TNDS do xâm phạm quyền tác giả được chia thành hai loại trách nhiệm, TNDS trong hợp đồng và TNDS ngoài hợp đồng. Hai loại TNDS này có nhiều điểm khác nhau, trong đó điều kiện áp dụng TNDS cũng khác nhau. Đối với TNDS trong hợp đồng, khi hợp đồng được giao kết, các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ những cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu một bên không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ là bên đó đã vi phạm hợp đồng và phải chịu TNDS do các bên thỏa thuận. Hai bên có thể dự liệu và thỏa thuận trước về những chế tài để áp dụng khi vi phạm hợp đồng và cách thức chịu trách nhiệm như bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm. Trong khi đó, đối với TNDS ngoài hợp đồng, căn cứ xác định trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại, lỗi và chủ thể thực hiện hành vi vi phạm phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
* Có hành vi xâm phạm
Có hành vi xâm phạm là điều kiện tiên quyết xác định một chủ thể (cá nhân, tổ chức…) có bị áp dụng TNDS hay không. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm hành vi xâm phạm quyền nhân thân và hành vi xâm phạm quyền tài sản, được quy định tại Điều 28 Luật SHTT. Căn cứ vào Điều 28 này, chủ thể quyền có thể nhận biết được hành vi của cá nhân, tổ chức khác có xâm phạm quyền tác giả của mình hay không. Các vấn đề về các dạng hành vi xâm phạm quyền tác giả được Luận văn nêu và phân tích cụ thể
tại mục 2.1.3 trong luận văn này.
* Lỗi
Trong khoa học pháp lý, lỗi được hiểu là yếu tố chủ quan nói lên thái độ tâm lý của con người có khả năng đánh giá và nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và hậu quả của hành vi đó; hay nói cách khác lỗi là trạng thái ý thức của con người nhận thức được hành vi của mình và hậu quả do
trong những điều kiện cần thiết để áp dụng TNDS và có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định mức độ trách nhiệm bồi thường.
Trong luật dân sự cũng giống với luật hình sự khi có sự phân biệt tính chất và mức độ lỗi để thể hiện mức độ vi phạm của chủ thể vi phạm. Theo đó, lỗi chia làm hai loại: Lỗi vô ý và lỗi cố ý.
Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Lỗi vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được [21, Điều 308, Khoản 2].
Vì vậy, có những trường hợp xảy ra ngoài ý chí mong muốn của người có hành vi trái pháp luật như: bão, lụt do thiên tai hoặc những trở lực khách quan khác mà con người không có khả năng để khắc phục. Do đó, tuỳ từng hoàn cảnh điều kiện cụ thể mà có thể giảm hoặc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người có hành vi trái pháp luật trên cơ sở xác định lỗi.
Tuy nhiên, cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
Đối với quyền tác giả, lỗi của người vi phạm chủ yếu là lỗi cố ý. Cố ý in sách, phát hành sách, cố ý sao chép băng đĩa, sao chép phần mềm… mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Cố ý nêu sai tên tác giả, thay đổi tên tác phẩm, thay đổi hình thức thể hiện tác phẩm. Riêng một số hành vi xâm phạm quyền tác giả, bắt buộc lỗi phải là cố ý: Hành vi giả mạo, hành vi
cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình; cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm. Tuy nhiên, hành vi xâm phạm quyền tác giả vẫn có thể xảy ra trường hợp lỗi vô ý. Ví dụ, một chủ cửa hành sách ở phố A cho biết: Chị nhập sỉ các đầu sách mỗi lần mấy trăm cuốn cho nên không thể kiểm soát được việc sách lậu trà trộn với sách thật trong lô hàng. Hành vi này khác nào tiếp tay cho những kẻ in sách lậu. Hành vi đó bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Lỗi của
chủ cửa hàng là lỗi vô ý [15, tr.44-45].
* Chủ thể xâm phạm
Hiểu theo cách chung nhất, chủ thể xâm phạm có thể là cá nhân hay tổ chức, đó là những cá nhân hay tổ chức dựa trên cơ sở sự thỏa thuận đối với cá nhân, tổ chức khác hoặc trên cơ sở các quy phạm pháp luật mà tham gia vào các quan hệ pháp luật, trở thành người mang các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể. Theo đó, chủ thể có hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể là cá nhân, tổ chức vi phạm hợp đồng đã ký với chủ thể quyền của quyền tác giả hoặc không ký hợp đồng, nhưng có hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật SHTT nên phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi được quy định tại Điều 202 Luật SHTT.
Nếu chủ thể xâm phạm quyền tác giả là cá nhân thì phải có năng lực
hành vi dân sự. Theo BLDS năm 2005 thì: “Năng lực hành vi dân sự của cá
nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự” [21, Điều 17]; đồng thời, tại BLDS cũng quy định: “Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự” [21, Điều 21] và
BLDS khẳng định: “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ
trường hợp quy định tại Điều 22 (người mất năng lực hành vi dân sự) và Điều 23 (người hạn chế năng lực hành vi dân sự” [21, Điều 19]. Như vậy, người
có năng lực hành vi dân sự phải là người có đủ tư cách chủ thể, toàn quyền tham gia vào quan hệ dân sự với tư cách là chủ thể độc lập và tự chịu trách nhiệm về những hành vi do họ thực hiện. Trường hợp, nếu một em bé dưới sáu tuổi, có hành vi vẽ lại một bức tranh nào đó trong sách rồi ghi tên mình, gửi đi dự thi trong một cuộc thi tài năng nào đó dành cho các bé mẫu giáo thì em bé đó có phải chịu trách nhiệm dân sự do đã có hành vi “chép tranh” đó không? Theo tác giả luận văn, em bé đó không phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý nào vì em không có năng lực hành vi dân sự. Do đó, khi chủ thể có hành vi vi phạm quyền tác giả là cá nhân, trước hết phải xác định xem chủ thể vi phạm đó đã có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hay chưa, từ đó mới có thể xác định được TNDS của cá nhân đó.
Ngoài ra, riêng đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả, ngoài các điều kiện áp dụng như trên (gồm chủ thể xâm phạm, hành vi xâm phạm và yếu tố lỗi) thì trách nhiệm này phát sinh phải có thêm điều kiện là có thiệt hại thực tế và sự thiệt hại này là hệ quả của hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả nói riêng, việc xác định thiệt hại được coi là tiền đề quan trọng, là điều kiện đầu tiên để xác định áp dụng TNDS. Phạm vi của trách nhiệm bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào thiệt hại thực tế đã xảy ra. Đó là những tổn thất thực tế, tồn tại khách quan và ai cũng phải thừa nhận. Các nguyên tắc xác định thiệt hại và các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 204 và 205 của Luật SHTT.
Bên cạnh đó, quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm quyền tác giả và thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong việc quy kết trách nhiệm bồi thường
thiệt hại. Do vậy, khi xem xét và đánh giá mối quan hệ nhân quả cần phân biệt nguyên nhân với điều kiện, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Chỉ khi nào xác định được rõ ràng rằng hành vi xâm phạm quyền tác giả của cá nhân, tổ chức đã làm phát sinh thiệt hại thực tế, thì người đó mới phải chịu trách nhiệm bồi thường.