Vướng mắc trong vấn đề tạm ngừng cấp dưỡng

Một phần của tài liệu Một số vấn đề cấp dưỡng trong trường hợp li hôn (Trang 36 - 38)

2. Thực tiễn giải quyết các trường hợp cấp dưỡng khi li hôn

2.3.Vướng mắc trong vấn đề tạm ngừng cấp dưỡng

Tại Điều 54 Luật HN&GĐ 2000 quy định “…các bên có thể thoả thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghiã vụ cấp dưỡng, nếu không có thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết” .

Theo như quy định trên thì khi vợ hoặc chồng nếu gặp khó khăn về kinh tế thì có thể thoả thuận với nhau, hoặc nhờ Toà án giải quyết tạm ngừng cấp dưỡng. Quy định này của pháp luật hôn nhân và gia đình với mục đích nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ cho con có tính khả thi hơn. Cuộc sống thường không như mong muốn của con người, không ai có thể nói trước và chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ gặp bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống. Khó khăn mà họ gặp phải có thể do bản thân họ tạo ra hoặc cũng có thể do yếu tố khách quan đem lại. Ví dụ: anh V đang làm ăn phát đạt thì không may có bão to làm hư hỏng các cơ sở vật chất khiến anh không thể giao hàng kịp thời dẫn đến việc anh lâm vào hoàn cảnh khó kkhăn về kinh tế. Nhưng việc tạm ngừng cấp dưỡng lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người được cấp dưỡng, vì như thế có nghĩa là trong một thời gian sắp tới người được cấp dưỡng sẽ không nhận được sự trợ cấp từ phía người được nghĩa vụ cấp dưỡng để đảm bảo cuộc sống cho mình.

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp xin tạm ngừng cấp dưỡng với lí do “khó khăn về kinh tế” quả thực có trường hợp khó khăn thật sự nhưng cũng có trường hợp trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, đùn đẩy việc thực hiện nghĩa vụ đó cho người khác, còn bản thân họ thì có thời gian và tiền của để làm những việc riêng mang lại lợi ích cho họ, vô tâm trước cuộc sống của người được cấp dưỡng.

Luật HN&GĐ năm 2000 tuy có quy định về việc “tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ lâm vào hoàn cảnh khó khăn” nhưng lại không đưa ra các quy định cụ thể thế nào là “khó khăn về kinh tế” và cũng không quy định khi nào thì thời gian bắt đầu tạm ngừng cấp dưỡng cũng như

thời gian tạm ngừng cấp dưỡng chấm dứt, điều đó khiến cho Toà án lúng túng khi giải quyết yêu cầu tạm ngừng cấp dưỡng.

Ví dụ: Chị Lê Thị H và anh Bùi Văn T đã li hôn năm 2004. Trong quyết định li hôn chị H được tạm hoãn cấp dưỡng nuôi con vì chị hiện đang khó khăn về kinh tế (do chị làm ruộng). Và trong quyết định lúc ấy không nói rõ thời gian bắt đầu cũng như thời gian chấm dứt việc tạm hoãn cấp dưỡng. Sau 2 năm tức là năm 2006 anh T nhiều lần đề nghị chị H cấp dưỡng nuôi con, vì anh cho rằng chị H không còn khó khăn về kinh tế nữa biểu hiện: chị H có xe máy đi, trong nhà lại có rất nhiều đồ dùng mới như ti vi, tủ lạnh… nhưng chị H một mực nói rằng chị hiện vẫn đang khó khăn về kinh tế, tất cả những tài sản anh T nhìn thấy đều do người bà con xa của chị gửi về tặng cho khi thấy chị gặp cảnh khó khăn, túng thiếu.

Toà án huyện T Tỉnh T sau khi điều tra xác nhận đúng là số tài sản hiện có của chị H do người bà con xa gửi về tặng cho còn bản thân chị H với nghề làm ruộng thu nhập chưa ổn định kinh tế vẫn chưa thoát khỏi cảnh khó khăn vì vậy Toà đã ra quyết định cho chị H tạm ngừng cấp dưỡng nuôi con

Theo Khoản1 Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ - CP ngày 30/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định : “ Người có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại các điều 51, 52, 53 Luật HN&GĐ là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”.

Căn cứ vào quy định trên, Toà án huyện T Tỉnh T đã sai lầm trong việc đưa ra quyết định cho chị H tiếp tục tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.Mặc dù với nghề làm ruộng chị H có khó khăn về kinh tế điều ấy là có thật, nhưng trong vòng 2 năm, chị H đã nhận được những món quà giá trị từ phía người bà con xa gửi tặng cho. Những món quà có giá trị đó được coi là tài sản của chị H và được tính là khoản “ thu nhập không thường xuyên”. Nghề làm ruộng cùng với khối lượng tài sản có giá trị đó chị H không được coi là người “ không có khả năng thực tế ” để được “ tạm hoãn” cấp dưỡng nuôi con. Trong trường hợp

này chị H phải thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con, thời gian “ tạm hoãn ” cấp dưỡng nuôi con chấm dứt. Đồng thời tự bản thân chị H cũng phải thấy rằng chị nên thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cùng anh T, không cần anh T yêu cầu, bởi lẽ khi li hôn biết chị H gặp khó khăn anh T đã đồng ý cho chị H tạm hoãn cấp dưỡng nuôi con, vì thế mà khi có điều kiện chị H nên tự động thực hiện trách nhiệm đã bị “ tạm hoãn” của mình cùng với anh T trợ cấp nuôi con, như thế sẽ hợp với đạo lí trách những điều làm tổn thương con trẻ.

Luật HN&GĐ năm 2000 cùng văn bản hướng dẫn không quy định rõ thế nào là khó khăn về kinh tế để được xin tạm hoãn cấp dưỡng đồng thời không quy định thời gian bắt đầu, kết thúc tạm hoãn cấp dưỡng điều đó gây ra những bất lợi cho người được cấp dưỡng cũng như người trực tiếp nuôi người được cấp dưỡng, mà trong trường hợp vợ chồng li hôn người con sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều hơn cả. Phải có một mốc thời gian nhất định để người đang khó khăn về kinh tế phải tự thúc giục bản thân “ cố gắng” thoát khỏi khó khăn để thực hiện trách nhiệm của mình, đồng thời nhằm trách những bất lợi không đáng có cho người được cấp dưỡng.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề cấp dưỡng trong trường hợp li hôn (Trang 36 - 38)