỏ hồng trong ánh sáng nắng, ánh mắt long lanh và mạnh mẽ, bằng những tiếng cười rất trong, tiếng hát át cả nguy hiểm, mệt nhọc, tiếng cười át nguy hiểm, mệt nhọc, tiếng cười như thang thuốc cuối cùng để con đường mãi mãi sống trong bom đạn, trong hiểm nguy”. Không gian chiến tranh tại trọng điểm đó,

ngày đêm ùng oàng tiếng súng nổ, bom rơi, đạn lạc – những điều khốc liệt mà bất cứ cuộc chiến tranh phi nghĩa nào cũng có: “Những tiếng bom nổ như xé ruột. Con

đường trùm trong lửa và khói đen đặc”; “Cùng lúc đó máy bay nhào tới, những loạt bom nổ cháy rực dọc cái ngầm dưới đoạn con đường vào cua tay áo”. Không

gian bao la của chiến trận tại rừng Trường Sơn đó bủa vây những người lính, hủy diệt cuộc sống của họ; tuy vậy, không gian đó đã làm xuất hiện những người anh hùng, những con người tuyệt đẹp và bất tử. Họ đã ngày đêm vùi mình trong mưa bom, đạn bão để vá đường, để thông đường cho mọi chuyến xe qua trọng điểm được an toàn: “Đêm trọng điểm nhàu nát trong ánh pháo sáng, trong tiếng nghiến

ken két của xe xích ủi đất, trong tiếng thở hồng hộc của hàng trăm chiến sỹ đang vá đường, trong tiếng rít điên cuồng của động cơ máy bay, trong tiếng đất đá bay rào rào như gió lốc sau mỗi đợt bom nổ”. Họ đã bất chấp hy sinh, bất chấp tất cả để

hoàn thành nhiệm vụ được giao, để giành độc lập cho dân tộc, vì thế họ đã trở thành bất tử trong trong lòng mỗi con dân Việt Nam bây giờ và mãi mãi mai sau: “Máy

bay. Và bom. Cả tiểu đội lại phơi lưng giữa mưa bom để giành giật với máy bay từng đoạn đường… Bom nổ buốt tai. Đá rơi như mưa. Mặt đất rung chuyển. Một chiến sỹ gái trúng bom ngã vật qua người Bá, máu òa ra cả người Bá, òa chảy xuống đất”.

Một phần của tài liệu Cái bi tráng trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh (Trang 83 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)